Chương 1: Hồi 1: Đứa con lai
Lúc ả đi trên bờ đất, nắng chiếu qua, bị cây dù che lại nên chỉ có chút hào quang phủ lên đôi gò má hồng hào, làn da ả vàng nhạt đúng chuẩn gái Á Đông, mịn màng như dòng sông phù sa không gợn sóng. Ả ngó mắt dòm, sắc xanh lúa non ẩn hiện trong con ngươi đen lay láy ấy, vô tình khiến cho đôi mắt vốn đã như hai hòn ngọc lại càng thêm lóng lánh đưa tình, hồi mới chừng độ ba bốn tuổi đầu, mắt ả đã đẹp như thơ, hàng mi cong vút khỏi cần chau chuốt. Mà thơ hay thì phải buồn, bởi vậy mắt ả cũng tư lương, trông lúc nào cũng như ngân ngấn lệ, xóm giềng thường bảo đó là con mắt đa tình, hồng nhan đa tình thường bạc phận về sau.
Mấy gã trai làng đang dở tay việc đồng áng, thấy loáng thoáng vạt áo bà ba trắng của ả lướt qua thì đồng loạt ngưng đọng nhìn theo. Đám này là tá điền thuê ruộng nhà ả cày cuốc, bởi vậy cũng không tính là lạ xa, có điều cách biệt giai cấp là điều hiển nhiên khỏi cần bàn cãi.
Đáng lẽ theo cái tính trai quê mới lớn, mấy gã này thấy con gái đẹp ngang qua sẽ buộc miệng buông lời trêu ghẹo, nhưng ghẹo ai thì ghẹo, mấy gã cũng biết phải chừa mặt ả ra. Bởi lẽ ả đẹp thì có đẹp, xinh cũng rất xinh, nhưng tính tình bạo ngược, ngang tàn nổi tiếng. Ỷ có cha là hội đồng giàu nức vách đổ tường mà ngông nghênh, ỷ có ngoại là Đốc phủ mà lộng quyền coi dân bằng nửa con mắt.
Thấy ả đứng trên bờ ruộng nghía mắt dòm là mấy gã lấm la lấm lét không dám hó hé on đơ chi hết, trông bộ dạng hèn hết chỗ nói.
Ông bảy Thê, làm tá điền nhà ả chắc cũng hơn chục năm trường, ông này tánh khí hào sảng đó giờ, há chẳng sợ ai. Nhìn mấy gã trai lưng dài vai rộng lại rụt cổ cúi đầu không dám đối diện một đứa con gái thì tức cười trong bụng, ổng mới vừa cấy lúa vừa nói như vầy.
“Ôi cái bọn dê non, thường ngày miệng lưỡi tép lặn tép lội, sao hôm nay thấy người đẹp lại im ru bờ rù như cá nằm trên thớt vậy kìa?”
Một trong số mấy gã ấy là thằng Lực, da nó ngâm đen, mồ hôi nhễ nhại, biết mình bị mỉa mai thì lấy làm tức khí, từ bên thửa của nó chỏ mũi sang trả lời.
“Người đẹp thì cũng có người đẹp này người đẹp nọ, với chủ của mình thì ai lại dám bất kính chớ ông bảy? Tụi tôi là trọng cô hai, chớ đâu xem cổ như mấy con nhỏ xóm này mà tùy tiện giỡn hớt được.”
“Vậy đó đa? Chứ không phải tụi bây sợ cô hai cho no đòn à?”
Dứt lời, đám nông dân cười rộ lên hết cả.
Nãy giờ ả đứng đó nghe hết ráo, chỉ là làm biếng mở miệng. Nhưng suy nghĩ nếu im lặng thì đâu còn cái uy của cô hai nhà hội đồng Cao nữa, bèn lên tiếng, giọng ngọt như mía mà lời đanh hơn thép.
“Cái đám dân đen tụi bây mần không lo mần, xớ rớ ăn nói hỗn hào một hồi tao cho người gông cổ cả lũ!”
Con bé ba đứng đằng sau nghe vậy mà run, nó sợ cái cảnh ai đó bị gông cổ lôi về là y như rằng bị đánh tới đổ máu mới thôi, mà nó thì sợ máu dữ lắm, xĩu không biết bao lần vì cô hai nhà nó rồi.
Nói xong, quả nhiên đám tá điền hết dám mở miệng, ả thấy vậy thì đắc ý nhếch môi, phủi phủi vạt áo bỏ đi cái một.
Đợi bóng ả khuất mấy rặng dừa thì ông bảy Thê mới ngưng tay lần nữa, nhìn theo mà lắc đầu thở dài ngao ngán, ổng nói mà như tự đọc thoại với mình.
“Ông bà hội vô phước, nhơn đức bao nhiêu thì sanh ra đứa con phá gia chi tử, ác độc bấy nhiêu. Bề ngoài đẹp đẽ thì có ích gì? Lòng dạ rắn rết, sau này chắc cũng là độc phụ nhân tâm thôi…”
…
Con bé ba hổm rày bị đau chưa khỏi, đi nắng ban trưa kiểu này làm nó mệt lã, tay cầm dù che cho ả càng lảo đảo thêm, cứ nghiêng qua chao lại. Một hồi, ả bực bội xoay phắt trừng mắt với nó.
“Có mỗi việc cầm dù che cho tao mà cũng làm không xong, mày giữ cánh tay này chi nữa? Chặt bỏ phức cho rồi!”
Bé ba sợ, nó lẩy bẩy vang xin.
“Dạ thưa, tại con bệnh chưa bớt, cô hai đừng giận, để con cầm ngay ngắn lại liền…”
Nó ghìm tay, cố giữ vững cây dù to muốn hơn cả nó để chứng tỏ hai cánh tay này vẫn còn dùng được chớ đừng chặt bỏ đi.
Trông bộ dạng làm ả ngán ngẩm hết sức, phất phất ống tay làm bộ vòng xi men kêu lên rủng rẻng.
“Mày về đi cho đỡ chướng mắt tao, để tao đi một mình.”
“Dạ? Thưa cô đâu có được! Làm sao con để cô đi một mình cho được? Ông bà rầy con chết.”
Ả mất kiên nhẫn, nói mà như quát vào mặt bé ba.
“Bây giờ mày về để ông bà rầy hay ở đây để tao chặt tay mày?”
Chỉ một lời doạ dẫm, con bé ba đã biết điều mà lui ngay, nó chào ả rồi ba chân bốn cẳng chạy về còn nhanh hơn cả gặp ma gặp quỷ giữa ban ngày.
Nó đi, đem theo luôn cả cây dù, ả tặc lưỡi trước sự hậu đậu của con hầu nhà mình. Đành đoạn để đầu trần đi giữa nắng, cũng may có mấy bóng dừa cao lêu nghêu đã dang rộng tán lá khuất lấp mặt trời che cho ả.
Mùa này, tiếng ve sầu kêu rả rích trên mấy nhánh Phượng Vĩ đằng xa, ả thích màu đỏ hoa Phượng. Làm ả nhớ tới năm đó, ngoài Huế, cũng chừng độ mùa này, trên cầu Trường Tiền ả gặp một nữ sinh bận áo dài tím, tay ôm cặp có kẹp theo cành Phượng Vĩ. Nàng nhìn ả rồi cười, nụ cười đoan trang đến lạ, khắc sâu vào tâm khảm của ả một nàng thơ xứ Huế xa lạ tuổi tên nhưng không thể nào lãng quên đi được.
Mãi lo hoài niệm, không biết không hay ả lại đi vô một khoảng sân vắng, chính giữa là căn nhà lá lụp xụp liêu xiêu. Mé bên tay trái chất đống củi nhỏ và một bếp lò đơn sơ, bên phải lại là giàn mướp hương xanh mướt.
Sau đôi ba giây ả mới chợt nhớ ra đây là căn nhà của hai mẹ con tai tiếng nhất miệt này. Họ cũng là con nợ nhà ả, mượn lúa mướn ruộng bấy lâu vẫn chưa hoàn đủ, bởi vậy nhà này cũng coi như là nhà ả, thuộc sở hữu của ả, muốn xiết lúc nào chẳng được!
Nghĩ vậy, ả mon men đi vào, nhà trống quơ trống quắc, có mỗi cái bàn trà nhỏ bé cùng tấm ván mỏng, chắc dành làm chỗ ngủ luôn.
Gằng giọng mấy tiếng, không có ai ra tiếp.
Ho khan mấy tiếng, cũng chẳng có ai xuất hiện.
Bực dọc, ả đành lên tiếng như gọi phong long.
“Này là nhà hoang chết chủ hay sao mà cô hai tới không có ai ra tiếp hết vậy bây!?”
Phải đợi mở miệng mới chịu xuất đầu lộ diện. Quả nhiên, liền đó có tiếng từ sau chái bếp vọng lên đáp lời, là giọng con gái, nhẹ nhàng thanh thoát tựa tơ rũ chuông ngân.
“Dạ dạ, con đang dở tay, cô đợi con lau tay rồi ra liền!”
Ả nhìn ấm trà, khát khô cả cổ nhưng thôi thì cố đợi thêm chút, để tá điền nó ra rót cho mình chẳng phải sẽ oai hơn sao?
…
“Nhưng mà, sao lâu quá vậy? Hay cái con này nó giỡn mặt với mình?” Nghĩ vậy, ả nổi quạo, đứng bật dậy tự ý xông thẳng ra đằng sau chái bếp, định bụng phải cho con nhỏ biết tay. Nhưng ngó quanh không thấy người đâu cả, chái bếp trống trơn, chỉ có mấy tia nắng xuyên qua vách lá rọi vào, cùng tiếng ve sầu vẫn rỉ rả kêu không ngớt, tự dưng ả thấy hơi lạnh gáy…
“Mày đâu rồi con kia!!!”
Ả quát lớn.
“Dạ con đây! Con đây cô ơi, nhưng mà con ra ngoài không được…”
Tiếng phát ra từ sau vách nhà tắm cách đó không xa.
Đối với dân nghèo lúc bấy giờ, nhà tắm có chăng chỉ là bốn tấm vách lá hoặc rơm bện lại mà thành, bên trong đặt một lu nước để xối rửa. Nhưng đó cũng là nhà có con gái, chớ nếu chỉ là đám trai thì còn đơn sơ dân dã hơn nữa.
Ả mon men lại gần, vung tay đập mạnh vào tấm vách ngăn khiến nó muốn đổ rạp.
“Mày chàng ràng cái gì trong đó? Ra đây coi!”
“Cô, cô hai đừng đập nữa, con đang tắm, mà…mà đồ con đâu mất tiêu rồi…”
“Mày đừng có láo! Đi tắm sao không đem đồ theo? Đâu mất là đâu mất? Mày trốn tao hả? Ra đây mau!”
Ngỡ rằng cô gái kia cũng như những con nợ khác, thấy chủ tới sợ bị đòi tiền đòi lúa nên tìm cách lẩn trốn. Bởi vậy, ả càng vung tay liên hồi đập vào tấm vách, mặc cho cô gái bên trong khẩn thiết van nài.
“Cô ơi, con có trốn cô đâu, cô làm ơn làm phước vô nhà lấy dùm con bộ đồ, mặc xong rồi con ra gặp cô liền mà…”
“Đừng có xạo sự với tao, tao đi vô rồi mày lẻn ra trốn mất à? Mày không ra là tao xông vô đó!”
“Trời ơi, cô hai, đừng mà, con nói thiệt mà…”
Mặc kệ bao lời khẩn khoản, ả vẫn một mực phá cửa xông vào. Khoảnh khắc tấm vách sập xuống, để lộ ra trước mắt ả là hình hài của một thiếu nữ trẻ tuổi, nàng trắng như gốm sứ, đôi mắt xanh lơ màu da trời tựa hồ chứa cả thinh không vào trong, mái tóc bạch kim óng ả rũ xuống che đi bầu ngực đang kỳ phát dục ngấp nghé đằng sau.
Nàng đẹp quá, đẹp đến mức trong vài giây ngắn ngủi ả đã phải chết trân trước dung nhan nàng, trước thân thể loã lồ mà mỹ miều quá đỗi.
Nàng hét lên, tiếng hét chói tai đánh thức ả khỏi cơn mê muội, buộc ả phải gấp gáp quay mặt đi như cái lẽ thường tình.
“Mày, mày đang tắm thật à?”
“Con đã nói rồi mà…”
Giọng nàng nghèn nghẹn, dường như muốn khóc.
Chợt, ả nhớ ra.
“Ủa mà, tao với mày đều là con gái, mày ngại ngùng cái nỗi gì?”
Dứt lời, ả xoay lưng lại, đối diện nàng trơ trẽn mà nhìn. Bấy giờ, nàng đã ngồi thụp xuống, dùng hai tay tự ôm lấy thân mình che chắn, trông nàng mỏng manh yếu ớt vô ngần.
Ả cười khẩy miệt khinh.
“Mày làm như mình có giá lắm vậy, đồ dân đen, ai thèm nhìn mày!”
Nói là nói vậy, nhưng chính ả cũng không biết nàng đen chỗ nào, có chăng là…à mà thôi…
“Con kia, mày để đồ ở đâu?”
“Trong, trong tủ…”
Ả “tốt bụng” dựng lại tấm vách, hoặc giả vì chẳng muốn ai khác trông thấy cảnh tượng này. Rồi ả lững thững trở ngược vào nhà, lục tìm trong chiếc tủ gỗ con con lấy ra bộ bà ba sờn cũ đem tới đưa cho nàng.
…
Vốn đã khô cả cổ, nay lại càng nóng bức hơn, ả khỏi cần ai cơm bưng nước rót cũng tự mình nhấc ấm trà rót một chén đầy uống hết sạch.
Trà lạnh ngắt, nhạt nhẽo, mùi lợt lạt đến phát chán.
Không quá lâu sau, nàng con gái ban nãy đã mặc xong đồ, bước ra với vẻ mặt thẹn thùng ửng đỏ, lấp ló đằng sau ngạch cửa ngó dòm ả mà chẳng dám bước lại gần.
“Mày tính đứng đó dòm tao tới sớm mơi sao?”
Hiểu chuyện, nàng bẽn lẽn đi ra, khoanh tay cúi đầu đầy lễ độ, rồi mới cất giọng thưa. Thanh âm đặc sệt Nam Bộ, khác xa hoàn toàn so với vẻ bề ngoài Tây phương của nàng.
“Thưa cô hai qua nhà con chơi hay để dạy việc chi ạ?”
Ả liếc mắt quan sát nàng một lượt từ trên xuống dưới, bất giác khẽ nhíu mày, thì ra đây chính là đứa trẻ tai tiếng được sanh ra từ cuộc tình mèo mả gà đồng giữa một thôn nữ và gã người Tây đây sao?
Dân chúng miệt này bàn ra tán vào không biết đã bao năm còn chưa chán ngán về cái phường phản quốc, dám tư thông với giặc và sanh ra nghiệt chủng làm nhơ nhuốc lễ giáo. Ả nghe đầy tai từ khi còn nhỏ dại, nhưng thực chất đây mới là lần đầu tiên mục kích sở thị về “nghiệt chủng” trong lời đồn đãi kia.
Quả nhiên, mũi cao, da trắng, mắt xanh, tóc bạch kim, là dung mạo của bọn người Pháp đây mà!
“Tao đi ngang, tiện ghé vô xem thôi. Mà tao với mày lần đầu tiên gặp, mày làm gì sợ tao quá vậy? Tưởng tao sẽ ăn thịt mày sao?”
“Dạ con không dám nghĩ vậy đâu, cô hai thương tình ghé thăm là phước cho nhà con rồi.”
Ả cười khẩy.
“Đó giờ, đám dân đen nịnh nọt sợ hãi tao nhiều vô số kể, nhưng đây là lần đầu tiên tao thấy một con đầm Pháp co rúm người trước tao đó.”
Nàng nghe vậy, vô thức nhíu đôi chân mày lại, gương mặt ủ rũ đi trông thấy.
“Con là dân An Nam, không phải con đầm Pháp đâu, thưa cô hai.”
“Mày trả treo với tao đó à? Mày không thấy dáng dấp của mày với tao khác biệt sao? Tao mới là dân An Nam chánh gốc, còn mày chỉ là con đầm Pháp thôi! Haha…”
Đối diện trước lời chế nhạo cợt nhả dường như đã quá đỗi thân quen với mình, nàng không tỏ rõ thái độ bất mãn, chỉ đứng im, cúi gằm mặt chịu đựng.
Tràng cười đã dứt, cũng không thấy đối phương phản ứng gì, ả cảm giác có hơi nhàm tẻ, bèn vân vê chiếc chuỗi ngọc trai đeo trên cổ, nói tiếp.
“Con gái nhà người ta giờ này ra đồng cấy lúa, hay đi phụ việc cho nhà người đỡ đần cha mẹ, mày ở đây đi tắm, cái đồ làm biếng nhớt thây.”
“Con không có làm biếng, tối con mới đi mần.”
“Đàn bà con gái, ban đêm ban hôm mày mần cái gì?”
“Con đi xay gạo cho xưởng.”
Lần nữa liếc nhìn vóc dáng cao ráo của nàng, ả lại bật cười nhạo báng.
“Ừ ừ, tướng tá mày như vầy cũng hợp với việc đó lắm đa! Haha…”
Vẫn không có phản ứng, ả tự cười rồi cũng tự ngưng.
Ngó ra thấy nắng sắp tắt, bèn phủi mông đứng dậy bỏ về. Nàng tiễn ả ra tận ngoài sân, đứng đối diện nhau mới thấy ả thấp hơn nàng cả một cái đầu, dẫu rằng tuổi tác chắc cũng chẳng chênh lệch là bao.
“Cấm mày bép xép với ai là hôm nay tao tới đây, không khéo tai tiếng nhà mày lây qua cả tao!”
“Dạ, con biết rồi.”
Ả gật đầu hài lòng, bèn quay lưng đi.
Chợt…
“À mà, mày tên gì vậy?”
“Dạ?…”
Như không tin vào lỗ tai mình, nàng hỏi lại.
“Tao hỏi mày tên gì?”
“Dạ, con tên Nam Sa thưa cô hai.”
“Họ là gì?”
“Con không có họ, thưa cô.”
Không ừ không hử, ả nhanh chóng rời đi, để lại Nam Sa khó hiểu nhìn theo.
Mặt nàng lần nữa ửng hồng khi nhớ tới sự việc phát sinh ban nãy, hai má hây hây giống như vệt nắng cuối ngày còn đang vương trên bờ vai ả chưa tan.
…
Về tới nhà, ả nghe bà hội đồng, má mình càm ràm vài ba câu rồi chui tọt vào trong buồng đọc tiểu thuyết.
Ả thừa biết bản thân là cành vàng lá ngọc, con gái rượu của đại phú hộ danh giá nhất vùng, làm sao má cha nỡ nào nặng nhẹ, chỉ là rầy rà đôi ba câu cho thỏa bực thì cũng rồi.
Trang giấy vàng vọt đậm mùi sách, ả thích ngửi cái mùi này, không hiểu sao nó làm cho ả vô cùng khoan khoái dễ chịu. Nhưng sự dễ chịu kéo dài chẳng được bao lâu thì ả tự buộc mình vào vòng trăn trở, bóng dáng nàng hiện ra trong tâm trí ả bằng một cách hết sức tự nhiên, như cơn gió thoảng qua mành rồi để lại hương thơm ngoài bụi hồng vấn vít trên đầu mũi xóa mãi không chịu tan.
Đây không phải là lần đầu tiên ả gặp người Tây, nhưng đây lại là lần đầu ả gặp một con nhỏ lai Pháp mộc mạc đến vậy. Nàng bận bộ áo nâu sờn cũ, đi chân đất, giọng nói đặc sệt miền này, hoàn toàn bất đồng, bất đồng tới mức khó chịu trước dáng vẻ Tây phương của nàng.
Ả cố đuổi nàng đi, đuổi nàng ra khỏi tâm trí mình để tìm lại sự thanh thản như mọi hôm.
Ả cắm đầu vào từng dòng mực đen in trong sách, nhưng rồi không hiểu sao chữ lại biến hóa thành tên nàng, cái tên Nam Sa nghe là lạ. Ả không hiểu cớ gì má của nàng lại đặt cho cái tên này, nó sang thì chẳng sang, mà bảo nó quê mùa thì cũng không phải.
Ôi cái đứa con gái đầy tai tiếng, nghiệt chủng và lạ lùng, làm cho ả chẳng thể tĩnh yên…
…
Ả trằn trọc trên giường một hồi thì con bé ba mở cửa đi vào, nó bảo rằng ông bà hội kêu ả tắm rửa rồi ra dùng cơm cho sớm.
“Cô hai tắm bây giờ luôn không để con đi pha nước?”
Đặt cuốn tiểu thuyết sang bên, ả nhìn lên cái đồng hồ quả lắc treo tường, coi bộ cũng sụp tối lâu rồi. Ngẫm nghĩ một hồi mới nhìn qua bé ba, ả hỏi.
“Mày có biết xưởng xay gạo nào làm ban đêm hay không?”
Con bé ba gãi đầu lục lọi trí nhớ giây lát rồi mới đáp.
“Dạ xưởng nhà mình nè, cô hai!”
Ả ngạc nhiên, xưởng nhà ả làm luôn bận ban đêm mà sao ả không hay không biết vậy cà?
“Sao tao không biết?”
“Chắc tại cô hai không để ý đó thôi, chớ đó giờ xưởng bột nhà mình làm luôn buổi khuya mà. Mà thường khi cô hai ngủ sớm nên không biết cũng phải.”
Ả lại trầm ngâm.
“Mày thưa với ông bà rằng cô đi qua xưởng có chút chuyện, rồi mày chạy ra kêu thằng Thỉ nó kéo xe đưa cô qua đó, lẹ!”
Dù không biết ất giáp gì, nhưng chủ đã kêu thì đâu tới phiên phận tôi tớ ý kiến ý cò nhiều chuyện, nhất là đứa nhát cấy như bé ba, nó nghe lời răm rắp lập tức làm theo.
Thằng Thỉ làm công cho nhà hội đồng Cao được chừng bốn năm năm rồi, từ cái hồi nó còn đầu ba chỏm tóc cho tới nay đã nhổ giò cao ráo lực lưởng hẳn. Mỗi lần ả không thích đi bộ liền sẽ kêu nó kéo xe cho mình, thẳng Thỉ nhỏ hơn ả cỡ hai tuổi, năm nay nó mười lăm, vậy ả cũng đã mười bảy rồi.
Ở cái tuổi này, con nhà giàu không muốn học cao thì cũng đã sớm yên bề gia thất, thay cha má quản lý cơ ngơi gia nghiệp tổ tông. Vậy mà ả còn rất lông bông, suốt ngày la cà lêu lỏng, sắm sửa vô tội vạ, chưa kể mấy đợt chán quê còn lên Sài Thành chơi bời mấy tháng, mang về không biết bao nhiêu lời đàm tiếu. Ai đời con gái con đứa mà lại say sưa trong vũ trường, cá cược đá gà, vung tiền như nước đổ, có lời đồn đãi ả còn từng hút thuốc phiện ở khu phố Tàu, ôi thôi cha má ả ngao ngán biết mấy, mà tại có mỗi mụn con nên thương đứt ruột không dám mạnh tay dạy dỗ nên ả cứ lấn tới làm lỳ.
…
Thẳng Thỉ đương tuổi ăn tuổi lớn, sức trâu bò kéo xe cũng nhanh hơn hẳn, nó một mạch kéo tới ngay trước cửa xưởng, hạ thấp đầu xe để ả dễ dàng bước xuống. Đêm nay, ả bận bộ áo bà ba bằng gấm, vai khoác khăn lụa vuông gấp thành hình tam giác, dáng dấp mảnh mai, môi thoa thêm chút son đỏ càng tôn lên sang quý yêu kiều.
Thằng Thỉ nó nhìn ả không đành chớp mắt.
Mới đứng trước cửa xưởng thôi mà đã nghe tiếng cối xay ầm ầm đinh tai nhức óc, mùi bột gạo hăng hắc phảng phất xung quanh khiến cho ả bất giác phải cau mày lại.
Dặn dò thẳng Thỉ đứng bên ngoài đợi rồi khoan thai bước vào bên trong.
Đây là xưởng xay gạo của gia đình ả để làm bún, bên ngoài là hàng rào kẽm gai bao quanh, bên trong khoảng sân rộng có đầy nhân công đang ra sức mần việc, mỗi người một khâu, luôn tay luôn chân bận rộn, nhưng đa số đều là đàn ông con trai, nói đúng hơn ả không hề nhìn thấy bóng dáng đàn bà, vậy Nam Sa liệu có làm việc ở đây chăng?
Sự xuất hiện bất thình lình của ả khiến một số người ngưng trệ động tác ngoái đầu lại nhìn, họ biết ả là ai, nhưng họ ngược lại không biết lý do vì sao cô hai Dạ Lý vốn chẳng ưa chốn muỗi mồng bụi bặm lại tới đây giờ này, điều mà trước đó chưa từng xảy ra.
Người quản lý nơi đây là bác Hải, vừa thấy ả ông ta liền vội vàng chạy tới khom lưng cúi đầu, tỏ vẻ lo lắng.
“Thưa cô hai mới qua, không biết cô hai qua xưởng giờ này là có điều chi không ạ? Hay ông hội đồng có lời gì muốn dạy việc ạ?”
“Ở xưởng này có tá điền nào mần việc tên là Nam Sa không? Người đó là một cô gái.”
Nghe tới cái tên “Nam Sa”, bác Hải rụt cổ lại, ú ớ không dám trình bày.
“Nói lẹ lên!”
Ả gằng giọng.
“Dạ thưa, thưa có…con biết nhà đó tai tiếng dữ lắm, nhưng mà con nhỏ làm được việc, vả lại nó làm tới sáng rồi về, cũng không ai biết nó làm ở đây để mà bàn tán đâu, cô hai bớt giận…”
“Tao nói mình giận hồi nào mà bớt?”
Bác Hải thở phào nhẹ nhõm, bởi lẽ ông ta biết chẳng ai ở miệt này chịu mướn Nam Sa làm việc vì cái vẻ ngoài khác người của nàng, đằng sau nàng là cả câu chuyện về sự phản quốc của người mẹ, vậy nên ai nấy đều kiêng kỵ. Nhưng ngày ấy thấy Nam Sa khẩn thiết xin mần ở xưởng để đỡ đần cho mẹ tiền rau cháo qua ngày mà ông ta động lòng trắc ẩn, bèn tự mình làm chủ, để nàng ở lại đây phụ việc xay gạo, ngày qua ngày thấy nàng siêng năng cần cù nên cũng bớt lo, có ngờ đâu hôm nay cô hai Dạ Lý tìm tới.
“Đưa tao đi gặp Nam Sa.”
Ả ra lệnh.
Đành đoạn, bác Hải phải nghe theo vì đây dù sao cũng là cô chủ.
…
Theo chân người quản lý xưởng, ả đến một khu vực có đầy những chiếc cối xay và những người đàn ông vạm vỡ đang ra sức xoay nó nghiền gạo. Trong số họ, ánh mắt ả va phải một bóng dáng quá đỗi đặc biệt, không thể lẫn vào đâu được.
Mái tóc bạch kim được vấn cao, cánh tay trắng nõn nà đang cật lực xoay chiếc cối nặng trịch, trên gương mặt ấy đã lấm tấm những giọt mồ hôi, đôi mắt xanh lơ đầy kiên định không chút nào nao núng trì trệ.
Đúng là nàng rồi, Nam Sa, người con gái lai Pháp mà ả đã gặp trong buổi ban trưa hôm nay!
Nhịp chân ả vô thức trở nên gấp gáp bước tới đằng sau lưng nàng, dùng ngón tay gõ gõ lên tấm lưng ướt sũng để gọi. Nam Sa giật mình quay phắt lại, trong mắt nàng, ả nhận thấy cả sự kinh ngạc lẫn hoang mang.
“Cô, cô hai, con…con…”
“Con cái gì?”
“Con…”
Ả lãnh đạm đặt câu hỏi.
“Sao mày lại mần việc này? Việc này là của đàn ông.”
Ả vừa dứt lời, nàng đã quỳ sụp xuống, có vẻ như đã hoảng sợ lắm rồi.
“Con xin cô hai, cô hai làm ơn làm phước đừng đuổi con, con chỉ làm được có mỗi việc này để phụ tiền cho má trang trải, cô hai đuổi con rồi…con không biết sống sao nữa…”
Chứng kiến tình cảnh, bác Hải cũng rưng rưng trước đứa con hiếu thảo. Mấy gã thợ làm việc cạnh đó cũng dừng tay ngó dòm, nhưng bị ả trừng mắt liền biết điều tiếp tục tập trung làm phận sự của mình.
“Mày không thể làm việc này đâu.”
“Con, con làm được mà cô hai! Khuya khoắt thế này bà con không thấy con đâu, không ai đàm tiếu gì đâu cô hai, xin cô đừng đuổi con mà…”
Ả nhàn nhạt, cất lời hồi đáp trỏng trơ.
“Mai qua nhà làm con hầu cho tao.”