Chương 9: Ngọt nhạt dỗ dành
Suốt cả bữa cơm, tôi không thể tập trung làm bất cứ điều gì. Tay chân tôi cứ lóng ngóng như thể có ai điểu khiển, tôi cũng không để nghe được mọi người đang nói chuyện gì. Tôi đăm đăm chiêu chiêu đến nỗi chân mày cau lại, mặt nhăn mày nhó.
Nghĩ mãi nghĩ hoài cũng chẳng rõ lý do Nguyệt đến làm gì. Là do tôi đa nghi sao? Nguyệt chỉ đơn giản đến chơi rồi tình cờ được mời lại ăn cơm? Thế sao cái lúc ngoài cửa Nguyệt lại bảo giải thích gì đó. Mà thái độ của Nguyệt cũng rất kì lạ nữa. Rốt cuộc là có chuyện gì mới được chứ?
– Văn ơi, con sao thế? Mệt hả con.
Mẹ Tình ân cần hỏi tôi. Cả bữa ăn tôi chẳng nói câu nào nên chắc mẹ tưởng tôi bị ốm.
– Con chỉ thấy hơi đau đầu chút thôi ạ!
– Ừ thôi con cố ăn vào cho khoẻ, đau quá thì lấy thuốc mà uống.
Ba Nghĩa cũng ôn tồn hỏi han tôi. Ba còn dặn dò đâu vào đấy khiến tôi cảm động lắm.
Tôi đang ăn thì Nguyệt bỗng nhìn tôi rồi cười. Tôi sợ hết cả hồn vì tưởng có chuyện gì. Hoá ra là Nguyệt muốn học nấu thịt bò xào.
– Thịt bò xào Văn nấu ngon quá, hôm nào Văn dạy Nguyệt nấu nhé!
– Ừ.
Tôi gật đầu ừ ào cái cho xong chuyện rồi ăn thật nhanh để thoát khỏi bữa cơm khó hiểu này.
– Con ăn cơm xong rồi ạ! Con xin phép ra ngoài nghỉ ngơi một lát.
Tôi nhẹ nhàng đẩy ghế ra rồi lại đẩy ghế lại như cũ. Tôi cứ tưởng mình đã thoát êm xuôi, ai mà ngờ Nguyệt lúc này cũng ăn xong rồi. Nguyệt buông bát đũa xuống rồi lễ phép xin rời bàn.
– Chú Nghĩa cô Tình ơi, cho Nguyệt mượn bạn Văn một lúc được không ạ!
Ba Nghĩa nhìn hai đứa rồi khẽ cười. Tôi chẳng hiểu vui ở chỗ nào nữa. Mẹ Tình còn quá đáng hơn. Mà tôi có phải sự vật đâu mà “mượn”, dùng từ cũng chẳng chính xác gì hết. Tôi giận lắm nhưng cũng phải nuốt ngược cái giận vào trong lòng.
– Nguyệt muốn mượn bao lâu cũng được. Nhưng mà Văn vẫn phải nhớ về rửa bát, con nhé!
Mẹ Tình nói rồi nhìn tôi mà cười hiền hòa. Mẹ ơi, tại sao mẹ lại đồng ý? Cho con ở lại rửa bát đi được không? Mẹ vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt đầy trìu mến và thân thương, còn không quên vẫy tay chào tôi nữa. Ba Nghĩa ơi cứu con với.
Nguyệt cầm tay tôi lôi đi xềnh xệch. Tôi hỏi Nguyệt một câu mà bất cứ ai trong trường hợp này cũng sẽ hỏi giống tôi.
– Nguyệt dẫn Văn đi đâu vậy?
Nguyệt trầm mặc không nói một lời. Tôi quay mặt lại cầu cứu mẹ cha nhưng hai người họ hình như còn chẳng biết tôi đang gặp nạn mà cứu giúp. Trán tôi bắt đầu rịn mồ hôi, người tôi cũng nóng lên. Hình như tôi ốm thật rồi.
Nguyệt kéo tôi ra sân rồi ngồi lên xe đạp của tôi. Nhưng Nguyệt không ngồi sau như thường ngày mà lại ngồi đằng trước lái xe. Ánh mắt Nguyệt ra hiệu cho tôi ra đằng sau xe ngồi.
Tôi bắt đầu lo lắng về sự an toàn của bản thân bởi từ khi lên năm đến giờ tôi chưa thấy Nguyệt đi xe đạp bao giờ. Lần cuối nhìn thấy Nguyệt ngồi trên chiếc xe đạp là lúc 4 tuổi.
Lúc ấy Nguyệt bảo với tôi Nguyệt đã biết đạp xe hai bánh rồi. Tôi cũng thấy vui thay cho Nguyệt, vì thấy Nguyệt tập xe khá chăm chỉ và giờ đã có thành quả rồi. Nguyệt bảo tôi lên xe Nguyệt chở đi chơi một vòng. Không hiểu lúc đó vì sao tôi lại rất tin tưởng Nguyệt. Thế là tôi leo lên xe ngồi.
Nguyệt mới đầu đi khá tốt, ấy thế mà một lúc sau tay lái lại xiên xiên xẹo xẹo, đánh sang trái rồi lại vẹo sang phải. Cuối cùng không giữ được thăng bằng mà đổ cả người cả xe xuống đường. Đợt ấy trời còn se se lạnh nữa nên đau lại thêm đau.
Giờ tôi nghĩ lại vẫn thấy đau vô cùng. Tuy không để lại sẹo ngoài da nhưng nó đã ám ảnh tâm lý của tôi đến tận bây giờ.
Tôi nuốt nước bọt rồi liều mạng ngồi lên xe trong tâm thế bất an. Còn chưa kịp định thần thì xe đã lăn bánh đi băng băng trên đoạn đường thẳng với vận tốc của gió.
Vì bây giờ là giữa trưa nên không có nhiều xe đi lại nên Nguyệt dù có phóng xe với tốc độ ánh sáng thì cũng không ai phán xét đâu. Nhưng mà Nguyệt đi xe nhanh kinh khủng khiếp, nhưng thể bị thế lực tà ác nào đó đuổi theo sau. Hết luồn gió này đến luồn gió khác tạc vào mặt tôi. Gió cũng làm cho tóc Nguyệt bay tứ tung.
Tôi cũng chẳng dám ý kiến khuyên Nguyệt đi chậm lại, tại tôi sợ Nguyệt hất tôi ra khỏi xe. Nguyệt thừa khả năng làm việc đó.
Nhìn đoạn đường Nguyệt đi từ nãy đến giờ tôi mạnh dạn đoán là đường này là đường dẫn về nhà Nguyệt.
Cuối cùng Nguyệt phanh xe cái “két” trước cổng nhà Nguyệt. Hôm nay em Nhi có ở nhà. Vừa nghe tiếng xe một cái là em từ trong nhà lóc cóc chạy ra mở cửa cho chị.
– Nhi chào anh Văn ạ!
Nhi khoanh tay cúi đầu lễ phép chào tôi. Tôi còn chưa kịp khen con bé ngoan thì Nguyệt đã lớn tiếng quát.
– Thế mi không chào chị hử?
Con bé vội chào chị nó rồi chạy tót vào trong nhà. Mặt cái Tuyết Nhi toát lên vẻ sợ sệt. Nguyệt thì trông hầm hổ như mới đi đánh trận về.
Tính khí của Nguyệt vốn thất thường nên tôi chẳng dám nói gì tại sợ phật lòng Nguyệt một cái là Nguyệt quay sang quát tôi luôn.
Nguyệt dựng xe vào sân xong thì lại lôi tôi đi tiếp. Tôi đoán là Nguyệt muốn dẫn tôi vào cái nhà nhỏ trong vườn nhà Nguyệt. Hồi nhỏ, bọn tôi thường hay trốn người lớn vào đây chơi. Nguyệt bảo đây sẽ là căn cứ bí mật của hai đứa, có chuyện gì quan trọng cũng đều phải đến đây giải quyết.
Lâu lâu không vào đây cây cối xem ra đã rất phát triển. Bốn bề đều phủ một màu xanh lá mát mẻ của cây cối và điểm xuyến thêm mấy bông hoa nhỏ nhiều màu bắt mắt. Trà nghi ngút khói và bánh kẹo đều được chuẩn bị sẵn trên bàn cả. Nguyệt mà kỳ công như vậy thì chắc chắn là tôi lành ít dữ nhiều rồi.
Tuyết Nhi? Sao con bé lại ngồi đây nhỉ? Con bé thấy chúng tôi đi vào thì quay mặt lại vẫy tay chào chúng tôi.
– Ô Nhi ở đây hả? Anh Văn còn tưởng Nhi vào trong nhà rồi! À cho Nhi cái kẹo này!
– Dạ Nhi xin ạ!
Nhi giơ hai tay ra nhận kẹo rồi toe toét cười hở cả hàm răng trắng muốt. Con bé chạy nhanh vào trong nhà, chắc là đi khoe với cô Thủy về cái kẹo. Em Nhi này hoạt bát mà dễ thương lắm, tôi coi con bé như em gái ruột của mình.
Lần nào đến chơi tôi cũng đều mua quà bánh cho nó rồi thỉnh thoảng còn cõng nó đi chơi. Con bé này nghiện ăn kẹo cực kỳ, ấy thế mà răng con bé vẫn trắng tinh. Con bé giỏi thật!
Tôi đang thầm cảm thán em Nhi thì đột nhiên Nguyệt lên tiếng làm tôi giật mình mà suýt hồn bay phách lạc.
– Văn còn không mau ngồi xuống hay còn muốn Nguyệt mời?
Nguyệt gằn giọng nói với tôi. Tôi theo phản xạ liền ngồi nhanh xuống cái ghế đối diện với Nguyệt.
– Trà này ngon thật đấy! Ôi bươm bướm ở đâu ra mà đẹp quá nhỉ? Hoa trong vườn thơm quá!
Nguyệt đưa ra một loạt các câu cảm thán không liên quan khiến tôi lo sốt vó. Nguyệt chửi tôi đi đánh tôi đi chứ Nguyệt bất thường kiểu này tôi sợ.
Một lúc sau, vì chẳng còn gì để cảm thán nữa nên Nguyệt nhìn thẳng vào mắt tôi mà hỏi.
– Văn có giấu diếm Nguyệt chuyện gì không?
Tôi dù chẳng giấu Nguyệt chuyện gì nhưng Nguyệt cứ nhìn chằm chằm vào tôi thế này khiến tôi áp lực vô cùng.
Thấy tôi không có động tĩnh gì. Nguyệt lại hỏi thêm một lần nữa, nhưng lần này thái độ có vẻ gay gắt hơn.
– Văn có giấu diếm Nguyệt chuyện gì không?
Tôi lắc đầu nguầy nguậy. Nguyệt ngoảnh mặt quay chỗ khác. Trầm tư một lát, Nguyệt lại lên tiếng.
– Nghe nói Văn có người trong lòng rồi ha!
– Nguyệt nghe chuyện này ở đâu ra thế?
Tôi linh cảm đây mới là trọng tâm của câu chuyện. Tôi định sẽ trả lời không cho đỡ nhiều chuyện nhưng tôi cũng thắc mắc tại sao Nguyệt lại nghĩ thế. Với lại tôi sợ nếu tôi nói tôi thích Vân, Nguyệt sẽ chẳng để yên cho tôi với Vân đâu.
Ngày trước hồi tôi học cấp một cấp hai, cũng có mấy bạn có ý với tôi. Kết quả là bị Nguyệt mắng chửi không thương tiếc, mà toàn mấy lời khó nghe vô cùng. Tôi không chứng kiến nhưng đều được nghe mọi người kể lại rất rõ ràng và chi tiết. Ai cũng bảo là hình như Nguyệt thích tôi nên nổi cơn ghen.
Nguyệt im lặng một lúc, nhìn hết bên này sang bên khác rồi cuối cùng cũng cất tiếng.
– Là Nguyệt cảm thấy dạo gần đây hình như Văn đang yêu thầm một cô gái nào đó. Theo kinh nghiệm xem phim đọc truyện ngôn tình mấy năm nay của Nguyệt thì Nguyệt có thể khẳng định là như vậy.
Tôi bỗng phì cười. Thật sự là tôi không cố ý đâu nhưng mà tuy lập luận vô căn cứ vậy mà cũng đoán đúng thật. Nhưng tôi chắc chắn sẽ không nói ra danh tính của Vân đâu, tôi không muốn Vân khó xử.
– Văn làm gì có người trong lòng? Nguyệt nghĩ nhiều rồi!
– Nếu Nguyệt nói Nguyệt không tin lời Văn nói thì sao?
Nguyệt ghé sát mặt vào tôi mà chất vấn.
– Thế phải làm gì thì Nguyệt mới chịu tin.
– Nguyệt muốn ăn ô mai xí muội. Văn đi mua cho Nguyệt đi.
Vì chơi với Nguyệt lâu năm nên tôi biết mỗi lần Nguyệt vui hay buồn Nguyệt sẽ thường ăn kem, còn nếu Nguyệt bảo muốn ăn ô mai xí muội thì chắc hẳn Nguyệt đang muốn thử đối phương xem cho đáng tin cậy hay không.
Tôi ngọt nhạt bảo Nguyệt ngồi đây chờ tôi một lát tôi đi mua ngay. Tôi cũng không quên căn dặn Nguyệt đừng nghĩ lung tung nữa cho nhọc lòng. Nguyệt cười hiền rồi ngồi chống cằm đợi tôi.
Thôi thì lần này tôi đành chiều theo ý Nguyệt vậy, chứ nếu không tương lai tôi sẽ chẳng cưới nổi vợ.