Chương 29: Ba mươi Tết
“Thế rốt cuộc tại sao mày lại giúp anh ta?” Quỳnh Chi nhìn qua nhìn lại đống vết thương trên cơ thể tôi, cau mày chất vấn.
“Cái này thì, thật sự là hơi khó giải thích.” Tôi tránh ánh mắt của Chi, thầm cầu nguyện nó sẽ không cho rằng tôi còn thích anh Duy.
“Đừng nói là mày… Vẫn chưa hết lụy nhé?”
Đời không như là mơ mà.
“Không. Người ấy bây giờ còn chả xứng để tao lụy cơ.” Tôi phủ nhận ngay trước khi Chi kịp nói thêm điều gì.
Nó nghĩ sao chứ, cơ thể xinh đẹp tuyệt trần của tôi vì ai mà bị thương? Kết quả học tập của tôi vì ai mà giảm sút? Bây giờ nhìn mặt anh Duy là máu nóng tôi sục sôi ngay rồi, lụy cái nỗi gì nữa, tôi chỉ tiếc là chưa thể đấm anh ta một phát cho bõ ghét thôi.
Việc tôi bênh anh Duy thật ra không liên quan gì đến anh ta cả, chẳng qua tôi ghét cái lũ nhân phẩm tồi tàn, sống chỉ để chờ lúc người ta đang trên đà sụp đổ rồi lao vào cắn xé như thật đấy nên mới thay đổi tình tiết một tí cho đỡ gai mắt ấy mà.
Tóm lại là, tôi giúp người, và vô tình người đó lại chính là anh Duy, tôi không biết gì hết, đơn giản vậy thôi.
“Linh à, mày lớn thật rồi. Tao cảm động quá.” Quỳnh Chi lấy vài mẩu giấy ra giả vờ chấm nước mắt.
“Tha cho tao, về giùm đi, mày ở nữa là tao ói ra đây thật đấy.” Tôi đẩy nó ra xe, vẫy tay chào tạm biệt rồi đóng cửa ngay.
Sài Gòn ngày Tết, đường xá bỗng chốc trở nên thật vắng vẻ, các khu phố chỉ còn lại màu đỏ của ngọn cờ Đảng và cờ Tổ Quốc bao trùm. Chỉ mới ba mươi, nhưng từng ngóc ngách của thành phố đều đã được nhuộm bởi những sắc hồng, sắc vàng rực rỡ của hoa mai, hoa đào xen lẫn trong bầu không khí đầm ấm đặc trưng của ngày Tết.
Tết Nguyên Đán là dịp để những người con, người cháu đoàn tụ với các bậc cha mẹ, là dịp để người ta quây quần bên nồi bánh chưng, bên bữa cơm gia đình tràn ngập niềm vui và tiếng cười.
Đó là những gì tôi đúc kết được sau gần mười năm đi học thôi, chứ tôi không biết nó như nào đâu. Ngẫm lại thì, sau hơn mười sáu năm tồn tại trên đời, hình như tôi vẫn chưa được nếm thử cảm giác ăn Tết cùng gia đình thì phải. Bởi vì, gia đình tôi lúc nào cũng là bố mẹ Hà Nội, con Sài Gòn mà. Từ trước đến giờ, hình như tôi vẫn luôn trải qua kì nghỉ lễ hai tuần này một mình, trong một căn chung cư rộng lớn, với một cái Tivi và đống đồ ăn vặt.
Sao nghe cô đơn thế nhỉ.
Thôi năm nay mua đồ về trang trí cho đỡ nhạt vậy.
Nghĩ là làm, tôi bật dậy khoác áo, đeo giày rồi chạy ra khỏi nhà luôn.
Tết chào Sài Gòn bằng một vài ngày se lạnh hiếm hoi, không khí dễ chịu và mát mẻ đến mức không tưởng. Tôi ngắm nhìn từng con hẻm, Sài Gòn ngày Tết lạ thật đấy, không chật ních kín người như ngày thường, mà vắng vẻ và yên bình một cách khó hiểu.
Có lẽ đến tận những dịp lễ ngắn ngủi như thế này, người ta mới có thể dành thời gian cho bản thân, tập trung hít thở bầu không khí trong lành, tận hưởng những ngày xuân trong trẻo, thả lỏng cơ thể để cho lòng mình được thư giãn chút ít sau một khoảng thời gian dài miệt mài vì cuộc sống.
Sài Gòn lúc nào cũng bận rộn, nay lại quá đỗi thảnh thơi.
Tôi đi tìm mười quán thì hết chín quán đóng cửa. Không cần ai trách, tôi cũng tự thấy mình đúng là một đứa rảnh rỗi sinh nông nổi, cứ phải đè ngay ba mươi Tết mới chịu lết xác ra khỏi nhà.
Tôi bước khỏi xe, định đi bộ thêm một đoạn nữa rồi về nhà luôn, vì với tình hình này thì tôi đoán tôi cũng chẳng mua được gì đâu, nhưng bỗng nhiên trong khoảnh khắc ấy, tôi lại nhìn thấy một quả táo.
Tôi nhặt lên, ngó xung quanh, rồi phát hiện ra một người phụ nữ đứng tuổi. Cô ấy đứng dưới tòa chung cư cao tầng, bối rối nhìn tấm giấy mỏng manh trước mắt, chắc chắn cô ấy không phải người ở đây rồi. Và thế là, lòng nhân ái trong tôi đột ngột trỗi dậy, nó không cho phép tôi ngó lơ trường hợp này.
“Cô ơi, cô có cần giúp đỡ không ạ?” Tôi lễ phép hỏi.
“À, cô cảm ơn. Cô không sống ở đây nên không có thẻ cư dân, cô tính gọi người xuống đón nhưng gọi không được, con gọi thử số điện thoại này giúp cô với.” Người phụ nữ đưa mẩu giấy cho tôi.
Tôi nhập từng con số vào màn hình điện thoại, nhưng càng nhập lại càng thấy quen. Cuối cùng, sau khi đã hoàn tất việc điền số, tôi không khỏi cau mày khi nhìn thấy cái tên được hiển hiện trên màn hình.
[Anh Duy.]
Trùng hợp thật đấy, liên lạc này có trong danh bạ của tôi, không chỉ thế, còn là một liên lạc rất quen thuộc. Tôi bấm gọi, thầm hi vọng anh ta không chặn số mình.
“Số máy quý khách vừa gọi hiện không thể liên lạc được…”
Đồ đi*n.
“Cô đợi con một xíu, người nhà cô ở tầng bao nhiêu vậy ạ?”
“À, tầng hai ba con.”
Tôi tiến tới quầy lễ tân, làm một vài giao dịch đơn giản rồi cầm lấy chiếc thẻ cư dân, sau đó xách dùm cô túi táo rồi dẫn cô vào thang máy.
“Đồ của cô đây ạ.” Tôi ngập ngừng, “Cô cứ bấm chuông nhé, con về trước đây ạ.”
Sau khi người phụ nữ nhận túi táo về tay mình, tôi mới cúi đầu, mỉm cười với cô thay cho câu chào rồi vội vã quay vào trong, không chờ cô đáp lại. Chẳng phải vì tôi đang có việc gấp gì đâu, đơn giản vì, tôi không muốn ngày ba mươi tuyệt vời của tôi sẽ bị phá hỏng khi bất ngờ gặp mặt ai đó thôi.
Tiếng chuông cửa vang lên, tôi chắp tay thầm cầu mong anh ta đừng mở cửa ngay lúc này.
Và tất nhiên, cuộc đời không bao giờ buông tha cho tôi.
“Sao dì ra ngoài mà không gọi con dậy? Điện thoại con hết pin rồi.” Anh ta bước ra khỏi nhà, lập tức nhận ra tôi chỉ qua một cái nhìn, “Ơ, Linh?”
Xui thật, tôi không chạy đua nổi với thời gian rồi.