Chương 51: Chốn đào nguyên
Đã đón mười mấy cái Tết, mà năm nay lại phải cái Tết khó khăn nhất.
Như mọi năm, năm nay hoàng thượng vẫn đi đầu nâng chén chúc tụng, các quan thần cùng uống chung vui. Nhưng năm ngoái xếp sau hoàng thượng là thái tử và Đại a ca, vậy mà năm nay lại để Bát a ca dẫn một đám tiểu a ca lên.
Theo ý hoàng thượng thì năm nay hãy nhường cho mấy đứa nhỏ, các tông thân họ hàng trong bữa tiệc cũng cười ha ha bảo con trai nhỏ dễ được yêu hơn. Ngay khi mọi người ai ai cũng ngỡ rằng hoàng thượng vì ghét mà đã gạt bỏ luôn thái tử lẫn Đại a ca rồi, ngài lại bất ngờ nhắc tới con trai cả của thái tử. Thằng nhỏ này sang năm sau sẽ tròn mười tuổi, song vẫn chỉ được gọi là Đại a ca Dục Khánh cung.
Hoàng thượng sai người gọi riêng nó vào tiệc, cho nó đứng cạnh ghế ngự, trò chuyện cả buổi trời, rồi còn bảo nó cầm chén kính rượu, khích lệ thêm một phen mới để nó đi xuống.
Việc làm không đầu không đuôi của hoàng thượng khiến kha khá người có mặt ở tiệc chẳng hiểu ra làm sao, thế là nháo nhào đánh mắt nhìn nhau, ông nào chẳng bảo hoàng thượng ghét thái tử đó hay sao? Tự dưng kiểu gì lại thương yêu Đại a ca vậy?
Thái tử lại giữ bộ mặt dửng dưng, hoàng thượng công khai coi trọng con trai y như thế, mà cũng không thấy y làm ra tí vẻ xúc động nào. Thằng bé này khi rời tiệc còn bước xuống thỉnh an y, cũng bị y lạnh lùng quẳng cho hai câu rồi đuổi thẳng về.
Hoàng thượng khen con trai thái tử xong, mới nhớ ra đứa con trai cả năm nay lên bốn nhà Đại a ca, bèn gọi y đứng dậy hỏi: “Hôm nay nó có đến không?”
Đại a ca tỏ thái độ đồng lòng hơn, cười ha hả thưa: “Đi theo ngạch nương nó rồi ạ.”
“Tốt, tốt. Lát nữa hãy gọi vào đây cho trẫm xem.” Hoàng thượng nói.
Phần sau nữa thì không còn a ca của nhà nào được điểm tên riêng. Tam a ca cất công chuẩn bị cả buổi, rằng khi hoàng thượng gọi đến thì phải trả lời ra sao, còn nghĩ bụng trước khi rời nhà lại quên khuấy đi không dặn con trai mấy câu. Con trai lớn của y cũng đã được bốn tuổi, mấy bữa trước vừa dạy nó đọc thơ, chẳng biết giờ đã đọc được trôi chảy hay chưa nữa. Song nào đâu ngờ hoàng thượng lại thôi. Thấy hoàng thượng đã hỏi sang đám con cháu nhà các quan thần, thoáng chốc cảm thấy hụt hẫng muôn phần.
Thấy Tam a ca chán nản nốc rượu, Tứ a ca sinh lòng đồng cảm, nâng chén với y. Tam a ca và đệ đệ nhìn vẻ mặt nhau, hai anh em khẽ buông tiếng thở than cho cảnh ngộ tương đồng.
Tứ a ca vừa nãy cũng nghĩ tới Đại a ca nhà chàng, chàng hãy lo Đại a ca sinh tháng nhỏ, chào đời vào tháng chạp, bảo là bốn tuổi vậy chứ thực chất vẫn nhỏ hơn mấy đứa anh em họ một năm. Vả chăng tính cách đứa nhỏ này có phần già dặn, nếu được gọi vào thật mà lại bị lép vế hơn mấy người anh họ, sẽ sợ lòng nó đâm niềm mắc mứu.
Ai ngờ hoàng thượng chẳng gọi. Chàng không những thất vọng, mà còn phải tự an ủi mình rằng may là không gọi vào, Đại a ca chưa có chuẩn bị trước, e sẽ gặp cảnh xấu mặt. Nhưng nỗi bứt rứt cứ liên tục khuấy đảo ruột gan chàng, sơ sẩy lại đổ liền mấy chén rượu xuống bụng. Ngũ a ca ngồi cạnh thấy thế bèn can lại.
“Tứ ca, vừa vừa thôi. Giờ hẵng chưa hết nửa tiệc đâu.” Ngũ a ca nói.
Tứ a ca hoàn hồn, cảm ơn đệ đệ, rồi bất chợt nhớ ra hình như con của y cũng bốn tuổi? Bèn hỏi: “Hôm nay nhà đệ có vào không?”
Ngũ a ca cười đáp: “Có chứ, ở Dực Không cung đấy.” Y không lấy gì làm quan tâm chuyện hoàng thượng có cho gọi con trai y vào không, huống hồ con trai y chắc chắn rất được bên chỗ Nghi phi chào đón, vậy nên sự việc vừa rồi chẳng tạo thành ảnh hưởng gì đến y cả.
Thất a ca đi tới kính rượu, uống riêng ba chén với Tứ a ca. Trước kia y và Tứ a ca không thân thiết như vậy, nhưng trong chuyện rời cung dựng phủ lần này, Tứ a ca đã cố ý hỗ trợ y hai lần, y đều ghi nhớ cả. Ban nãy nom thần sắc Tứ a ca có vẻ lạ, bèn bước qua xem sao.
Tứ a ca cũng nhớ Thất a ca, vì dạo đây đứa em này tội nghiệp quá, làm chàng bỗng có sự tự giác của một người làm anh, giúp đỡ vài lần lại như có thêm phần ý thức trách nhiệm, thấy nó lại uống rượu cùng mình, bèn tâm tình với y dăm câu chuyện nhà: “Nhà đệ sao rồi?”
“Ổn cả.” Thất a ca nói, “Năm nay đệ không đưa Đại a ca nhà đệ vào.” Đưa vào rồi cho nó đi đâu đây? Ngay Đới Giai thị cũng phải sang cung của Đức phi ăn cỗ mừng năm mới kìa. “Hôm khác sẽ dẫn đến cho Tứ ca gặp.” Đại a ca của y năm nay ba tuổi.
“Được.” Tứ a ca phấn chấn hẳn, đây mới là lần đầu có đứa em chủ động dẫn người nhà đến trình chàng đấy. Chàng cao hứng lên, nói luôn: “Chọn một dịp nào, chúng ta hãy ra tụ họp.”
Ngũ a ca cũng nổi hứng, sấn lại gần bảo: “Tụ họp kiểu gì? Đệ cũng đưa thằng con nhà đệ đến. Cho một đám tiểu a ca đi, rồi xem chúng nó chơi bóng có được không?”
Tiếc sao Tứ a ca và Thất a ca đều không thạo mấy trò banh bóng, nghe vậy lắc đầu. Tứ a ca nghĩ nghĩ, đoạn nói: “Trong phủ ta nuôi mấy con chó rất khá, hay là dẫn chúng đi chạy quanh một buổi? Rồi săn ít chim trĩ và thỏ.”
Thất a ca rất thích cưỡi ngựa, chân cẳng y không linh hoạt, nhưng khi lên ngựa sẽ khó mà nhận ra điều ấy, bèn gật đầu nói: “Ý hay. Đệ đang định cho Đại a ca nhà đệ một con ngựa con, để nó nuôi từ nhỏ.”
Ba người luận bàn sôi nổi quá, Tam a ca ngoảnh sang gọi họ: “Các đệ nói gì đấy?” Vừa nghe các nhà muốn dẫn con trai ra ngoài dạo chơi, vội bảo: “Tính thêm cả nhà ta nữa.”
Mấy huynh đệ mải bàn tính chuyện này, rồi cũng vượt qua được nốt nửa buổi tiệc còn lại. Lúc rời cung, trên khuôn mặt ai nấy đều phơi phới ý cười.
Những ngày Tết thấm thoắt trôi đi, nghĩ tới chuyện sắp sửa dẫn Đại a ca ra ngoài chơi cùng các anh họ, mấy hôm nay được rảnh, nên ngày nào Tứ a ca cũng đưa Đại a ca đi cưỡi ngựa. Sợ nó cưỡi một mình thấy chán, bèn cho cả Đại cách cách và Nhị cách cách theo.
Ngờ đâu lúc cưỡi ngựa, đứa cưỡi khá nhất là Đại cách cách, mà yếu nhất lại là Nhị cách cách. Điều này làm Tứ a ca ngạc nhiên hết sức. Nhị cách cách không phải sợ ngựa hay không dám cưỡi, mà tại mỗi lần trèo lên lưng ngựa là nó lại nhiệt tình hô cha cha cha, mã nô đứng bên hầu cứ phải nhắc nó mãi là đừng siết dây cương chặt quá. Sau cùng khi đành chịu bó tay với Nhị cách cách, mới lẳng lặng nắm một đoạn dây trong tay, nếu thấy cách cách kéo căng thì tên mã nô sẽ thả lỏng ra chút ít.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ lần nào lên xuống ngựa, Nhị cách cách đều bị vấp chân. Lần đầu vấp nó suýt ngã úp mặt xuống đất, mọi người đứng quanh sợ toát hết mồ hôi lạnh. Mã nô và thái giám trông ngựa chia nhau một người nhảy bổ qua làm đệm cho nó, một người lấy hết can đảm lao tới ôm lấy nó. Tới lúc Tứ a ca nhảy xuống ngựa chạy qua ôm Nhị cách cách vào lòng, mã nô và thái giám đã quỳ sẵn dưới đất, dập đầu đến mẻ cả trán.
Hai mắt Tứ a ca như tóe lửa: “Lôi xuống đánh.”
Các tiểu chủ tử vì còn nhỏ tuổi, sợ chúng không thành thạo, nên sau khi chúng lên ngựa, mã nô và nhóm thái giám đều phải kiểm tra xem chúng đã ngồi chắc chưa, yên ngựa, cương ngựa có chỗ nào hỏng hóc không, vân vân.
Đây hiển nhiên là sơ sót của mã nô và thái giám.
Sang lần hai Nhị cách cách lên ngựa, Tứ a ca không cần tới người ngoài, đích thân đứng ngay trước ngựa của nó quan sát, và rồi phát hiện ngay chỗ trục trặc.
Dường như Nhị cách cách hơi sốt sắng: lúc lên ngựa, chẳng đợi một chân trèo qua hẳn thì chân kia của nó đã nhảy lên; khi xuống ngựa cũng chẳng đợi chân đầu chạm đất, chân sau đã hấp tấp thò xuống dưới, dẫn đến một cú ngã lộn phèo.
Tứ a ca phải mất nguyên một ngày để dạy Nhị cách cách lên xuống ngựa đúng cách và an toàn. Nhưng chàng không thấy phiền chút nào, chỉ một lòng muốn rèn lại tính cho Nhị cách cách. Cái tính nóng vội này giống ai không biết?
Đến tối, chàng nhắc chuyện này với Lý Vi, mặt vẻ như “Giống nàng chứ gì?”.
Đời nào thế được? Lý Vi nghĩ bụng: nàng thuộc hội người hay trì hoãn tiêu chuẩn đấy nhé, nóng vội ư? Từ này xa vời nàng như thể khoảng cách giữa nàng và phúc tấn vậy, nhìn thì thân quen thế thôi, chứ kiếp này nằm mơ mới sát lại gần nhau được.
Nàng trộm nhìn Tứ a ca, đây chẳng là mẫu người nóng vội điển hình ư? Lại còn đi hỏi người khác cơ.
Tứ a ca ôm nàng nói: “Ta thấy Nhị cách cách giống nàng là đúng, ngày bé chắc nàng cưỡi ngựa cũng chẳng khá mấy.” Nói xong nhìn nàng, vừa nãy nom nàng bất bình ra mặt, giờ thì sao?
Lý Vi nghẹn họng, đúng thật là nàng không thể tuyên bố chắc nịch rằng mình cực kỳ am tường bộ môn cưỡi ngựa. Từ năm sáu tuổi nhập môn cưỡi ngựa cho đến lúc mười tuổi, nàng toàn phải để người hầu trong nhà dắt ngựa dạo bộ quanh điền trang, chứ chưa tự cưỡi bao giờ.
Thấy nàng ỉu xìu đi, Tứ a ca cười đắc chí, vỗ về nàng an ủi: “Đừng lo, ngày sau Nhị cách cách có nàng và ta, không biết cưỡi ngựa cũng chẳng sao.”
Hôm sau, Tứ a ca xếp ngay cho Nhị cách cách hai thái giám cưỡi ngựa cao to, chuyên chịu trách nhiệm ẵm Nhị cách cách lên xuống ngựa. Nhưng lúc phi ngựa, luôn phải có người chạy cùng với ngựa, bất cứ lúc nào cũng phải phòng tránh nó gặp sự cố.
Trở về tiểu viện, Nhị cách cách cũng bị Lý Vi bắt lại đồ hình thêu, ấy là một bức hỉ thước đậu nhành mai trông rất đơn giản, muốn đồ phải cần ít nhất hai ngày. Rèn tính như này đã được chưa?
Giải quyết phần Nhị cách cách xong, toàn bộ những gì Lý Vi cần làm còn lại chỉ có dưỡng thai. Tuy đại phu bảo cả nàng lẫn đứa nhỏ đều khỏe, song vì lần trước Nhị cách cách bị sinh non chẳng rõ nguyên do, nên Liễu ma ma và đám Ngọc Bình đều lo ngay ngáy.
Sang tháng giêng, cái thai đã được bốn tháng, mà nàng vẫn bị bắt nằm trên giường.
“Đâu cần thiết thế?” Lý Vi bàn bạc với Tứ a ca, “Giờ nó bốn tháng rồi, được đứng lên hoạt động lâu rồi, còn nằm mãi nữa thì nó sẽ phát triển quá cỡ mất.”
Tứ a ca lấy một cái bánh quả hồng nhét vào miệng nàng, hỏi ngược nàng: “Ngoài kia rét thế, nàng ra đấy làm gì?”
“Thì ngắm cảnh, đi dạo. Cảnh tuyết cũng đẹp mà.” Lý Vi giận dỗi nhai miếng bánh.
Vì câu nói của nàng, chiều đó Tứ a ca sai người chuyển vào ngay bốn chậu mai gồm mai đỏ, mai trắng, lạp mai vàng, lục ngạc mai*. Trong đó có cây lạp mai vàng cao bằng cả một người, trồng trong cái chậu to như cái cối đá, được ba tên thái giám khiêng vào, đặt ngay giữa phòng chính, trông thật như là đang trồng nguyên một cái cây trong nhà.
*Chú thích
Lý Vi bảo người dẹp hết huân hương trong phòng đi, vì hương thơm của bốn chậu hoa mai gần như đã bao trùm cả gian phòng, một thứ hương không thoảng mà nồng nàn choáng ngợp.
Hôm sau nữa, Tứ a ca lại cho người đưa sang một chậu tuyết tùng.
Khiêng chậu hoa vào, Trương Đức Thắng cười bảo: “Phải dặn người vẩy nước suốt một đêm mới đóng tuyết được thế này, nhưng đặt trong phòng thì không ngắm được bao lâu.”
Lý Vi đương nhìn cây tùng cao bằng nửa người kia, trên chạc cây xanh rì ấy phủ cơ man là bông tuyết. Thực là “Lá ngọc cành vàng” – ngoài câu này ra, thì chẳng còn cách hình dung nào khác nữa. Nhưng y như Trương Đức Thắng nói, trời gần về trưa, bông tuyết dần chảy tan hết. Lý Vi lo cứ kiểu thoắt nóng thoắt lạnh này, sẽ gây hại cho cây tùng, bèn sai người đem nó ra ngoài.
Kết quả buổi chiều Trương Đức Thắng lại khiêng một chậu nữa sang: “Làm đóng tuyết mấy chậu lận, cách cách hãy cứ yên trí, có thợ hoa chăm sóc, cây sẽ không bị hại gì đâu.”
Đến tối, tiểu viện lại thắp vài ngọn đèn băng, trăng tròn tựa ngọc, hoa tươi chậu báu, cá chép kỳ lân,… tất cả đều được bày trong tiểu viện. Ngọc Bình mở toang cửa sổ, lại bảo người kê bức bình phong trước giường đất để chắn gió thổi từ ngoài cửa vào, đoạn nói: “Cách cách ngắm chốc thôi, bị lạnh thì rách việc.”
Quả nhiên chỉ cho nàng ngắm nửa khắc là đã đóng tiệt cửa sổ lại.
Khi Tứ a ca sang, hỏi nàng có thấy đẹp không, đầu tiên nàng gật đầu bảo đẹp, kế đó liền bảo chỉ ngắm có một thoáng ngắn ngủi, mà phải bày xếp bao nhiêu thứ rầy rà tốn công.
“Có gì đâu mà tốn công?” Chàng cởi tấm áo choàng bông, chỉ mặc áo dài mỏng ngồi xuống giường đất, nói: “Được nàng ngó một cái đã là phúc phần của chúng nó rồi.”
Ý của nàng là làm vậy liệu có rầm rộ quá không cơ mà. Mà thôi, nói “rầm rộ” với Hoàng a ca, ắt là người ta chẳng hiểu nghĩa nó là chi đâu.
Tứ a ca ăn một bát phô mai, ăn xong sai người dọn bàn đi. Sau khi cho mọi người lui hết xuống, chỉ còn hai người trong căn phòng này. Đắn đo lựa lời mãi, cuối cùng mới cúi đầu nắm tay nàng và nói bằng một giọng đều đều: “Khi nào nàng sinh đứa nhỏ này ra, ta sẽ bảo người nâng phân lệ của nàng lên phân lệ cho trắc phúc tấn.”
Đón lấy ánh nhìn từ nàng, chàng thở dài: “Lúc trước ta nghĩ bất kể đứa nhỏ này là trai hay gái, khi nó ra đời, ta sẽ thỉnh phong cho nàng ngay. Song nay xem lại, về danh phận đành phải để thiệt nàng vài năm. Nhưng nàng cần nhớ kỹ rằng, trong lòng ta không hề muốn nàng chịu nỗi tủi gì.”
Nếu bảo Lý Vi không thất vọng ấy thì nghe hơi giả tạo. Trắc phúc tấn và phúc tấn hầu như không chênh lệch gì nhiều. Hoàng Thái Cực có năm đại phúc tấn, người nào cũng là chính thê. Người Hán chê người Mãn vô phép tắc, ngoài huynh chung đệ kế*, thì là đích thứ bất phân. Nhưng ngoài hậu cung của hoàng thượng phải làm gương cho thiên hạ, còn lại trong phủ các họ hàng cơ hồ đều gặp những tình cảnh tréo ngoe.
*Huynh chung đệ kế: Anh chết thì em kế thừa.
Có cơ hội làm trắc phúc tấn, tất nhiên nàng không muốn làm cách cách tiếp nữa. Nhưng đãi ngộ được tăng cao, danh phận lại chẳng đi cùng, nghe mà lòng này tội lỗi, chột dạ lắm thay.
Có điều nếu Tứ a ca không nói với nàng việc này, nàng cũng sẽ không nghĩ mình nên thành trắc phúc tấn. Chàng nói rồi, nàng mới bừng tỉnh ra: Ồ, hóa ra ta có thể làm trắc phúc tấn.
Song chừng như chàng đã thay đổi ý định đột xuất, làm nàng vừa tò mò lại vừa lo lắng.
Nàng đoán, trong phủ ắt là không có ý kiến phản đối gì, tính cách của phúc tấn và quyền uy của chàng cũng rành rành ra đấy, thế thì là do chuyện bên ngoài ư?
Nàng không nhịn được hỏi: “Ngoài kia có chuyện gì phải không ạ?”
Tứ a ca chợt sinh ra một cảm giác đầy mới lạ, đây là lần đầu tiên Tố Tố chủ động hỏi chàng về chuyện ngoài kia. Câu hỏi của nàng làm chàng phải nhớ tới những chuyện ngoài phủ khiến chàng hoài sợ hãi, lo âu, chàng vô thức ôm chặt lấy nàng, dịu dàng nói: “Không có gì, nàng không phải lo những chuyện này.”
Đúng, Tố Tố không cần biết những chuyện ấy. Chỉ cần giống như bây giờ là đủ rồi.
Mỗi lần đến tiểu viện này, như thể là bước chân vào chốn đào nguyên. Không có phiền não ưu sầu, chỉ có tiếng nói cười rộn rã. Ở trong đây, chàng là bầu trời của thê nữ, không gì làm khó được chàng.
Nhưng rời khỏi đây rồi, chàng lại là một Tứ a ca nơm nớp dè dặt trước mặt hoàng thượng; là một Tứ đệ mãi ôm mối lòng đầy phức tạp khi đối mặt với thái tử và Đại a ca; là một Tứ ca luôn do dự, thiếu tự tin trước Bát a ca và một đám tiểu a ca; là đứa con trai không biết nên đối đãi với Vĩnh Hòa cung thế nào; là một vị chủ tử thiếu bản lĩnh trước bọn nô tài.
Chàng vuốt ve cái bụng đã nhô lên của nàng, giọng đầy tình cảm: “Nàng chỉ cần yên tâm sinh đứa nhỏ này ra, chuyện ngoài kia đã có gia. Gia sẽ cho nàng và con được hãnh diện.”
Tháng giêng, hoàng thượng hạ chỉ phải đi tuần Nam, song lại bảo sẽ không tăng tiền thuế các nơi, mà mọi chi phí tuần Nam đều do trong kinh chịu trách nhiệm. Trước đó Tứ a ca không nghe được tin tức gì, hiện giờ số lần chàng vào cung ngày càng ít, mối liên hệ giữa chàng và hoàng cung cũng không còn mật thiết. Ngày trước còn được hay tin từ chỗ thái tử, nhưng từ khi thành Bối lặc, chàng cũng ít qua lại với bên thái tử hẳn.
Đến lúc hoàng thượng hạ chỉ, chàng mới biết chuyện này.
Thú thực, nghe hoàng thượng sắp tuần Nam, trong ân chỉ còn ghi không được quấy rầy người dân, lòng chàng thật muộn phiền khôn ngôi. Hoàng thượng trước là chinh phạt Cát Nhĩ Đan, đánh ba năm ròng rã, quốc khố chẳng những vơi đi, mà ít nhất cũng phải vơi hết một nửa. Dẹp loạn Cát Nhĩ Đan xong, năm ngoái còn đưa hoàng thái hậu đi tuần Đông, rồi ra ngoài ải đi săn, năm nay lại muốn tuần Nam nữa.
Cộng cả các khoản chi dựng phủ, đại hôn, phong tước cho a ca hai năm qua, quốc khố thật sự còn tiền để mà chi trả cho chuyến tuần du lần này ư?
Nhưng hoàng thượng rõ là không định suy xét việc này, tháng giêng ngài nói sẽ tuần Nam, tháng hai ngài đã xuất phát. Chẳng khác nào vừa đi tuần, vừa cần quốc khố lo tiền cho ngài.
Thái tử sứt đầu mẻ trán, vì nay mọi chuyện đều đổ hết xuống đầu y. Hoàng thượng lên đường rốp rẻng, nếu y không mau chóng đem tiền ra xoay sở, lẽ nào để hoàng thượng bơi giữa chừng rồi lại thành đội quân một người hay sao? Mà một mình hoàng thượng thì tiết kiệm kiểu gì cũng được, nhưng còn đoàn hộ quân, nghi trượng, hầu cận đi theo hoàng thượng thì không biết cắt xén đường nào. Hơn một ngàn con người đấy, chỉ một cỗ xe ngựa thôi cũng đủ để quốc khố khánh kiệt rồi.
Bát a ca cầm trịch Nội vụ phủ, bận tối mặt tối mặt, chưa đầy mười ngày đã gầy sọp đi. Ngay y cũng chẳng ngờ là hoàng thượng bảo đi là đi luôn. Biết lấy tiền ở đâu ra đây? Đành chuyển tiền từ nơi khác về ứng phó trước. Nhưng thế cũng chưa được.
Cực chẳng đã, y bèn đi cầu kiến thái tử.
(còn tiếp)