Chương 16: Vị khách mới
Tháng Sáu qua, Tháng Bảy đến. Cái thai trong bụng Hoài An ngày một lớn dần. Vòng bụng nhô cao lên và có những chuyển động rất rõ rệt. Việc đứa bé xuất hiện, mang lại cho cô cảm giác bớt trống trãi. Là người duy nhất cô có thể trò chuyện lúc buồn. Mặc dù đứa bé chẳng thể nói nhưng thật kì diệu, khi nghe lời tâm sự của mẹ, nó đạp liên hồi làm bụng của cô căng ra, méo sang một bên. Điều ấy thức tỉnh sợi dây liên kết của tình mẫu tử. Giúp Hoài An cảm thấy yêu đời hơn.
Một đêm trong tháng Bảy, Hoài An trằn trọc nhìn trân trân lên trần nhà. Cô thất nghiệp cả tháng nay. Nói trắng ra, từ khi xin thôi việc ở X, cô không kiếm được công việc nào tử tế hơn. Tiền dành dụm được chẳng còn là bao. Mà cái thai ở tháng thứ tư, cần được cung cấp nhiều vi chất hơn nữa. Nào là canxi, sắt, hạt dinh dưỡng,… sơ sơ cũng tốn cả triệu đồng một tháng. Nhất là sau khi sinh, ở cử và chăm con nhỏ. Cô sẽ không thể làm ra tiền, lại còn tốn kém nhiều chi phí sinh hoạt khác. Cô có thể nhờ mẹ, chắc chắn mẹ không bao rừ chối. Nhưng Hoài An lại nghĩ, cô đã có nhà riêng, có cuộc sống riêng. Cô không thể sống bám vào mẹ được mãi.
Quả thật, khi thất nghiệp, mọi nhu cầu đều bị hạn chế. Hết ngày đến ngày, lặp đi lặp lại một công việc quen thuộc, cuộc sống trở nên vô cùng nhàm chán, buồn tẻ. Và, đối với một bà bầu nhạy cảm, một thân một mình, điều ấy khác gì sự tra tấn âm thầm. Nghĩ đến Hoài An không sao ngủ được. Cuộc sống, vốn là quá trình phát triển và đào thải đã dạy cho Hoài An hiểu, phải biết chấp nhận thực tế và lao động không ngừng nghỉ để tồn tại trong nền kinh tế thị trường. Từ lời tư vấn của vài người bạn rằng nên mở quán cơm nho nhỏ phục vụ dân văn phòng. Mắt Hoài An sáng bừng lên. Bao nhiêu dự định theo đó tràn ra, thúc giục cô mỗi ngày. Nhưng quán ăn cần có bàn, ghế,… tính ra phải mất hai, ba chục triệu bạc. Lấy đâu ra tiền để sắm sửa vật dụng bây giờ? Hóa ra, muốn làm gì, thực hiện dự định gì trước tiên phải có tài chính.
Hoài An đành ra ngân hàng thuế chấp tài sản, vay được ít đồng đủ để mở quán ăn nhỏ trước nhà. Một tháng sau ngày mở cửa, Hoài An đã quen với việc đứng liên tục trong vài giờ đồng hồ. Đôi bàn chân không còn tê buốt và công việc cũng dần đi vào nề nếp hơn. Với Hoài An, một mình lo bao việc lớn nhỏ, tuy vất vả nhưng thực vui khi cầm đồng tiền do chính sức lao động cô bỏ ra. Cuối tháng Hoài An lôi sổ sách ra tính toán. Tiền mặt bằng không phải tốn, có chút đồng ra đồng vô. Sau khi chi trả tiền sinh hoạt, lãi suất ngân hàng, phần dư ra Hoài An bỏ vào tài khoản để dành lúc sinh nở. Nhưng dư dật dăm đồng một tháng thì chả đáng là bao. Cô phải tận dụng hết những
gì sẵn có. Hiện tại, hai phòng ở tầng trên vốn không dùng đến, chúng còn rất mới và sạch sẽ. Lúc trước, cô dự tính sinh con ra, chúng vào lớp một thì hai phòng trên lầu sẽ để dành cho con sử dụng. Nào ngờ. “Chắc mình phải cho
thuê tầng trên thôi” Hoài An nghĩ ngay đến điều ấy khi vô tình tìm đồ trên lầu.
Cuối tháng, Hoài An mượn tiền mẹ, thuê thợ lắp la phông ngăn đường đi lên cầu thang với tầng trên. Phía trước nhà, cô đập một bên hàng rào, gắn thêm cổng rồi xây tường chia thành hai lối đi riêngbiệt. Từ cổng đi vào vài mét là cầu thang lên tầng trên. Cô còn treo thêm vài chậu xương rồng cho căn nhà thêm sức sống. Mọi thứ dường như được chuẩn bị chu đáo, tạo không gian rất riêng cho người thuê. Chỉ sau vài ngày đăng quảng cáo trên mạng xã hội. Một người phụ nữ nước ngoài tên Kaytlyn đã tìm đến và thuê tầng trên với mức giá một trăm đô một tháng.
Kaytlyn – người Úc gốc Anh, là giáo viên dạy Ngoại ngữ cho một trung tâm lớn. Kaytlyn vốn phóng thoáng và sống không theo bất kỳ nguyên tắc nào. Hôm Kayrlyn chuyển đồ đạc vào nhà mới, Hoài An mới có dịp ngắm kỹ, cô ta mặc chiếc quần jean cạp ngắn lòi cả rốn đính khuyên và chiếc áo hai dây trễ nãi phô khe ngực trắng nõn nà lấm tấm tàn nhang, trông cô ta thật gợi cảm..