Chương 3
Họ phải ôn bài trước khi sư phụ đến, cả đám huynh đệ bắt đầu gật gà gật gù đọc bài một trăm hai chục lần. Tứ a ca miệng thì đọc, lòng lại nhớ tới mấy món đồ ăn sáng ban nãy.
Từ nhỏ đến lớn, những món chàng ăn chưa bao giờ là do chính chàng chọn. Hồi còn bé là nhũ mẫu và thái giảm chủ quản chọn món, họ dâng món gì thì chàng ăn món ấy. Lúc ở chỗ của Hoàng ngạch nương, cũng là Hoàng ngạch nương cho ăn món gì thì chàng ăn món ấy.
So ra, món mà nhũ mẫu và thái giám chủ quản chọn tương đối đầy đủ, hơn nữa gần như đều giống nhau. Có trứng có sữa có thịt, có bánh bao có bánh ngọt, với lại nhũ mẫu là người Giang Tô, tuổi cũng khá lớn, nên thiên về những thức mềm mềm, ngọt ngọt. Khi bé nhũ mẫu thích nhất là cho chàng ăn chè trôi nước nhân đường trắng, có lẽ nghĩ rằng con nít thích ăn ngọt?
Họa chăng thái giám tổng quản nghĩ a ca thích ăn thịt, nên bữa nào cũng phải có thịt, và còn là cả miếng thịt to tướng.
Có điều lâu ngày toàn ăn đồ ăn tiêu chuẩn, chàng ngấy tận cổ, mất hết cả khẩu vị ăn uống. Về sau hễ nhìn bàn thức ăn tương tự thế là chàng đã thấy lửng dạ.
Món của Hoàng ngạch nương thì tinh tế hơn một chút, cùng một loại điểm tâm nhưng bảy tám loại nguyên liệu đã bị coi là ít.
Chỉ là thức ăn dẫu có tinh tế tới đâu, ăn vào miệng cũng chỉ cảm nhận được hai vị: ngon và không ngon. Dù sao chàng đã không ăn được, thì bỏ thêm bột trân châu hay bột phục linh cũng có gì khác biệt đâu.
Chẳng qua món Hoàng ngạch nương cho ăn, chàng luôn luôn phải thể hiện sự cảm động đến độ rơi nước mắt và vẻ hiếu kỳ như thể trước nay chưa từng được thấy. Dần dà, đối với những món ăn có thể làm hẳn một bản thuyết minh nguồn gốc lớn lao ghê gớm, chàng cũng chẳng có hứng thú.
Sau khi dọn vào A Ca Sở, Tô Bồi Thịnh đã biết nhìn sắc mắt chàng hơn một chút, vậy nên mấy món chàng không thích ăn dần ít xuất hiện trên bàn ăn của chàng.
Ấy nhưng Tô Bồi Thịnh làm việc cực kỳ dứt khoát, hôm nay chàng chê thịt dê tanh, bàn cơm ngày hôm sau sẽ hoàn toàn vắng bóng thịt dê.
Bụng Tứ a ca thầm chửi hắn ta ngốc, không biết biến báo.
Bởi thế chàng đã tự ép bản thân giấu đi cái sự ghét sự thích của mình, ăn gì cũng chỉ trưng một bộ mặt duy nhất, kẻo có ngày tên ngốc kia lại dẹp hết cái ăn của chàng luôn thì quá tội.
Sau khi ngạch nương chọn cách cách cho chàng, chàng bắt đầu dùng bữa theo khẩu vị các cách cách. Tính tình Tống cách cách ôn hòa thuần hậu, hầu như chẳng cáu gắt lúc nào, thích ăn món ngọt, cay. Nhưng có lẽ Tô Bồi Thịnh đã bày vẽ cho nàng, nên bàn cơm chỗ nàng luôn có vẻ kỳ cục lắm, hoặc là nhạt thếch chả tí vị gì, hoặc là thanh đạm cứ như là ăn với hòa thượng, món ngọt món cay mà nàng thích thì lại không thấy ăn.
Sau đó khi chàng dành nhiều quan tâm hơn cho Lý thị, Tống thị bắt đầu ăn những món giống y món Lý thị ăn. Sau khi Phúc tấn vào cửa, nàng lại chuyển sang ăn những món giống y Phúc tấn ăn.
Chàng không biết khẩu vị Phúc tấn ra sao, vì bữa ăn của Phúc tấn luôn làm chàng nhớ tới nhũ mẫu và thái giám tổng quản, lần nào cũng chuẩn bị cả bàn lớn, trên bàn chẳng thiếu thứ gì, cơ hồ không nhận ra nàng thích ăn món nào hơn.
Cho nên, buổi sáng hôm nay nhìn thấy dưa chuột xào trứng gà, rau cần xào và mộc nhĩ đen trộn hành tím trên bàn cơm, còn có một đĩa trứng vịt muối chưng nhỏ bên cạnh, là chàng đã biết đây không phải đồ ăn của Phúc tấn.
Chàng thoáng nhìn qua Tô Bồi Thịnh, đầu hắn gục xuống tận ngực.
Hừ.
Đoán chừng đây là đồ ăn của Lý thị.
Là nàng hiếu kính ư?
Không, nàng sẽ không to gan giở trò làm gai mắt Phúc tấn như vậy.
Thế thì là Tô Bồi Thịnh tự ý quyết định rồi.
Mặc dù có hơi không vui, nhưng bữa sáng này quả thực khiến chàng hài lòng hơn nhiều. Bằng không, nếu để chàng thấy bàn thức ăn đầy ắp của phúc tấn, chàng sẽ mất hứng ăn ngay, cuốn sách sáng nay cũng cầm chẳng nổi nữa.
Từ ban đầu, việc Lý thị hầu hạ chàng phần nhiều không phải ý của chàng. Chỉ là có một lần nọ, Lý thị lén ăn một bữa thịt dê nướng sau lưng chàng, ăn đến nỗi nóng trong người, miệng lở loét, ngay cả uống nước cũng thấy đau, dưỡng khoảng độ nửa tháng mới khỏi.
Chàng không thích ăn thịt dê, thịt bò, vì vị tanh. Việc này mọi người trong viện đều biết, chắc chắn Tô Bồi Thịnh sớm đã nhắc nhở những cách cách hầu hạ chàng. Vì vậy đã nhiều năm trong viện của chàng không hề ngửi thấy mùi thịt dê, càng đừng nói tới việc có người dám ăn.
Lý thị ăn thịt dê nên phải tội nửa tháng, chàng cũng hơn nửa tháng không đi tìm nàng. Khi đó Phúc tấn chưa vào viện, trong viện có mỗi hai người là nàng và Tống cách cách.
Danh tiếng của Tống cách cách dần dần áp đảo nàng, nhưng chàng lại dần phát hiện, Lý thị không ăn kiêng.
Chàng thì kiêng lắm thứ lắm. Thịt bò, thịt dê, thịt vịt, mấy thứ đó chàng đều không ăn, thịt lợn là tại bẩn, thịt dê là do tanh. Tuy nhiên chàng không hẳn là kiêng cữ tuyệt đối, ví dụ như mùa đông chàng cũng thích uống canh thịt dê câu kỷ. Có điều người dưới căng thẳng quá, tưởng rằng chàng không đụng tí nào đến mấy thứ ấy, kết quả chẳng những không nhìn thấy trên bàn ăn của chàng, mà bọn hạ nhân trong viện cũng đồng loạt không ăn, sợ ám múi làm chàng nổi giận.
Nhưng từ trước đến nay Lý thị chưa bao giờ để tâm.
Cũng chỉ có ở chỗ nàng, thỉnh thoảng Tứ a ca mới có một bữa gọi là được hưởng lộc ăn.
Hồi tết Nguyên Tiêu năm ngoái, chàng ăn ở chỗ nàng một bát chè trôi nước mỡ lợn nhân đường trắng nhỏ, dọa Tô Bồi Thịnh suýt nữa rơi cằm. Có lẽ trong mắt thái giám bên cạnh, vì tránh tạo cho người khác ấn tượng về sở thích của mình nên chàng mới không từ chối bát chè trôi nước kia. Chỉ có chàng biết, khi thực sự ăn lại được vị chè trôi nước quen thuộc, chàng bỗng nhận ra chàng không ghét nó như trong tưởng tượng.
Ngược lại, bát chè trôi nước ấy lại làm chàng nhớ về nhũ mẫu đã rời cung qua đời từ lâu.
Chàng biết rất nhiều người đều đang đoán nguyên nhân chàng coi trọng Lý thị. Nhưng với chàng mà nói, sự tự tại của Lý thị là tính cách chàng coi trọng nhất. Nàng giữ phép tắc, thấu tình đạt lý, nhưng bên cạnh đó nàng cũng không gò ép bản thân quá đáng, mà trong phạm vi nhất định, nàng luôn mặc sức hưởng thụ.
So sánh với Tống thị luôn học theo người khác, Phúc tấn không nhìn ra được là thích ghét thứ gì, hiển nhiên chàng càng thích ở cạnh Lý thị hơn. Cuộc sống ở trong cung, nỗ lực có thể là điều tất yếu, nhưng tự tại mới là quan trọng nhất. Lý thị có giới hạn về xuất thân nên có lẽ sẽ không đi quá xa, nhưng nàng nhất định là người thích ứng với cuộc sống trong cung hơn hẳn Phúc tấn và Tống thị.
—
Trong viện Tứ a ca, Lý Vi ngủ thẳng tới tận lúc nắng le lói mới dậy. Lúc này cũng chỉ mới hơn sáu giờ, nhưng Tứ a ca đã đi được hai tiếng đồng hồ rồi.
Ngọc Bình đặt sẵn nước ấm rửa mặt và đồ ăn sáng trên bếp trà, thấy nàng dậy liền dẫn hai tiểu nha đầu bưng chậu nước ấm vào phòng, vừa hầu nàng xuống giường vừa nói: “Chưa đến bốn giờ Tứ gia đã đi, nghe người ta bảo Tứ gia dùng bữa sáng ở chỗ Phúc tấn ngon miệng lắm.” Giọng có hơi chua chua.
Theo góc nhìn của Ngọc Bình, chỗ Phúc tấn có nguồn cung tốt, đương nhiên chẳng thiếu thứ hay, Tứ a ca thích là chuyện bình thường.
Lý Vi ngáp cái, chỉ mặc một bộ kỳ bào đơn màu xanh lá liễu, bên trong là chiếc quần lụa, cũng không chịu xỏ hoa bồn để, “Đang trong phòng mà.” Nàng nói thế, rồi xỏ chân một đôi hài gấm đế mềm.
Ngọc Bình dọn đồ ăn sáng lên, bày cháo hoa và trứng vịt muối trước mặt nàng, dè dặt hỏi: “Không sang chỗ Phúc tấn ngồi một lúc ạ?”
Lý Vi sửng sốt, hỏi nàng ta: “Lần trước ta đi là khi nào?”
Ngọc Bình lập tức đáp: “Mồng chín, bốn ngày trước ạ.” Không đợi Lý Vi nói đã nhanh nhảu tiếp thêm một câu, “Nghe nói ngày nào Tống cách cách cũng đi đấy ạ.”
Ngụ ý rằng, người ta biết nịnh bợ Phúc tấn, người cũng không thể quá lười biếng.
Trước kia lúc Lý Vi chưa xuyên không đã hay nghe nói mỗi ngày cách cách và Trắc phúc tấn đều phải đi thỉnh an Phúc tấn, xuyên đến đây rồi mới biết thực ra chả hề có quy tắc này.
Mà cũng không thể nói là không có được, phải nói là ban đầu có. Hồi nhỏ ở Lý gia, khi mời ma ma đến nhà dạy quy củ, quả thực có dạy mỗi ngày phải tới chỗ Hoàng hậu thỉnh an. Những người có phân vị thấp kém như Đáp ứng hoặc Quý nhân còn chẳng có tư cách đấy, ít nhất là phải hàng Tần mới có vinh hạnh được gặp mặt Hoàng hậu mỗi ngày.
Nhưng khi tiến cung tuyển tú, điều ma ma trong cung nói lại hoàn toàn là một chuyện khác. Bởi lẽ trong cung không có Hoàng hậu, đương nhiên sẽ không có việc thỉnh an Hoàng hậu. Các vị chủ tử trong cung sẽ đi chuyện trò với Thái hậu hằng ngày, làm vậy chẳng qua đơn giản vì để tận hiếu tâm, chứ không phải quy củ, người có thể đi chắc chắn toàn những gương mặt có tiếng nói trong cung.
Vì trong cung là thế, còn các nhà đại thần trong kinh ra sao thì Lý Vi chưa thấy bao giờ. Mà từ sau khi nàng vào A Ca Sở, nghe nói Thái tử phi và Phúc tấn của Tam a ca không bắt nhóm cách cách tuân thủ quy tắc thỉnh an vấn an mỗi ngày, cho nên Tứ phúc tấn vào cửa cũng gạt khoản ấy ra luôn.
Dẫu vậy, nói người phân vị thấp không cần đến chỗ người phân vị cao vẫn không đúng hẳn, cung của tứ vị Phi hằng ngày có kha khá người đến tâng bốc xu nịnh. Nhóm tiểu phi tần được che chở dưới phi tần phân vị cao, chẳng những có thể sống tốt hơn, mà cũng có thể có càng nhiều cơ hội nhìn thấy Hoàng đế.
A Ca Sở cũng y như thế.
Tống cách cách đi gặp Phúc tấn mỗi ngày cốt là để bày tỏ thái độ. Ban đầu Lý Vi cũng giống Tống cách cách, nhưng Phúc tấn lại chỉ cho các nàng vào phòng bên uống trà, tổng bảy tám lần đến thì chưa chắc nàng đã gặp các nàng một lần, là một sự tiếp đón lạnh nhạt tiêu chuẩn.
Mặc dù Lý Vi có ý học tập lòng kiên cường thuộc về bản tính của người làm nô gì đó, nhưng thực sự phải bó tay vì nàng không cách nào làm quen. Nếu Phúc tấn không muốn nàng chèn ép người khác, không muốn nàng tỏ vẻ ngông nghênh, tự cao tự đại, nàng sẽ chiều theo ý Phúc tấn hẳn, cả hai bên đều thoải mái chẳng phải rất tốt ư.
Còn Phúc tấn liệu có vì thế mà ghi hận nàng hay không, nói thật lòng là nàng không quan tâm mấy.
Sau khi vào A Ca Sở, nàng học được rất nhiều thứ, một trong số đó là vị trí Phúc tấn kỳ thực không có quyền lợi to lớn bằng chính thất người Hán. Hoàng Thái Cực lập năm Đại Phúc tấn, bất luận bổn ý của ông có phải dự định tập hợp thêm nhiều thế lực không, thì kết quả tạo thành chỉ có một, đó là uy tín của Phúc tấn đã bị hạ thấp.
Trắc phúc tấn, Thứ phúc tấn tuy nghe có vẻ là cấp bậc thấp nhất ở hàng Phúc tấn, nhưng trong mắt các a ca lại không chênh lệch quá nhiều. Chẳng nói đâu xa, nhìn hai vị cách cách trong viện của Ngũ a ca bên cạnh xem, các nàng có cả gan đối chọi với Ngũ phúc tấn, làm Ngũ phúc tấn cũng đến hết cách với các nàng.
Lý Vi coi như đã rõ lý do tại sao Tứ phúc tấn thời xưa lại bó tay với Trắc phúc tấn này, sau đó lại bất lực trước Trắc phúc tấn Niên thị. Trong lịch sử người Hán, việc chính phi của Vương gia bị tiểu thiếp gây khó dễ là điều không thể lý giải, nhưng ở phía người Mãn lại không có gì lạ lùng.
Như thể ở lãnh địa của người Mãn thì chỉ nô lệ và người Hán là có thân phận thấp thực sự, các dòng họ khác là tương đương nhau.
Thân phận Lý Vi kém ở chỗ nàng xuất thân từ Hán quân kỳ, thuộc kỳ vẫn đỡ hơn người Hán một chút. Nhưng đặt lên bàn cân thì tất nhiên thấp hơn Tứ phúc tấn người Mãn một cái đầu. Nếu Tứ a ca không làm Hoàng đế, nàng còn khoác trên người thân phận Trắc phúc tấn, có lẽ đời này Tứ phúc tấn sẽ thật sự không làm gì được nàng. Tiếp tục tranh đấu xem con của ai có thể làm Thế tử, cuối cùng thế nào đúng là rất khó nói.
Vào A Ca Sở rồi Lý Vi mới phát hiện mình xuyên thành ai, nàng không biết quá nhiều thông tin về Lý thị trong lịch sử. Tuy chỉ biết mấy thứ vụn vặt, nhưng sau khi xuyên không quả thực tiếp thu được vô vàn kiến thức, làm nàng có phần tâm đắc.
Nàng thấy người hố Lý thị nhiều nhất trong lịch sử không phải Tứ phúc tấn, cũng không phải Nữu Hỗ Lộc thị, mà là Tứ a ca. Nếu ông luôn là một Vương gia, thì Hoằng Thời* làm Thế tử sẽ không vấn đề gì. Chính bởi vì ông đã đấu tranh để ngồi lên ngôi vị Hoàng đế, nên mới lựa chọn Hoằng Lịch* có thân phận phù hợp hơn cả.
*Hoằng Thời: Con trai của Ung Chính đế và Tề phi Lý thị.
*Hoằng Lịch (Càn Long đế): Con trai của Ung Chính đế và Sùng Khánh Hoàng thái hậu Nữu Hỗ Lộc thị.
A ca mà không muốn làm Hoàng đế thì nói gì là a ca giỏi.
Mãi tới khi ăn sáng xong, Ngọc Bình vẫn cứ nhìn nàng bằng đôi mắt trông mong. Lý Vi nghĩ từ lần trước đi tới giờ đã là bốn ngày, vậy hôm nay cũng nên đi để được “đối xử lãnh đạm” chứ nhỉ.
Thế là nàng thay quần áo, chải đầu lần nữa. Lý Vi nhìn giờ, mới có bảy giờ một khắc, nàng thở dài một hơi rồi đi đến chính viện.
Tống cách cách đã có mặt ở chính viện được một khắc. Tiểu nha đầu dẫn Lý Vi vào, sau khi dâng trà lại nói hiện giờ Phúc tấn đang chép kinh không tiện gặp người khác. Lý Vi tự nhiên khom người, nói: Nô tỳ đến thỉnh an, không dám quấy rầy Phúc tấn.
Sau đó ngồi đối diện với Tống cách cách uống trà.
Tống cách cách có vẻ ngoài dịu dàng, dung mạo như làn thu thủy khiến lòng người rung động. Nàng không thích nói chuyện, nhưng đã tìm ra đề tài là nàng có thể tiếp được. Hơn nữa, sống trong viện Tứ a ca một thời gian dài, trước nay hai nàng chưa từng xảy ra tranh chấp.
Lý Vi biết chắc chắn không phải lòng dạ mình trở nên khoan dung rộng lượng, mà vì Tống cách cách là người có khả năng hóa giải tất cả mọi mâu thuẫn. Trời sinh nàng đã không biết giận dỗi ai.
Thực lòng thì, Lý Vi rất thích ở cùng Tống cách cách. Trước kia khi Phúc tấn chưa đến, khi rảnh rỗi nàng thường xuyên chạy đi tìm Tống cách cách chơi. Sau khi Phúc tấn vào cửa, hình như việc tranh sủng này đột nhiên được cụ thể hóa, sự hòa thuận mỏng hơn cả tờ giấy giữa nàng và Tống cách cách hệt như hạt sương sớm gặp ánh mặt trời, biến mất tăm hơi.
Bây giờ hai người ngồi cạnh nhau, chào hỏi nhau qua ánh nhìn. Ngại vì đây là chỗ của Phúc tấn, hai người không thể mở miệng nói chuyện, cứ phải trao đổi bằng mắt, ấy nhưng lại nảy sinh đôi chút thân thiết. Mắt hai người chạm nhau vài bận, không hẹn mà cùng nở nụ cười.
Ngồi đến tận mười một giờ, Phúc ma ma đích thân tiễn các nàng ra ngoài, thưa rằng Phúc tấn đang chép kinh, thực sự không rút thời gian gặp các nàng được, mong các nàng lượng thứ.
Ra khỏi chính viện, hai người cáo biệt, một người đi hướng Nam, một người rẽ hướng Bắc.
Lý Vị quay về viện, ban nãy Ngọc Bình bị nàng bắt ở nhà trông nhà, thấy nàng về liền bước tới đón. Sau khi thay đồ, nàng ta cầm hai bên mép bát sứ trắng hình quả bí ngô đến.
“Có món gì hay đấy?” Lý Vi hiếu kỳ xáp lại gần nhìn.
Ngọc Bình giở nắp bát lên, bên trong là tào phớ trắng bóc còn nóng hổi.
Lý Vi tức thì mừng rỡ: “Món này hiếm đấy!”
Ngọc Bình cười nói: “Chả thế ạ, bên chỗ chúng ta chẳng ai ăn, bình thường họ làm đậu hũ cũng không giữ lại. Lần này là cố ý để dành cho chúng ta đó ạ, còn cả một bình sữa đậu nành nữa! Nô tỳ đặt trên bếp trà, thời tiết giờ không để lâu được, cách cách có muốn ăn một bát ngay không?”
Từ khi vào cung, đây là lần đầu tiên Lý Vi nhìn thấy tào phớ. Phòng bếp không thường chuẩn bị món ấy, lúc nấu đậu hũ cũng không làm.
Lý Vị sốt sắng bảo: “Cho ta một bát!”
Ngọc Bình múc hai muôi vào cái bát nhỏ, hỏi: “Cách cách muốn ăn mặn hay hay ngọt? Ngọt có đậu mật, nho khô, các loại hoa ướp có đủ cả. Mặn thì họ chuẩn bị cho chúng ta rau hẹ, thịt vịt kho, cải bẹ băm, đậu phộng giã chiên, dầu ớt, hoa tiêu chiên, tỏi băm nhuyễn, mắm tôm và cồi sò điệp khô thái sợi.”
“Bát mặn trước đi.” Nước miếng Lý Vi đã sắp ứa ra đến nơi.
Ăn hết hai bát tào phớ, bữa trưa nàng chỉ ăn một bát mì sợi mỏng kèm nước dùng là canh vịt già. Cơm nước xong lại bôi thuốc lên mụn nước, soi gương, Ngọc Bình cất cao ngọc bích lô hội vào, lo lắng nói: “Chẳng thấy đỡ tí nào. Có cần mời thái y tới xem không ạ? Uống hai thang thuốc nhé?”
“Chuyện to bao nhiêu mà gọi thái y?” Vừa nãy ăn mì nước bị bỏng khóe miệng, Lý Vị cũng hơi nóng, nói: “Lấy hoàng liên ra đây cho ta nhai một miếng.”
Luận về hạ hỏa, không có thứ gì hiệu quả hơn hoàng liên.
Ngọc Bình sốt ruột giậm chân: “Thế chả chết đắng ư? Đổ nước pha uống thôi.” Nàng ta đổ một túi hoàng liên ra, nhặt hai ba miếng, dùng chày gỗ giã mềm rồi pha bằng nước sôi, vừa ngửi đã thấu được cái mùi đắng nghét của nước hoàng liên.
Chiều, Lý Vi không có việc gì làm bèn rót một cốc uống từ từ, thực ra nếu đã uống quen thì sẽ không thấy đắng mấy.
Đến bốn giờ hơn, lúc Tứ a ca từ thượng tư phòng trở về thấy nàng đang uống, mùi đắng quen thuộc xộc lên mũi, nói: “Nước hoàng liên à?”
Lý Vi thấy chàng đi ra sau bình phong, đoạn nàng sai Ngọc Bình đi lấy quần áo để thay. Nàng hầu chàng thay đồ cùng giày vớ, rửa mặt chải đầu một lần nữa, xong xuôi hai người ngồi mỗi người một chỗ.
Tứ a ca mở ấm nước hoàng liên ra xem, đưa cho Ngọc Bình, bảo: “Đi pha ấm mới đi.”
Ngọc Bình tuy khó hiểu nhưng cũng đi ngay, rất nhanh đã pha một ấm hoàng liên bốc khói nghi ngút trở về, rót cho hai người một người một cốc.
Tứ a ca chậm rãi uống, Lý Vi phất tay để Ngọc Bình đi xuống, Tô Bồi Thịnh vẫn đứng ở đó. Nha đầu của nàng hiển nhiên không thể so sánh với thái giám bên cạnh Tứ a ca.
Nàng đi vòng qua cái bàn thấp trên giường, hỏi: “Tứ gia, nóng trong người ạ? Lần này vẫn đau răng tiếp à?”
Nói xong thì vươn tay sờ má trái của chàng.
Chàng không thích chuyện có bé tí đã gọi thái y, nhưng ai bảo chuyện bé của a ca cũng thành chuyện lớn? Chàng cùng lắm chỉ đau một chiếc răng, thái y mà tới, nhất định Hoàng đế lại hỏi đến, kéo theo đó là Đức phi, từ trên xuống dưới cả cái viện này đều sẽ bị quở mắng răn dạy, thái giám cung nữ ma ma hầu hạ bên cạnh ắt chịu trừng phạt.
Quan trọng nhất là, thái y sẽ không kê đơn thuốc cho chàng, mà trước tiên sẽ để chàng đói tận ba, năm ngày.
Thuở nhỏ Tứ a ca thường xuyên chịu đói, bất kể là bệnh gì, trước hết là phải chịu đói đã. Từ góc độ trung y mà nói thì cách đó quả thực có tác dụng, ngay cả Lý Vi xuyên không đây là người hậu thế được hưởng nền giáo dục hiện đại cũng biết. Phương pháp này nói trắng ra là kích thích khả năng miễn dịch của cơ thể. Hiệu quả sẽ càng cao hơn uống thuốc ngay lập tức, được coi là một kiểu rèn luyện cho hệ miễn dịch.
Huống chi thuốc có ba phần độc.
Nhưng đứng ở góc độ của Tứ a ca, chàng căm thù việc ấy tận xương tủy. Từ lúc chuyển vào A Ca Sở, có thể tự mình quyết định rồi, nên bệnh nhỏ chàng không bao giờ nhắc, bệnh chưa tới nỗi liệt giường tuyệt không gọi thái y.
Trong phòng chàng cũng có chuẩn bị một đống thuốc không kê đơn, thuốc viên đủ các loại.
Chỉ là đau răng thôi mà… hình như làm gì có thuốc chuyên trị đau răng đâu.
Tứ a ca không tránh, để mặc nàng sờ soạng, nhìn thì không nhìn ra được, nhưng sờ là có thể nhận thấy má trái hơi sưng lên so với má phải. Những chuyện thế này không phải lần đầu tiên gặp, nàng cũng không lo lắng lắm, sực nhớ tới tào phớ thiện phòng đưa qua, vừa khéo chẳng phải nhai, mà còn chống đói được, bèn nói:
“Tứ gia, đúng lúc có tào phớ, hôm nay thiện phòng mới đưa qua.”
Tứ a ca: “Ồ? Ngày xưa ra ngoài từng thấy trên đường, ta chưa thử lần nào, thiện phòng làm sao?”
“Tứ gia ăn ngon miệng, mai mốt có thể bảo họ làm nhiều. Món này làm không tốn bao nhiêu công sức, chỉ cần bỏ ra trước khi làm đậu hũ là được.” Lý Vị gọi Ngọc Bình bưng tào phớ lên, “Tứ gia ăn ngọt hay là ăn mặn?”
Tứ a ca chưa ăn bao giờ, tò mò hỏi: “Món này có cả hai vị cơ à? Ngọt ăn thế nào? Mặn ăn ra sao?”
Lý Vị thấy thế, dứt khoát bảo Ngọc Bình cho tất cả gia vị vào bát nhỏ, bày bảy tám chục loại ra hai cái bàn nhỏ.
Vì lợi Tứ a ca bị nóng sưng tấy nên không thể ăn những thực phẩm gây dị ứng, kết quả mặn chỉ thử thịt vịt kho, ngọt thử mật hoa quế và hoa hồng ướp.
Nếu là Lý Vi, ăn hai bát tào phớ nàng đã lửng bụng, còn Tứ a ca ăn ba bát rồi mà có vẻ càng đói, vừa qua sáu giờ đã hỏi nàng: “Chỗ nàng lúc nào dọn bữa tối?”
Một người vừa ăn sạch số tào phớ sót lại nửa tiếng trước giờ đã kêu đói?
Nhất thời Lý Vi cảm thấy hơi không kịp trở tay, nhưng vẫn đáp ngay: “Khoảng bảy giờ ạ.” Giờ nàng đi gọi bữa thì cũng phải đợi thiện phòng chuẩn bị nữa chứ!
Tứ a ca hài lòng gật đầu, cầm sách đọc tiếp. Khi không có gì làm, Tứ a ca lúc nào cũng cầm một cuốn sách trên tay.
Chắc là các a ca đều hiếu học như vậy nhỉ?
Lý Vi lặng lẽ đứng dậy đi vào sương phòng đằng Tây, gọi Tô Bồi Thịnh lại bàn bạc xem tối nay ăn gì.
Đừng thấy Tứ a ca kiêng ăn kén chọn khủng khiếp, thực ra chàng ăn không hề ít. Thanh niên mười bảy tuổi, đương tuổi phát triển, tuy trong cung mỗi ngày ăn hai bữa chính cộng thêm bốn bữa lót dạ, song lại vẫn chẳng đủ.
Điều duy nhất làm Lý Vi vui mừng đó là sự kén ăn của Tứ a ca không phải vì chàng thích ăn những món trên trời như gan rồng gan phượng, hay là gạo cần phải tinh, thịt cần phải mỏng, một món ăn bắt buộc phải trải qua mười bảy, mười tám khâu mới bằng lòng cho vào miệng.
Ngược lại, chàng thích ăn thức ăn nguyên vị hơn cả. Đây là thử thách khó nhằn nhất với thiện phòng trong cung, một món súp cải thảo mà cho thêm mấy con gà chay ăn kèm, vô luận ra sao chàng cũng ăn không quen.
Điều khiến Lý Vi lấy làm lạ là, rõ ràng từ khi sinh ra chàng chưa từng ăn cơm nhà dân, cớ vì sao khẩu vị lại y hệt người ăn đồ ăn bình dân suốt hai chục năm như nàng?
Có điều, thói quen này của chàng trong cung cũng có được danh tiếng tốt: Giản dị.
Tô Bồi Thịnh chỉ báo qua quýt một lượt những món hai ngày nay Tứ a ca ăn, còn thì sống chết chả chịu mở miệng. Hắn là hạ nhân, tất nhiên không thể nói năng thoải mái giống nửa chủ tử là nàng, chí ít việc thảo luận xem lát nữa Tứ a ca nên ăn gì, thích món gì không phải nhiệm vụ nằm trong chức vụ của hắn.
Cân nhắc chuyện lợi chỗ răng hàm của Tứ a ca bị sưng, đoán rằng món cần dùng răng chàng sẽ ăn không ngon, nào bánh mì nào cơm gì đó đều dẹp, cháo tuy là ổn, nhưng ăn tới ăn lui mãi cũng chỉ có mỗi một vị, hơn nữa trong đó toàn là nước. Giờ cho chàng uống cháo, chưa đến chín giờ sẽ đói bụng ngay.
Dù sao bữa tối không phải bữa chính, ít quy cách, Lý Vi bèn sai Ngọc Bình đi truyền lời cho thiện phòng, tối nay nàng muốn ăn mì sợi.
Lưu thái giám của thiện phòng nghe Ngọc Bình đến nói muốn ăn mì sợi, liền gọi tiểu thái giám truyền lời tới, dặn cậu ta thuật lại lời Ngọc Bình.
Tiểu thái giám nói: “Thưa, vì sợ trời nóng, mì nước bị dính, ăn không dai sẽ không ngon, nên sau khi để nguội thì dùng nước lạnh rửa qua một lần. Còn nói thêm là không cần chuẩn bị nước sốt, chỉ cần mấy đồ ăn kèm là được.”
“Ồ, mì lạnh trộn à.” Bụng Lưu thái giám thầm than khổ, cơm càng đơn giản càng khó làm, “Cần những gì? Nói xem.”
Tiểu thái giám đếm đốt ngón tay: “Đầu tiên là dưa muối, dưa ngâm tương, dưa chua thiện phòng chúng ta có, có thể xắt hạt lựu thì xắt, có thể thái sợi thì thái, mỗi loại cần một ít. Tiếp nữa là rau cải tươi, có thể ăn sống thì rửa sạch thái sợi trang trí trên đĩa, không ăn sống được thì trụng nước sôi để ráo, gia vị chỉ dùng muối hạt nhỏ, xì dầu. Cô ấy nói quan trọng nhất là những món có màu xanh không được ngả màu, héo úa.”
Lưu thái giám đã hiểu, nói: “Được rồi, gọi Tôn gia gia với Tô gia gia của mi dậy đi, bảo họ nhào bột làm mì, làm nhiều kiểu vào, sợi to, sợi mỏng, mì đậu, mì cao lương, mì trắng mỏng. Rồi bảo Tô gia gia nhà mi pha mấy loại nước chấm, nói rõ là nước chấm mì, ngọt mặn dầu cay mỗi thứ pha một ít. Bảo Tây sương thái dưa muối thì thái đi, rửa rau thì rửa đi!”
Tiểu thái giám nhanh nhẹn làm việc.
Bỗng chốc thiện phòng trở nên náo nhiệt, vừa mới hơn sáu giờ, mặt trời hẵng còn treo, Ngưu thái giám chứng kiến cảnh ấy cũng tất bật ngược xuôi theo, vội tìm Lưu thái giám hỏi: “Lưu gia gia, hôm nay vị a ca nào muốn mở tiệc thế?” Nếu mở tiệc, vậy số thịt hiện còn liệu có đủ không đây? Có cần ông ta sang Khánh Phong ti lấy một ít bây giờ luôn không?
Mã thái giám hấp tấp chạy lại, có cần rượu nước gì không? Ông ta đã sẵn sàng hầu hạ trước mặt quý nhân rồi!
Lưu thái giám đang quan sát công việc, lấy cái thìa bạc thử nước chấm Tô thái giám pha, nghe vậy lắc đầu: “Đừng lo, toàn những món rẻ thôi, lát nữa là có ngay.”
“Món rẻ?” Mã thái giám chán nản, sau khi hỏi rõ thì tỏ vẻ khó chịu ra mặt, “Ai gọi thế? Đúng là làm khổ người khác.”
Lưu thái giám cười khà khà, búng vào cái trán đẫy thịt của ông ta: “Làm khổ? Những chuyện thế này mong còn chẳng được!”
Quả thực rất nhanh, chưa tới sáu giờ rưỡi đã chuẩn bị đầy đủ, mì có tám loại, hơn mười bát nước chấm các loại, còn lại có hơn bốn mươi nguyên liệu khác đi kèm.
Sau khi kiểm tra hết lần này đến lần khác, Lưu thái giám chẳng những gọi riêng người đưa qua, mà còn sai một tiểu thái giám thông minh đi theo hầu hạ. Chỉ điểm rằng: “Đây là phúc phận của nhà ngươi, làm tốt thì dù không được một bước lên trời, nhưng có thể đứng trước mặt quý nhân đã là may mắn! Các chủ tử muốn ăn đồ tươi mới, tuy nhiên lại chưa chắc điều chỉnh được hương vị. Cái khác ngươi không cần quan tâm, chỉ cần để ý thêm nếm gia vị cho các chủ tử. Ngươi yên tâm, các chủ tử thích ăn chua, mặn, hay là ngọt, đến đó ắt có người bày cho ngươi.”
Lúc đưa mì tới, mới sáu giờ bốn mươi, mặt trời chưa lặn, chỉ có làn gió mát lạnh bắt đầu nổi lên.
Tứ a ca vừa nghe bữa xế đã đưa tới, lần đầu tiên chẳng cần ai thúc giục, chàng đã buông cuốn sách, nói: “Nhanh đấy.”
Lý Vị hầu chàng ra ngoài, bàn ở ngoài mới bày biện được một nửa.
Tứ a ca đi ra cũng nhanh thật! Bình thường phải qua năm phút đồng hồ chàng mới ló mặt.
Hạ nhân dọn bữa thấy a ca đã ra, tay làm cũng nhanh hơn ba phần, một đám người cúi đầu bày bát đĩa xong liền xách hộp thức ăn lui xuống.
Tứ a ca nhìn cả một bàn lớn, lại phát hiện tất cả hầu như đều là nguyên liệu, hết sức tò mò ngó nghiêng khắp bàn, nói với nàng: “Cách ăn này quả mới mẻ.”
Ý chàng là Lý Vi hãy bày mọi thứ ra hết cho chàng xem. Vốn dĩ chỉ cần ba, năm loại mì kèm với nước sốt đã pha sẵn thôi, nhiều nhất thì xếp vừa đầy cái bàn thấp là được. Ấy mà Lý Vi cứ xếp lọ muối, đường trắng, hũ giấm cả lên bàn.
Đương nhiên là chàng thấy mới mẻ, những thứ trên bàn quá thuần túy, không hề pha tạp, tuy chàng đã nếm qua, nhưng tuyệt đối chưa thấy bao giờ.
Lý Vi nom chàng hào hứng, hai người bèn phân biệt các loại thức ăn nguyên liệu trên bàn một lượt, không biết thứ gì sẽ gọi tiểu thái giám của thiện phòng qua hỏi.
Tiểu thái giám vừa phấn khởi vừa sợ sệt, mặt trắng bệch, giọng run run, song cũng coi như đã suôn sẻ thưa lời. Lý Vi nhận ra ý của Tứ a ca, chàng có thiện cảm với tiểu thái giám miệng mồm sạch sẽ, tiếng nói trong trẻo kia.
Chàng ngồi xuống, bảo: “Nếu ngươi đã nói hay như thế, vậy thì pha một chén trước thử xem.”
Tiểu thái giám quỳ xuống, nói: “Xin chủ tử dặn dò.”
Tứ a ca quét mắt một vòng qua tám loại mì, chàng chọn thêm một quả trứng gà trước và một loại mì có màu vàng vàng, đưa Lý Vi xem, đó là mì lạnh sợi mỏng. Sau đó tiếp tục coi đồ gia vị, có lẽ vì không nắm chắc hương vị sốt hay dưa muối, sợ bỏ nhiều sẽ làm lẫn vị, nên lần đầu chỉ chọn hai ba thứ bỏ vào.
Tiểu thái giám bưng một cái bát, gắp khoảng hai đũa mì, sau khi cân đo gia vị bỏ vào bát, kế đó bỏ thêm dưa chuột thái sợi, bí đỏ xắt hạt lựu để làm trang trí, nhất thời bát mì thoạt trông có vẻ nhiều màu nhiều sắc lên hẳn.
Chắc là do mì quả thực hợp khẩu vị, hoặc do sợi dưa leo xanh mởn đáng yêu, tóm lại bát mì thứ nhất Tứ a ca ăn cực kỳ ngon miệng.
Ăn một hơi hết tám loại mì, tuy rằng bát hơi nhỏ, nhưng lượng thức ăn không ít chút nào, một bát hai lạng, Tứ a ca ăn tám bát, ăn đến độ Tô Bồi Thịnh phải mon men tới khuyên, tránh ăn nhiều tối lại bỏ bữa.
Tứ a ca ăn uống ngon miệng, hơn nữa thứ chàng thích nhất vậy mà lại là trứng vịt muối bỏ thật nhiều mỡ tỏi bằm, cho thêm ít giấm và xì dầu, thêm ít dưa leo và kinh giới là được.
Lúc buông bát đũa, Tứ a ca thỏa mãn khen Lý Vi trước mặt mọi người: “Ăn thế này ngon lắm, vừa gọn gàng vừa tiện lợi, lại không phí tiền của gì, toàn là những thứ đơn giản dễ có, nàng làm rất tốt.”
Đây có vẻ như đang khen Lý Vi “cần kiệm”.
Phúc tấn hãy chưa được nhận xét thế đâu, thế mà nàng đã được trước rồi.
Lý Vi đương nhiên phải quỳ xuống cảm tạ lời khen ngợi kiểu đấy: “Tứ gia ngon miệng là phúc của nô tỳ, nhờ thiện phòng nghĩ khéo cả, nô tỳ không dám kể công.”
Tứ a ca vươn tay đỡ nàng dậy: “Được rồi, đứng dậy đi.” Chàng phất tay với Tô Bồi Thịnh, “Thưởng cho cậu ta, mì hôm nay trộn không tệ.” Chàng chỉ vào tiểu thái giám của thiện phòng đó.
Tiểu thái giám xúc động quỳ phịch xuống, dập đầu bảy, tám cái liền. Lúc ngẩng lên, chính giữa trán đã xuất hiện hẳn một cục sưng xanh to đùng, miệng thì vẫn đang tạ ơn lia lịa.
Tứ a ca bị điệu bộ ấy của cậu ta chọc cười, bèn lấy từ hà bao ra một, hai đồng tiền vàng ném cho cậu ta.
Tiểu thái giám còn muốn tạ ơn tiếp, Tô Bồi Thịnh bèn kéo luôn cậu ta ra ngoài. Chủ tử thưởng là có thể diện, quấy rầy chủ tử thì thể diện cũng quẳng xuống đất, hắn không đành lòng nhìn tiểu thái giám này quẳng mất thể diện vừa được ban của mình đi, một thái giám không dễ gì mà thăng tiến được.
Tô Bồi Thịnh đưa tiểu thái giám ra cửa, nói: “Chủ tử thưởng cho ngươi là phúc của ngươi. Ngươi về nhớ tạ ơn sư phụ ngươi tử tế, không có họ thì còn lâu ngươi mới có ngày hôm nay.”
Hai mắt tiểu thái giám sáng rực lạ thường, “Vâng! Vâng! Tạ ơn Tô gia gia chỉ điểm!” Nói xong toan quỳ xuống dập đầu với Tô Bồi Thịnh.
Tôi Bồi Thịnh túm lại không cho cậu ta quỳ, “Được rồi, được rồi. Mau về đi. À còn, ngươi tên là gì?”
Tiểu thái giám vội đáp: “Nô tỳ Triệu Nhị Trình.”
Tô Bồi Thịnh khó hiểu: “Nhị Trình? Sao lại lấy cái tên này?”
Tiểu thái giám ngượng ngùng nói: “Ban đầu tên Triệu Nhị Cẩu… về sau đã đổi lại, nô tỳ không biết chữ nên lấy chữ Cẩu trong tên của người ở chung phòng…”
Tô Bồi Thịnh phì cười, thấy tiểu thái giám quẫn bách mặt đỏ bừng, ho khan hai tiếng, hắng giọng, nghiêm túc nói: “Được rồi, mau về đi, thay ta đem tin tốt về cho Lưu gia gia của ngươi.”
Tiểu thái giám dẫn bốn người theo giúp xách hộp thức ăn rời đi. Tô Bồi Thịnh trở vào phòng, Tứ a ca ăn no nên không ngồi xuống nghỉ ngơi một lúc, mà lại đứng trước bàn sách luyện chữ, thấy hắn về, tiện miệng hỏi: “Sao rồi? Thái giám kia kéo ngươi ra tạ ơn à?”
Lý Vi ngồi ở giường nhỏ bên cạnh, cũng tò mò quay đầu sang, chỗ nàng ngồi vừa vặn có thể nhìn thấy cửa viện qua khung cửa sổ hoa. Ban nãy nàng cũng chứng kiến cảnh tiểu thái giám quỳ trước Tô Bồi Thịnh, hai người này nói qua nói lại một hồi lâu, thoạt trông Tô Bồi Thịnh khá ưng tiểu thái giám, nàng cũng muốn biết lý do vì sao tiểu thái giám này lọt được vào mắt Tô Bồi Thịnh.
Tô Bồi Thịnh buồn cười kể lại chuyện tiểu thái giám đổi tên, quả khiến đã khiến ý cười nở rộ trên môi Tứ a ca.
Thấy Tứ a ca cười, Tô Bồi Thịnh liền lui xuống. Xem chừng tối hôm nay Tứ a ca muốn nghỉ ở đây, hắn ta phải đi sắp xếp một chút. Chỗ Tống cách cách sẽ không sao, nhưng phía Phúc tấn nhất định có người tới hỏi.
(còn tiếp)