Chương 40: Hồi 40: Chỉ bốn người biết
Ả vừa tắm rửa thay ra bộ đồ mới thơm tho thật muốn lập tức đi ngủ, khuya thế này rồi còn bị bắt ngồi đây nghe rầy rà, Dạ Lý mệt mỏi vô cùng.
Bấy giờ, ông bà hội đồng Cao cũng đã trở về với dáng vẻ sang quý thường nhật, bộ dạng chật vật rũ rượi hồi tối dường như chỉ là một cái chớp mắt nhìn lầm. Dù vậy thì bả vai bị trật khớp của Cao Phỉ vẫn ê ẩm lắm dẫu đã được ông cai tổng nắn khớp lại rồi.
Dạ Lý ngồi xếp bằng trên giường, mặt mày ả ủ rũ phụng phịu như đứa trẻ đang tủi thân ấm ức. Cao Phỉ và Nguyễn Thị Quý nhấc ghế ngồi đối diện ả, biểu cảm căng hơn dây đàn không khác nào đang hỏi cung.
Giờ thì Cao Phỉ đã có thể thẳng thắn hỏi về điều mình nghi ngờ rồi.
“Nói thật cho cha má nghe, con đã làm gì thằng Lực? Không thể nào nó tự dưng phát điên xông tới đây chém giết được.”
Nguyễn Thị Quý tiếp lời.
“Ba ngày trước, sau khi vụ hoả hoạn xảy ra, má đã sai người hầu mang tiền đến giúp đỡ nó nhưng thậm chí thằng Lực còn không thèm nhận dù chỉ một đồng. Nó đối với nhà mình chắc chắn có ẩn tình bất mãn, là vì con đúng không? Con đã làm gì?”
Bị cha má bức ép, ả nhíu mày thể hiện ra mặt sự bực dọc, đáp.
“Con làm gì, con làm gì! Con là một đứa con gái thì làm gì được thằng trâu điên đó chứ? Sao không ai hỏi nó đã làm gì con?”
Dạ Lý nói lẫy mà ông bà hội đồng sợ thật, vội chộp lấy ả níu níu kéo kéo kiểm tra.
“Nó làm gì? Thằng đó đã làm gì con?!”
Cha má ả đồng loạt dồn dập hỏi.
Khó chịu quá đỗi, Dạ Lý bèn đẩy nhẹ hai người ra trấn an.
“Không có, nó không làm gì con hết, con bực nên nói vậy thôi.”
Lúc này, ông bà hội mới có thể thở phào.
Sau một lúc vẫn kiên trì gặng hỏi, rốt cuộc Dạ Lý buông xuôi, ả thành thật kể lại đầu đuôi sự việc để tránh cho mình bị làm phiền thêm.
“Dù sao cũng là một thằng tá điền và bà già má nó thôi mà? Chết thì chết, loại người côn đồ như nó chết mười mạng cũng chẳng đáng tiếc.”
“Con!”
Cao Phỉ giận run, ông cố gắng hít vào một hơi thật sâu đè nén xuống cơn giận.
“Cùng lắm thì như hai năm trước nhờ ông ngoại ra mặt thôi, ông vẫn tại chức mà lo gì.”
Ả nhún vai, vô tư đến mức có thể khiến cho người ta ói máu ra chết.
“Vì con nhỏ Nam Sa đó mà hại chết hai mạng người, đáng sao Dạ Lý?”
Khi hỏi điều này, Nguyễn Thị Quý không có ý trách ả mà chính bà cũng đang tự vấn bản thân. Vì một người dưng nước lã bất chấp tất cả, đáng hay sao?
“Dạ đáng.”
Ả kiên định, rất nghiêm túc nhìn cha má.
Thuở đời nay cha mẹ sanh con trời sanh tính, con ngoan thì mừng mà con hư thì bậc làm cha làm mẹ cũng phải ráng chịu đựng. Dù nó có trót lầm sai thì vẫn phải vì đứa con của mình mà chống đỡ nửa bầu trời, đó là tình thâm và cũng là trách nhiệm.
Lần này cũng vậy, dẫu giận ả, dẫu nói mãi ả vẫn chẳng muốn hiểu tầm quan trọng của sự việc đã gây ra nhưng với thân phận bậc làm cha mẹ như Cao Phỉ và Nguyễn Thị Quý, chỉ cần còn một khả năng, chỉ cần một hơi thở vẫn sẽ bảo vệ Dạ Lý đến cùng.
…
Ngày hôm sau, lúc ả bị cấm túc trong phòng thì lại có người tìm tới.
Lần này là Nam Sa.
Sáng sớm nàng nghe bà con đồn ầm lên về việc thằng Lực phát điên chạy qua nhà hội đồng chém giết mà cả kinh. Hết lời năn nỉ má mới được bà chấp nhận cho sang đây thăm Dạ Lý, giờ lại phải đối mặt với Nguyễn Thị Quý đang ngồi cộng tính sổ sách ngoài gian đầu.
“Dạ con thưa bà hội, con qua đây xin phép được thăm chị Dạ Lý.”
“Chị Dạ Lý?” Nguyễn Thị Quý nghi hoặc, bàn tay ghi ghi chép chép rất khẽ khàng chậm nhịp.
“Sao mày dám kêu cô hai là chị?”
Bà thậm chí còn không nhìn tới nàng.
Nam Sa khom lưng cúi đầu, trông bộ dạng của nàng dè dặt lắm, còn dè dặt hơn cả lúc trước.
“Dạ con thưa bà rằng chị Dạ Lý đã cho phép rồi ạ, chứ con nào dám tự tiện gọi như thế.”
Đã định bắt bẻ nàng thêm mấy lời nhưng chẳng hiểu sao lại không có tâm trạng, đối với đứa con gái lai Tây này cũng không biết nên dùng từ ngữ gì để diễn tả hình ảnh nàng trong mắt Nguyễn Thị Quý. Có lẽ bà rất ghét nàng nhưng có lẽ cũng không đến mức đó, dẫu sao thì đây cũng là đứa con do người ấy rứt ruột sanh ra, là một phần máu thịt của người ấy.
Nhưng, trong đó cũng có một phần máu thịt của gã Tây Dương kia…
“Dạ Lý bị cấm túc rồi, về đi.”
Bà lạnh lùng nói.
“Dạ thưa, bà có thể thương cho con vào thăm chị Dạ Lý chút xíu thôi cũng được, con hỏi vài câu, thấy chị bình an là mừng rồi. Chứ bây giờ con lo quá đứng ngồi không yên nổi.”
Nam Sa vì lo lắng nên vô thức nói lỡ lời, từ khi nào một người hầu lại đa tâm với chủ nhân như vậy? Trừ khi người hầu đó cùng chủ nhân có mối gắn kết sâu xa hơn.
“Mày về…”
Chợt, Nguyễn Thị Quý đặt bút xuống, chậm rãi ngẩng lên nhìn Nam Sa đang đứng cúi đầu ngay bên cạnh.
Nghĩ ngợi giây lát bèn thu lại lời vừa định nói, ho khan một tiếng nói với nàng.
“Mày không được nấn ná lâu lắt, tao không chứa chấp mày ở đây cả ngày đâu.”
Thế này xem như là đã cho phép, Nam Sa mừng rơn, vội cúi gập người cảm ơn Nguyễn Thị Quý rồi liền gấp gáp đi vào buồng phòng Dạ Lý hội ngộ cùng ả.
Vô thức, cánh môi Nguyễn Thị Quý từ từ cong lên, thầm nghĩ nếu đúng như lời Hồng Lệ đã nói thì con gái của bà cũng biết chọn người để hứng thú lắm. Trên trời dưới đất nhiều vô số kể rốt cuộc lại nhìn trúng Nam Sa, con gái của cố nhân mẹ mình.
…
Dạ Lý bị cấm túc suốt một tháng trời, trong suốt một tháng này nếu không nhờ có Nam Sa thường xuyên lui tới thăm hỏi thì ả đã nhàm chán đến mức ‘bức phá gông xiềng’ chạy đi mất dạng rồi.
Cũng may còn có nàng kiềm chế ả lại.
Dạ Lý giấu nàng, không muốn để nàng biết lý do thật sự chuyện nhà thằng Lực và buổi tối nó đến Cao gia trang cuồng sát.
Tuy nhiên, từ khi xảy ra cớ sự thì đàm tiếu cũng bắt đầu nổi lên, miệng đời là thứ rất đáng sợ, nó dường như có thể len lỏi vào trong từng ngõ ngách sâu kín nhất, làm đốt nóng lên những câu chuyện còn chưa rõ thực hư.
Nhưng một trong số những tin đồn đó đã đúng, rằng Dạ Lý vì lý do nào đấy mà cho người đốt nhà thằng Tuất và thằng Lực khiến má thằng Lực chết nên nó mới chạy tới Cao gia trang muốn chém ả.
Và đây cũng chính là tin đồn mà Nam Sa sợ hãi nhất, nàng rất sợ nó là sự thật mặc dù Dạ Lý vẫn luôn kiên quyết chối bỏ.
…
Thời gian trôi qua, Nam Sa được tháo băng nẹp ở cánh tay phải, cử động của nàng hầu như đã có thể trở lại bình thường, cùng lúc này Dạ Lý cũng được ‘giải khai phong ấn’ thoát khỏi sự cấm túc bức bách.
Ả và nàng lại lần nữa được ở bên nhau khi Nam Sa quay lại theo hầu Dạ Lý, mọi chuyện dần đi vào quỹ đạo mà nó đáng lẽ nên vậy mặc dù những tin đồn vẫn chưa từng ngưng lại dẫu cho Nguyễn Thị Quý đã dùng tới lính tráng khoá miệng bất cứ ai dám lắm lời nhiều chuyện.
Hồng Lệ và Nguyễn Thị Quý cũng không gặp gỡ nhau thêm lần nào nữa từ sau ngày hôm ấy ở góc vườn. Nhưng qua thái độ của Dạ Lý và những gì bà giả ngơ khai thác được thì Hồng Lệ đối với Dạ Lý tuy có khách khí giữ gìn khoảng cách nhưng chung quy đối đãi không tệ, mà bà biết Hồng Lệ như vậy cũng vì không thật sự ghét bỏ Dạ Lý nên mới chấp nhận để ả bước một chân vào cùng chỗ với má con bà. Thế nên Nguyễn Thị Quý cũng không còn cư xử gay gắt với Nam Sa như lúc trước, mặc dù đôi khi vẫn giáo huấn nàng nhưng lời lẽ đã có mấy phần nhẹ nhàng hơn.
Câu chuyện của Dạ Lý và Nam Sa dường như chính là một sự bù đắp mà ông trời dành cho Nguyễn Thị Quý và Hồng Lệ. Để hai thiếu nữ này vui vẻ thay phần họ, để hai thiếu nữ này sống trọn vẹn thanh xuân mà họ đã dở dang.
Không ai nói ai nhưng chẳng khó khăn để nhìn ra được cả Hồng Lệ và Nguyễn Thị Quý đều đang âm thầm mắt nhắm mắt mở cho hai người con gái toại nguyện, thà toại nguyện trong vòng kiểm soát của bậc trưởng bối còn hơn là bị ngăn cấm kịch liệt rồi vì tình mà lầm đường lạc lối vô phương trở về.
Giống như họ đã từng…
…
Chỉ cần vẫn gói gọn trong bốn người biết, chỉ cần đừng để kẻ thứ năm phát giác thì sẽ không có bất cứ bi kịch nào xảy ra.