Chương 50: Có hỉ
Trong phủ Tứ a ca, Lý Vi đang ăn hạt dẻ ngào đường* với Nhị cách cách.
*Hạt dẻ ngào đường
Kể từ ngày Tứ a ca quy định mỗi bữa Nhị cách cách chỉ được ăn một bát cơm, Lý Vi cũng chẳng muốn giở trò lá mặt lá trái ra để chống đối lại uy quyền phụ thân của Tứ a ca trong lòng Nhị cách cách nữa. Thêm nữa là từ hồi dạy Nhị cách cách khóc kiểu khóc con gái, nàng nhận ra trẻ con thực đúng là một tờ giấy trắng tinh, người lớn vẽ gì lên đó, nó sẽ trưởng thành theo kiểu ấy luôn.
Vậy nên, Lý Vi không dám và cũng không muốn chơi mấy trò khôn lỏi nữa, nàng sợ ngộ nhỡ Nhị cách cách học được, rồi chẳng biết sẽ nên nết gì. Đạo Ngộ Thiền sư dạy: “Một sinh mười, mười sinh trăm, thậm chí sinh ngàn vạn, chư pháp đều từ một mà ra.” Tuy là lời của Phật gia, song nguyên tắc lại như nhau. Hôm nay nàng dạy Nhị cách cách một cách, tỷ như đổi bát nhỏ thành bát lớn, nhưng ai biết Nhị cách cách sẽ giác ngộ được đạo lý gì từ trong ấy?
Phận đàn bà con gái ở thế giới này vốn phải chịu vô vàn trói buộc. Lý Vi muốn Nhị cách cách được hưởng thụ cuộc đời, nhưng lại không mong nó coi trời bằng vung. Nên là, nàng quyết định dựng lên một vùng trời riêng cho Nhị cách cách, ấy chính là Tứ a ca. Để nó kính sợ chàng, ngước nhìn chàng, không dám làm trái lại lời chàng nói.
Một mặt, khi nuôi dạy một đứa trẻ, đòi hỏi phải có một người khiến nó sợ, tức cần có người đóng vai ác trong cả quá trình ấy. Mà nàng chắc chắn sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì với nhiệm vụ gay go này, nên chỉ đành trông cậy hết vào Tứ a ca. Mặt khác, tiền đồ của Tứ a ca sẽ còn rộng mở thêm nhiều nữa, từng bước gò nắn cho Nhị cách cách vâng theo quyền uy của chàng sớm không phải là chuyện xấu. Bằng không, nửa đời trước chỉ coi chàng là một a mã, được làm nũng, mè nheo tùy ý; nửa đời sau chàng lên ngôi vua, Nhị cách cách không tiếp nhận kịp, giẫm trúng chỗ mìn thì biết tính sao?
Dù sao, làm một cách cách, nó cũng không cần phải ôm hùng tâm tráng chí gì.
Nhưng suy cho cùng, Nhị cách cách đã quen với chế độ ăn uống đầy ắp khi trước, tự dưng bị hạn chế, trông cũng tội nghiệp lắm thay. Lý Vi bó tay, song không nỡ lòng nào trơ mắt nhìn, đành phải nghĩ cách tìm đồ ăn vặt cho nó ăn.
Phải ngon, và cũng phải tiêu tốn sức nữa. Tìm món nào mà hì hục mãi mới bỏ được một miếng nhỏ vào miệng là tốt nhất.
Hạt dẻ ngào đường quả là một món rất phù hợp với tiêu chí đề ra.
Mỗi lần ăn Lý Vi chỉ đưa nó chục hạt, vỏ hạt dẻ đã mở miệng, có điều muốn bóc thì hơi rắc rối. Tứ a ca vừa vén mành bước vào đã ngửi thấy mùi thơm ngọt tràn khắp căn phòng, liền đó bắt gặp Nhị cách cách đang ngồi ngay ngắn trước cái bàn thấp trên giường đất, hai tay cầm hạt dẻ, chậm chạp tách vỏ.
Hạt dẻ được ngào với đường nên đến cả lớp vỏ cũng thấm đẫm hương ngọt. Lần nào cũng như lần nào, Nhị cách cách toàn ngậm trước cho tới khi hết vị ngọt, mới quyến luyến bóc vỏ ra ăn. Thấy Tứ a ca sang, thoạt tiên nó lưỡng lự nhìn hạt dẻ mình vừa bóc xong, sau đó cương quyết đưa luôn cho chàng: “A mã, ăn này.”
Hic hic hic ~ ~ Tiếc quá đi!
Lý Vi tưởng chàng sẽ không ăn đâu, hạt dẻ kia bị Nhị cách cách hết bóc rồi liếm, dính toàn nước miếng nó. Ai ngờ Tứ a ca lại nhận lấy, ăn một cách trịnh trọng lắm, đoạn nhìn khuôn mặt bé bỏng mỗi lúc một đáng thương của Nhị cách cách mà rằng: “Cảm ơn Nhị cách cách nhé, ngon lắm, a mã rất vui.” Rồi chàng ẵm Nhị cách cách ngồi vào lòng mình, trước những lời khích lệ của chàng, Nhị cách cách bóc tất tần tật hạt dẻ của mình cho chàng ăn.
Sao lại có kiểu bắt nạt con gái nhà mình như thế cơ chứ?
Lý Vi hết nhịn nổi, đành tự bóc hạt dẻ nhét vào miệng Nhị cách cách. Làm Nhị cách cách, vốn đang hết sức chán chường song lại rất muốn hiếu thảo với a mã, mừng huýnh cả. Tứ a ca ôm Nhị cách cách, cười cười nhìn nàng, cũng nhặt hạt dẻ lên bóc vỏ, đút hết cho nàng và Nhị cách cách ăn.
Ba người ăn hết đĩa hạt dẻ trên bàn, Lý Vi vội bảo thôi.
Lúc Nhị cách cách được nhũ mẫu ẵm đi ngủ trưa, chàng mới hỏi: “Nàng thèm ăn à?” Phải ra cung rồi chàng mới được tiếp xúc với mấy món quà vặt này, còn ở trong cung, hạt dẻ toàn đem đi làm bánh hạt dẻ hoặc gà kho hạt dẻ* các loại.
*Bánh hạt dẻ
*Gà kho hạt dẻ
Tố Tố lớn lên trong gia đình bình dân, ắt là thuở nhỏ đã được ăn rất nhiều món ăn vặt. Thế mà khi vào cung đây, những thức quà bánh ấy lại thành của hiếm lạ.
Lý Vi lắc đầu: “Không phải ạ, giờ Nhị cách cách ăn ít, cứ thấy đói luôn, thiếp bèn tìm vài thứ cho nó ăn đỡ vậy.” Dứt lời, nhìn chàng một cái hờn trách.
“Khụ.” Nghĩ lại chuyện chàng yêu cầu Nhị cách cách chỉ được ăn một bát mỗi bữa, Tứ a ca cười bảo: “Cũng vì tốt cho nó thôi. Con nít tỳ vị yếu, ăn quá đâm bệnh thì nguy. Tuổi nó còn bé, lại không thể dùng thuốc tùy tiện, nó bệnh rồi chẳng lẽ nàng không xót ruột?”
Xót chứ. Nàng cũng phải hỏi cả nhũ mẫu lẫn Liễu ma ma mới biết vì sao trong cung phổ biến phương pháp nuôi con kiểu này – không gì khác ngoài nguyên do y học kém phát triển. Thêm việc không được hướng dẫn từ thầy thuốc có chuyên môn cao, dần dà mới đẻ ra cách bỏ đói con nhỏ. Vì những người ấy cũng không biết rốt cuộc bao nhiêu mới gọi là vừa phải, chỉ học được mỗi cách cho ăn ít, thế là thành ra như vậy.
Câu chuyện này làm nàng nhớ về hồi mới nuôi chó, nàng có hỏi bác sĩ thú y xem phải cho nó ăn uống thế nào. Bác sĩ dặn tốt nhất là đừng nên cho chó ăn quá nhiều, còn bảo thà để nó đói chút chút, vì chó đói không có hại gì, nhưng ăn nhiều sẽ dễ gặp vấn đề. Ngay trên mạng cũng nhất trí rằng chó con nên ăn ít thôi, tuy nhiên có thể chia làm nhiều bữa. Kết quả là có những người chủ chỉ tiếp thu mỗi nửa câu đầu, đơn cử như nàng từng gặp trường hợp một chú chó con kiệt quệ vì chủ cho ăn quá ít, khi được chủ đưa đến bệnh viện thú y, bác sĩ phán chó bị suy dinh dưỡng.
Chủ chó lại không tin, vì thức ăn cho chó ở nhà đều là hàng tốt, làm gì có chuyện suy dinh dưỡng, bèn nói: “Nó còn không đi ị nữa bác sĩ ạ.”
Bác sĩ thú y: “… Tại ăn ít quá nên không đi được chứ sao.”
Rồi thì người chủ cho chó ở lại bệnh viện để bác sĩ cho ăn hai bữa, chiều đấy nó ị được ngay, cũng có sức chạy nhảy tới lui nghịch quả bóng được.
Lúc đó đang ôm chó cho nó chích thuốc, Lý Vi tiện thể chứng kiến luôn toàn bộ sự việc này và thấy rất chi là 囧.
Cỡ này là hơi bị quá mức rồi đấy. Giờ nàng thấy cách nuôi con trong cung cũng phần nào giống thế: nào là để nó đói tí cũng có chết chóc gì đâu, cùng lắm là hơi yếu người này hơi mất tinh thần này; nào là ăn nhiều quá đâm ra tiêu chảy nôn mửa rồi lại đổ cho nhũ mẫu, ma ma là chăm sóc bất cẩn, để nó đói lả người… Mà đoán chừng các nhũ mẫu, ma ma cũng sẽ không để nhóm cách cách, a ca đói đến nông nỗi ấy thật đâu.
Lý Vi nhớ lại cách kiểm tra xem chó đã ăn no chưa của ngày xưa, ấy là sờ bụng nó coi có căng tròn lên không, và xem nó ị phân dạng rắn hay dạng lỏng. Nàng giảng giải cách nuôi chó như thể đang kể chuyện, còn tập trung nhấn mạnh vào việc con chó bị đói tới nỗi suy yếu hẳn và không đi vệ sinh, sau cùng mở rộng ra hơn với câu hỏi liệu cách này có dùng cho Nhị cách cách được hay không.
Tứ a ca kiên nhẫn nghe hết, nói: “Tức là nàng muốn nuôi Nhị cách cách như nuôi con chó con ấy hả?”
Câu này sao nghe cứ lấn cấn chỗ nào?
Trong cơn rối rắm, mong muốn vớt vát cho con gái của Lý Vi vẫn thắng thế, nàng nói: “Vậy cũng đâu thể áp đặt khắt khe được? Lỡ đâu một bát là quá ít với Nhị cách cách thì sao? Và nếu một bát rưỡi mới là vừa đủ với nó thì sao?”
“Ừ.” Tứ a ca hỏi, “Thế nàng muốn làm như nào?”
“Sẽ xem tình hình đi vệ sinh ra sao ạ.” Lý Vi nói giọng hùng hồn.
Tứ a ca gọi nhũ mẫu của Nhị cách cách tới, hỏi sinh hoạt thường ngày của Nhị cách cách gần đây thế nào. Lý Vi hãi hùng nghe nhũ mẫu thưa kỹ đến cả chuyện một ngày Nhị cách cách uống mấy cốc nước, đi tiểu mấy lần, phân có vàng không.
Cho nhũ mẫu lui ra, chàng thấy hồn nàng vẫn ở đâu đâu, không nhịn được búng vào trán nàng, “Đơ rồi à? Những nhũ mẫu này từ lúc chưa có con đã được Nội vụ phủ chọn về dạy dỗ, và sau đó đều phải trải qua hai, ba lần sinh nở thì mới được chọn làm nhũ mẫu. Bàn đến việc chăm nuôi con trẻ, họ thông thạo hơn nàng nhiều.”
Bọn người tinh ma ở Nội vụ phủ kia hằng ngày rãnh rỗi không việc gì làm là lại đem những chuyện trên trời dưới đất ra mà săm soi ngâm cứu. Đến cả chuyện phòng the họ cũng biên ra được tận một hai ba tập hẳn hoi, huống gì là chuyện nuôi con?
Lý Vi đành thôi, nàng phát hiện ở mặt này ấy mà, đúng là nàng không chuyên nghiệp bằng người ta thật.
Bỗng nghĩ ra điều gì, nàng lo lắng hỏi: “Lúc trước họ không nói gì, liệu có phải do thiếp đòi hỏi nhiều quá, nên họ dứt khoát mặc vậy cho bớt chuyện luôn không?” Nàng không gò bó Nhị cách cách trong chuyện ăn uống, và nhóm nhũ mẫu cũng chẳng ý kiến gì.
Tứ a ca không ngờ nàng lại đột ngột thông suốt, sợ nàng hiểu ra rồi lại tự trách mình, bèn nói: “Cái đấy thì không, dù nàng không dạy bảo Nhị cách cách, thì khi Nhị cách cách gặp chuyện, kẻ đầu tiên bị hỏi tội vẫn sẽ là họ, dù họ đổ ngược lại cho nàng thì cũng không thoát được tội. Lúc trước kia à, có lẽ do thấy Nhị cách cách không bị sao, nên mới không nói gì đấy.”
Lúc này Lý Vi mới nhẹ thở phào, may là không bị một phút hồ đồ mà làm hại con gái.
“… Thế thiếp cho nó ăn hạt dẻ có làm sao không?” Nàng lại nghĩ tới việc này.
“Không đâu, ăn hạt dẻ thôi thì bị gì được? Ta thấy mỗi lần nàng cũng không cho nó ăn quá nhiều, đừng cứ như chim sợ cành cong ấy vậy. Trên đời này, đâu còn ai thật lòng thật dạ yêu thương Nhị cách cách hơn nàng nữa.” Chàng kéo tay nàng, an ủi.
“Thiếp chỉ sợ tốt bụng lại thành ra hỏng việc. Lần đầu thiếp làm ngạch nương, cũng là lần đầu nuôi con, cái gì cũng phải tìm hiểu cho biết.” Chỗ này lại còn chẳng có internet, Lý Vi vẫn thấy choáng ngợp.
Đến trưa nàng cũng chẳng ăn được mấy.
(còn tiếp)