Chương 24
Ta vẫn còn thương nhớ, mà người đã thờ ơ [24]
…
– Phần tiếp theo của truyện “Vận mệnh của ta nằm trong tay hắn”
…
Ngọc Minh chửi ta một thôi một hồi rồi ngúng nguẩy bỏ đi. Ta đứng đơ ra như khúc gỗ, sốc không nói lên lời. Mãi tới giữa trưa, khi đã đoán được sơ sơ mọi việc, ta mới nẫu nề chạy về phủ chất vấn sư phụ:
– Sư phụ! Bức thư con viết hộ người vào năm Canh Ngọ thực ra chưa từng được gửi cho Niên Ý, phải không?
Sư phụ thẳng thắn thừa nhận:
– Đúng.
– Miếng ngọc bội khắc hình phượng hoàng đứng e lệ bên khóm hoa mẫu đơn ở trong tủ của con là giả ư? Miếng ngọc bội thật phải chăng đã bị người lấy cắp rồi lén gửi cho chàng?
– Phải.
– Sư phụ yêu cầu tất cả mọi người trong phủ nói dối Ngọc Minh là vì muốn chàng buông bỏ con sao?
– Không sai.
– Sư phụ dùng bao nhiêu tiền để mua chuộc bọn họ?
– Không tốn một xu. Tất cả mọi người đều tự nguyện.
– Đúng là không thể xem thường khả năng thu phục lòng người của sư phụ.
– Ngươi quá khen! Thực ra vẫn luôn có một người… dẫu ta có tốt với nàng đến đâu, nàng cũng không thấu.
– Tốt với nàng là lợi dụng sự ngây ngô của nàng sao?
– Không. Việc đó là không tốt.
– Đã biết là không tốt sao người vẫn làm?
– Bởi vì ta bất an.
– Chỉ cần viện cớ bất an là sư phụ được quyền cài nội gián vào phủ của con ư?
– Không phải.
– Vậy thì vì sao?
– Vì… ta nhớ ngươi.
Sống mũi ta cay xè. Sống mũi sư phụ cũng đỏ ửng. Người rầu rĩ hỏi ta:
– Ngươi không yêu ta, ta chấp nhận. Nhưng ngay cả cái quyền nhớ nhung của ta, ngươi cũng cấm đoán ư?
Ta gạt nước mắt, nghẹn ngào bảo sư phụ:
– Con không có ý đó. Sư phụ! Vô Tư cũng rất nhớ người. Từ khi rời phủ Thường Tín, ngày nào con cũng nhớ người. Chỉ là… nỗi nhớ ấy… không phải là nỗi nhớ uyên ương.
Mắt sư phụ đỏ hoe. Người lặng lẽ quay mặt đi. Ta cũng mất một khoảng lặng mới có thể tiếp tục hỏi người:
– Trong các đồ đệ của con, rốt cuộc ai là nội gián?
Sư phụ không trả lời. Ta đành hỏi câu khác:
– Việc con bị sinh muộn là sư phụ can dự sao?
– Không. Ta chỉ lợi dụng việc đã rồi để đánh lừa Hoàng thượng, thuận nước đẩy thuyền. Ta còn tò mò muốn biết kẻ hại ngươi hơn cả ngươi.
– Sư phụ cũng hại con mà.
– Vô Tư! Ta chỉ không muốn ngươi vào cung thôi. Ngoại trừ nơi đó, ngươi cho dù đi đến chân trời góc bể nào, ta cũng có thể đi theo bao bọc ngươi. Ta không muốn ngươi ở một nơi mà ta vĩnh viễn không bao giờ có thể đến. Ta càng không muốn ngươi ở một nơi mà ngươi không thuộc về.
– Tại sao sư phụ biết con không thuộc về nơi đó?
– Bởi vì ngươi không có cốt cách của hoa mẫu đơn. Ngươi vào cung, sớm hay muộn cũng sẽ héo tàn.
– Đó là lý do thực sự hay chỉ là cái cớ để sư phụ giữ con ở bên mình?
– Ngươi thích nghĩ thế nào cũng được.
– Người xúi Uy Vũ gọi con là tỷ tỷ ư?
– Phải.
– Tại sao người nhẫn tâm như vậy?
– Ta thà nhẫn tâm còn hơn để thanh danh của ngươi bị vấy bẩn. Uy Vũ còn nhỏ chưa hiểu chuyện, nếu hắn vô tình chạy ra ngoài chơi, nhỡ miệng gọi ngươi là bu thì sẽ có biết bao nhiêu lời bàn tán đây?
– Xem ra sư phụ đối với bất kỳ việc gì cũng tính toán kỹ càng. Ngay cả con, đứa trẻ được sư phụ nuôi nấng từ nhỏ cũng bị người lừa. Sư phụ thanh bạch của Vô Tư rốt cuộc đã biến thành loại người gì vậy?
– Chỉ cần ngươi bình an, trở thành loại người gì đối với ta không quan trọng.
– Sư phụ nghĩ việc lừa dối quân vương của một nước là chuyện tầm phào ư? Với tính cách của chàng, nếu biết được chân tướng, sư phụ liệu có giữ được mạng không? Sư phụ không sợ con sẽ kể hết với chàng sao?
Sư phụ cười cười bảo ta:
– Không sợ. Ngược lại, ta còn rất tò mò.
– Người tò mò điều gì?
– Ta tò mò giữa tính mạng của ta và mối nhân duyên với hắn, rốt cuộc sự lựa chọn của ngươi là gì?
– Biết được sự lựa chọn của con rồi thì sao?
– Biết được sự lựa chọn của ngươi rồi, ta dẫu phải chết cũng cam lòng.
– Người chưa từng nghĩ tới cảm xúc của con ư?
– Cảm xúc của ngươi chỉ là thứ bồng bột tuổi trẻ. Ta thả ngươi chơi đùa cùng nó, để rồi sau này, ngươi sống ở chốn thâm cung đầy rẫy thị phi, lúc nào cũng phải nghĩ kế tranh sủng, ngày tháng của ngươi còn có thể được vô ưu vô tư, tự do tự tại hay sao?
Nếu là ta của trước kia, chắc chắn sẽ cãi sư phụ ta không cần tranh sủng, phu quân của ta lấy thêm vợ thì ta cũng rước thêm chồng cho vui. Cơ mà, ta của bây giờ đã là bu của người ta, đã không còn ngông cuồng như trước nữa rồi. Chuyện một vợ nhiều chồng vốn chỉ là chuyện hoang đường mà thôi. Bà Diệp cao giọng bảo ta:
– Ở trong cái trấn này, chuyện hôn nhân đại sự của các cô nương chẳng phải đều do cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy hay sao? Cậu Tâm là người nuôi nấng cô nương, không có công sinh thành cũng có công dưỡng dục. Cậu gả cô nương cho bất kỳ ai, người đời cũng không có quyền phán xét. Nhưng cậu đâu có độc đoán như thế. Cậu chỉ ngăn cản một mối hôn sự cậu thấy không ổn thôi mà. Mong cô nương suy nghĩ thấu đáo, chớ làm tổn hại tới người đã luôn che chở cho mình bấy lâu nay.
Cho dù bà Diệp không dặn dò thì ta cũng chẳng bao giờ tố cáo sư phụ cả. Người giống như thầy bu của ta vậy, có mấy người con dám bêu riếu cái sai của thầy bu mình cho thiên hạ chê cười? Chưa kể chuyện này đã liên luỵ tới ba bà vú, năm đồ đệ và cả Ngân Hạnh, nếu lộ ra e rằng bọn họ cũng không thể thoát tội. Ta đâu còn cách nào khác ngoài vờ như không biết và ôm lấy cái tội phản bội. Thôi, coi như ta trả ơn nghĩa người đã nuôi dưỡng mình vậy. Hoàng thượng hiện tại cũng có rất nhiều mỹ nhân bên mình, chuyện xưa giữa ta và chàng có lẽ chẳng nên khơi lại làm gì… có lẽ… chỉ nên là chuyện xưa thôi.
Mồng Năm Tết, ta nhận được thư của Niên Ý:
“Cậu Tâm đã có tuổi. Tứ cô nương nếu không thể ở bên cậu với tư cách là một người đàn bà thì đừng làm lãng phí thời gian của cậu. Đôi khi, nhẫn tâm một chút cũng không hẳn là chuyện xấu. Gieo hi vọng cho một người mà mình vĩnh viễn không bao giờ yêu họ mới là tội ác. Niên Ý chỉ còn vài ba năm nữa thôi, thực sự em rất muốn có thể sinh cho cậu Tâm một đứa con trước khi rời khỏi nơi đây. Kính mong Tứ cô nương cân nhắc.”
Niên Ý hơn ta bảy tuổi. Nàng không có gia đình, trước khi được sư phụ đưa về trại trẻ mồ côi Tâm Tư thì sống bơ vơ một mình trên núi. Tuy lá số tử vi của Niên Ý rất xấu, nhưng nàng tốt tính, hay giúp đỡ mọi người, những điều đó ảnh hưởng tích cực tới vận mệnh của nàng. Ta từng nhìn thấy hình ảnh nàng lên kiệu hoa vào năm Giáp Thân. Năm nay là Nhâm Thân, không lẽ mười hai năm sau nàng mới lấy chồng? Ta viết thư hồi đáp nàng:
“Ta đã hiểu ý ngươi. Ngươi đừng quá tin vào những lời bói toán, chỉ cần ngươi sống tốt, cố gắng tích đức, vận mệnh của ngươi nằm trong tay ngươi.”
Mặc dù ta không muốn phải xa sư phụ, cả cuộc đời này chỉ muốn lười biếng dựa dẫm vào người, nhưng ngày hôm đó, ta vẫn phải nén đau thương, nhẫn tâm nói:
– Sư phụ! Chuyện người gây ra, Vô Tư không thể tha thứ được. Con không muốn ở cùng một phủ với người nữa. Người mau thu dọn đồ đạc đi!
Sư phụ quả là người tự trọng, tuy nước mắt người chảy, nhưng người không hề nói gì cả, chỉ lặng lẽ thu dọn đồ đạc rồi rời đi. Uy Vũ lẽo đẽo đi theo sư phụ. Ta giữ hắn ở lại, hắn liền cắn ta đau điếng, to mồm gào lên:
– Ghét tỷ tỷ… ghét tỷ tỷ… ghét tỷ tỷ… thích cục cưng… thích cục cưng… thích cục cưng…
Hắn khóc lóc thảm thiết gọi sư phụ:
– Cục cưng! Cục cưng! Cục cưng! Đừng bỏ Vũ! Đừng bỏ Vũ! Đừng bỏ Vũ! Xin mà! Xin mà! Xin mà!
Sư phụ bị hắn làm cho mềm lòng, bước chân người chậm dần. Uy Vũ hí hửng chạy ào ào lao tới chỗ sư phụ, sung sướng ôm chân người. Sư phụ bế hắn lên, cho hắn ngồi trên vai, cưng chiều đưa hắn đi theo. Hắn hí hửng quay lại lườm đểu ta một cái. Sư phụ và Uy Vũ rời khỏi phủ, ba bà vú cũng rời khỏi phủ, ta đau lòng khủng khiếp. Ta chỉ muốn hét lên thật to rồi quỳ xuống cầu xin bọn họ ở lại với ta. Nhưng ta đã không làm thế. Ta không thể ích kỷ thêm nữa. Sư phụ cần có cuộc sống riêng, người không thể cả đời này chỉ yêu một mình ta. Ta cũng không thể chia rẽ Uy Vũ và người hắn thương nhất. Ta chỉ có thể hàng tuần cùng Ngân Hạnh ghé qua phủ Thường Tín thăm bọn họ. Uy Vũ ở đó lâu ngày, dần dần hắn thân với Niên Ý hơn cả ta. Ngân Hạnh ghé tai ta thủ thỉ:
– Niên Ý nom vậy mà gian xảo, nàng cố ý lấy lòng Uy Vũ để tiếp cận Bách Tâm.
Ta sửng sốt hỏi Ngân Hạnh:
– Ngân Hạnh! Từ khi nào em được phép gọi thẳng tên của sư phụ ta vậy?
– Cô nương thứ lỗi, em nhỡ mồm.
Ngân Hạnh vốn rất lễ phép, bữa nay nói hớ chắc chỉ là sơ suất thôi nên ta bỏ qua không chấp nàng. Quay về trấn Sơn Nam, cuộc sống của ta diễn ra y hệt như những ngày đầu xuân năm Mậu Thìn, lúc nào có hứng thì xem vận mệnh cho người ta kiếm tiền, lúc hết hứng thì đeo khăn che mặt, đi rong chơi khắp nơi. Chỉ là, ta đã không còn cảm thấy vô ưu vô tư như năm ấy nữa, ăn một món ngon chẳng thể làm ta cười, rong chơi cả ngày cũng chẳng thể khiến ta vui, có lẽ bởi vì trong lòng ta đã có ưu tư.
Rằm tháng Tám, ta nghe nói vào giờ Thìn, các thương nhân sẽ đem rất nhiều cây hoa mẫu đơn độc lạ từ khắp các nơi tới bán ở ven hồ Ưu Tư nên ta ghé qua đó chơi. Ta có chút bất ngờ vì mọi người chẳng thèm mua hoa mà chỉ mải chỉ trỏ vào đoàn lính hùng hậu đang hộ tống hai chiếc kiệu. Bọn họ rôm rả bàn tán:
– Các cô nương đã gả vào chốn cung cấm thì xác định là vài năm mới được về quê một lần. Vậy mà Hoàng hậu trong năm nay đã về quê ngoại tới hai lần rồi, lần này lại còn được Hoàng thượng đưa đi, ghen tị quá đi mất!
– Ngươi có cái gì mà đòi ghen tị với Hoàng hậu? Hoàng hậu là con gái cưng của Thái sư, cốt cách thanh cao, hiền lương thục đức, Hoàng thượng sủng ái Hoàng hậu âu cũng là chuyện hiển nhiên thôi.
Có kẻ mặc áo trắng làm ra vẻ bí hiểm nói:
– Ta có đứa bạn từng làm cung nữ, mới về quê lấy chồng tháng Mười năm ngoái. Nàng kể người trong lòng Hoàng thượng thực ra không phải là Hoàng hậu.
Mọi người thi nhau đoán, từ Hoàng quý phi, Hiền phi, Lương phi, Thục phi, Đức phi đến An tần, Nhiên tần, Thanh tần, Thuần tần, Mỹ tần, kẻ mặc áo trắng đều lắc đầu. Tuy nhiên, đến khi mọi người hỏi người trong lòng Hoàng thượng là ai, hắn lại không nói được tên nàng mà chỉ kể một câu chuyện vu vơ:
– Ta nghe nói vào đêm tân hôn của Hoàng thượng và Hoàng hậu, Hoàng thượng đã không tới Phượng Hoàng cung. Người uống say khướt, cầm trên tay chiếc áo yếm đỏ của nàng, đi lang thang quanh vườn mẫu đơn, luôn miệng hỏi nàng vì sao phụ người.
– Xàm xí! Ta nghe đồn xét về diện mạo thì Hoàng thượng là mỹ nam hiếm có, xét về tài trí người chẳng thua kém ai, lại nắm quyền lực trong tay, có biết bao cô nương sùng bái người. Có ai ngu đâu mà phụ người?
– Công nhận. Mọi người đừng tin hắn. Những người làm việc trong cung đều kín tiếng lắm, không có chuyện lộ tin tức ra ngoài đâu.
– Ủa? Có người kín tiếng thì cũng phải có người nhiều chuyện chớ? Nếu như không có ai làm lộ tin tức ra ngoài, há chẳng phải bao nhiêu chuyện từ xưa tới nay các ngươi buôn dưa đều là chuyện nhảm hay sao?
Kẻ áo trắng cao giọng hỏi. Có người gật gù đồng tình với hắn, có người bĩu môi khinh hắn nói bậy. Ta từ đầu tới cuối chẳng nói gì cả, chỉ đứng im một chỗ, trong đầu văng vẳng giọng nói của người xưa:
– Tứ Tứ hôn mê nặng thế này thì chắc chắn là lành ít dữ nhiều rồi. Thôi thì trước khi ngỏm củ tỏi, Tứ Tứ trao thân cho ta nhé!
– Tứ cô nương! Người ta là trai tân còn trinh trắng, Tứ cô nương có chịu trách nhiệm với người ta không mà lại có những cử chỉ thiếu đứng đắn như thế?
– Không biết… dạo này… Tứ cô nương… có cảm thấy trong người khang khác?
– Chính là không giống lúc trước… chính là… gặp thì lâng lâng mà không gặp thì bâng khuâng.
– Tứ Tứ không phải là con đàn bà, nàng là người của ta. Ta có thể nhường tất cả mọi thứ cho ngươi, từ tình thương của mẫu hậu, sự tán dương của phụ hoàng tới ngôi vị Thái tử, nhưng riêng nàng thì không đời nào.
– Phàm là những kẻ không tôn trọng nàng, đều xứng đáng bị ta khinh thường.
– Nếu là vì nàng thì tất thảy đều đáng.
– Ngươi nhầm rồi. Trái tim ta ngay từ đầu đã tối đen, bởi vì va vào nàng mới có chút hửng nắng.
– Chỉ cần Tứ Tứ nguyện ý trở thành người của ta, tất cả sự vô trách nhiệm của nàng trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai, ta đều có thể bao dung được.
– Không sao. Chỉ cần là Tứ Tứ, ngang ngược cỡ nào ta cũng có thể bao dung.
Có tên lính hô hạ kiệu rõ to khiến ta giật nảy mình. Theo lệnh của hắn, tất cả mọi người đều phải quỳ xuống hành lễ với Hoàng thượng và Hoàng hậu. Khoảnh khắc người đó tiến tới gần chỗ mình, ta chẳng dám ngước lên nhìn trộm gương mặt người xưa. Ta chỉ trông thấy một đôi giày màu vàng thêu rồng thôi, cớ sao lồng ngực vẫn nhức nhối lạ thường? Người đó dừng lại, để ngắm cảnh đẹp ven hồ hay để ngắm hoa mẫu đơn, ta chẳng rõ nữa, ta chỉ biết hai chúng ta đang ở rất gần nhau. Thế nhưng, đó chỉ là khoảng cách địa lý, còn trái tim của chúng ta… đã cách xa nhau cả vạn dặm rồi. Nước mắt ta chảy lã chã, và dường như trên mặt đất không chỉ có nước mắt của riêng ta. Chàng không nán lại lâu, chỉ một loáng đã đi rồi.
Ta nhớ những tháng ngày nắm tay chàng vui vẻ đi trên con đường ngập tràn hoa nắng của đôi ta. Giờ đây, chàng đã rẽ sang một hướng khác, chỉ còn ta lẻ loi trên con đường của riêng mình.
Xa xa, có đôi giày màu đỏ thêu phượng quấn quít bên đôi giày màu vàng thêu rồng, có những mối nhân duyên dang dở đã chẳng thể vãn hồi, có người nào đó oán hận ta, có trái tim ta đau tê tái, có lời hẹn thề thanh xuân nay đã hoá thành sương khói.
Ta vẫn còn thương nhớ, mà người đã thờ ơ.