Chương 25
Ta vẫn còn thương nhớ, mà người đã thờ ơ [25]
…
Hoàng hậu nhân từ lệnh cho tất cả mọi người bình thân. Ta nẫu nề nhìn theo bóng lưng của Hoàng thượng và Hoàng hậu, một uy phong lừng lẫy, một yểu điệu dịu dàng, sánh bước bên nhau thật đẹp đôi. Ta và chàng đã kết tóc se duyên. Ta đã sinh con cho chàng. Nhưng bây giờ, người ở bên chàng lại chẳng phải ta. Đau lòng nhất không phải là khi chia xa, đau lòng nhất là khi trái tim ta vẫn còn bóng hình chàng, nhưng ta buộc phải công nhận rằng nàng ấy thích hợp ở bên chàng hơn ta.
Những lời nói ngọt ngào năm xưa chàng thủ thỉ bên tai ta, chàng có gửi tặng cho nàng ấy? Chiếc ôm ấm áp của chàng, nụ hôn nóng bỏng của chàng, và cả nụ cười ma mị năm đó, phải chăng tất cả đã là của nàng ấy? Nhìn thấy chàng nắm tay ai kia, đỡ người ta đi lên thuyền, ta thú thực có chút ghen tị. Giá như ta có thể thay thế vị trí của nàng ấy, đứng trên chiếc thuyền đó cùng chàng thì tốt biết mấy. Giá như ta có thể nói cho chàng biết những gì đẹp đẽ nhất trong cuộc đời ta đều chỉ trao cho duy nhất một mình chàng. Nếu như người lừa dối chàng không phải là người có công ơn nuôi nấng ta và những người thân của ta không hề liên luỵ tới vụ việc ngang trái đã qua, thì có lẽ, ta đã có thể hét lên thật to rằng:
– Vô Ưu! Tứ Tứ nhớ chàng!
– Vô Ưu! Đừng thương người khác! Tứ Tứ không muốn!
Vô Ưu… có còn thương Tứ Tứ không? Chàng… liệu có còn là Vô Ưu của ta nữa không? Hình như không đâu. Chàng đã trở thành quân vương của một nước rồi. Thê tử của chàng là Hoàng hậu. Hai người đi thuyền thưởng ngoạn phong cảnh non xanh nước biếc một lát rồi nghỉ ngơi tại quán trà đào nằm giữa hồ. Dân chúng hiếu kỳ đứng ngó nghiêng rất đông ở ven hồ. Hoàng hậu hiền thục, nàng không hề thấy khó chịu vì đám đông, ngược lại, thi thoảng còn nhìn về phía bọn ta mỉm cười. Bỗng dưng, có một cậu nhóc chỉ vào ta rồi hét lớn:
– Bu ơi! Bu! Có cô tiên nữ giáng trần kìa! Cô tiên nữ đẹp quá xá luôn à bu ơi!
Ta chợt phát hiện ra khăn che mặt của mình đã bị rơi mất. Đàn ông có người trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp của ta, có người trêu ghẹo đùa cợt, cũng có người ngây ngất chẳng nói lên lời. Đàn bà nhiều người tỏ vẻ khó chịu. Ta tự dưng trở thành tâm điểm. Sự chú ý của mọi người đều đổ dồn lên gương mặt của ta thay vì hai người đang ngồi ở quán trà đào kia. Hoàng hậu khẽ nhíu mày, nhưng nàng rất nhanh đã lấy lại được vẻ thanh cao. Nàng nhìn Hoàng thượng trìu mến rồi dịu dàng rót trà cho phu quân. Sắc mặt Hoàng thượng lạnh như băng trên núi cao. Có một hiệp khách ngỏ ý tốt muốn muốn hộ tống ta về phủ để tránh đám đông thị phi. Thế nhưng, hắn vừa dứt lời, ta liền thấy có chiếc chén phi thẳng vào cái trán rô của hắn khiến nó sưng tím. Người có thể xuất chiêu nhanh gọn, dứt điểm, khiến hiệp khách trở tay không kịp chắc chắn là cao thủ. Ta còn chưa kịp đoán vị cao thủ đó là ai thì đã nghe thấy giọng nói hết sức quen thuộc của Ngọc Trí:
– Tứ cô nương! Đã lâu không gặp! Ta hỏi khí không phải chứ cô nương có còn nhớ vị cao thủ tát không trượt phát nào này không?
– Sao có thể quên?
Ta hỏi đểu. Ngọc Trí kênh kiệu bảo:
– Thế Tứ cô nương đã biết tin “ngừi tơ” được thăng chức hay chưa?
– Biết rồi, ngươi bây giờ là thái giám thân cận của Hoàng thượng chứ gì?
– Xem ra cô nương chỉ biết tin chứ không biết điều.
Ngọc Trí nhắc khéo. Ta hiểu ý cúi người chào hắn:
– Dân nữ Vô Tư xin được gửi lời chào nồng nhiệt và thắm thiết nhất tới Ngọc Trí công công. Hoan nghênh công công về thăm trấn Sơn Nam.
– Tứ cô nương khách sáo ghê! Ta chỉ lấy le với cô nương tí cho vui thôi chứ cứ xưng hô như bình thường đi, không cần kiểu cách quá đâu, nghe thảo mai lắm. Mời cô nương đi theo ta.
Ta ngoan ngoãn đi theo Ngọc Trí, tới quãng đường vắng người, hắn dò hỏi:
– Ta nghe nói Bách Tâm đã mang đứa nhỏ về phủ Thường Tín, phải chăng cô nương và sư phụ đã tan vỡ?
Ta chẳng biết giải thích như nào, đành phải gật đầu. Ngọc Trí lại thắc mắc:
– Tứ cô nương sinh con cho Bách Tâm nhưng hắn lại không chịu trách nhiệm với cô nương đến cùng, xem ra cũng chẳng phải loại tốt đẹp gì.
Ta cười trừ. Ngọc Trí ton hót:
– Không phải là Hoàng thượng đưa Hoàng hậu về quê ngoại như người ta đồn đoán đâu. Chiều nay, Hoàng thượng có việc phải ghé qua phủ Lý Nhân, tiện đường nên mới đi cùng Hoàng hậu. Hoàng thượng ý à, nom bên ngoài đẹp trai lạnh lùng thế thôi chứ bên trong lắm tiền nhiều của với cả dễ mềm lòng ra phết đấy. Cơ mà… có một số chuyện… nếu Hoàng thượng bị tổn thương nặng nề… người sẽ không bao giờ mở lời trước đâu. Đàn ông mà… cũng phải có lòng tự trọng tí chứ…
– Ngọc Trí! Có gì ngươi nói đại ra đi, cứ vòng vòng vo vo ta thực sự chẳng hiểu gì cả.
Ngọc Trí chán nản lườm ta rồi ca thán:
– Ghét!
– Có ai mượn ngươi lắm lời đâu mà ghét?
Ngọc Trí không thèm tranh luận với ta. Hắn hít hít hà hà, ngửi thấy mùi mắm tôm ở quán nhỏ ven đường liền khoái chí tuyên bố:
– Thôi! Chán! Ứ thèm lắm lời nữa! Ta vào quán làm đĩa bún đậu mắm tôm và vài hớp rượu cho nó tỉnh người đây! Tứ cô nương đi thong thả!
Ta chào tạm biệt Ngọc Trí rồi về phủ làm hai chiếc đèn lồng cỡ lớn. Xẩm tối, ta đốt một chiếc gửi cho Vô Sầu. Chiếc còn lại ta tính sẽ mang về phủ Thường Tín cho Uy Vũ. Tiếc rằng, xe ngựa của ta vừa mới ra khỏi cổng đã bị chặn lại. Ta bị ba tên lính áp giải tới công đường. Ngồi ở bàn xét xử chẳng phải là Thuận Phúc, người thay thế Lam Hoà giữ chức Trấn thủ Sơn Nam, mà lại là Hoàng hậu. Cung nữ mặc váy hồng quát ta:
– Con tiện tì kia! Còn không mau quỳ xuống!
Có tên lính đá vào chân ta khiến ta ngã rạp ra đất. Một tên lính khác kính cẩn bẩm báo:
– Bẩm Hoàng hậu, đây là phượng bào mà ti chức tìm thấy ở trong phủ của Tứ cô nương.
Cung nữ mặc váy tím chửi ta:
– Tiện nhân! Hoàng hậu còn sống sờ sờ ra mà ngươi dám may phượng bào, há chẳng phải muốn rủa người yểu mệnh hay sao?
Cả người ta chợt rét run. Ngay cả Hoàng quý phi nếu như dám may phượng bào cũng phạm vào trọng tội nữa là một dân nữ thấp cổ bé họng như ta. Ta sợ hãi nói:
– Bẩm Hoàng hậu, dân nữ không hề may phượng bào. Dân nữ còn không biết vì sao phượng bào lại ở trong phủ của mình. Chắc chắn là có kẻ hãm hại dân nữ. Dân nữ bị oan, mong Hoàng hậu minh xét.
Cung nữ mặc váy hồng cười khẩy bảo ta:
– Chính tì nữ thân cận của ngươi tố giác ngươi chứ ai mà thèm hãm hại cái loại thối tha nhà ngươi! Người đâu! Đưa Ngân Hạnh lên đây!
Ngân Hạnh yểu điệu đi lên hành lễ với Hoàng hậu. Sau đó, nàng nhỏ nhẹ trình báo:
– Bẩm Hoàng hậu, chính mắt dân nữ trông thấy Tứ cô nương thức trắng đêm để may phượng bào, màu đỏ của lông phượng hoàng được nhuộm bằng máu của ả. Ngoài ra, ả còn luôn miệng nguyền rủa Hoàng hậu sớm thăng thiên.
Gì vậy? Ta… đang nằm mơ thôi có phải không? Ngân Hạnh… Ngân Hạnh mà ta vô cùng thương yêu… tại sao có thể bịa chuyện trơn tru đến thế? Cung nữ của Hoàng hậu hỏi ta có muốn biện hộ gì cho bản thân mình không, nhưng miệng ta cứng ngắc, ta không sao nói lên lời. Nước mắt ta chảy ra như mưa. Bọn họ thấy ta im lặng liền lôi ta ra ngoài, trói ta lên cây cột lớn, theo lệnh Hoàng hậu phạt đánh ta ba mươi gậy.
– Tội của ngươi lẽ ra phải phạt đánh một trăm gậy, Hoàng hậu nhân từ nên mới nhẹ tay như vậy.
Ta biết Hoàng hậu nhân từ. Ta cũng biết với nhiều người, ba mươi gậy chẳng là cái thá gì cả. Nhưng với ta, một đứa con gái được sư phụ bao bọc từ nhỏ, ba mươi gậy chẳng khác nào ba mươi lần bão về, cây lớn đổ rạp vào người ta. Cơ thể ta vốn nhạy cảm, chỉ một gậy thôi cũng đủ khiến da dẻ tím bầm, ba gậy liên tiếp vào một vị trí liền có cảm giác đau thấu xương. Máu ứa ra thấm qua cả váy áo. Mười gậy đủ khiến cho cả người ta rã rời. Đến gậy thứ hai mươi, ta chịu không nổi, đầu gục xuống, mắt lờ đờ. Bọn chúng hắt nước lạnh vào mặt ta, đợi ta tỉnh táo rồi lại đánh tiếp, đủ ba mươi gậy mới tống ta vào nhà lao.
Nước lạnh, mồ hôi hoà lẫn với máu của ta, thực sự nhơ nhớp vô cùng. Ta căm ghét vẻ thảm thương của mình bao nhiêu thì đau lòng bấy nhiêu khi nhớ tới vẻ thảm thương của Ngân Hạnh lần đầu tiên chúng ta gặp nhau. Khi đó, nàng không có nơi nương tựa, được ta rủ về phủ, nàng hứa sẽ làm việc thật chăm chỉ và sẽ ăn thật ít. Ta nghe mà thấy dễ thương gì đâu. Ngày nàng hạ sinh Ngũ đồ đệ, nàng nói nàng là tì nữ của ta, con nàng thì cũng là con ta, hai bu con nàng sẽ mãi mãi trung thành với ta. Mai này, mọi việc quan trọng trong cuộc đời hắn, nàng đều sẽ giao cho ta định đoạt. Ta cảm động, khóc rưng rức. Ngũ đồ đệ đối với nàng quý như trân bảo, nàng chịu giao hắn cho ta tức là đã coi ta như người thân rồi. Ta nhớ những buổi chiều nắng vàng ruộm cả cánh đồng, ta ôm hắn rong chơi khắp nơi, nàng vừa nhổ khoai lang vừa nhìn bọn ta cười hiền. Ta nhớ những bữa cơm thơm ngào ngạt nàng nấu. Ta nhớ dáng vẻ đảm đang của nàng khi ngồi bên suối giặt đồ. Nàng của bây giờ, so với nàng khi xưa, sao mà xa lạ quá đỗi? Dáng vẻ nàng khi vào nhà lao thăm ta nó kênh kiệu vô cùng. Cả người ta đau nhức nên chẳng thể đứng dậy đón tiếp nàng, chỉ có thể cố gắng mấp máy môi hỏi:
– Tại… sao?
Ngân Hạnh dùng chiếc hài đỏ thẫm của mình đạp vào má ta. Nàng cười khẩy, giọng nàng cao vút:
– Một con đàn bà vô dụng, chẳng có gì ngoài sắc đẹp như ngươi, chết sớm được ngày nào hay ngày đó!