Chương 5
Gần đây còn có một chuyện lớn.
Lý Vi nghe Ngọc Bình nói, Tống cách cách có thai.
“Cách cách, chúng ta gửi gì qua đó đây ạ?” Ngọc Bình hỏi nàng.
Vô số những vị tiền bối từng xuyên không trước đó đã để lại bài học cho nàng: Hãy tặng những món đồ ít gây rủi ro nhất.
Nàng nói: “Lấy hai thỏi bạc năm lạng, bảo người ta đánh thành một cặp vòng tay đặc ruột cho em bé. Không cần phải thêm hoa văn tinh xảo gì, khắc một câu con đàn cháu đống lấy may là được.”
Hai ngày sau, Ngọc Bình đã lấy vòng tay về. Bạc nặng, đặc ruột, nom độ mảnh chắc cũng cỡ ngón út, mà cầm lên thì quả thực nặng trĩu cả tay. Trên vòng khắc bốn con chữ “Con đàn cháu đống”, bên cạnh điểm xuyết bằng mấy đám phù vân.
Lý Vị ngắm nghía rồi sai Ngọc Bình đưa qua. Vòng tay chẳng đáng bao nhiêu tiền, nhưng tặng với thân phận một tiểu cách cách như nàng lại vô cùng thích hợp.
Trong chính viện, Phúc tấn đang chép kinh theo thường lệ, có điều hôm nay chép cứ phạm lỗi suốt. Nét chữ dưới ngòi bút bỗng mất đi cảm giác vô tư, thấu đạt, khiến nàng chỉ đành chép lại hết lần này đến lần khác.
Thấy số kinh chép hỏng của nàng sắp sửa xếp thành cả một chồng, Phúc ma ma đứng cạnh nhìn, tim đau tan nát.
Bà ta vẫn luôn nghĩ Lý cách cách quá được Tứ a ca yêu thương, nên lúc nào cũng nhăm nhe theo dõi Lý cách cách sát sao. Nhưng Phúc tấn lại nói đã một thời gian dài mà chưa thấy Tống cách cách có động tĩnh, dẫu hằng ngày nàng ta đều tới chính viện thỉnh an, song không hề tìm Tứ a ca, hơi hơi bất thường.
Lúc Tứ a ca đến, Phúc tấn có nhắc Tống cách cách, bảo rằng Tứ a ca có đôi chút lạnh nhạt với nàng ta. Tuy nhiên, đến khi Tứ a ca sang chỗ Tống cách cách, chỉ sau một đêm đã truyền ra tin tức nàng ta có thai. Vì đã sắp bốn tháng, nên Tứ a ca bèn sai người gọi thái y.
Xác nhận xong xuôi, Tứ a ca căn dặn Phúc tấn phải chăm nom cái thai này thật tốt, dù sao cũng là đứa con đầu tiên sau khi chàng thành thân, cho dù là nam hay nữ đều rất quan trọng.
Phúc tấn nghe, vị cay đắng dâng trào lên tận miệng. Do nàng và Tứ a ca ít gần gũi quá sao? Nhưng một tháng, có đến mười ngày Tứ a ca nghỉ ở phòng nàng kia mà.
Vả lại, nếu nói về số ngày nghỉ ở chỗ ai nhiều, nghỉ ở chỗ ai ít, thì ít nhất là Tống cách cách, nhiều nhất chính là Lý cách cách.
Vậy nên, vẫn phải xem người nào tốt phúc đã.
Phúc tấn viết “Vũ mạn đà la, mạn thù sa hoa, chiên đàn hương phong, duyệt khả chúng tâm” xong, cuối cùng vẫn lấy dao cắt bỏ phần ấy đi.
Mỗi một người con gái trên thế gian này đều có những lợi thế riêng. Nàng không cần phải ngưỡng mộ may mắn của Tống cách cách, cũng sẽ không đi tranh giành sủng ái của Lý cách cách. Nàng chỉ cần là chính mình, làm mọi việc tốt nhất sao cho xứng với bổn phận một “Tứ phúc tấn” là được.
Bởi lẽ ngoại trừ nàng, không còn người con gái thứ hai nào là “Tứ phúc tấn” nữa.
Tống cách cách mang thai có vẻ khá im hơi lặng tiếng, cơ hồ không nghe được tin tức gì. Lúc hay tin mừng, Tứ a ca vui vẻ mấy ngày, qua chỗ Tống cách cách nghỉ thêm mấy bận, nhưng chẳng được bao lâu đã về chỗ Lý Vi.
Trong vòng một năm ngắn ngủi Lý Vi hầu hạ chàng, mới phát hiện Tứ a ca là kiểu người có cái tôi rất lớn. Ở ngoài chàng thế nào, nàng không có cơ hội được biết. Nhưng giữa mấy người đàn bà con gái trong hậu viện, Tứ a ca hoàn toàn mặc kệ những cái gọi là cân bằng, chàng thích ai hơn thì sẽ nghỉ ở chỗ người đó.
Nàng hãy đang sợ Phúc tấn nổi giận, sợ Tống cách cách bất bình, nhưng chàng là chàng tuyệt đối không để ý. Thấy chàng như thế, nàng cũng chả dám nói gì nhiều hơn. Chọc chàng giận thì còn lâu mới có quả ngon ăn, nàng cũng đâu phải thánh mẫu não tàn. Sau này dù Phúc tấn và Tống cách cách ghi hận nàng vì điều ấy, nàng sẽ sẵn sàng đón nhận.
Vì Tứ a ca thường xuyên đến, nên phòng ở của Lý Vi nghiễm nhiên có sự can thiệp từ thẩm mỹ của chàng. Do vậy dần dà, các loại vật dụng đẹp đẽ, đồ cổ quý báu thêm vào phòng nàng càng ngày càng nhiều.
Có đôi lúc nàng nhìn mà phát khiếp, không khỏi nghĩ, nếu Phúc tấn đi một chuyến tới phòng nàng, hai chữ “xa xỉ” to tướng kia coi như đóng dấu chắc nịch lên trán nàng rồi.
Hầu như ngày nào Tứ a ca cũng đến, hơn nữa chàng khá hài lòng với cách bố trí phòng ốc của mình.
Hôm nay dùng bữa xong, chàng nói trong thư phòng còn bài tập chưa làm hết, lát nữa sẽ lại qua đây nghỉ. Chàng đi chưa được bao lâu, Tô Bồi Thịnh đã sai người khiêng bức bình phong nhỏ bốn cánh sang, thưa rằng sẽ kê ở chái Tây nơi nàng hay ngồi thêu hoa.
Kê bình phong ở trên, vừa khéo ngăn tầm nhìn từ cửa bên đấy qua bên đây, cả gian phòng sẽ được chia thành hai không gian riêng tư chẳng bên nào quấy rầy đến bên nào một cách tài tình.
Không thể không nói, ngăn như vậy quả thực đẹp hơn nhiều.
Kê bình phong xong, Tô Bồi Thịnh quay về phục mệnh. Để lại Lý Vi với bức bình phong và trăm mối cảm xúc lẫn lộn, vừa yêu thích lại vừa phiền não.
Bức bình phong này, bao gồm những món đồ to to nhỏ nhỏ sắm thêm trong phòng, còn cả “món đồ to” là Tứ a ca nữa, với nàng mà nói đều là gánh nặng ngọt ngào. Nàng có thích cỡ nào, cũng không dám chạm tay. Dẫu đồ đạc đã bày yên vị trong phòng nàng, vẫn khiến nàng bất an thấp thỏm.
Có lẽ xuất phát từ đặc điểm của phụ nữ hiện đại, nàng luôn có cảm giác mình là kẻ thứ ba giành Tứ a ca từ tay người khác. Còn nếu là phụ nữ cổ đại chân chính thì lại tốt quá, họ chắc chắn sẽ không sinh ra ảo tưởng rằng “Tứ a ca không thuộc về ta”.
Giống như hai vị cách cách trong phòng của Ngũ a ca, họ vào phủ, ý nghĩ bao trùm tâm trí họ đó là “đuổi hết đàn bà con gái đi, a ca sẽ là của một mình ta”. Nếu nàng chạy tới nói với họ rằng “A ca và Phúc tấn mới là vợ chồng trời sinh, cách cách như chúng ta phải tự biết xấu hổ, tự phê bình bản thân, làm một tiểu thiếp an phận sinh con dưỡng cái là được rồi”, thế thì chắc họ sẽ cho rằng đầu nàng bị úng nước.
Nếu nàng lại nói tiếp rằng “Gánh nặng đạo đức quá lớn, có lẽ nên tự vẫn luôn đi, dù có xấu xí đến đâu cũng phải gìn giữ thân thể và tâm hồn trinh bạch, làm ni cô ở hậu viện cũng được. Nếu muốn theo đuổi ái tình, thì nên chọn một người đàn ông chưa thành thân, và điều kiện tiên quyết là có thủ đoạn để giúp bản thân mình bước ra khỏi hậu viện của a ca mà vẫn còn nguyên vẹn”.
Đây là chuyện nghìn lẻ một đêm rồi.
Ngay cả Lý Vi cũng cảm thấy nếu nàng nói nửa câu trước với người ta, ngược lại càng giống như là thể hiện bản tính kiên cường của phận làm nô. Chẳng lẽ mới đó đã để việc làm một tiểu thiếp hợp quy cách trở thành nghề nghiệp cả đời? Tới nửa câu sau, cho dù não nàng có tàn đến mức nào cũng sẽ không bao giờ làm, đấy chính xác là bị thần kinh.
Hồi đi học, nàng rất thích một câu giáo viên từng giảng: Lập trường của con người được quyết định bởi điều kiện và hoàn cảnh.
Nói dễ hiểu, đứng ở đỉnh núi nào thì hát bài ca của đỉnh núi ấy.
Lý Vi định bụng sẽ học hỏi hai vị cách cách của Ngũ a ca, kéo dài sinh mệnh, đấu tranh không ngừng nghỉ. Với nàng mà nói, tranh và không tranh đã chẳng còn là vấn đề, mà tranh đến mức độ nào mới là điều cần nắm chắc.
—
Sau khi bó rau hẹ đầu tiên của mùa thu được thu hoạch, Lý Vi liền nói với thiện phòng nàng muốn ăn sủi cảo nhân thịt lợn rau hẹ.
Bó rau hẹ đầu tiên, phải gọi là mơn mởn. Nàng thấy thiện phòng cho rau hẹ muối vào cháo mới biết, ôi, hóa ra rau hẹ đã ăn được rồi đấy.
Phải ăn sủi cảo ngay!
Sau khi Ngọc Bình đi qua truyền lời, Mã thái giám cười khổ lắc đầu: “Lý chủ tử này, người thì không lớn, mà lắm chuyện đáo để!” Có ai giờ đã đi ăn sủi cảo không? Cứ nhất quyết đòi ăn loại nhân này, ăn bánh bao thôi không được à?
Lưu thái giám nói: “Nói nhảm gì đấy? Chủ tử muốn ăn gì còn cần thương lượng với nhà ngươi chắc? Nhanh cái tay cái chân lên! Chọn bó rau hẹ ngon nhất, gọi hai tên khéo tay trộn nhân đi.”
Cuối cùng sủi cảo ba loại nhân được đưa tới.
Lý Vị gọi nhân thịt lợn rau hẹ, nhân chay có trứng gà rau hẹ, nhân hải sản có ba thứ là tôm nõn, hải sâm, sò khô.
Kết quả, nhân thịt lợn rau hẹ nàng gọi lại không thấy ăn mấy, còn nhân hải sản thì nàng ăn gần hết sạch. Lý Vi ăn mà xúc động phát khóc… Ngon quá đi mất thôi!
Dân thường chưa từng được ăn những món ngon tuyệt đỉnh như thế. Năm nay nàng cũng mới tiến cung, lúc ở Lý gia, nàng chẳng thể nào ăn món sủi cảo với nhân bánh đẳng cấp thế này. Đồ trong hoàng cung vẫn là đồ tốt.
Lý Vi bỗng dưng thấy mình đang trông giữ một tòa núi báu mà bản thân không hề hay biết gì! Vậy mà trước giờ cứ lấy mấy món dân dã bình thường ra để đùa với nhóm ngự trù trong cung.
Khi Tứ a ca trở về từ Thượng thư phòng, tức khắc bắt gặp nét mặt thỏa mãn của nàng.
“Có chuyện tốt gì đây?’ Chàng cười, kéo tay nàng ngồi xuống, mắt quét qua bụng dưới của nàng.
Lý Vi không nhịn được bảo với chàng: “Tứ gia, sủi cảo thiện phòng đưa tới hôm nay ngon cực kỳ!”
Tứ gia đã rõ tuốt tuồn tuột, cất giọng hỏi nàng: “Trưa nàng ăn sủi cảo ư?” Chàng ở trong cung mười mấy năm, từ trước đến nay chưa từng nghe nói thiện phòng nấu sủi cảo vào thời điểm này bao giờ.
Chắc chắn là nàng gọi.
“Thiếp muốn ăn lâu lắm rồi…” Nàng kéo ngón tay chàng nũng nịu. Ngày xưa thèm ăn sủi cảo, thế là nàng ra ngoài mua ngay hai túi, có vị gì nàng chưa nếm qua? Không thích ăn đồ đông lạnh cũng có thể tự gói, nói không phải khoe, nàng nêm nếm nhân sủi cảo vừa miệng ra phết đấy!
Hồi ở Lý gia, thèm ăn là nàng phải mè nheo với a mã và ngạch nương, cho nên nàng cũng biết ít nhiều, món này chưa tới mùa mà đã ăn thì có hơi lạ lùng.
Nhưng không phải ăn một tí xíu cũng không được. Sủi cảo chưa tới mức thần thánh cỡ ấy.
Nàng biết quy tắc trong cung lớn lao, nhưng ngẫm lại xem, mỗi một món sủi cảo thôi mà. Ở cạnh Tứ a ca, nàng được thương yêu đến thế, ăn một đĩa sủi cảo cũng không bị coi là khác người. Vậy nên nàng đã bảo với thiện phòng.
Điều quan trọng nhất là, sủi cảo không phải thứ khó có. Nếu nàng ăn một món mà phải giết tận bảy, tám chục con cá, lúc ăn chỉ ăn tí ti phần thịt mềm trên mang cá, đó mới gọi là hoang phí. Đằng này chỉ một đĩa sủi cảo, Tứ a ca có biết cũng sẽ không nổi giận.
Quả nhiên, Tứ a ca nói: “Sủi cảo gì mà ngon thế? Bảo họ buổi tối mang một phần lên.”
Đến tối thiện phòng đưa sủi cảo tới, chàng thử một miếng, nét mặt bình bình, ngạc nhiên hỏi vì không hiểu sao nàng lại thích tới vậy: “Đây là sủi cảo nàng nói ăn cực kỳ ngon ư?”
Vẻ mặt chàng trông như lấy làm lạ lắm, Lý Vi bèn ăn một miếng sủi cảo trong đĩa của chàng, hương vị ngọt ngào đong đầy khoang miệng, tôm nõn nguyên con kết hợp cùng thịt sò mọng nước, nháy mắt nàng lại bị chinh phục.
Chàng bị nàng chọc cười, đẩy cả đĩa sang cho nàng: “Thích thì ăn hết đi. Đúng là, có thể thấy nàng chưa được biết đến bao nhiêu đồ ngon đâu.” Sau đó chàng ngồi ở bên nhìn nàng ăn sạch cả một đĩa, vừa nhìn vừa cười.
Buổi tối, chàng lại kéo nàng đi tiêu cơm. Hai người ngồi trong màn như Quan Âm, mặt đối mặt, Lý Vi ngồi trên đùi chàng, ôm lấy cổ chàng, eo bị chàng nắn bóp, lên lên xuống xuống.
Chân Lý Vi đau đến độ chẳng cặp nổi eo chàng nữa, chỉ biết ôm chàng khóc lóc xin tha.
“Tứ gia… Tứ gia… hu hu hu… Tha cho thiếp…”
Nàng tựa vào cổ chàng khóc, cọ cọ liên tục, sau cùng nhe hàm răng run run cắn xuống vai chàng.
Buổi sáng, Tứ a ca dậy, Lý cách cách đương nhiên hẵng đang ngủ mê say. Tô Bồi Thịnh đứng cạnh theo dõi tiểu thái giám, tiểu cung nữ hầu hạ a ca thay quần áo. Chỉ cách một bức bình phong, tiếng hít thở nhè nhẹ của Lý cách cách thi thoảng vang lên cùng với tiếng rên khẽ mềm mại chốc chốc lại truyền tới.
Vẻ mãn nguyện hiển hiện trên gương mặt Tứ a ca, tận khi bước lên con đường đến Thượng thư phòng, trên đầu tinh tú còn giăng, khóe môi chàng vẫn còn hơi rướn.
Tuy là thái giám, song Tô Bồi Thịnh cũng có thể hiểu được tâm trạng đắc ý của Tứ a ca. Hành hạ tiểu mỹ nhân mình thích tới mức không xuống nổi giường, là một điều rất đáng để kiêu hãnh đấy.
Buổi trưa lúc dùng bữa trong Thượng thư phòng, Tứ a ca chỉ gắp hai miếng đồ ăn tương đối thanh đạm, cơm thì chan với canh ăn hai bát. Ăn xong, lúc thái giám dâng bữa đi lên dọn bát đũa, chàng đưa mắt nhìn món súp vi cá mấy bận. Tô Bồi Thịnh đang khó hiểu, bỗng Tứ a ca nhỏ giọng nói với hắn: “Bảo thiện phòng chuẩn bị món đó, buổi tối ta đọc sách sẽ dùng.”
Lại điêu.
Tô Bồi Thịnh hầu Tứ a ca đã mười năm, hiểu rất rõ chàng không ăn loại súp béo béo ngầy ngậy này, lần nào nhìn thấy chàng chả nhíu mày.
Đồ ăn làm cho ai, hắn đoán cái là biết ngay, thế là bèn nhẹ nhàng truyền lời xuống dưới. Món ấy quả thực cần dặn thiện phòng chuẩn bị trước, cua phải đi lấy từ sớm, vi cá cũng phải tới nhà kho lấy.
Buổi tối, Tứ a ca nghỉ ở thư phòng như thường lệ. Sau khi dọn xong bữa tối, chàng thưởng cho Phúc tấn bốn món đồ ăn, Tống cách cách bốn món đồ ăn, Lý cách cách một món súp.
Đồ đệ Trương Đức Thắng của Tô Bồi Thịnh cẩn thận xách hộp thức ăn có món súp vi cá đến chỗ Lý cách cách, đứng ở ngoài chờ nàng ăn xong mới trở về thưa lời.
Lúc cậu ta đi, có người còn đứng trước nói Phúc tấn rất thích bốn món đồ ăn mà Tứ a ca thưởng, khen gân nai làm rất ngon miệng.
Tứ a ca gật đầu, chờ mọi người đi xuống hết, Trương Đức Thắng bước lên, đứng chỗ cách xa ba bước chân, cúi đầu nói: “Lý chủ tử quỳ tạ món súp chủ tử ban thưởng, nói rằng trước tới giờ chưa từng được ăn.” Nghĩ nghĩ, cậu ta thoáng nhìn Tô Bồi Thịnh qua khóe mắt, lại bỏ thêm một câu: “Lý chủ tử đã ăn hết sạch cơm.”
Tứ a ca gần như có thể mường tượng ra cảnh nàng biến món ăn nổi tiếng ấy thành cơm chan súp ăn.
Cứ nghĩ cái loại súp sền sệt kia chan vào bát cơm là chàng hết cả hứng ăn uống. Trương Đức Thắng nom sắc mặt chàng không vui, nhất thời sợ đến độ chân mềm nhũn.
Chứng kiến bộ dạng vô dụng của cậu ta là Tô Bồi Thịnh nổi cáu. Nháy nháy mắt đuổi Trương Đức Thắng đi, hắn lặng lẽ đi tới đổi chén trà cho Tứ a ca. Đợi một lát sau, mới thấy Tứ a ca hoàn hồn bưng trà uống.
Thấy Tứ a ca uể oải thưởng thức ánh trăng phía ngoài cửa sổ, Tô Bồi Thịnh nghĩ bụng, có lẽ chủ tử vẫn muốn đến chỗ Lý chủ tử nghỉ, có điều đi qua lại phải làm chuyện đó.
Hà cớ vì sao? A ca là thanh niên trai tráng, thích con gái có phải khuyết điểm gì đâu? Hoàng đế hằng đêm triệu phi tần bầu bạn cũng đâu có sao, thi thoảng một đêm có thể triệu những hai, ba người kia kìa. Tinh lực tràn trề là chuyện tốt biết mấy, trông vào càng có vẻ mạnh mẽ.
Huống chi Tứ a ca còn trẻ, ngày ngày sủng hạnh Lý chủ tử thì thế nào? Nói không chừng Lý chủ tử còn mừng chả kịp.
Nhưng Tứ a ca cứ nhất quyết tự quản lấy mình, hôm nay làm rồi thì chắc chắn phải nghỉ hai hôm. Cũng không thấy chàng mệt mỏi gì, mà khi rỗi việc chàng lại cứ ngồi thẫn thờ nghĩ ngợi. Tô Bồi Thịnh thực sự chẳng hiểu nổi.
Lý Vi ăn một hơi hai bát cơm nên bụng dạ có hơi căng trướng, bèn đứng dậy luyện chữ, lòng thì hãy còn vấn vương hương vị mỹ mãn tuyệt vời của món súp ban nãy.
Ngọc Bình ở bên thêu cổ áo cho bộ kỳ bào mới của nàng, hai người chuyện trò câu được câu chăng.
Bất chợt Lý Vi thốt một câu: “Giờ là mùa ăn cua đấy.”
Ngọc Bình không ngẩng đầu, tiếp lời nàng: “Thứ ấy nặng tính hàn, không ăn nhiều được ạ, người sắp đến ngày nữa rồi, ăn vào là đau bụng ngay.”
Cũng đúng. Lý Vi thấy tiêng tiếc.
Tống cách cách mang thai, tuy Phúc tấn không quan tâm đến đồ ăn mỗi ngày của các nàng, nhưng chung quy là vẫn có phạm vi nhất định. Món thịt dê bình thường Lý Vi gọi không có gì là trái thông lệ cả, vì so với thịt lợn, người Mãn đã ăn thịt bò, thịt dê từ lâu. Song, nếu nàng muốn ăn cua thì sẽ phát sinh một số vấn đề, vì món này không được liệt kê trong mục nguyên liệu chuẩn bị sẵn của khẩu phần ăn.
Nếu không phải hôm nay Tứ a ca thưởng súp cua thì nàng cũng quên béng đi mất.
Nhớ trước kia ở Lý gia, cua đồng rẻ có thể ăn bất cứ lúc nào. Vào cung rồi lại không ăn được nữa.
Kết quả ban đêm Lý Vi nằm mơ, trong mơ toàn cua là cua, chân cua mảnh, vỏ lại mềm, nàng thích nhất là chiên chân cua đồng trong dầu rồi thêm ớt xào trên lửa lớn, bỏ thẳng vào miệng nhai rồm rộp rồm rộp!
Sáng sớm dậy nước miếng nàng đã chảy ròng ròng. Càng không được ăn càng thèm ăn tợn. Giữa trưa Ngọc Bình hỏi nàng ăn gì, nàng lại nghĩ giờ đi bảo với thiện phòng làm bánh bao gạch cua như bữa tối thì có kịp không nhỉ?
Cuối cùng đành gọi trăm con tôm nõn ăn cho đỡ thòm thèm.
Ngọc Bình hỏi nàng còn muốn gì khác nữa không.
Nàng nghĩ tới mấy con mua, miệng bảo: “… Gọi thêm phi lê cá xào, canh cá viên đi.”
Giờ Ngọc Bình mới nhận ra: “Cách cách thèm ăn cá ạ?”
“Ừ, gần gần thế.”
Trên đường qua thiện phòng, Ngọc Bình hẵng mải suy nghĩ, Lý cách cách mất tinh thần vậy là vì nhớ Tứ a ca ư? Hôm nay Tứ a ca chắc chắn sang, lúc ấy cách cách hẳn sẽ vui lắm.
Nghĩ đến tấm lòng Tứ a ca dành cho cách cách, Ngọc Bình cũng thấy mừng lòng.
Lưu thái giám bên thiện phòng nghe món ăn trong thực đơn thì đã tỏ tường, Mã thái giám đứng cạnh cố tìm chuyện nói: “Hóa ra Lý cách cách thích ăn cá à.”
Ngưu thái giám cũng xu nịnh theo: “Thế tôi đi chọn hai con cá béo thịt cho Lý cách cách luôn đây.”
Lưu thái giám cười ha ha, đợi lúc không có ai mới giao việc cho Ngưu thái giám, sai ông ta hỏi thăm Khánh phong ti, dạo này A Ca Sở cần thêm mấy sọt cua của đợt thu.
Ngưu thái giám luôn miệng đồng ý sẽ đi ngay lập tức, hai tay xoa vào nhau, nói: “Hiện giờ đúng là mùa ăn cua! Hôm trước đến Khánh phong ti tôi thấy cả rồi! Con nào con nấy chắc mẩm cũng phải bảy, tám cân!” Ông ta không nhịn được nghĩ thầm trong bụng, nếu vị a ca nào ăn ngon miệng, ông ta cũng có cơ hội nịnh nọt một phen!
Buổi chiều, Tứ a ca trở về từ Thượng thư phòng, trước là tới chính viện gặp Phúc tấn.
Trong khoảng thời gian này mỗi ngày Phúc tấn chép hai cuốn kinh. Tứ a ca dù biết nhưng không nói gì, chàng bảo Phúc tấn chép một cuốn, nàng càng muốn chép hai cuốn. Biết tiến bộ vươn lên là chuyện tốt… nhưng có phần như không đặt chàng vào mắt.
Chẳng phải Tứ a ca không hiểu Phúc tấn làm vậy là vì muốn lấy lòng chàng.
Ngày xưa khi chàng vừa vào Thượng thư phòng, sư phụ xếp mười tờ chữ, chàng quay về phải viết hai mươi tờ. Hoàng a mã nói mỗi lần sư phụ giảng một trang sách là phải đọc một trăm hai mươi lần cho đến lúc thuộc lòng, lần nào chàng cũng phải bỏ thời gian ra đọc đi đọc lại thêm ba, năm chục lần nữa.
Khi ấy chàng đã nghĩ rằng mình cần chăm chỉ nhiều hơn, thể hiện tốt hơn những người khác một chút, để Hoàng a mã và sư phụ nhìn thấy được, rồi sẽ khích lệ chàng, yêu mến chàng. Nên chàng luôn cố gắng để thi đua với các huynh đệ khác.
Nhưng giờ đây chứng kiến Phúc tấn như vậy, chàng lại nghĩ người này không nghe lời chàng nói, nên chàng hơi giận.
Điều ấy làm chàng nghĩ tới năm đó, có lẽ chàng cũng đã làm sai.
Hiện tại Tống cách cách đã có thai, chàng không kìm được mà tưởng tượng, nếu mai sau a ca của chàng cứ đọc mỗi trang sách thêm ba năm chục lần, liệu chàng có cảm thấy là nó đang nỗ lực học tập hay không? Hay sẽ cho rằng liệu có phải đứa nhỏ này hơi… ngốc?
Không thì sao người khác chỉ đọc một trăm hai mươi lần là ghi nhớ được, mà nó lại phải tốn thêm ba năm chục lần nữa mới thuộc?
Song Phúc tấn vì chàng mới cực khổ chép kinh, chàng chỉ cần nhớ tâm ý của nàng là chút xíu bực dọc lập tức biến tan.
Có điều chàng sẽ không nói gì thêm. So với Tống cách cách hiền thục coi chồng là trời, Phúc tấn lại là người có ý tưởng lớn lao.
Phúc tấn như thế… khiến chàng liên tưởng đến phụ nữ Mãn – Mông, trong tay họ nắm một nửa quyền lực của trượng phu. Mà một a ca như chàng, chàng còn nhớ tới Khoa Nhĩ Thấm và Vĩnh Phúc cung sau khi nhập quan*…
(còn tiếp)