Chương 22
Kể ra thì từ thuở ở Lý gia, Lý Vi đã nổi tiếng với tài mẫn tiệp. Vừa biết nói đã nói được trôi chảy trơn tru, đọc sách viết chữ cũng là nghe một hiểu mười. Thông minh tuyệt đỉnh luôn đấy được chưa? Chẳng thế thì bạn bè thân thích khắp cả trên dưới nhà ấy làm gì phải trông mong đường tương lai nàng rộng mở thênh thang khi nàng mới còn bé tí. Lúc đó Lý Vi thực sự thấy mình hoàn mỹ đến độ sướng điên lên được…
Để tránh hoàn mỹ một cách quá trớn, Lý Vi luôn luôn phải tự kiềm thúc hết sức, mỗi lần chớm thấy bản thân sắp đắc chí quên mình, sẽ vội vàng tìm về ngay sự bình tĩnh… sau đấy lại được đánh giá là: vững vàng, có chí khí, biết điều.
Nhưng từ sau khi vào A Ca Sở, tuồng như những lời bình ấy cứ càng ngày càng trôi xa tầm nàng với.
Ấy là bởi Tứ a ca thích người vui vẻ, hồn nhiên mà. Chàng thích người có chuyện gì chỉ việc nói thẳng, không vòng vo tam quốc; thích những kẻ biết giữ bổn phận, không sinh sự, không tự cho mình là hay.
Vì thế nên thiên tính của Lý Vi đã được giải phóng. Vì thế nên càng sống nàng càng mắc tính e dè.
Hình mẫu Tứ a ca thích là học sinh tiểu học kia, ngày ngày chỉ cần ăn nhậu chơi bời đã là rất vui. Khi trưởng thành cuộc sống bấp bênh hơn, bước ra xã hội, phải có trách nhiệm, đủ điều băn khoăn. Nhưng Tứ a ca không cần tất thảy những điều này, anh ta không cần bạn khóc hão, thương hoài, lòng chan chứa ý thức trách nhiệm với xã hội, thậm chí không cần bạn phải gánh vác bất cứ điều gì trong chính cuộc đời bạn. Bạn muốn tìm kiếm giá trị đời mình à? Khỏi đi, Tứ a ca sẽ tìm thay cho bạn.
Mà khi vào hậu cung của Tứ a ca, quả thực nàng cũng chỉ cần ăn uống vui chơi, một lòng phơi phới. Xã hội và trách nhiệm với nàng quá xa xôi. Nàng không cần lo nghĩ cho tương lai Lý gia và tiền đồ của Tứ a ca, mối trước đã có a mã nàng quan tâm, mối sau không đến lượt nàng nhọc lòng. Nàng cũng chẳng cần biết cả nhà Tứ a ca tổng cộng có bao nhiêu người, một năm tiêu hết bao nhiêu và kiếm được bao nhiêu bạc – đây là công việc của phúc tấn.
Vậy nên, Lý Vi đã mỗi lúc một lún sâu vào hoàn cảnh sống mục nát sa đọa này. Emma, dẫu sa đọa đấy song nàng vẫn cứ vui! Hận cha không quyền thế cũng không sao, nàng có Tứ a ca! Đương nhiên nàng sẽ không gài Tứ a ca như gài tía mình được.
Nếu Tứ a ca đã cho đi nhiều đến vậy, chỉ bởi mong sao nàng giữ vẹn được sự thơ ngây, thì đâu có lý do gì để nàng không nghe ý chàng. Một vì chàng là chỗ dựa, là bầu trời của nàng (hàng thật giá thật một trăm phần trăm); hai vì nàng cần phải bỏ ra quá ít cho những chuyện này, hầu như không cần thay đổi gì cả, chỉ cần gỡ toàn bộ gánh nặng trên người xuống, trở lại thành một đứa vô tư vô lự là được.
Đôi khi nỗi sợ cũng sẽ bùng lên trong lòng nàng ở một khoảnh khắc ngắn ngủi nào đó, ngộ nhỡ thất sủng hoặc tuổi già sắc suy hoặc má hồng chưa phai mà tình đã đoạn thì sao? Song hễ nhìn thấy Tứ a ca, nàng lại nghĩ: Ta chết một lần rồi, nhưng gặp được Tứ a ca là đã lấy lại được vốn, chẳng khác nào mắc bệnh nan y vừa nghe báo kỳ về chầu ông bà lại tìm ra phương thuốc mới toanh, được thể trúng thêm cả tờ vé số giải hai trăm triệu, không điên cuồng một phen thì còn đợi chờ gì nữa?
Hay định từ đây về sau trân trọng sinh mạng, cố sống đến năm một trăm tuổi rồi rời xa Tứ a ca, không yêu gì anh ta?
Lý Vi nhìn Tứ a ca mà nhủ thầm: Ta không nỡ.
Được chàng hết mực yêu chiều trong những tháng năm chàng đương độ tuổi đời tươi đẹp và chân thành nhất, dẫu rằng mai sau có bị người đàn bà khác cướp đi, thì giờ phút này ta cũng sẽ không đẩy chàng ra chỉ vì sợ hãi trước một tương lai mịt mờ bất định.
Đây ắt hẳn là tình yêu đích thực rồi.
Sau một hồi tự làm mình cảm động sụt sùi, đêm xuống lúc đi ngủ, Lý Vi lại hôn trộm Tứ a ca, hôn xong còn rất lấy làm thỏa mãn nhoài người tới bên tai chàng thì thầm thỏ thẻ: “Thiếp yêu chàng, Dận Chân Dận Chân Dận Chân!”
Tuy nàng không dám phát ra tiếng, nhưng luồng hơi vẫn thổi phà phà vào tai Tứ a ca, làm Tứ a ca vừa mới thiu thiu vào giấc bất đắc dĩ bị nàng đánh thức. Mở mắt nhìn nóc màn, nghe nàng đương lẩm bẩm một mình rất là thích chí… không nhận ra mắt chàng đã mở rồi đây ư?
Đành kéo cái đồ giữa đêm giữa hôm giở trò lộn xộn lại, phát bốp mấy cú vào mông nàng.
Rồi toàn thân Lý Vi cứng đờ, nghe Tứ a ca giải thích với nàng: “Bây giờ nàng vừa mang thai, không được quấy. Khi nào thai lớn, gia lại cho nàng.”
Làm nàng xí hết cả hổ vùi mình trong chăn không sao nói nên lời.
Ứ phải… người ta ứ muốn cái đó đâu mà…
Chả nhẽ nàng trong mắt Tứ a ca lại là một người phụ nữ suồng sã như thế ư? Muốn là dám nói huỵch toẹt ra với đàn ông luôn ư? Đây là cổ đại chứ không phải hiện đại, tiêu chuẩn dành cho chị em phụ nữ chẳng phải là rụt rè e lệ hay sao?
Nhưng hiển nhiên nàng trong mắt Tứ a ca không hề gắn liền với hai chữ rụt rè. Để vỗ về tiểu cách cách nửa đêm mất ngủ quậy phá, Tứ a ca hôn nàng mấy cái, nụ hôn thật dài thật dài. Hôn xong thì sờ mặt xoa đầu nàng, “Ngoan, ngủ đi.”
Nàng đành hạnh phúc đi ngủ. Thấy nàng chỉ mất một giây đã say sưa giấc nồng, ôm tâm trạng vừa ngưỡng mộ vừa phức tạp, Tứ a ca lại phải tốn thêm một khắc đọc “Kinh Kim Cang” nữa mới ngủ tiếp được.
Trước khi quả bom Lý cách cách mang thai dội thẳng xuống, phúc tấn ở chính viện mới vừa chấm dứt cuộc nói chuyện với ngạch nương mình.
Vấn đề phúc tấn gặp phải dĩ nhiên là rất nghiêm trọng. Ngạch nương nàng – Giác La thị – cũng vô cùng lo lắng. Từ khi Tứ a ca còn ở trong cung đã nghe nói Lý cách cách được muôn phần sủng ái, tuy nhiều lần phúc tấn biểu thị rằng Lý cách cách không hề có điểm gì bất kính, song Giác La thị vẫn không tài nào kìm được giọt lệ.
Nhìn dòng nước mắt của ngạch nương, làm phúc tấn tưởng như mọi lỗi lầm đều quy ở nàng, tại nàng không làm tốt mới khiến ngạch nương đau lòng. Nếu nàng làm tốt hơn một chút, thì chắc sẽ sống tốt hơn được, cho ngạch nương yên tâm được nhỉ?
Lúc hai mẹ con trò chuyện, xung quanh không có người ngoài.
Ngoài hỏi về Tứ a ca, Giác La thị còn nhắc đến bọn người hầu theo vào đây dưới danh của hồi môn.
Mấy đứa a đầu đều ổn cả. Nhưng còn Phúc ma ma kể từ khi ra phủ, vẫn hoài ngóng nàng có thể thị oai với Lý cách cách một đôi phần; hoặc lôi kéo, hay tước đi thực quyền của những ma ma do Tứ a ca xếp đến. Bất luận là sủng ái hay quyền lực, phúc tấn cứ phải nắm chắc như nhau thì mới mong đứng vững.
Vì phúc tấn tự thấy mình chỉ vừa hiểu được nết Tứ a ca, nên rất không muốn sinh sự rầy rà vào lúc này. Nhưng nàng lại chưa biết phải làm thế nào, bấy giờ bèn đem ra hỏi ngạch nương.
Lại làm Giác La thị hoảng hồn suýt thì bật phắt dậy, giọng đầy căm phẫn: “Mụ già láo nháo này! Mụ ta muốn hủy hoại con đấy chăng!” Nói xong sợ ảnh hưởng đến phúc tấn, mới mau mắn khuyên nhủ: “Xin con chớ nên hồ đồ! Tứ a ca là bực phụng tử long tôn, không phải người nhà bình thường. Mà có là nhà bình thường chăng nữa, vừa vào nhà người, cũng còn phải thu mình gắng hết ba năm đây, sức đâu bì với a ca được? Con cần nhớ kỹ, con là nô tài! A ca là chủ tử!”
Phải rồi. Nàng là nô tài, a ca là chủ tử.
Phúc tấn hiểu ra phần nào.
Nàng đối với Tứ a ca, chẳng là đối với chủ tử a ca hay sao? Thực là hãi hùng. Nàng không phải chủ tử trời sinh, sau khi chỉ hôn phải học làm phúc tấn. Nàng bắt chước khổ cực nhường ấy mới nhận ra rằng: trước mặt người ngoài hoặc bọn hạ nhân, nàng là phúc tấn chủ tử; nhưng với Tứ a ca, chàng lại muốn nàng làm phúc tấn nô tài.
Nhưng thật tình nàng đã làm nô tài bao giờ đâu.
Hôm nay ngạch nương vừa gióng lên hồi chuông cảnh báo nàng. Khi xưa trước mặt Tứ a ca, nàng cũng muốn làm phúc tấn chủ tử, song thực tế từ đầu chí cuối, nàng luôn là nô tài của chàng.
Cũng chỉ vì nàng sơ sót trước, mới dẫn đến việc Phúc ma ma cũng cẩu thả theo.
Tuy nói vậy, nhưng tạm thời nàng vẫn cắt giảm công việc của Phúc ma ma. Nàng còn trẻ, tâm chí không vững, lại suốt ngày có người thổi gió bên tai nàng, chỉ e chưa chắc nàng đã giữ nguyên được bản tâm mình.
Sau nữa khi tin Lý cách cách có thai truyền tới, biết Tứ a ca còn cố ý mời một đầu bếp ở Lý gia về cho vào thiện phòng ở nội viện, lòng vừa xao động thôi, phúc tấn đã lại lập tức răn đe mình. Rồi nàng mới dặn đám người dưới mở một bếp lò cho tên đầu bếp Lý gia này, cắt cho hắn một kẻ giúp việc bếp núc, để hắn nấu riêng cơm canh cho Lý cách cách.
Vì Lý cách cách mang thai, Tứ a ca bắt đầu thường xuyên lui về hậu viện. Lúc chàng tới chính viện, phúc tấn bỗng sực nghĩ ra chừng như lâu lắm rồi không gặp Tứ a ca.
Giờ ngẫm lại, mới phát hiện trước đó Tứ a ca đã đóng đô trong thư phòng suốt mười mấy hôm liền.
Cỗ tiệc xong, chỗ nàng cũng lắm công nhiều việc, nhất thời chẳng liệu tới được. Nay nghĩ đến, chẳng có lẽ nào lúc ấy Tứ a ca gặp chuyện gì? Giận chăng?
Tiếc thay việc đã qua rồi, không cách nào hỏi nữa.
Phúc tấn tự cảnh cáo mình trong bụng, đây là sai lầm của nàng. Nhìn ngạch nương xem, trước nay hễ chỗ a mã có chuyện gì, bà luôn là người phát hiện đầu tiên. Có đôi khi chỉ là những việc lông gà vỏ tỏi như a mã mắng tiểu thiếp, hoặc đạp thằng hầu một cú, hoặc bất thần không uống thứ trà vốn uống quen miệng từ lâu.
Trải qua một đêm, phúc tấn đã học cách làm nô tài của Tứ a ca. Còn Tứ a ca, lại thấy đêm nay phúc tấn có phần thận trọng quá mức. Đương không yên vì Lý thị có thai ư? Nghĩ đến điều này, chàng đè vai phúc tấn lại nói: “Đừng sốt ruột, con của ta và nàng chẳng mấy sẽ tới thôi.”
Rõ ràng phúc tấn đã ngày một tiến bộ. Chỉ cần nàng giữ nguyên như hiện tại không thay đổi, đợi thêm một, hai năm nữa, chàng cũng được mong những gái trai con vợ cả rồi.
Sau đó, chàng thường hay dời bước sang chính viện, lại không hề sang chỗ hai nàng cách cách Tống – Võ, Lý cách cách thì có thai. Trong khoảng thời gian ấy, phúc tấn độc sủng hậu viện.
Ngọc Bình và Triệu Toàn Bảo nay đã được thả về cùng hợp sức nhau trông tiểu viện thật kỹ, không để một tiếng gió nào lọt vào tai Lý Vi. Thi thoảng nàng hỏi đến, cũng bảo Tứ a ca ở thư phòng.
Tuy Tứ a ca thường nghỉ ở chính viện, song giữa chàng và phúc tấn vẫn cứ có một điều mắc mứu không thể gỡ bỏ được. Lúc trước chàng cảm thấy phúc tấn là người bướng bỉnh, thích so hơn thua với chàng. Hiện giờ nàng nhất mực phục tùng, nhưng lại phục tùng quá đáng. Đấy có khác nào đi từ một kiểu cực đoan này sang kiểu cực đoan khác đâu.
Tứ a ca nảy sinh cảm giác bất lực. Nhưng chàng tự an ủi mình rằng ít nhất thì điều này chứng tỏ phúc tấn cũng là một người có ý chí kiên định, tâm tư đơn thuần, làm chuyện gì cũng phải cố sức làm tốt nhất.
Có điều chàng thấy rất lạ, sự bất tuân khi xưa của nàng chẳng biết là học từ ai hay nàng tự ngộ lấy; còn khép nép nhún mình như bây giờ, là người nào dạy nữa? Muốn dạy sao không dạy cho sớm? Mà dạy cũng lại dạy sai!
Hết cách, chàng đành tự bảo với phúc tấn: “Nàng và ta đã nên nghĩa phu thê tuy hai mà một, đừng gò bó quá.”
Phúc tấn kính cẩn vâng lời, sau đâu lại hoàn đấy.
Tứ a ca: “…”
Nhiều khi ý chí kiên định cũng chưa hẳn là chuyện tốt… Đặc biệt là khi nàng quyết định điều gì, mà quyết định ấy lại vào sai thời điểm.
Tứ a ca nghĩ bụng: Dù sao vẫn còn nhiều thời gian, về sau sẽ có cơ hội dạy cho nàng hay thôi. Nhưng điều làm chàng khó hiểu nhất đấy chính là chẳng phải đã có ví dụ sẵn cho loại hình chàng thích rồi hay sao? Sao phúc tấn không noi gương Lý thị mà học tập?
Ở hậu viện này có ối người muốn học theo Lý Vi. Dạo đây Võ thị đã sang học vài chiêu, ấy là bánh ngọt. Làm xong, nàng ta dâng cho Lý Vi ăn thử trước.
Trung bình trong các bộ cung đấu hay chiếu cảnh tặng bánh ngọt có bỏ gia vị lạ làm người được tặng sảy mất thai, Lý Vi thấy kỳ cục ở chỗ rằng kịch bản này có vẻ như không hợp mốt ở đây cho lắm? Hằng ngày Võ cách cách đưa bánh ngọt đến cho nàng bình thường, Ngọc Bình và Triệu Toàn Bảo cũng không can ngăn, cứ cho nàng ăn luôn vậy.
… Xì tai hơi ngược đời nhỉ?
Nàng lặng lẽ hỏi Ngọc Bình tỏ rõ sự bất an của mình. Nhỡ ra có gì thì sao?
Ngọc Bình nói: Võ cách cách làm bánh ngọt ngay tại nhà bếp lớn, dùng toàn bột mì ở chỗ ấy, quanh quanh lại bao nhiêu là người kia?
Lý Vi hỏi: “Nếu nàng ta mang đồ của mình vào thì sao?”
Ngọc Bình đáp: “Thế thì cả nhà nàng ta và tất cả mọi người ở nhà bếp chết chắc rồi.”
Lý Vi: “…” Lố, lố quá!
Có lẽ do biểu cảm quá đỗi sốc óc của nàng, Ngọc Bình bèn giảng giải cho nàng thông một lượt.
Võ cách cách vào nhà bếp làm thức ăn thế, nhưng không phải tự tay làm một mình tất tần tật, mà thực chất gần như bước nào cũng có người làm hộ, có khi nàng ta chỉ cần hoạt động mỗi cái miệng.
“Tỷ như món bánh hồng này chắc chắn không phải chính tay nàng ta nhào nặn mà nên đâu, nhờ tay sư phụ cả đấy; hay như bước phết dầu, nêm nếm nhân bánh, nhào nhân bánh ắt cũng không phải nàng ta làm. Võ cách cách tuyệt đối không có tay nghề ấy!” Theo lời Ngọc Bình, mấy món bánh ngọt này cùng lắm là được Võ cách cách xách từ thiện phòng sang đây thôi.
Nàng ta nói thế, chiếc bánh hồng trong mắt Lý Vi tức thời không còn ẩn chứa âm mưu gì, chỉ còn lại mỹ vị. Bánh hồng làm từ bột mì, nặn thành hình quả hồng xong thì phết dầu cho lớp vỏ rồi đem nướng đến khi vỏ chuyển màu vàng, bên trong là nhân sữa dê. Cứ ý nàng, hương vị có hơi giống món bánh bao sữa trứng nướng sém sau khi hấp chín ở hiện đại*.
*Bánh hồng
*Bánh bao trứng sữa
Ngoài vàng giòn, trong mềm nhuyễn, cắn một miếng, phần nhân trứng sữa thơm nức chảy ra ngay.
Nghĩ đến bánh bao trứng sữa của hiện đại là Lý Vi lên cơn thèm. Vừa buổi chiều ngốn xong một đĩa bánh ngọt kèm trà uống vẫn chưa đủ, bữa tối nay lại gọi cả cháo nữa để ăn. Những ngày tiếp sau cũng ăn toàn những món làm từ sữa, đều đặn mỗi ngày phải uống vài cốc sữa tươi to to, lại thêm bánh bột ngô hoặc bánh bơ giòn từ sữa dê hoặc sữa bò*.
*Bánh bột ngô
*Bánh bơ giòn
Ắt là ta thiếu canxi nên mới thèm đồ sữa như thế.
Lý Vi nghĩ bụng. Cơ mà chẳng phải giai đoạn cuối thai kỳ mới bị đau chân ư? Lẽ nào mới đó mà triệu chứng đã manh nha rồi?
*Đau nhức chân là một trong những dấu hiệu của cơ thể thiếu canxi.
Hình như bên trung y không chữa chứng thiếu canxi, hay nói đúng hơn là trung y hiện tại vẫn chưa sản sinh ra khái niệm này. Lý Vi đành tự cứu mình, nàng đổi hết cháo gạo sang cháo hạt kê ăn mỗi ngày, món tôm phải có trong mỗi bữa, thêm nữa còn nhai luôn cả vỏ tôm. Chương trình phơi nắng diễn ra ngày ngày trong tiểu viện, nên chưa đầy chục bữa da dẻ nàng đã biến thành màu rám nắng.
Lúc Tứ a ca sang thăm nàng, liền trông thấy khuôn mặt phơn phớt màu lúa mạch của nàng, trên người còn thoang thoảng mùi sữa.
Ngọc Bình đã khóc không ra nước mắt. Từ ngày mang thai, Lý Vi từ chối thoa son trát phấn, đen da cũng không chịu bôi phấn cho trắng lại. Thú thực thì màu da thế này không hề xấu đâu, hiềm một nỗi lại không phải xu hướng thẩm mỹ thời bấy giờ.
Tứ a ca cũng một phen sửng sốt, quay sang quở mắng Ngọc Bình: “Hầu hạ kiểu gì đây? Chủ tử nhà ngươi hết phấn dùng rồi à?”
Ngọc Bình quỳ dập đầu lia lịa không biện giải gì.
Lý Vi vội nói rõ: “Tại thiếp! Tại thiếp đi phơi nắng! Vẫn còn phấn, nhưng tại thiếp không muốn bôi.” Sau đó nháy mắt liên tục làm hiệu cho Ngọc Bình lui ra ngoài.
Ngọc Bình ngập ngừng không chịu đi, quỳ ở dưới lén nhìn sắc mặt Tứ a ca. Có lẽ cách cách chưa rõ một điều rằng để mặt mộc gặp chủ tử cũng bị quy vào tội bất kính. Nhỡ đâu Tứ a ca nổi đóa, nàng ta ở đây còn chắn cho cách cách được.
Tứ a ca ngớ ra, duỗi tay cởi nút cổ áo nàng, thấy Ngọc Bình hẵng còn đứng ngây ra đấy thì trợn mắt lườm một cái.
Ngọc Bình đành nơm nớp lui xuống.
Tới khi trong phòng chỉ có hai người, Tứ a ca cởi nút áo nàng ra, thấy mặt và cổ nàng mỗi chỗ một màu, trông chỗ sườn cổ là rõ nhất.
Tứ a ca biết nàng nhất định có lý do, nhưng thế này thực làm người ta cáu quá. Vậy là không dìu nàng nữa, tự ngồi xuống hỏi: “Như nào đây hả?”
Lý Vi tự lại ngồi, kéo ngón tay chàng nói: “Đây là phương thuốc cổ truyền nhũ mẫu thiếp mách đấy. Bảo rằng có thai phải phơi nắng nhiều thì con mới khỏe mạnh.”
Tứ a ca không dễ bị nàng lừa tới vậy: “Bậy bạ, nhũ mẫu nàng nhàn hạ quá suốt ngày nói chuyện sinh con với nàng à?” Lần trước cũng bị nàng dụ, về sau chàng mới hiểu ra. Nhưng xét thấy tình hình tiểu cách cách đúng thực đã chuyển biến tốt đẹp, nên mới không chấp nhặt với nàng, giờ lại chứng nào tật nấy!
Phương thuốc cổ truyền bị lật tẩy, Lý Vi đành thừa nhận: “Được rồi, thiếp đoán đấy.”
Tứ a ca đen mặt, đợi xem nàng bịa kiểu gì.
Lần này Lý Vi bịa ra một tiểu a đầu: A đầu bé cứ hay kể chuyện ngoài quê với a đầu lớn, rằng bà vợ lẽ mà ông địa chủ mới cười về suốt ngày ngồi trong buồng, nên lúc sinh con xong mới không khỏe khoắn bằng những người đàn bà ngày ngày ra đồng làm nông.
“Thiếp nghĩ đi làm nông là không được, nhưng nên năng ra ngoài đứng, đừng có ru rú trong phòng mãi là hơn.” Bịa xong, nàng chớp chớp mắt với Tứ a ca hòng xin tha… Đừng lật tẩy nữa mà, thiếp thật sự hết bịa nổi rồi.
Tứ a ca: “Lần này bịa cũng thật ra trò đấy.”
Lý Vi vừa chớm ỉu đi, chợt nghe chàng nói: “Lần này bỏ qua. Lần sau không được phơi như thế này nữa, không dùng phấn thôi cũng mặc nàng, tóm lại không cần phải ra ngoài.”
Tứ gia, người tốt quá!
Lý Vi cảm kích muốn chết! Chỉ nhìn ánh mắt nàng, Tứ a ca cũng biết tỏng nàng đương nghĩ gì. Không nhịn được gõ gõ mấy cái vào trán nàng, mới có thai mấy hôm đã lại thả cửa, chẳng lúc nào ngồi yên được, mười tháng tiếp đây nàng định chịu thế nào?
Nghĩ tới nghĩ lui, Tứ a ca bèn sai người đi mua một tá cuốn thêu và kịch bản về cho nàng. Lúc trước thấy nàng hay cầm hai thứ này trong tay, mua về cho nàng giải sầu vậy đi.
Tuy những kịch bản này hầu hết đều thuộc thể loại ngựa giống*, nhưng ít ra cũng là tiểu thuyết. Hơn nữa còn rất đa dạng về giống loại: thần tiên, cáo hoang, yêu quái,… có đủ; còn viết cả hòa thượng, đạo sĩ, ni cô. Nhưng nàng lấy làm lạ rằng đa số hòa thượng, ni cô chỉ xuất hiện một mình; đạo sĩ lại thường dẫn tiểu đồ đệ theo.
Đọc nhiều đâm ra trí tưởng tượng cũng bay cao bay xa, nàng chép cuốn tiểu thuyết siêu ngắn nổi tiếng mang tên “Đồ con lừa hói! Ngươi dám giành sư thái với bần đạo ư!” ra, rồi một mình đọc, một mình cười suýt ná thở.
Nhưng tờ giấy ấy chẳng may bị Tứ a ca bắt gặp, hậu quả là nàng bị phạt mỗi ngày đọc một cuốn Kinh Thư.
(còn tiếp)