Quyển 2 - Chương 80: Hoàng ly bất ngữ (1)
Giữa Dần và Trần Thừa Ân, rất rõ ràng, Dần là kẻ thông minh hơn, cũng không cần mạng sống hơn. Dần thà chết còn hơn là để lại bất cứ sơ hở nào, có thể gây hại cho chủ nhân của nó.
Việc hung thủ phía sau cố tình tạo dựng nguyên nhân giả cho cái chết của Đông Ly, tôi suy đoán là vì hắn sợ người khác nhìn ra manh mối trên thi thể con bé, ví dụ như cách thi triển võ thuật…
Trần Thuyên nghe tôi nói, chỉ bật cười bảo: “Khó thế mà nàng cũng nghĩ ra được.”
Ừ ha, cả tuổi thơ của tôi xoay quanh mấy bộ phim kiếm hiệp Trung Quốc, chẳng trách lại luyên thuyên đến độ này.
Trước đây, gian tế trong Dạ Hành phát hiện ra mình đang bị điều tra, bằng cách nào đó đã xoay mũi dùi sang Mai Kiến Bình – một thành viên khác, thường phụ trách mấy chuyện liên quan tới thuốc thang bệnh tật. Tuy nhiên, Trần Thuyên cũng không phải trẻ con, sau một thời gian ngắn đã rõ mười mươi sự thật, trả lại sự trong sạch cho Mai Kiến Bình. Chỉ là kể từ đó, gian tế cật lực ẩn mình, anh chỉ còn cách tăng thêm việc cho mấy thành viên quan trọng nhất. Ví như: Thành An.
Tôi đánh tiếng để Trần Thuyên cho phép y tới gặp mình, vừa muốn biết phản ứng của y trước cái chết của Đông Ly, lại vừa muốn mắng chửi, trút cơn khó chịu lên y. Nhưng có lẽ Thành An thật sự bận bịu, hoặc Trần Thuyên còn chưa chuyển lời… dù vì lý do gì thì “cơn điên” trong lòng tôi đã dịu bớt. Tôi hiểu rằng Thành An chắc chắn còn đau khổ không kém gì bản thân tôi.
“Gian tế kín kẽ tới mức ấy, để ta có thể yên tâm thì chỉ có anh em Hồ Yên.” Bút tiên lướt trên mặt giấy, Trần Thuyên đều đều nói, không ngẩng lên nhìn tôi.
“Anh em?” Tôi ngạc nhiên, buông bút xuống. Dạo gần đây quá mức rảnh rỗi, tôi bắt đầu ngồi chép lại những mẩu truyện cổ tích mơ hồ trong trí nhớ để giết thời gian. Đương nhiên vì viết bằng chữ Quốc Ngữ nên cứ xong xuôi lại phải đốt đi, cực kỳ phí phạm.
Trần Thuyên nhận ra mình vừa lỡ lời, cười khổ: “Chao ôi, ở cạnh nàng thoải mái đến mức ăn nói không suy nghĩ thế này đây.”
Tôi không tỏ ý kiến, chỉ chờ anh tiếp lời. Anh cũng biết mình không giấu thêm được nữa, đành đặt tấu chương sang một bên rồi tiến đến, ngồi xuống cạnh tôi.
Sau khi nhấp ngụm trà cho nhuận giọng, Trần Thuyên khẽ rủ mi: “Bảo Phù năm thứ sáu, người mắc bệnh đậu mùa nhiều khôn tả, xác chết la liệt khắp nơi. Chiêu Văn vương vô tình cứu được hai anh em nọ, đứa lớn chừng bốn, năm tuổi, đứa nhỏ chỉ mới hai, ba…”
Thiệu Bảo năm thứ nhất, tức năm kế tiếp, Thần Phi xuất cung. Chiêu Văn vương đưa hai đứa nhỏ đến để bà nhận làm con nuôi, thay Vương chăm sóc dạy dỗ chúng một thời gian.
Chẳng một ai biết liệu Quân Trì và Hồ Yên có phải anh em ruột thịt không, hoặc thậm chí… là tuổi tác thật sự của Quân Trì. Dù sao chuyện này cũng chẳng quan trọng, họ đã không quan tâm thì ai cần để ý?
Chỉ biết vài năm sau đó, khi Quân Trì và Hồ Yên đã lớn khôn, Chiêu Văn vương lại đón họ về bên mình. Trần Thuyên gặp được hai anh em khi còn thơ ấu, nhanh chóng trở nên thân thiết, tính ra ba người đã làm bạn bè được trên dưới hai chục năm. Anh em Quân Trì, Hồ Yên là hai thành viên đầu tiên của Dạ Hành, một lòng đi theo Trần Thuyên. Đó cũng là lý do mà…
“Ta tin tưởng Đỗ Quân và Thành An, nhưng… đứng trước sự an nguy của nàng, người ta có thể tín nhiệm mười phần chỉ có Quân Trì.” Trần Thuyên đưa mắt nhìn ra cửa, như thể Quân Trì đang ở ngay phía ngoài.
Tôi trộm nghĩ về mối quan hệ phức tạp giữa Đoàn Niệm Tâm và anh ta, chỉ biết thở dài một hơi.
…
Từng ngày trôi qua, những cơn ác mộng về cái chết của Đông Ly dần biến mất, thay vào đó là những thước phim sống động về quãng thời gian tôi ở phủ họ Đoàn, khi còn Đông Ly bên cạnh. Tôi luôn tỉnh giấc trong tình trạng đầm đìa nước mắt, nhưng lồng ngực không còn nặng nề như trước.
Dường như… Đông Ly mong muốn tôi có thể sống một cách an ổn, đừng để tâm quá nhiều tới con bé nữa. Năm mới sắp đến rồi, đầu óc nhẹ nhàng… vẫn là tốt nhất.
Tôi bắt đầu trò chuyện nhiều hơn với hai cung nữ họ Ngô, mới biết Ngô Ý Nghi thực tế rất dễ gần; Ngô Thị Tín là bác bên họ ngoại của Ý Nghi, vô cùng kiệm lời, cực kỳ tỉ mỉ. Ừm, còn Hồ Yên vẫn lạnh nhạt như vậy, tôi không có ý kiến gì.
…
Một buổi sáng nắng ráo, công chúa Huyền Trân ghé thăm lầu Thanh Quang.
“Ta phải lôi việc sắp gả tới Chiêm Thành ra thì Quan gia mới cho phép gặp chị đấy.” Cô phụng phịu, như thể đang muốn mách tội anh trai hoàng đế. “Trước đó ta bị Quan gia đuổi đi mấy lần rồi, sợ ta làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của chị. Hừ, đúng là khéo lo.”
Tôi cười cười phụ hoạ, ra hiệu mời Huyền Trân ngồi xuống ghế bên cạnh.
“Ái chà chị Yên, mới lấy chồng có khác, nhuận sắc hẳn!” Cô liếc mắt nhìn sang Hồ Yên, tủm tỉm trêu đùa.
Hai má Hồ Yên phiếm hồng, lí nhí đáp: “Tạ ơn công chúa khen ngợi.”
Thế mới thấy việc Hồ Yên được Trần Thuyên thiên vị mà tôi từng nghe… nay lại càng có lý. Hai người họ cũng được tính là “thanh mai trúc mã”, đến Huyền Trân cũng quý mến vô ngần.
Hồ Yên lui ra ngoài, để lại không gian riêng cho tôi và Huyền Trân.
“Chị đã quen với cuộc sống trong cung chưa?” Huyền Trân thổi phù phù vào chén trà nghi ngút khói, thân thiết hỏi.
Tôi nhỏ giọng đáp: “Còn chưa bắt đầu mà.”
Cô khẽ cụp mắt: “Cũng phải.”
Chúng tôi đều im lặng. Một lúc sau Huyền Trân mới lên tiếng, giọng điệu có chút trêu đùa: “Chị tiến cung… bất ngờ quá. Anh Huân buồn lắm, mấy lần suýt nhảy sông luôn đó. Em trai chị phải an ủi mãi, bảo rằng đây là chuyện sớm muộn cũng phải xảy ra, sầu thảm thì có ích gì?”
Tôi như tưởng tượng ra cái cách mà Đoàn Nhữ Hài khuyên nhủ Đỗ Nguyên Huân, vừa bất đắc dĩ vừa đau lòng. Em trai tôi biết suy nghĩ, có lẽ đã chấp nhận chuyện này ngay từ đêm tôi được Trần Thuyên đưa vào cung rồi. Chỉ không rõ mẹ Sinh, Vân Phi… và hai đứa nhỏ ở nhà ra sao?
“Anh Huân nói là muốn cạnh tranh công bằng, nhưng Quan gia ra tay nhanh chóng thế này thì chịu rồi.” Huyền Trân tỏ ra vô cùng nghiền ngẫm.
Tôi phì cười: “Thời này mà cũng có cái gọi là cạnh tranh công bằng hả?”
“Chị nói sao?” Cô mở to mắt, ngạc nhiên nhìn tôi.
“Không có gì.” Tôi xua xua tay.
Mượn lấy chiếc quạt lông vũ từ tay tôi, Huyền Trân che ngang mặt, đoạn nói: “Nghĩ cũng thương anh Huân, trước giờ có tình cảm với ai thì đều không có duyên với người đó.”
Ý là tôi và Huyền Trân.
“Vì sao lúc trước lão già kia lại ngăn trở ta với anh Huân nhỉ? Hừ, đúng là càng già càng xấu tính!”
Lão già xấu tính trong lời Huyền Trân chính là Trần Khắc Chung.
Cô làu bàu: “Văn Túc vương thì thôi đi, dù sao bác ấy cũng biết rõ mục đích của cuộc liên hôn này rồi. Còn lão già họ Đỗ… rốt cuộc vì lý do gì lại ủng hộ ta đến Chiêm Thành chứ!”
Tôi cảm nhận được Huyền Trân đang cần phát tiết cơn giận, chỉ im lặng lắng nghe nỗi lòng của cô.
Công chúa Huyền Trân tự rót thêm cho mình một chén trà, càng nói càng hăng: “Từ bé ta đã ý thức được mình sẽ phải lấy người trong tộc, chưa một lần phản đối. Ta từng có tình cảm với Quân Trì, nhưng ta thừa biết sẽ không có gì xảy ra được. Sau này họ Đỗ kia được ban quốc tính, ta lại vô tình quen biết với Nguyên Huân… thực sự đã cho rằng…”
Đột nhiên cô rướn người tới gần, thì thầm vào tai tôi: “Chị nghĩ… có âm mưu nào phía sau không?”
Tôi giật nảy, quay sang nhìn cô đầy khó hiểu.
“Ta biết mình cuồng ngôn loạn ngữ… nhưng mà, ta chỉ giả dụ thôi. Liệu… Trần Khắc Chung, bằng cách nào đó, đã biết trước chuyện châu Ô châu Lý nên mới… Hừ hừ, dù sao đứa con thứ hai của lão cũng từng mài mặt ở Thái Sử cục bao năm. Xem sắc trời, đoán thiên tượng gì đó rồi tiết lộ với cha mình để lập công?” Huyền Trân thở dài, giọng nói bao trùm sự tiếc hận.
Hẳn là cô đang nhắc đến Đỗ Trung Đế, còn nơi gọi là Thái Sử cục ấy có lẽ chính là Khâm Thiên giám của những triều đại khác.
Huyền Trân tự nói bản thân suy nghĩ hoang đường, nhưng trên đời này, những câu chuyện “hoang đường” nhiều vô kể. Bản thân tôi là ví dụ rõ ràng nhất.
Chỉ dựa vào hiện tượng thiên văn để chiêm nghiệm bói toán, cũng có thể dự đoán được những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai?
Tôi bỗng nhớ tới một câu chuyện cũ mình từng đọc về vua Trần Thánh Tông.
Thiệu Long năm thứ bảy (tức năm 1264), Thánh Tông ban yến cho các quan ở điện Diên Hiền, bỗng thấy sao Chổi xuất hiện ở hướng Đông Bắc. Ngôi sao này to lớn rực rỡ, đuôi dài vạn dặm. Người xưa vốn cho sao Chổi là điềm dữ, ấy vậy mà Thánh Tông chỉ nói: “Ta xem sao Chổi này rất sáng, mà đuôi rất dài, không phải là tai họa của nước ta.“
Rồi ung dung ra lệnh quần thần tiếp tục ăn uống như thường.
Tháng mười năm ấy, vua Tống Lý Tông băng hà. [1]
…
Vài ngày sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Huyền Trân, đương lúc bận rộn suy nghĩ về cái Tết đầu tiên trong cấm cung, tôi đột ngột nhận được tin sét đánh: Thái hậu muốn gặp tôi.
Trần Thuyên vừa rời khỏi lầu Thanh Quang để lên triều, chỉ nửa khắc sau, một vị trung quan đứng tuổi đã xuất hiện, truyền lời của Thái hậu mời tôi tới điện Lệ Thiên.
Tôi sợ đến mức suýt làm rơi chén trà trong tay, trước sự lo lắng hiển hiện trên khuôn mặt của Hồ Yên. Vốn là một người luôn tỏ vẻ lạnh nhạt, phản ứng của cô khiến tôi cảm thấy cái đang đợi mình chính là địa ngục, không hơn không kém.
Thái hậu chờ cho Trần Thuyên lên triều mới vời đến, hẳn là không muốn con trai sẽ ngăn cản chuyến đi này hoặc… lấy sự xuất hiện của mình làm chỗ dựa cho tôi.
Ý Nghi vội vã giúp tôi thay đồ, vấn tóc, trang điểm, che bớt đi nét nhợt nhạt mệt mỏi. Bên cạnh, Hồ Yên không ngừng đi qua đi lại, giọng nói đượm chút bất an: “Thái hậu nổi tiếng nghiêm khắc, cô cẩn thận cái miệng đấy.”
Chúa ơi, đã không giúp ích được gì còn dọa dẫm nữa.
Chợt, như thể bóng đèn trên đầu Hồ Yên sáng bừng lên, cô cúi người, hai tay nắm lấy vai tôi mà lắc qua lắc lại: “Niệm Tâm, cô đưa chị Ý Nghi đi cùng nhé. Chị ấy khéo mồm khéo miệng, chắc chắn sẽ giúp cô được phần nào. Còn ta… ta sẽ tìm cách truyền tin tới Quan gia…”
Tôi vô cùng cảm động, chỉ muốn ôm lấy cô mà khóc một trận đã đời.
Nói rằng Trần Thuyên “cất giấu” tôi trong lầu Thanh Quang, dù kín kẽ đến đâu cũng chẳng thể qua nổi mắt của bà trùm cấm cung – Tuyên Từ thái hậu.
Mẹ ruột của Trần Thuyên là Bảo Thánh Hoàng thái hậu, đã băng cách đây hơn mười năm; còn Tuyên Từ thái hậu là mẹ ruột của hai anh em Huệ Vũ, Huyền Trân. Sau khi Bảo Thánh Hoàng thái hậu qua đời, tính cả thời gian Trần Thuyên lên ngôi hoàng đế và với lý do hậu vị còn trống thì người nắm quyền quản lý hậu cung là Tuyên Từ Thái hậu. Ngoài ra, còn có Thánh Bà phu nhân ở bên cạnh, trợ giúp các việc lặt vặt.
Đương nhiên là tôi không thể từ chối Thái hậu, có ăn gan hùm mật gấu cũng chẳng dám. Chỉ hận một tháng qua mình quá chủ quan, quên mất rằng bản thân đã sống trong cấm cung rồi. Trần Thuyên có bao bọc tôi kỹ đến đâu thì tôi vẫn phải tự mình gánh vác một số chuyện.
Ôi chao, ví dụ như gặp “mẹ chồng” ấy.
Tôi theo chân trung quan họ Chương – nghe Ý Nghi nói ông là Yêm doãn của điện Lệ Thiên, nơi Thái hậu sống – và cũng nằm trong cung Thánh Từ, Bắc cung. [2]
Như Ý Nghi tóm tắt, chúng tôi sẽ phải đi bằng cửa ngách nằm ở cuối cung Quan Triều, vòng qua Vườn Ngự, qua cả Hậu cung, Đông cung của Thái tử rồi mới có thể tiến vào cung Thái tử. Đó là vì phải né Thiên An Ngự điện ra, còn nếu theo đường chim bay thì thời gian di chuyển có thể giảm đi khoảng một phần ba quãng đường.
Nếu là bình thường, tôi nhất định sẽ chăm chú thưởng thức quang cảnh mộng mơ của Vườn Ngự, lén lút phẩm định chốn sơn son thếp vàng của mấy cô cung phi, đồng thời nhớ thương Trần Mạnh khi đi tới Đông cung. Chỉ là hiện tại, mồ hôi đổ đầy lưng áo, trong bụng cồn cào như vạn con côn trùng đang gặm nhấm… tóm lại, vừa lo lắng vừa bất an, tôi đành cắm đầu cắm cổ đi theo Trung quan họ Chương, không có lấy một chút tâm trạng thưởng ngoạn nào.
Đêm qua trời đổ mưa lớn, dưới nền đất bẩn thỉu trơn trượt. Tôi cẩn thận từng bước đi, căng thẳng tột độ.
Qua cửa sau cung Thánh Từ là điện Nhân Thọ – tẩm điện của Thượng hoàng – tôi được Trung quan họ Chương dẫn đi sang bên trái, trước mắt đã thấy hai cung nữ đứng hầu ngoài cửa điện Lệ Thiên.
Tôi lén quay lại, dùng ánh mắt than khóc với Ý Nghi, van trời lạy đất để chị ấy có thể đỡ lời cho tôi trước mặt Thái hậu. Dù sao thì… tôi cũng không tin tưởng vào tài ăn nói của mình cho lắm.
Trung quan họ Chương nhanh nhẹn đi vào bẩm báo, lại nhanh nhẹn trở ra.
Ông chắp tay cúi đầu với tôi, thưa: “Thái hậu cho truyền Phu nhân, cung nữ của lầu Thanh Quang chờ ở phía ngoài.”
Trái tim vốn không toàn vẹn của tôi bỗng nứt ra một đường.
Thái hậu… không hổ là Thái hậu!
Tôi cố gắng điều hoà biểu cảm trên mặt, hai chân run run tiến vào trong điện Lệ Thiên. Không dám liếc ngang liếc dọc, tôi chỉ duy trì tư thế hơi gập người, tới trước sập lớn chậm rãi quỳ xuống, hô to: “Dân nữ Đoàn Niệm Tâm bái kiến Thái hậu!”
Có phải thêm “thái hậu vạn phúc kim an” như phim không nhỉ?
Chỉ thoáng chốc, tôi quên cả thở, dán mắt xuống nền gạch được quét dọn sạch sẽ dưới chân. Tôi không đoán nổi Thái hậu sẽ bắt đầu đại hội cung đấu này như thế nào, dù sao trí lực của tôi cũng chẳng đủ để suy nghĩ.
Bỗng nhiên lại cảm thấy… ngày ấy chạy trốn Thái An vương dưới mật đạo còn dễ dàng gấp bội tình cảnh lúc này.
Trong bụng tôi than khóc một ngàn năm trăm chữ, phía bên trên cười nhẹ, đùa một câu: “Nghe con bé nói kìa, Quan gia mà biết sẽ buồn lắm đấy. Đứng lên đi đã.”
Tôi hơi sốc.
Theo chỉ thị của Thái hậu, một cung nữ tiến đến đỡ tôi dậy, đồng thời dẫn tôi sang một bên. Đại khái là tôi được ban ngồi, cả hàng ghế bên tay trái Thái hậu chỉ có mình tôi.
An tọa rồi tôi mới có thời gian để quan sát, nhận ra đối diện mình là hai cô gái, phục sức lộng lẫy, cả người toát ra vẻ quyền quý khác biệt.
Người ngồi gần Thái hậu hơn, không ai khác chính là Thánh Bà phu nhân. Nàng ta vẫn mang biểu cảm hờn dỗi thế gian, bờ môi nhợt nhạt. Thánh Bà không buồn nhìn tôi, mi mắt khẽ rủ.
Trái lại, cô gái ngồi cạnh Thánh Bà lại chăm chú quan sát tôi, cẩn thận đánh giá. Khi ánh mắt chạm nhau, nàng lập tức mỉm cười, gật đầu một cái thay cho lời chào.
So với một Thánh Bà thiếu đi son phấn, cô gái này lại thanh tú rạng ngời, từng đường nét trên khuôn mặt như được gọt giũa một cách tỉ mỉ.
Đúng là xinh đẹp tới động lòng người.
Tôi thất thần nhìn nàng ta, cổ họng khô khốc.
Để có thể ngồi tại nơi này với Thái hậu và Thánh Bà phu nhân… chắc chỉ có một người duy nhất.
“Niệm… Phu nhân mới tiến cung không lâu chắc chưa biết, đây là Huy Tư Hoàng phi.” Thánh Bà lên tiếng, đều đều giới thiệu thân phận của người bên cạnh.
Ồ, quả nhiên.
Mẹ ruột của Hoàng Thái tử Trần Mạnh, nữ nhi của Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng. Bàn về xuất thân, Huy Tư không thể so với Thánh Bà nhưng nàng lại sinh được con trai, vị hoàng tử duy nhất của Trần Thuyên.
Theo một số giả thuyết tôi từng đọc được thì có khả năng Huy Tư Hoàng phi còn là cháu nội của Lý Chiêu Hoàng, nếu đây là sự thật thì thân thế của nàng cũng được coi là hiển hách vô vàn, không hề kém cạnh hai chị em Văn Đức – Thánh Bà.
Chỉ là trăm năm lịch sử đã chôn vùi, phận con cháu ngàn đời sau muốn luận bàn cũng không đủ khả năng.
Huy Tư cười rạng rỡ, cất lên chất giọng trong trẻo: “Phu nhân.”
Tôi vội đứng dậy, tay chân luống cuống: “Hoàng phi an khang.”
Không khí trong tẩm điện vô cùng hoà thuận. Thái hậu dí dỏm đùa vài câu, hai cô con dâu phía dưới phối hợp cười khúc khích.
Phảng phất như tôi chỉ là một linh hồn lưu lạc, chỉ biết đứng yên một bên, không cách nào có thể can dự vào nhân gian.
Một lát sau, lượt trà thứ hai được rót, cuối cùng Thái hậu cũng nhớ ra còn có tôi tại nơi này.
Bà hơi ngả người, tì khuỷu tay xuống chồng gối cao, hướng về phía tôi cười bảo: “Ta biết sức khoẻ của con không tốt, nhưng dù sao cũng không thể bắt Quan gia bao bọc mãi được. Cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, về sau tới cung Thánh Từ trò chuyện với ta cho khuây khoả.”
Tôi cúi đầu vâng vâng dạ dạ.
“Cả Thánh Bà và Huy Tư nữa, hai con phải biết thay Quan gia chăm sóc cho Niệm Tâm. Ở trong cấm cung, mấy đứa chỉ có nhau thôi đó.” Câu từ gãy gọn, đây là mệnh lệnh.
Đến lượt hai cô cung phi của Trần Thuyên đáp lại Thái hậu.
Trung quan họ Chương lại xuất hiện, gập eo thông báo: “Bẩm bà, Thái tử đã tới rồi ạ.”
Dứt lời, cửa mở, gió lạnh ùa tới. Vóc dáng mảnh khảnh, từng bước chậm rãi tiến vào, quỳ xuống vái chào Thái hậu.
“Thái tử chăm chỉ, ngày nào cũng ôn bài tới quá trưa mới chịu trở về Đông cung. Hôm nay được nghỉ sớm cũng là nhờ một lời của Thái hậu ạ.” Huy Tư tủm tỉm nói, có thể thấy rõ tình cảm mẫu tử ruột thịt trong đôi mắt phượng kia.
Thái hậu bật cười, hừ nhẹ một tiếng tỏ vẻ không hài lòng: “Đề cao ta quá đấy. Rõ ràng là nhờ Niệm Tâm mới đúng.”
Tôi không khỏi giật thót khi nghe bà nhắc tới tên mình.
“Nào, Thái tử, chào hỏi đi chứ. Đây không phải là cô Tâm mà con hay nhắc nhớ những ngày mới về Đông cung sao?” Nét mặt Thái hậu hiền hoà, khẽ phất tay ra hiệu.
Trần Mạnh… Thánh Sinh…
Thấm thoắt đã một năm kể từ lần cuối cùng tôi gặp cậu.
Trước mắt tôi như hiện lên khung cảnh ấm áp đêm giao thừa hôm ấy. Trần Mạnh nằm gọn trong lòng tôi mà mơ màng ngủ, vợ chồng Chiêu Văn vương tất bật hương án, còn cả… Quân Trì cùng lời chúc năm mới mạnh khỏe.
Chỉ mới một năm thôi mà thiên địa vạn biến, Đông Ly qua đời, tôi tiến cung.
Tựa như, thế gian này ai ai cũng đều tiếp tục sống và tiến về phía trước, chỉ có tôi đã “chết” bên hồ Thuỷ Tinh, với ánh hoa đăng đang dập dềnh trên sóng nước, dưới lời ước nguyện được trở về với thân phận Nguyễn Từ Niệm Tâm.
“Con xin được chào Phu nhân ạ.” Giọng nói non trẻ kéo ngược tâm trí tôi về hiện thực, Trần Mạnh đã đứng trước mặt tôi từ khi nào.
Chưa nói đến Thánh Bà và Huy Tư, tôi biết mình không được hành động theo cảm tính trước mặt Thái hậu.
Nếu là ở Chương Đức viên, có lẽ lúc này Trần Mạnh đã lao vào vòng tay tôi, hai cô cháu ríu rít hàn huyên, ôn lại bao kỷ niệm xưa cũ.
Nhưng…
“Điện hạ.” Tôi không kìm được xúc động, rốt cuộc cũng đứng bật dậy.
Hoàng thái tử Trần Mạnh cung kính lễ độ, nét mặt không chút gợn sóng, chỉ thấy sự xa lạ bao trùm.
Đáy lòng tôi dần cảm thấy chua xót.
Bên ngoài cung cấm là cả một thế giới rộng lớn. Chương Đức viên không cầm tù Trần Mạnh, trái lại, tuổi thơ của cậu bé chính là nơi này. Có vợ chồng Chiêu Văn vương yêu thương chiều chuộng, thêm tôi và Quân Trì dung túng cho cậu thả sức đùa nghịch… nhưng có cố chấp với cuộc sống ấy bao nhiêu thì đời này đã định sẵn, Trần Mạnh thuộc về Đông cung, thuộc về ngôi cửu ngũ.
Giữa chốn hoàng cung hoa lệ, Hoàng thái tử Trần Mạnh – vị hoàng tử duy nhất của dòng tộc trong thời điểm này – chính xác là tâm điểm, nhận được chú ý của tất cả mọi người.
Và có lẽ vì vậy… những kỷ niệm về tôi đã sớm phai nhạt trong ký ức của Trần Mạnh rồi.
Tôi chỉ biết sâu kín thở dài. Trần Mạnh mới chỉ sáu tuổi, trẻ con không có lỗi.
Sau vài câu thăm hỏi gượng gạo, tôi cứ ngẩn ngơ ngồi yên, đầu óc trống rỗng.
Chừng một khắc sau, Thái hậu cho giải tán cả đám. Khi ấy bà còn đùa với tôi một câu: “Con nên về trước bữa trưa kẻo Quan gia không thấy là mệt cái thân già này lắm.”
Huy Tư và Thánh Bà che miệng cười với nhau, tôi càng không dám tỏ thái độ gì.
Rời khỏi điện Lệ Thiên, mẹ con Trần Mạnh và Thánh Bà phu nhân đi về hướng Đông cung, còn tôi quay về đường cũ, trở lại lầu Thanh Quang.
Chỉ khi đã bước qua cửa ngách, tôi mới cảm nhận rõ ràng cả người đau nhức, tay chân tê rần vì sợ hãi. Tiết trời rét buốt, ớn lạnh toàn thân.
Dù rằng Thái hậu hiền từ, khác xa với lời dọa dẫm từ Hồ Yên. Dù rằng Thánh Bà và Huy Tư không tỏ vẻ chèn ép. Dù rằng đã được gặp lại Trần Mạnh…
Nhưng tôi hiểu, tất cả mới chỉ là bắt đầu.
…
Về tới lầu Thanh Quang, tôi chỉ cởi bớt áo khoác ngoài rồi lập tức leo lên giường, kéo chăn trùm kín mặt.
Tốn năng lượng quá.
“Niệm Tâm ơi?”
Đang cơn mơ màng, sắp chìm vào mộng đẹp đến nơi thì Trần Thuyên xuất hiện.
Anh vẫn mặc nguyên áo bào trắng thêu rồng vàng, đầu đội Phù dung quan. Tia lo lắng ẩn hiện trong ánh mắt, Trần Thuyên khẽ chạm lên má tôi, ngập ngừng hỏi: “Nàng… không sao chứ?”
Tôi thấy trên trán anh còn lấm tấm mồ hôi, hơi nhíu mày: “Em ổn mà.”
“Thật không?”
“Vâng ạ.” Tôi đành ngồi dậy, vươn mặt tới cho anh quan sát thật kỹ.
Chỉ thấy Trần Thuyên khẽ khàng thở phào một cái.
“Ừ. Thế là tốt rồi.” Anh cười, lợi dụng lúc chăn bị gạt sang một bên mà nắm tay tôi. “Nay nhiều việc quá nên ta không ăn trưa với nàng được. Tối chờ ta về nhé?”
“Dạ. Em biết rồi.” Tôi gật gù ngoan ngoãn.
Trần Thuyên vừa đi mất thì Hồ Yên lại nhảy vào, cũng một màn “tra hỏi” như ông chủ của cô, chỉ có điều giống như hỏi cung hơn. Hồ Yên bổ sung thêm thông tin: “Quan gia biết cô bị Thái hậu vời tới thì cuống cả lên, chạy như bay tới cung Thánh Từ. Ngờ đâu cô lại đi cửa ngách nên không gặp được, Quan gia thất thố xông vào điện Lệ Thiên, suýt nữa đã khiến Thái hậu nổi giận.”
Cô im lặng ngẫm nghĩ, sau cùng sửa lại: “À đâu, Thái hậu cười Quan gia, nói ngài ấy như trẻ con nữa.”
Tôi nhận bát từ Ý Nghi, ngẩng lên bảo: “Xem ra Thái hậu cũng không ghê gớm như lời cô nhỉ?”
Hồ Yên tỏ ra suy tư: “Chắc do ta nghĩ nhiều.”
“Phu nhân và cô Yên hợp nhau đấy.” Ý Nghi bày biện rau thịt trên bàn xong xuôi, xen vào cuộc trò chuyện giữa chúng tôi.
Theo chị ấy, cả tôi và Hồ Yên đều không phải là người trong cung, vì vậy mà suy nghĩ cũng có phần ngây thơ hơn bình thường.
Tôi được vời tới điện Lệ Thiên, dùng hai chữ “dằn mặt” thì hơi quá, nhưng chắc chắn Thái hậu muốn gặp tôi không chỉ để hỏi thăm vài câu đơn giản.
Ví dụ, khi tôi tự xưng dân nữ, một câu “Quan gia mà biết chắc buồn lắm” đã thể hiện rõ ràng lập trường của bà, ủng hộ Trần Thuyên phong tôi làm Phu nhân. Đây là lý do mà Thánh Bà và Huy Tư có mặt tại đó, họ sẽ phụ trách việc truyền đạt lại cho các cung phi khác.
Hoặc như, Thái hậu muốn nhắc nhở tôi rằng một khi đã bước chân vào hậu cung, tôi không thể chỉ dựa dẫm vào Trần Thuyên mà quên đi tất cả. Ở trên có bà, phía dưới là các cung phi, tôi phải biết vun đắp các mối quan hệ. Hơn nữa, hiện nay bà đã ra mặt, cùng với sự yêu thương hiếm có của Quan gia thì tôi chắc chắn sẽ có chỗ đứng, không cần phải trốn tránh phía sau làm gì.
“Thái hậu nghiêm khắc, là bởi Quan gia, Huệ Vũ vương, thậm chí cả công chúa Huyền Trân đều có cá tính rất mạnh. Tôi nói năng có phần láo xược, nhưng dù là thánh nhân thì thơ ấu cũng cần được quản giáo cẩn thận. Thượng hoàng hướng Phật, Bảo Thánh Hoàng thái hậu qua đời từ sớm… Nhiều năm nay Quan gia lại chần chừ không chịu lập hậu… nói chung ấy à, Thái hậu phải chăm lo ti tỉ thứ việc, đương nhiên phải có uy nghiêm của chính mình.” [3]
Nghe Ý Nghi tận tình giải thích, tôi và Hồ Yên chỉ biết á khẩu nhìn nhau, không thốt nổi một lời.
…
Chẳng mấy chốc là đến Tết Nguyên Đán.
Sau khi tôi chính thức gặp lại Trần Mạnh, cứ một, hai ngày một lần, Trần Thuyên sẽ đưa Hoàng thái tử đến chỗ tôi. Có khi cùng ăn trưa, khi lại luyện chữ, đọc sách… Anh nói rằng có thể tranh thủ khảo bài con trai, nhưng tôi biết Trần Thuyên mong muốn Trần Mạnh có thể thân thiết trở lại với tôi, giống như những ngày ở Chương Đức viên.
Mới sáu tuổi mà Mạnh đã được phong làm Hoàng thái tử, chưa trưởng thành đã nắm giữ vị trí tự quân, trọng trách trên vai cậu bé quá nặng nề. Chính Trần Mạnh cũng ý thức được việc này nên nỗ lực hết mức, chăm chỉ ngày đêm. Như Huy Tư từng nói, cậu thường bỏ bê ăn uống, chỉ vùi đầu vào sách vở.
Thi thoảng đưa cậu bé đến cạnh tôi, cũng coi như một thoáng nghỉ ngơi vậy.
Trần Mạnh thật sự bị ảnh hưởng bởi cuộc sống của một hoàng tử trong cung cấm, dù trước đây đã có quen biết nhưng vẫn luôn dè chừng, cẩn thận từng tí một trước mặt tôi. Cậu luôn yên lặng, ngoan ngoãng làm theo lệnh của vua cha, ăn là ăn, uống là uống, cần thì mở miệng trả lời, nhất quyết không để tôi lại gần.
Con trai vẫn đầy đủ lễ giáo, Trần Thuyên chẳng thể công khai nổi giận, buồn bực mãi thôi.
Thực ra anh không hề hay biết (hoặc cố tình mắt nhắm mắt mở), Trần Mạnh vẫn thường lén tới lầu Thanh Quang một mình.
Thường ngày, Quan giáo thụ sẽ có mặt vào giữa giờ Mão, Trần Mạnh học tới giữa trưa rồi trở về tẩm điện ăn uống, ngủ nghỉ khoảng nửa canh giờ. Buổi chiều là thời gian làm bài tập, tự đọc sách… đương nhiên vẫn có người giám sát như thường.
Cậu bé tận dụng nửa canh giờ giữa buổi ấy để tới lầu Thanh Quang thăm tôi, và đương nhiên trước đó đã phái người dưới đi tìm hiểu xem vua cha của cậu đang ở đâu, có khả năng bị bắt gặp hay không rồi.
Trần Mạnh chưa nói ra nhưng tôi hiểu, việc bị bắt ép trở lại cấm cung sau nhiều năm sống tại Chương Đức viên đã để lại vết thương nhỏ trong lòng cậu bé. Ở nơi ấy, Mạnh được sống dưới tên Thánh Sinh, là cậu tư của Chiêu Văn vương và Trinh Túc phu nhân, tuy không bằng cái danh Hoàng thái tử hiện tại nhưng chắc chắn tự to tự tại gấp vạn lần.
Thái tử bé con không muốn để người khác biết cậu yêu quý tôi, cũng bởi cậu sợ sẽ phải chia ly thêm lần nữa.
Rầm.
Tẩm điện của Trần Thuyên im ắng tới đáng sợ, ngoài tiếng động lớn tôi vừa nghe được thì không còn gì khác.
Yêm doãn Cao Nghiệp đón tôi ở cửa điện, điềm tĩnh thông báo: “Phu nhân, Quan gia đang nổi giận với Hoàng thái tử.”
Tôi ngẩn người: “Tại sao thế ạ?”
“Điện hạ bỏ bê học hành, vứt sách một bên mà nghịch đồ chơi, đúng lúc Quan gia đến.” Ông hơi cúi đầu, giọng đều đều. “Quan gia hạ lệnh phạt thái tử, mang đồ chơi của điện hạ về tẩm điện. Sau đó, thái thái tử bất chấp lệnh cấm, chạy tới điện Đại Minh đòi Quan gia trả lại đồ.”
Trời đất ơi…
“Yêm doãn, tôi có được vào trong không ạ?” Tôi thở dài, cẩn thận hỏi Cao Nghiệp.
“Mời Phu nhân.” Ông gật một cái, ra hiệu cho trung quan phía sau mở cửa.
Trần Mạnh thẳng lưng đứng ở góc phòng, cằm chạm ngực, bàn tay nắm thành quyền. Hai vai cậu bé run run, dù đang khóc cũng không dám gây ra tiếng động.
Ánh mắt tôi di chuyển, thấy Trần Thuyên đang tựa người xuống chồng gối thêu gấm, một tay đưa lên gõ gõ vào trán.
“Bái kiến Quan gia.” Tôi hành lễ quy củ.
Trần Thuyên ngẩng phắt lên, vội vã cúi xuống xỏ giày, đi nhanh về phía tôi: “Sao nàng lại tới nơi này?”
Từ khi tiến cung tới nay, đây mới là lần đầu tiên tôi bước chân vào điện Đại Minh.
Duy nhất một lần tôi lôi lý do mình không có thân phận để đi lung tung trong cấm cung ra, về sau Trần Thuyên không mở lời gọi tôi tới đây nữa.
Còn lần này…
Đương nhiên là có nguyên nhân của nó.
Tôi chỉ “dạ” một tiếng, xoay người về phía Trần Mạnh. Dưới chân cậu bé là một cái đèn gỗ đã vỡ tan tành, các mảnh ghép rơi vãi lộn xộn.
Nghe tiếng Trần Mạnh thút thít, tôi bừng tỉnh, lòng mềm cả đi.
“Quan gia ơi.” Tôi chủ động nắm lấy tay Trần Thuyên, thỏ thẻ. “Cái đèn đó… là em làm đấy.”
Trần Thuyên:…
Gì ấy nhỉ?
Được rồi, dù sao đây cũng là sự thật.
Vài ngày trước Trần Mạnh dạy tôi làm mấy đồ thủ công tiêu khiển, thậm chí cậu bé còn giao bài tập cho tôi phải lắp ráp cho bằng được một cái giá đèn bằng gỗ. Tôi không khéo tay cũng chẳng có tư duy logic, dành thời gian đục đục đẽo đẽo chỉ để cậu Thái tử bé con này vui lòng mà thôi.
Chỉ là… kết quả hơi tệ, cái đèn vừa xấu vừa méo mó, không chắc chắn một tẹo nào.
Sau khi an ủi tôi, Trần Mạnh quyết định mang đèn về ngâm cứu, còn hứa rằng sẽ tìm ra cách sửa nó. Tôi nghe tai này lọt tai kia, chốc lát đã quên khuấy chuyện này.
Ai dè…
Trần Mạnh giữ lời, lại khiến vua cha hiểu lầm cậu ham chơi. Đã thế Mạnh còn dám cãi lời, xông đến điện Đại Minh để đòi cha trả lại thứ đồ vốn thuộc về mình. Trần Thuyên thấy cậu hỗn hào, lửa giận càng bùng cháy, lập tức cầm cái giá đèn ném vào người con trai. Cũng may cậu bé nhanh nhẹn, lách người sang một bên tránh đi.
Và thêm một điều nữa, Trần Mạnh đã kịp sai trung quan hầu cận tới tìm tôi, rằng phải mau chóng đến điện Đại Minh “cứu điện hạ một mạng”.
Câu chuyện cái đèn kết thúc ở đây. Trần Thuyên vẫn phải răn dạy con nhỏ về việc cãi lời cha, nhưng cũng may vấn đề này không đi xa hơn nữa.
Đã qua giờ Dậu nên tôi và Trần Mạnh ở lại điện Đại Minh, dùng thiện cùng Trần Thuyên.
Không khí giữa hai cha con có phần hơi gượng gạo, có lẽ vì Trần Mạnh giận dỗi khi bị cha đập vỡ đồ chơi (do tôi làm), còn Trần Thuyên cũng không vui vì bị tôi và con trai giấu diếm.
Trần Mạnh như biến trở lại thành vị Hoàng thái tử của thường ngày, chỉ chuyên chú vào bát cơm của chính mình, coi tôi và Trần Thuyên như không khí.
Nghe cạch một tiếng, Trần Thuyên đập đũa xuống bàn, mắt như phóng tia lửa về phía con trai.
“Đàn ông con trai là phải ăn như rồng nuốt, cọp cắn. Một miếng cơm thôi mà nhai mãi chưa xong, con còn muốn trở về Đông cung học bài nữa không?” Anh trầm giọng quát một tràng, khiến cả tôi lẫn Trần Mạnh giật nảy cả người, tim vọt lên cổ họng. [4]
Thái tử bé con không dám phản bác lại vua cha, nhưng tôi thì có.
Tôi đặt miếng thịt rim đang định cho vào miệng xuống bát, đoạn kéo tay Trần Thuyên bảo: “Ăn chậm, nhai kỹ rất tốt cho sức khoẻ đó ạ.”
Vẻ mặt anh có phần choáng váng.
“Mình nhai lâu, thức ăn sẽ được nghiền nhỏ hơn, à… thúc đẩy quá trình tiêu hoá nữa ạ.” Tôi bổ sung thêm.
Trần Thuyên đành rút lui.
Dùng thiện xong, thấy vẫn còn sớm nên Trần Thuyên bắt Trần Mạnh ở lại khảo bài rồi kiếm cớ đuổi tôi về lầu Thanh Quang.
Trông ánh mắt cầu cứu của Thái tử bé con, tôi không nỡ để cậu bé một mình chịu đựng cơn thịnh nộ của vua cha, đành xin xỏ Trần Thuyên cho phép ngồi lại đây thêm một lát.
Hiếm khi tôi đòi hỏi anh cái gì, Trần Thuyên đành đồng ý.
Đám trung quan kê thêm một bàn một ghế, bày biện giấy bút nghiên mực ở giữa tẩm điện, sẵn sàng cho sự nghiệp học hành của Hoàng thái tử.
Trần Thuyên kéo tôi lên sập ngồi, tự tay rót trà rồi cười bảo: “Trà hoa cúc đấy.”
Từ khi có tôi bên cạnh, anh dần chuyển sang dùng những loại trà có tác dụng an thần, cốt là để dỗ tôi uống cùng. Tôi rất cảm kích điều này, thường phối hợp làm theo triệt để, dẫn đến việc hở ra là leo lên giường ngủ, khiến Trần Thuyên không hài lòng cho lắm.
Gần nửa canh giờ trôi qua, tôi nhận ra Trần Thuyên thật sự muốn kèm con trai học bài, không hề giận cá chém thớt. Nghe hai cha con trò chuyện từ những vấn đề vi mô đến vĩ mô, tôi chỉ thấy trời đất quay cuồng, vô cùng khâm phục vị tự quân mới lên sáu tuổi này.
“Quốc công từng nói với trẫm: Thời bình phải biết khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước. Thái tử nghĩ thế nào về điều này?” Trần Thuyên chắp tay sau lưng, đi ngang qua Trần Mạnh, ngẩng đầu lên ngắm nhìn vầng trăng đang bị mây mù che khuất nửa mành. [5]
Thái tử Mạnh dừng bút lông trên mặt giấy, miệng hơi mím, suy tư rất sâu.
Một lát sau cậu mới đứng dậy, quay người về phía vua cha mà chắp tay, chậm rãi đáp: “Bẩm phụ hoàng, Ngô Tử cho rằng người lo toan việc quốc gia, trước hết cần biết cách dạy dỗ dân, thương yêu dân; để dân hiểu ta chịu suy nghĩ, quý cái mạng của dân, tiếc cái chết của dân. Muốn dùng dân, cốt yếu chỉ có một chữ ‘hoà’. Dân hoà, thời thuận, dân mới có thể liều chết vì đất nước được.” [6]
Dứt lời, Trần Mạnh nâng chén trà lên một hơi uống cạn, lại giương đôi mắt đầy lo lắng lên nhìn về phía cha.
Trần Thuyên yên lặng đứng cạnh cửa sổ, trầm ngâm hồi lâu rồi mới lên tiếng: “Đúng, nhưng cũng sai.”
“Mạnh ngu muội, xin được phụ hoàng dạy dỗ thêm ạ.” Thái tử Mạnh giật mình, vội vàng gập người.
Anh bước trở lại bàn, xoa đầu con trai, ôn tồn: “Thái tử còn nhỏ, dần dà sẽ hiểu được điều trẫm muốn truyền đạt. Con nhớ kỹ chữ ‘hoà’ kia, đã ngồi trên ngôi cửu ngũ, càng phải biết đắn đo cẩn thận… tránh mắc phải mưu riêng của bất cứ kẻ nào.” [7]
Đương lúc ngơ ngác, vận dụng từng nơ-ron thần kinh cũng không phân tích nổi tầng tầng lớp lớp ý nghĩa của cuộc trò chuyện giữa hai cha con bọn họ, khi tôi trở lại với mặt đất thì Trần Thuyên đã lại gần tôi từ khi nào, dịu dàng bảo: “Muộn rồi, ta đưa nàng về nhé.”
Tôi ngẩn người: “Còn Thái tử thì sao ạ?”
“Để Cao Nghiệp dẫn đi cũng được.” Sau đó anh lớn giọng gọi Yêm doãn cung Quan Triều vào, trao lại trọng trách hộ tống Hoàng thái tử về Đông cung cho ông ấy.
Quãng đường từ điện Đại Minh tới lầu Thanh Quang thật sự rất ngắn, chỉ ba bước là đến nơi.
Tôi nhìn theo bóng lưng Trần Thuyên khuất sau cánh cửa, bỗng cảm thấy như có vật lạ đè xuống lồng ngực, vô cùng nặng nề.
Con nhớ kỹ chữ ‘hoà’ kia, đã ngồi trên ngôi cửu ngũ, càng phải biết đắn đo cẩn thận… tránh mắc phải mưu riêng của bất cứ kẻ nào.
Lời Trần Thuyên căn dặn Thái tử Mạnh như vang vọng bên tai, vì sao lại khiến tôi thương tâm tới vậy…
– —
(*) Tên chương được lấy từ bài thơ Khuê oán (Nỗi oán khuê phòng) của Trần Nhân Tông
Thuỵ khởi câu liêm khán truỵ hồng,
Hoàng ly bất ngữ oán đông phong.
Vô đoan lạc nhật tây lâu ngoại,
Hoa ảnh, chi đầu tận hướng đông.
Dịch thô:
Tỉnh giấc kéo rèm, ngắm hồng rụng
Chim oanh bặt tiếng, oán gió đông
Vô cớ tây lâu, vầng dương khuất
Bóng hoa đầu cành, ngả về đông.
[1] Chuyện được chép trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
[2] Yêm doãn: Vị hoạn quan đứng đầu một cung, quản lý các hoạn quan khác.
Trong Mạn Thiên Hoa Vũ, vị trí này được đặt ở tất cả các cung, tức là mỗi cung có một Yêm doãn riêng.
Tác giả hư cấu việc Thái hậu sống trong cung Thánh Từ (cùng với Thượng hoàng), bạn đọc vui lòng không tham khảo.
[3] Có hai vị Thái hậu được nhắc đến trong truyện:
Bảo Thánh Hoàng thái hậu, tức Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu của Trần Nhân Tông – con gái Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn – mẹ ruột của Trần Anh Tông; bà băng năm 1293.
Tuyên Từ Thái hậu – con thứ của Hưng Đạo vương – mẹ ruột của Huệ Vũ Đại vương và Huyền Trân công chúa. (Đây là tình tiết được xây trong MTHV).
[4] Câu nói của Trần Anh Tông được ghi chép và chỉnh sửa từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, năm Đinh Tỵ, (Đại Khánh) năm thứ 4 (1317)
[5] Quốc công ở đây là Thái sư thượng phụ thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương.
Trần Thuyên trích lời căn dặn của Hưng Đạo Đại vương khi ông ốm nặng, năm 1300 – tức Hưng Long năm thứ 8.
[6] [7]
Ngô Tử: tức Ngô Khởi, người nước Vệ thời Chiến Quốc, làm tướng nước Nguỵ, là một nhà dùng binh nổi tiếng.
Lời nói của Trần Thuyên và Trần Mạnh (theo hai chú thích này) được ghi chép và chỉnh sửa theo sách Cổ Học Tinh Hoa của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc & Tử An Trần Lê Nhân