Chương 41: Hồi 41: Tình ca đồng nội
Những ngày này, tâm trạng Dạ Lý rất tốt, bởi vậy ả cũng bớt đi phần nào cái thói áp bức kẻ dưới. Chuyện của thằng Lực vì vậy dần trôi qua, mộ nó được đặt cạnh má ở ngoài đồng, tiền nó nợ người ta hôm nào để lo mần lễ ma chay và mua đất chôn má được bà hội đồng chi trả.
Ban đầu còn có lời đàm tiếu, bẵng đi thời gian thì cũng ngưng, miệng thiên hạ mà, ai nói được mãi khi cơm áo gạo tiền còn lo chưa đặng.
Và ai nói được mãi khi hễ mở miệng nhiều chuyện là bị bắt bỏ tù.
…
Vốn dĩ Nam Sa và ả luôn như hình với bóng, riết rồi con bé ba trở thành người thừa. Nhưng hôm nọ, lần đầu tiên Nam Sa đã xin về sớm khiến cho ả không khỏi hồ nghi.
Đợi nàng đi khuất rồi, ả bèn kêu thằng Thỉ kéo xe đưa sang nhà nàng âm thầm theo dõi, đến nơi thì chỉ có mỗi Hồng Lệ đang chong đèn ngồi may vá, tuyệt nhiên chẳng hề trông thấy bóng dáng Nam Sa.
Nép sau tán lá chờ đợi một hồi nàng vẫn chưa về, muỗi vo ve chích hết dấu này tới dấu nọ làm ả bắt đầu sinh lòng bực dọc.
“Quái lạ, con nhỏ đi đâu được vào giờ này chứ?…Tại sao đi đâu cũng không nói với mình?” Ả thầm nghĩ.
“Mày nghĩ một đứa con gái như Nam Sa thì có thể đi đâu được vào ban đêm ban hôm thế này hở Thỉ?” Ả bâng quơ hỏi.
Thằng Thỉ ở trần, thân nó rám nắng mướt mát mồ hôi xoa xoa chiếc cằm lúng phúng râu đáp.
“Con không biết, nhưng cô hai xét lại thử coi con Sa ngoài nhà mình với nhà nó thì còn quen biết ai khác không? Coi chừng nó tới chỗ đó đó cô hai”.
Thằng Thỉ coi vậy mà hay, nó nói chí phải. Bất quá ngoài nhà hội đồng Cao thì ả cũng chẳng biết nàng có còn quen biết ai và có thể đi đâu.
Chợt, trí nhớ loé lên, ả lập tức hối thúc thằng Thỉ kéo xe tới xưởng xay gạo nhà mình.
Và quả nhiên…
“Ơ kìa cô hai, sao cô đến đây giờ này?”
Bác Hải quản lý xưởng gạo, lần nào thình lình gặp ả thế này cũng bị doạ cho thót tim.
Chậm rãi đặt bàn tay mềm mại của mình lên tay thằng Thỉ cho nó đỡ bước xuống, xong ả mới cởi chiếc khăn lụa vắt trên vai tùy tiện vứt xuống đất khiến bác Hải vội vàng chộp lấy, mặt mày xanh chành như tàu lá cũng bởi thái độ trông rất tức giận của ả.
Sự xuất hiện của Dạ Lý mang lại trầm mặc cho cả xưởng xay gạo, ai nấy còn đang rất hồ hởi vì gặp lại Nam Sa thì bây giờ chỉ có thể nép mình đứng qua một góc không dám hó hé.
Mấy vết muỗi đốt làm ả râm ran khó chịu nhưng nó có hề gì so với sự khó chịu trong lòng? Đối diện với Nam Sa, ánh mắt ả mang theo truy vấn.
“Tại sao em đến đây vào giờ này?”
Nam Sa vội bước đến bên Dạ Lý, nàng còn xa lạ gì với biểu cảm này đâu.
“Cô hai…”
Ả cắt ngang.
“Không kêu là chị?”
“Dạ, chị…chị Dạ Lý, em là mang chút quà tới biếu mấy anh và chú bác ở xưởng ăn lấy thảo. Nhờ có mọi người mà hồi trước em mới có công việc phụ giúp má, nên là…”
Đuôi mắt Dạ Lý liếc qua những người và những thứ xung quanh, dưới đất có trải tấm chiếu mỏng, trên chiếu là một con gà, bánh trái và mấy món đồ nhắm, còn có hai chai rượu đế. Tất cả những thứ này dường như chỉ vừa mới bày biện ra, đều là của Nam Sa mang lại.
“Định giữa đêm ở đây ăn nhậu cùng một đám đàn ông?”
“Dạ không phải, em có xin phép má mang đồ đến biếu mọi người rồi về ngay, má cho phép rồi…”
Nam Sa nắm tay bàn tay Dạ Lý, nó lạnh ngắt chắc vì nhiễm sương đêm.
“Sao không nói với chị?”
“Em, em nghĩ chuyện này cũng không phải lớn lao gì, vả lại là ân tình của em và mọi người ở xưởng, sợ làm bận lòng chị”.
Đoạn, Dạ Lý cong môi cười nhạt.
Một đám đàn ông xung quanh vây ở giữa là Nam Sa, mà Nam Sa thì xinh đẹp thế nào chắc không cần bàn cãi, mặc dù nàng từng làm việc ở đây nhưng thời gian trôi qua lòng người khó đoán, dung mạo nàng chỉ ngày một sắc sảo chứ chẳng hề kém nhường đi…Dạ Lý lo lắng là không sai.
Lúc này, bác Hải mới mon men tiến tới, khom lưng rụt rè nói với ả.
“Thưa cô hai, tụi tôi coi con bé Sa này như em cháu trong nhà. Nó thương nghĩ tình cố hữu thì ghé thăm, tụi tôi rất mừng nhưng cũng biết lễ giáo đàng hoàng, không dám giữ con gái người ta lại đâu. Xin cô hai hiểu cho đừng trách giận mà tội nghiệp Nam Sa với tụi tôi”.
Ả nhìn nàng, biểu cảm trên gương mặt ấy bây giờ mang theo chút khẩn khoản, Nam Sa sợ ả tức giận, sợ ả lại trút lên những người này.
Hít vào một hơi thật sâu rồi mới đành buông lơi tiếng thở dài ứ đọng, Dạ Lý lên tiếng.
“Về nhà thôi, chị đưa em về”.
“Dạ!”
Thời khắc này, Nam Sa biết ả đã buông xuống tâm tư nên mới dám mừng rỡ, càng thêm siết chặt bàn tay nhỏ nhắn ấy.
Trước khi đi, Nam Sa không quên chào tạm biệt các anh và chú bác trong xưởng, hứa hẹn một ngày khác sẽ lại đến thăm họ, tất nhiên là phải có cả sự cho phép của Dạ Lý.
Lúc khuất cổng xưởng gạo, ả mới kêu thằng Thỉ tự kéo xe về mình ên để cho ả cùng Nam Sa dạo mát một chút.
Thằng Thỉ chần chừ, lóng nga lóng ngóng như con gà mắc nước. Trên trời trăng đã lên cao, đường làng đìu hiu heo hút, nếu nó để cô hai đi về một mình lỡ xảy ra bất trắc thì coi như đời tàn khi còn chưa kịp cưới vợ.
“Thỉ cứ về đi, để Sa dắt chị Dạ Lý về sau, có Sa bảo vệ sẽ không sao đâu mà”.
“Có bà tôi mới lo đó…” Thằng Thỉ lẩm bẩm trong miệng.
Nhưng nó phận tôi tớ, chủ biểu về mà không chịu về thì là hỗn, đành phải vác xác về thôi, kẻo chọc giận cô hai thì còn tệ hơn là đi chết.
Thế là chỉ trong phút chốc, trên con đường làng vắng tanh chỉ còn lại bóng dáng hai người thiếu nữ nắm tay nhau sóng bước.
…
Gió lạnh thổi qua, Nam Sa nhẹ nhàng lấy tấm khăn lụa ban nãy khoác lên vai Dạ Lý để giữ ấm.
“Nãy chị vứt nó đi rồi mà?” Dạ Lý thắc mắc.
“Bác Hải đâu có dám để khăn của chị rớt dưới đất, trước khi về em lấy lại rồi, đêm hôm trở gió chị coi chừng cảm mạo”.
Nhìn lại tấm áo vải mỏng manh của Nam Sa, Dạ Lý tần ngần giây lát rồi đem chiếc khăn khoác lên cả hai người, để hai nàng thiếu nữ càng sát lại gần nhau.
“Chị cũng không muốn em bị cảm mạo”. Ả mỉm cười.
Họ vừa đi vừa trò chuyện, trăng đêm nay tròn vằng vặc và sáng như một viên bảo ngọc treo trên mấy tầng trời, toả ra thứ hào quang trong vắt thuần khiết.
Thuần khiết như Nam Sa.
Lúc ngang qua cánh đồng nọ, quang cảnh mở ra, lúa xanh trải dài dường như tới tận chân trời. Nơi thinh không ánh trăng dát bạc rọi xuống dương trần, gió lộng thổi qua làm tung bay tà áo gấm của Dạ Lý.
Ả ngỡ ngàng vì cảnh sắc trước mặt, nó bao la và đẹp đẽ quá.
“Đẹp quá…” Ả buộc miệng thốt lên.
“Dạ, đẹp thật”.
Nhìn sang Nam Sa, nàng đang hướng đôi mắt màu biển cả về phía ả, trong đáy sâu thăm thẳm thấp thoáng có bóng dáng Dạ Lý – người thiếu nữ đài các nhất xứ này.
Đứng trên triền đê, họ lẳng lặng đối diện nhau, không biết vì sao bao nhiêu lời lẽ đều trở nên vô nghĩa. Bấy giờ, chỉ có nụ hôn là chân thật nhất, chỉ có nó mới tỏ rõ được tấm lòng son.
Gần hơn và gần hơn nữa…
Khi hai đôi môi khẽ chạm, chiếc khăn lụa chẳng thể giữ nổi nữa như chính trái tim này buộc phải buông lơi để đón nhận trọn vẹn đối phương bước vào.
Khăn lụa bị gió cuốn bay đi, để lại nơi đây hai nàng thiếu nữ với nụ hôn sâu dài nóng bỏng, đốt cháy mọi ràng buộc, tháo gỡ gông xiềng luân lý đeo mang.
Đến khi hơi thở sắp cạn mới tiếc nuối tách ra, Dạ Lý nhón chân hôn lên chóp mũi nàng, hiền lành như một chú mèo chờ đợi chủ nâng niu.
“Nam Sa, chị thật lòng thương em nhiều lắm”.
Lời bày tỏ chân thành của ả, đêm nay nó thâm sâu tận tâm can nàng.
“Em cũng…”
Nhưng Nam Sa vẫn ngập ngừng, nàng không dám thổ lộ, nàng quá bé mọn để dám thốt một chữ “Thương”.
Rời khỏi vòng tay nàng, ả ủ rũ, không thể nào không ủ rũ.
Một mạch đi lên chỗ gốc cây cổ thụ nơi có thể ngó ra toàn bộ quang cảnh rộng mở của cánh đồng, Dạ Lý vén tà áo ngồi xuống thảm cỏ, cảnh đẹp trước mắt nhưng bây giờ ả lại buồn rũ rượi.
“Chị, em xin lỗi”.
“Bỏ đi, Nam Sa vẫn là Nam Sa, chị còn lạ gì”.
Trong lời này phảng phất có ý tứ trách cứ.
Nam Sa chỉ có thể lặng lẽ thở dài, ngồi bên ả mà dõi mắt trông về cung trăng xa tít tắp.
Côn trùng tấu lên dạ khúc hằng đêm của chúng, lá cành xào xạc hoà tấu theo bản ru ca đồng nội. Tức cảnh sinh tình, Dạ Lý bèn ngâm nga vài giai điệu không tên.
“Chắc chị hát hay lắm, tiếc là em chưa có dịp nghe chị hát”.
Nam Sa cười cười, nói lời bâng quơ.
“Chưa có dịp thì bây giờ có”.
Dạ Lý khẽ cười, vươn tay vuốt ve mái tóc tơ mềm của nàng rồi đứng dậy chỉnh trang lại xiêm áo tiến lên phía trước mặt Nam Sa.
Đêm nay, cánh đồng này là sân khấu của ả và ngàn sao trên cao sẽ là vạn ánh đèn thắp rực rỡ phù hoa.
Ả gằng giọng mấy tiếng rồi cất cao tiếng hát. Đó là một bản tình ca của Pháp.
*Lời dịch:
“Bãi bờ em nhớ hay chăng?
Tiếng ca trong mộng chỉ dành đôi ta phút giây ngắn ngủi một thời
Thân thương còn đó có đâu phai mờ
Điệu vũ tuyệt vời, thế gian liệu có điều chi sánh bằng?
Trời ban mối cơ duyên cho ta điệu vũ tay kề bên em
Dù đời đã trải qua bao nhiêu vũ khúc bên đời, lòng ta vẫn thổn thức
Khôn nguôi hoài niệm cùng em cận kề”.
Khi bài hát kết thúc thì cũng là lúc Dạ Lý đánh rơi một giọt lệ trong suốt xuống thảm cỏ xanh rì.