Chương 13-2: 2
Đại ma ma thấy tính khả thi của vế sau cao hơn. Ai ngờ chứ… Bà ta mỉm cười, người đầu tiên chiếm được lợi thế từ chuyện này là Lý cách cách, vậy mà Lý cách cách lại nhát gan đẩy bà ta đứng ra. Tự dưng làm bao trù tính của phúc tấn thành công cốc hết.
Khác với nhóm cách cách dùng toàn người của Nội vụ phủ, phúc tấn tiến cung chỉ dẫn theo những “thành viên của tổ chức mình” vào. Tuy Nội vụ phủ có cử người ra, nhưng phúc tấn không hề cho họ kề cận hầu hạ. Hiện giờ những thái giám do Nội vụ phủ phân cho phúc tấn vẫn chỉ làm mấy việc lặt vặt như truyền lời cho a ca. Từ đó thấy được rằng phúc tấn tín nhiệm người nhà cỡ nào.
Song nhóm thái giám cung nữ trong cung đâu phải dễ bắt nạt, thế nên hiển nhiên đã tạo thành hai phe cánh rõ rệt. Các cung nữ thái giám mong muốn chen chân đến cạnh phúc tấn, còn người phúc tấn dùng lại không thể nhúng tay vào mảng tạp vụ trong A Ca Sở.
Lần lĩnh yến này tuy gói gọn trong mười mấy ngày ngắn ngủi, nhưng chỉ cần thời cơ thích hợp, kiểu gì chả có một hai người trong nhóm người của phúc tấn bắt được dịp bộc lộ tài năng. Đây có lẽ là điều Phúc ma ma làm.
Đại ma ma cũng có phần kiêu kỳ, phúc tấn không cần bà ta, thì bà ta đành treo móc khóa nhà kho của a ca đấy rồi dưỡng lão thôi vậy.
Nghĩ tới phúc tấn là đại ma ma muốn thở dài, dẫu có thủ đoạn, có chí khí, khí thế cũng đủ đấy, nhưng hiềm một nỗi là cảm xúc bấp bênh quá, chưa thấu tỏ nguyên tắc: “Chuyện phải làm từ từ mới êm xuôi”. Nàng đã mưu cầu một vị trí bên cạnh a ca, một vị trí mà không một lời nói của bất cứ ai thay đổi được, vậy vì sao lại không hiểu rằng: Sở cầu càng cao, sẽ càng phải cúi thấp đầu?
Buổi tối, lúc về phúc tấn biết chuyện, bèn cho vời riêng đại ma ma sang, nói: “Mấy hôm nay ta bận bịu, thành thử sao nhãng việc nhà, thực vất vả cho đại ma ma quá.”
Quả nhiên chuyện gì nên đến cũng đã đến, đại ma ma nhủ bụng, quỳ xuống thưa: “Nô tỳ làm việc cho chủ tử, đâu dám kêu ca cực nhọc.”
Phúc tấn cười, sai Phúc ma ma dìu đại ma ma dậy, chỉ vào Phúc ma ma bảo: “Mọi chuyện trong viện ta đều do Phúc ma ma tổng quản, đại ma ma chưa rõ chỗ nào cứ việc hỏi bà ấy là được.”
Đại ma ma khẽ cười với Phúc ma ma, trả lời phúc tấn: “Dạ.”
Phúc tấn nói: “Cái khác thì thôi, bên thư phòng có Trương Đức Thắng trông coi. Trong hậu viện này, Lý cách cách và Võ cách cách đều hiểu chuyện và biết giữ khuôn phép, còn Tống cách cách hiện giờ có mang đâm ra bất tiện, ma ma hãy chú ý hơn.”
Đại ma ma đáp tiếng “dạ” thứ hai, thấy phúc tấn không căn dặn gì nữa bèn lui.
Trong phòng, Phúc ma ma cho mọi người lui hết, quỳ xuống nói: “Lỗi tại nô tỳ làm việc sơ suất.”
“Thôi.” Phúc tấn thở dài, cho bà ta đứng, “Cũng do chúng ta không tính tới.”
Nàng và Tứ a ca tiến cung chuyến này, chắc chắn A Ca Sở sẽ loạn tung lên. Từ lúc nàng vừa tiến cung là đại ma ma được cung phụng hết cỡ, nàng vốn tưởng người ra mặt sắp xếp mọi thứ sẽ là Lý cách cách, lúc đó Phúc ma ma bước ra giúp một tay là vừa đẹp.
Ngờ đâu Lý cách cách lại đào ra đại ma ma.
Đại ma ma coi sóc công việc, người viện này đã chung đụng với bà ta bảy tám năm ròng, cố nhiên là người mà Lý cách cách hay Phúc ma ma chẳng thể so bì. Giờ đây dù Phúc ma ma có thò tay, đoán chừng cũng không lo liệu được việc gì.
Phúc tấn nhìn ngọn đèn cháy lập lòe, một thoáng chợt ngẩn ngơ. Sau rồi nàng lại kéo tâm trí mình về. Bởi tại nàng thấy bình thường Lý cách cách chỉ được nước thích đòi hỏi, cũng biết cách dỗ Tứ a ca để chàng thường đồ nọ đồ kia, là một kẻ hạn hẹp kiến thức lại hay đắn đo, dù nàng ta có trông nom hộ vài hôm cũng sẽ không phát sinh sự gì, hơn nữa còn cho Phúc ma ma cơ hội tham gia rồi tiện gạt luôn nàng ta sang một bên…
Một hòn đá giết hai con chim là ý tưởng quá hay. Ấy mà sự có mặt của đại ma ma lại làm tình hình trở nên ngặt nghèo, nguyên nhân vì mấy bữa nay Lý cách cách ngại việc khó, sợ bỏng tay.
Phúc tấn lắc đầu, bấy giờ nếu nàng đẩy Phúc ma ma ra thì hơi gượng gạo. Nhưng nếu không tận dụng lúc này, tương lai làm sao còn chuyện để cả hai chủ tử đồng thời vắng nhà nữa? Huống chi thêm mấy tháng nữa là Tống cách cách sẽ sinh, bất kể nam hay nữ thì đều là đứa con đầu lòng của Tứ a ca, cứ cho là nàng vô sủng, thì cũng ngang vai được với Lý cách cách.
So với Lý cách cách, phúc tấn kiêng dè Tống cách cách hơn cả.
Ấn cái trán đau nhức nhối, phúc tấn bỗng nhiên nghĩ… liệu nàng có hấp tấp quá rồi không? Thấy đứa nhỏ của Tống cách cách sắp sửa chào đời, Tứ a ca xin thêm Võ thị vào phủ, lại hết mực cưng chiều Lý thị.
Lòng dạ nàng rối bời.
Phúc tấn hít sâu vài hơi, nói với Phúc ma ma: “Lần này bỏ đi, nhiều nhất là nửa năm sau chúng ta sẽ khai phủ, khi ấy mới là danh chính ngôn thuận.”
Phúc ma ma dè dặt nhìn sắc mặt phúc tấn. Tuy phúc tấn được nuôi lớn từ chính giọt sữa của bà ta, nhưng nàng hiện tại ngày một quyền uy khiến ngay cả bà ta cũng thấy đôi phần khiếp sợ.
Trở về căn phòng nhỏ, Phúc ma ma rửa mặt qua loa bằng nước ấm do tiểu nha đầu xách vào. Tháo bỏ trâm gài, khuyên vòng và áo ngoài, lúc ngả đầu, bà ta bắt đầu dự tính nên thu xếp chuyện trong phủ này thế nào sau khi khai phủ. Mặc dù bà ta từng bàn bạc với phúc tấn rằng sau khi khai phủ, các nơi ắt sẽ tiến cử nhiều người hơn, tâm ý Tứ a ca cũng khó nắm bắt.
Ô Nhã thị, Đồng Giai thị, và cả Ô Lạp Na Lạp thị của phúc tấn, chẳng biết Tứ a ca sẽ trọng dụng người của tộc nào.
Vẫn còn một chuyện khác làm phúc tấn lo lắng. Gần đây phúc tấn nghe được một tin tức trong cung, bảo là năm nay khai phủ, sang năm khả năng có phong tước, có lẽ Tứ a ca sẽ được phong Bối lặc. Dẫu đây là chuyện mừng, song nàng sợ Tứ a ca lại lập trắc phúc tấn hòng chèn ép nàng. Tống thị có con, Lý thị có sủng, ai thành trắc phúc tấn cũng là mối tai họa to lớn của nàng.
Phúc ma ma và phúc tấn đã trao đổi nhiều lần, nếu thực sự hết đường ngăn cản, vậy thì Tống thị hay Lý thị mới tốt đây? Tống thị xưa nay nghe lời, nhưng dưới gối nàng ta có một đứa nhỏ. Lý thị được sủng ái, nhưng tính nhát gan, yếu bóng vía, dễ đối phó. Hai người đều có những ưu khuyết điểm riêng.
Phúc ma ma trăn trở mãi, cơ hồ chưa ngủ đã nghe ở ngoài tiếng phúc tấn thức giấc. Đám Thạch Lựu xách nước ấm vào, lại phải hầu phúc tấn tiến cung.
Bên thư phòng, Tứ a ca cũng đã dậy. Tô Bồi Thịnh bưng bánh mứt táo tàu củ từ và bánh mứt táo tàu gạo nếp tới, chính loại bánh ăn ở chỗ Lý cách cách đấy. Lần trước Tứ a ca ăn thấy tác dụng chống đói của bánh này khá tốt, nên thư phòng dạo đây mới chuẩn bị món bánh ngọt ấy.
Vì sợ đụng sự cố bất nhã trong cung, sớm nay Tứ a ca gần như chẳng uống gì, nuốt không mỗi hai đĩa bánh ngọt, cuối cùng uống hai ngụm trà cho trơn họng.
Tô Bồi Thịnh nhận lấy chén trà, nhỏ giọng thưa chuyện tối qua đại ma ma được phúc tấn gọi sang.
Tứ a ca như không mấy để tâm, nói: “Ồ, nàng ấy là phúc tấn, gửi gắm đôi câu cũng là lẽ thường tình.” Tô Bồi Thịnh nghe thế lưng càng khom rạp, đám thái giám trong phòng nhất tề hóa thành cọc gỗ, lặng im thin thít.
Trương Đức Thắng đứng ở hành lang ngoài phòng, nhạy bén phát giác bầu không khí dị thường trong phòng, không khỏi lùi hai bước, những mong Tứ a ca đi ra đây thì đừng ngó thấy mình.
Có điều sợ cái gì là y rằng cái đấy đến. Lúc bước ra, liếc mắt cái là Tứ a ca đã trông thấy hắn đứng ở cửa.
Tứ a ca không ngưng bước, sai Tô Bồi Thịnh về hỏi thăm xem có phải đồ đệ của hắn có chuyện gì cần bẩm báo không. Chàng giao phó: “Bên phía Tống thị phải cẩn thận, giờ tuổi thai lớn rồi, có chuyện gì là phải dặn Trương Đức Thắng theo dõi thật sát. Bên phía Lý thị… thôi, nàng tinh khôn trước giờ, những lúc như này trốn còn không kịp nữa là.”
Tô Bồi Thịnh thụt lùi về sau một nước, nháy mắt ra hiệu Trương Đức Thắng mau mau qua đây, có gì nói nhanh.
Trương Đức Thắng báo cáo hai chuyện. Chuyện thứ nhất là một thái giám bên Tống thị bị tiêu chảy, xin chỉ thị có nên chuyển ra ngoài không, bởi lẽ một khi ra là không quay về được nữa. Với tính tình của Tống cách cách, nàng sẽ không mở miệng nhờ vả ai vì một thái giám. Trương Đức Thắng thương xót đồng loại, mới nảy lòng cầu tình thay thái giám này, để hắn được chữa trị ngay trong viện mà không cần ra ngoài.
Chuyện thứ hai là dạo này thấy bên Lý cách cách chẳng mặn mà gì với bánh ngọt nữa, ngày nào cũng chỉ ăn mỗi hai món. Liệu chủ tử gặp chuyện gì khó nói chăng?
Tô Bồi Thịnh suy xét một lúc, nói thẳng: “Chuyển người bên chỗ Tống chủ tử ra ngoài đi, sao ngươi chả động não gì thế nhỉ! Giờ chủ tử đang có thai đấy, đừng nói là một tên thái giám cấp thấp, đến sư phụ của ngươi là ta đây cũng phải tránh xa xa! Khẩn trương lên, đừng làm lỡ việc!”
Về phần Lý cách cách, không gọi điểm tâm tuy chỉ là một việc cỏn con, song Tô Bồi Thịnh không dám kết luận tùy tiện, chỉ bảo: “Chuyện của Lý chủ tử, khi nào ta sẽ bẩm với a ca, ngươi tạm thời quan sát đi. Nếu có kẻ đui mù làm Lý chủ tử chịu thiệt, ngươi cứ xử trí trước.”
Nói tới đây, đã ra đến cổng viện, Trương Đức Thắng dừng chân, khom người dõi nhìn Tô Bồi Thịnh rảo bước theo kịp Tứ a ca đi đằng trước.
Khi về, việc đầu tiên Trương Đức Thắng làm là chuyển thái giám bên chỗ Tống cách cách ra ngoài. Thái giám kia khóc thân tàn ma dại nhưng chẳng dám ngoác miệng gào to, tiếng nức nở uất nghẹn nghe xót hết cả ruột gan. Tống cách cách không lên tiếng, chỉ sai cung nữ đưa cho hai lượng bạc.
Trương Đức Thắng đích thân đưa người đến Nội vụ phủ, tự bỏ tiền túi đút lót người bên trong. Sau khi đưa người vào, còn không quên an ủi ngày sau khỏe lại vẫn có cơ hội trở về.
Thái giám túm rịt lấy tay Trương Đức Thắng, cầu xin Trương Đức Thắng được thì trước mặt chủ tử hãy nhắc tới mình nhiều hơn.
Trương Đức Thắng nhủ bụng: Nhắc ngươi với a ca ư, ngài ấy biết ngươi là ai chắc? Nếu nhắc với Tống cách cách, cách cách xưa nay chỉ mong thêm một chuyện không bằng bớt một chuyện, ngươi bảo xem có thật sự dám nói với phúc tấn hoặc a ca không? Vả lại, ngươi ở chỗ Tống cách cách cũng có phải nhân vật bắt buộc phải hiện diện đâu cơ chứ.
Nói chung người này chỉ đến vậy thôi, tốt số ấy thì hết bệnh biết đâu sẽ được đổi một chủ tử khác, còn ngộ nhỡ xui rủi là cái mạng đi tong.
Việc tiếp theo, Trương Đức Thắng gọi thái giám Hứa Chiếu Sơn làm nhiệm vụ xách đồ ăn mỗi ngày cho Lý cách cách qua, hỏi han tình hình Lý cách cách mấy hôm nay ra sao bằng giọng điệu như nói chuyện phiếm. Cách cách ăn ngon miệng không? Ngủ ngon giấc không? Hỏi hết một loạt vấn đề lộn xộn xong mới thả người về.
Lòng Hứa Chiếu Sơn hân hoan khấp khởi. Ngay cả đồ đệ của Tô Bồi Thịnh ở thư phòng cũng phải nịnh bợ Lý cách cách đấy, hỡi ơi, hắn cần ôm chặt lấy cái chân này của cách cách!
Về cơ bản, Trương Đức Thắng không tin có kẻ dám chọc tức Lý cách cách. Thêm nữa, vị chủ tử này là người rất rộng rãi, có khi bị người ta chọc tức, chưa chắc cách cách đã phản ứng lại kịp.
Lẽ nào trong người khó chịu ở đâu?
Trương Đức Thắng đứng ngồi nhấp nhổm, lập tức sang chính viện tìm đại ma ma. Đầu tiên là bảo chỗ Tống cách cách có tên thái giám tiêu chảy vừa mới bị đưa ra, sợ Tống cách cách có gì không ổn, có cần mời người lại xem không?
Cái nữa là… tiện thể qua thăm Lý cách cách.
Đại ma ma vừa nghe đã biết vị chủ tử đằng sau mới là trọng điểm, nhỏ giọng hỏi Trương Đức Thắng: “Vị đấy… làm sao thế?”
Trương Đức Thắng kể chuyện cách cách ít gọi bữa, nói: “Nói như nào thì chủ tử ấy cũng là người trong lòng a ca nhà chúng ta. Lỡ xảy ra chuyện thật mà chúng ta không biết một cái gì sất, e khó giải quyết lắm.”
Chủ tử bị bệnh, các ngươi hầu hạ lại chẳng hay biết gì?
Dù sao đại ma ma cũng là phụ nữ, bà ta nghĩ còn nghiêm trọng hơn cả Trương Đức Thắng!
Từ ngày Lý cách cách được sủng, nói không chừng là đã có tin rồi đấy! Bây giờ mới thay đổi khẩu vị! Bà ta đi loanh quanh mấy vòng trong phòng, nói: “Để ta đi xem chủ tử thử xem.”
Tận mắt nhìn mới yên tâm được.
Điều quan trọng nhất đó là phòng Lý cách cách toàn những cung nữ chưa trải sự đời, cách cách lại nhỏ tuổi, chẳng may chính bản thân nàng và các cung nữ bên cạnh đều không hề phát hiện, nếu có thai thật, nhưng lại để đứa nhỏ có mệnh hệ gì…
Nghĩ đến khuôn mặt u ám của Tứ a ca, đại ma ma toát mồ hôi lạnh giữa trời đông rét.
Bà ta sang chỗ Tống cách cách trước, thăm hỏi sinh hoạt thường ngày và chế độ ăn uống, trấn an Tống thị đừng để chuyện gì trong lòng cả, thái giám kia đã chuyển ra ngoài, tự khắc có người chăm nom hắn đàng hoàng. Nếu Tống chủ tử quen được hắn hầu hạ, đợi khi hắn lành bệnh sẽ cho hắn vào trở lại.
Tống cách cách tỏ lời cảm ơn. Ra khỏi chỗ Tống cách cách, chỗ thứ hai là Lý cách cách.
Vừa gặp Lý cách cách, đại ma ma đã quét mắt từ đầu xuống chân nàng mấy lượt, nhưng chỉ nhìn sắc mặt và bề ngoài, quả thực không nhìn ra có phải là nàng có tin mừng không. Nếu tính theo ngày Tứ a ca nghỉ ở đây, dù có thai thì cũng chưa đến hai tháng.
Hỏi tiếp chuyện ăn chuyện uống, đại ma ma kể tội mình trước, thưa rằng gần đây phải trông giữ cửa nhà nghiêm ngặt, nên chi vào ra khó khăn, làm lỡ việc của các chủ tử. Kế đó là hỏi dạo này Lý cách cách có bất mãn gì với đồ ăn thức uống không?
Lý Vi cười hề hề, bảo: “Đâu có, đều tốt cả. Thực ra dăm bữa nay nhiều cung yến mà, người của thiện phòng hình như bị gọi đi hết rồi, mấy người ở lại nấu nướng kiểu gì cũng chỉ có mỗi một vị duy nhất.”
Chắc đây mới là lý do người vừa không gọi điểm tâm, vừa ăn ít lại nhỉ?
Đi ra ngoài, đại ma ma tiếp tục sang bên Võ cách cách ngồi một lát gọi là mang tính tượng trưng. Nhưng trên đường về bà ta nghĩ ngợi, cảm thấy thận trọng một chút vẫn tốt hơn. Dù không phải có tin mừng, song thận trọng chưa bao giờ thừa thãi. Còn giả như có, thế thì sự thận trọng của bà ta sẽ cứu được bao nhiêu mạng người.
Sau đó, đại ma ma bèn mượn chuyện Tống cách cách mang thai để phái thêm một ma ma qua, dặn dò rằng ngoại trừ Tống cách cách, bên Lý cách cách cũng phải hết sức lưu tâm.
Ma ma kia họ Liễu, dáng ục ịch, thấp bè bè, thời trẻ từng có biệt danh là “Liễu Thụ Đôn Tử”.
*Liễu thụ đôn tử: Đôn gỗ liễu.
Đại ma ma cũng quen miệng gọi cái tên đấy: “Đôn Tử, ta giao hai vị chủ tử này cho bà đấy.”
Liễu ma ma mím môi cười, gật đầu đáp: “Tôi cam đoan với bà. Nhưng bà cũng phải nói rõ ngọn ngành với tôi, trong hai người này, ai mới là…?” Bà ta dựng thẳng ngón tay cái lên trời.
Ở đây có ba vị cách cách, tuy nhiên lại dặn bà ta để ý hai người, chắc chắn chỉ có một người là quan trọng nhất.
Đại ma ma nở nụ cười: “Bà còn cần ta nhắc nhở nữa ư? Mau đi đi.” Đều là người thông minh khôn khéo, cớ gì phải làm khó nhau nữa chứ.
Liễu ma ma tủm tỉm rời đi. Trước là qua chỗ cả ba vị cách cách ngồi chốc, sau là nhắn nhủ đôi lời với mấy người được các cách cách trọng dụng. Bà ta ít nhiều đã có tính toán riêng.
Đến tối, Tứ a ca về thư phòng. Lúc ngâm chân nghỉ ngơi, rốt cuộc cũng có thời gian hỏi Tô Bồi Thịnh sáng nay xảy ra chuyện gì.
Tô Bồi Thịnh đã biết Trương Đức Thắng chuyển người ra ngoài, bèn thong thả báo cáo lại cho Tứ a ca nghe, báo luôn cả chuyện Lý cách cách ăn ít bất ngờ.
Tứ a ca nhắm mắt dưỡng thần, dưới có tiểu thái giám bóp chân cho chàng.
Nghe xong chàng nói: “Trương Đức Thắng làm rất tốt, khi nào ngươi thưởng cho hắn. Bên Tống thị dặn đại ma ma để mắt kỹ.”
Tô Bồi Thịnh vâng lời.
Sau đó chàng mở mắt, không nói bên Lý thị phải thế nào, cho tiểu thái giám lau chân, đứng dậy thay bộ quần áo khác. Tô Bồi Thịnh vội vàng sai người chuẩn bị đèn lồng, rồi báo sang chỗ Lý cách cách một tiếng.
Tứ a ca chẳng nói năng gì, đi thẳng qua chỗ Lý Vi.
Nàng hẵng chưa ngủ, nằm trên giường đất nhìn đỉnh màn, đếm xem còn mấy ngày nữa thì Tứ a ca hết bận ngược bận xuôi. Đang nghĩ vẩn vơ, phía ngoài bỗng dưng có tiếng động. Nàng khoác thêm áo choàng ngồi dậy, gọi Ngọc Bình: “Ngoài kia sao thế?” Lời hãy chưa dứt, bức rèm vải đã vén lên, Tứ a ca bước vào.
Mắt Lý Vi phút chốc bừng sáng! Nàng nhảy phóc xuống giường, giày chả buồn xỏ đã toan quỳ xuống, được Tứ a ca giữ chặt, đẩy nàng về giường.
Ngọc Bình và Ngọc Trản hầu Tứ a ca cởi đồ, chàng cũng lên nằm, khép màn, để lại ngọn đèn, xong xuôi hai người mới lui.
Lúc đặt lưng nằm yên vị trên giường, Tứ a ca mới thở phào một hơi, nắm lấy tay nàng trong chăn kéo vào lòng, nhắm mắt hỏi: “Mấy hôm nay không sang thăm nàng, vẫn ổn cả chứ?”
Lý Vi chậm rãi kề sát người Tứ a ca, ôm cánh tay chàng, đáp: “Thiếp ổn cả, Tống tỷ tỷ cũng khỏe lắm. Hôm nay đại ma ma còn đưa một ma ma qua đây nữa. Gia mệt rồi, ngủ thôi.”
Tứ a ca: “Ừ.” Duỗi tay kéo nàng lại, chợt hơi khựng, sửa tư thế cho nàng nằm thẳng, bàn tay trong chăn vuốt ve vùng bụng mềm như bông của nàng.
“Thời gian này nàng cứ ngoan ngoãn, đợi khai phủ, gia sẽ chọn cho nàng một đại viện, nhé?” Tứ a ca vẫn ngóng trông tin mừng từ nàng suốt. Rõ là được sủng nhiều nhất, mà mãi không có con thì cũng quái lạ. Nghe Tô Bồi Thịnh nói xong lòng chàng còn nảy sinh dự cảm, lại nghe nàng kể đại ma ma phái thêm người qua, nghĩ chắc rằng có tin tốt thật.
Tết nhất không tiện gọi thái y, Tứ a ca định đợi hết dịp này, việc đầu tiên làm là phải mời thái y đến thăm khám. Miên man suy nghĩ rồi chàng thiếp ngủ mất.
Lý Vi ngắm khuôn mặt chàng say giấc, đánh bạo sáp tới hôn một cái vào miệng chàng, hôn xong bèn nhấm nháp, nghĩ bụng: Sao có vị gạo nếp thế nhỉ?
(còn tiếp)