Chương 31
Giống như đã trải qua năm tháng dài đằng đẵng, lại giống như bãi bể nương dâu chỉ thoáng qua trong nháy mắt.
Lông cánh của chim Hoàng rơi rụng từng chiếc, mặc cho gió cuốn đến phương xa. Thân thể của nó biến thành xương cốt, từ trong ấy có vô số linh quang bay ra, tán loạn tứ phía…
Năm này qua tháng nọ, bộ xương của chim Hoàng dần hóa thành tro bụi tung bay trong gió, từng hạt từng hạt trôi dạt… mãi cho đến khi không còn sót lại chút gì.
Cô không biết vì sao trong lòng lại tràn đầy thương cảm.
Tiếng gõ cửa lôi thần trí cô đến một thế giới khác, nơi cô xuyên qua bóng tối thấy được ánh sáng, tiếng gọi cửa văng vẳng ở bên tai ngày một rõ hơn, giọng nói của cô Ba – Ôn Thời Thư truyền đến: “Tiểu Vũ, thức dậy ăn cơm thôi. Tiểu Vũ, Tiểu Vũ! Ba, mau mang chìa khóa tới…”
Cô Ba!
Ôn Chủy Vũ lập tức tỉnh mộng, cô vội vàng bật khỏi giường, chạy đến mở cửa.
Tôn Uyển xin nghỉ dài ngày, phải đợi đến mười sáu tháng Giêng bà ấy mới quay lại làm việc, còn Triển Trình cũng xin nghỉ phép tới mùng chín âm lịch. Cô Ba Ôn Thời Thư của cô đã dẫn theo tài xế cùng bảo mẫu đến nhà cô ở cho đến hết tết Nguyên Tiêu mới về lại Bắc Kinh. Điều này cũng có nghĩa là, trong khoảng thời gian này hai ông cháu cô phải chịu sự quản thúc của quý bà Ôn Thời Thư đây.
Ôn Chủy Vũ vừa mở cửa ra thì trông thấy cô Ba đang đứng ở trước cửa nhìn cô với gương mặt không mấy vui vẻ.
Ôn Thời Thư tức giận nói: “Con sâu ngủ như con ngủ đến quên cả trời đất rồi sao? Gọi con nửa ngày trời con cũng không thèm đáp lại.” Lúc nói chuyện bà còn lấy tay đưa lên trán cô để kiểm tra nhiệt độ cơ thể, rồi lại tự sờ trán mình, sau đó hỏi cô: “Có cảm thấy chỗ nào không khỏe không? Hay là do quá mệt?”
Trong lòng Ôn Chủy Vũ vẫn còn vương lại vài phần bi thương từ trong mộng cảnh, cũng không tiện kể lại cho Ôn Thời Thư, cô giương môi cười cười đáp: “Không có khó chịu”. Ngoài cửa có gió lạnh thổi tới mà cô chỉ mặc một bộ đồ ngủ mỏng manh, vì lạnh nên Ôn Chủy Vũ vội vã xoay người chạy về giường đắp chăn, để cho Ôn Thời Thư đi ở phía sau đóng cửa giúp mình.
Ôn Thời Thư đi đến bên giường, bà nhìn sắc mặt của Ôn Chủy Vũ qua hai lượt rồi mới bảo: “Bận thì bận nhưng cũng phải chú ý tới sức khỏe. Người vốn dĩ đã gầy, hiện tại sắp biến thành bộ xương khô luôn rồi.” Bà véo véo cằm Ôn Chủy Vũ nói: “Con coi cái cằm của con xem, có còn miếng thịt nào đâu?”
Ôn Chủy Vũ đáp: “Phòng tranh mới mở, hết thảy vẫn còn đang trong giai đoạn tìm hiểu, đợi mọi thứ đi vào khuôn khổ là được.” Cô xem giờ một lát, thấy đã tới giờ cơm bèn chui ra khỏi chăn đi thay quần áo.
Ôn Thời Thư hỏi tiếp: “Con và Diệp Linh là như thế nào?”
Ôn Chủy Vũ đang đứng quay lưng về phía Ôn Thời Thư, cô cởi áo ngủ, lấy quần áo trong tủ ra mặc vào rồi nói: “Cô nên hỏi con Diệp Linh là như thế nào mới phải, nhưng vấn đề này con cũng không có cách nào trả lời cô được.”
Ôn Thời Thư kể: “Quan hệ của nhà họ Diệp rất phức tạp, anh em trong nhà đấu đá vô cùng kịch liệt.”
Ôn Chủy Vũ biết cô Ba không phải vô duyên vô cớ nhắc đến chuyện này. Cô đang bận mặc áo len và quần dài, mất một lúc cũng chưa nghe thấy câu sau của Ôn Thời Thư bèn quay đầu nhìn bà đầy nghi hoặc: “Còn cháu gái ruột của cô đâu? Cô chỉ nói với con mỗi một câu đó thôi sao!?”
Ôn Thời Thư đáp: “Chuyện nhà người khác hỏi nhiều như vậy làm gì. Lần trước con đi công tác, cô thấy Diệp Linh và con người trước kẻ sau nên thuận tiện nghe ngóng một ít.” Bà nói xong liền đứng dậy: “Thôi được rồi, con mặc đồ xong thì mau xuống lầu ăn cơm đi.” Sau đó rời khỏi phòng ngủ của Ôn Chủy Vũ.
Ôn Chủy Vũ cảm thấy thói quen này của người nhà mình không tốt một chút nào, có chuyện gì cũng chỉ hé miệng tí ti còn những phần còn lại thì để cô tự mình ngẫm nghĩ.
Nhưng chuyện gia đình của Diệp Linh đâu có gì đáng để cô suy ngẫm, như cô Ba của cô đã nói, đó là chuyện nhà của người ta. Có thể khiến anh em đấu đá lẫn nhau thì phần lớn đều vì gia sản.
Bởi không muốn con cháu của mình tranh giành với nhau nên Ôn Nho lão tiên sinh đã phân chia gia tài từ sớm. Cái nào của ai ông đều phân ra rõ ràng, phần mình mình giữ, còn đồ của người khác thì đừng mơ tưởng tới.
Sau khi cô Hai, cô Ba và ba của cô trưởng thành, ông nội đã chia cho mỗi người một mớ tài sản cùng một khoản tiền trợ cấp. Kể từ lúc đó, vinh hoa phú quý hay là đầu đường xó chợ đều phải tự xem chính mình. Nếu sau này phát đạt thì giúp anh em một tay, đó là tình anh em, không giúp thì người ta cũng không trách được mình. Tương tự như thế, lỡ sa cơ nghèo đói thì anh em trong nhà sẽ bao bọc nhau, cũng là vì tình anh em, ngộ nhỡ người ta không giúp được thì muốn trách chỉ nên trách bản thân không đi đúng đường.
Ôn Chủy Vũ cảm thấy như vậy rất tốt. Ông nội có ba người con, một người không biết phấn đấu cũng sẽ không tới mức liên lụy đến hai người còn lại. Phá sản thì dễ, làm giàu mới khó. Một gia đình muốn hưng thịnh, theo lẽ thông thường thì phải cần toàn bộ người trong nhà cùng nhau nỗ lực. Nhưng muốn một gia đình lụn bại, không cần gì nhiều, chỉ cần xuất hiện một kẻ phá gia chi tử là đủ rồi. Phân chia sớm thì khỏe sớm, chia trứng gà vào những rổ khác nhau, để chúng nó tự mình lăn lộn, có lẽ như thế còn có thể nở ra vài con gà con có tiền đồ, tránh để khi sơ ý nhất thời làm vỡ cả một giỏ trứng.
Chỉ là… mỗi cây mỗi hoa. Có nhà dễ chia, có nhà muốn chia cũng khó.
Ví như Ôn Nho lão tiên sinh, thứ ông ấy có thể chia thì cũng chỉ có tiền. Tiền là vật dễ mà cũng là vật khó tranh nhất. Trong tay ông cụ có một trăm đồng, cho ba đứa con mỗi người ba mươi đồng, mười đồng còn lại để dành dưỡng lão. Lại nói rõ hơn một chút, mười đồng dưỡng già kia ông cụ không chia cho các con, đợi sau khi trăm tuổi ông muốn cho ai thì cho người đó, ai cũng đừng hòng giành, nếu giành nhau thì ông sẽ đem tiền đi quyên góp hết. Phân chia đâu đấy rõ ràng, ngược lại tình cảm chị em trong nhà cũng tốt lên. Ba của cô đã thất bại thành ra như thế nhưng cô Hai vẫn thu nhận và giúp đỡ ông ấy, cô Ba vẫn luôn nhớ tới cô.
Nhưng có gia đình giống như một công ty, các thành viên trong nhà đều biến thành cổ đông, một khi chia chác xong thì những người đó cũng tháo lui, công ty cứ thế lụi tàn. Thế nên phải tập trung nguồn lực, từ trong đám có rất nhiều cổ phần ấy bọn họ tranh nhau một cái chức chủ tịch hoặc tổng tài, thậm chí còn xảy ra việc các cổ đông chiếm đoạt cổ phần của nhau. Lại có nhà đông con đông cháu, cả một đại gia đình cùng chung sống dưới một mái nhà, khó tránh khỏi việc năng lực và tố chất của những người con cháu kia phát triển không đồng đều, trên phương diện tính cách thì có người thích lấy lòng nhưng cũng có người không thích nịnh nọt người khác. Khi sự đối đãi của những người lớn trong nhà với con cháu mình xuất phát từ những yếu tố như lòng yêu thích cá nhân hoặc trọng nam khinh nữ,… dễ dẫn tới việc đối xử không công bằng khiến cho gia đình bất hòa, nội bộ tranh đấu không ngừng.
Nhưng mỗi nhà mỗi cảnh.
Ôn Chủy Vũ không có chút hứng thú gì đối với hoàn cảnh gia đình của Diệp Linh. Cô đoán là do Diệp Linh biểu lộ ý của nàng ta với cô quá rõ ràng nên mới bị cô Ba chú ý đến, bà lo sợ cô sẽ xen vào khi chưa biết rõ chuyện nhà của người ta bèn nhắc nhở đôi câu. Dù cha cô là kẻ không đáng tin, nhưng có một người cô biết quan tâm như thế, trái tim Ôn Chủy Vũ cũng được sưởi ấm phần nào.
Hiếm khi cô Ba về đây mà cô cũng chỉ được nghỉ lễ mấy ngày này, những ngày phép còn lại cô đều dành cho cô Ba cùng ông nội. Cả cô và ông nội của Ôn Chủy Vũ đều không phải là người thích ru rú ở trong nhà, vả lại nếu để Ôn Thời Thư ở chung với cụ Ôn Nho, hai người rảnh rảnh rỗi rỗi không quá nửa giờ sẽ lại bắt đầu cãi nhau. Nơi cô sống là một thành phố du lịch trứ danh, có khá nhiều điểm đến tham quan dạo chơi, thế nên Ôn Chủy Vũ bèn kéo theo hai vị kia ra ngoài đi lại vận động một chút, tránh để hai người ở riêng lại cãi cọ.
Theo lẽ thông thường những đứa trẻ sinh ra ở vị trí chính giữa, trên có chị gái, dưới có em trai giống như cô Ba của cô thì luôn là người dễ bị phớt lờ nhất. Nhưng trong gia đình cô, bất kỳ ai cũng có thể xem nhẹ nhưng tuyệt nhiên chẳng có ai dám bỏ mặc không quan tâm đến cô Ba của nhà họ Ôn trước kia, cũng chính là phu nhân Ôn Thời Thư của hiện tại. Ai dám phớt lờ, bà sẽ lập tức hóa thân thành chiến thần người Nga(1). Nghe nói Ôn lão tiên sinh trước đây ít nhiều gì vẫn mang tư tưởng trọng nam khinh nữ nhưng đã bị cô Ba cưỡng chế dằn vặt đến mức không dám thiên vị thêm lần nào nữa. Cha con hai người hơn thua nhau nhiều năm như thế dường như đã nuôi dưỡng thành thói quen, mỗi lần Ôn lão tiên sinh gặp Ôn Thời Thư phu nhân thì như biến thành gà chọi, cả người nhanh chóng bước vào trạng thái hăng hái, tràn đầy sức lực chuẩn bị tham chiến, ngay cả tinh thần cũng khác biệt so với ngày thường. Nhưng sau khi Ôn Thời Thư đi khỏi, ông lão liền ủ rủ hết một hai ngày.
(1) Chiến thần người Nga (战斗民族 – dịch đúng là Chủng tộc chiến binh): Ngôn ngữ mạng, đây là cách gọi người Nga của giới trẻ Trung Quốc bởi sở thích uống rượu, đánh nhau với động vật hoang dã và sự liều lĩnh dám làm những điều không tưởng của họ. Từ này xuất phát từ cách gọi tộc người Saiyan trong Dragon Ball Z.
Ông nội cô có ba người con, nhưng người cãi nhau với ông ấy nhiều nhất chính là cô Ba, gần gũi với ông nhất cũng là cô Ba.
Nói theo cách tương đối, Ôn Chủy Vũ thân với cô Ba của mình hơn. Cô Hai đã xuất ngoại từ lâu, thời gian cô ở cùng bà ấy cũng không nhiều, lần cuối cùng cô gặp cô Hai của mình đã là chuyện bảy tám năm về trước. Trong ấn tượng của cô, bà là một người điềm tĩnh ít nói, khí thế vô cùng mạnh mẽ. Đứng trước mặt cô Hai, cô Ba cũng phải ngoan như chuột gặp mèo. Mỗi khi ông nội và cô Ba cãi nhau, cô Hai chỉ cần liếc mắt một cái là em gái của bà tắt lửa ngay.
Năm xưa đại tiểu thư nhà họ Ôn có thích một người nhưng hai người lại không đến được với nhau. Sau đó cô Hai theo sự sắp xếp của ông nội mà kết hôn rồi sinh con, lúc con trai được mấy tuổi thì ly hôn. Bà dồn hết tâm sức để giành được quyền nuôi con rồi cùng với con trai di cư ra nước ngoài, một lần đi là mười mấy năm. Sau này cô Hai còn đi đi về về liên tục mấy bận, lần ở lại lâu nhất là lúc bà nội lâm bệnh nặng. Ôn Chủy Vũ có thể cảm nhận được, giữa cô Hai với ông bà nội hình như tồn tại một nút thắt chưa được tháo gỡ. Có điều đây là chuyện của người lớn, bậc con cháu như cô không tiện nghe ngóng nhiều.
Chớp mắt đã tới mùng tám tháng Giêng, phòng tranh mở cửa trở lại.
Ôn Lê bận, Diệp Linh cũng chưa quay lại, một mình Ôn Chủy Vũ đành noi theo phong tục kinh doanh mà cúng thần tài, đốt pháo, phát lì xì cho nhân viên trong xưởng vẽ. Một năm mới cứ thế bắt đầu.
Sau khi phòng tranh mở cửa, Ôn Thời Thư đặc biệt ghé qua tham quan một chuyến, tiện thể mua luôn vài bức tranh, nói là mua mang về để trang trí nhà cửa và tặng cho người ta này nọ.
Lúc cô đi làm, Ôn Thời Thư cũng có bạn bè lâu năm cần đến thăm hỏi, Ôn Nho lão tiên sinh lại tiếp tục đi dạo chợ hoa, chợ đồ cổ mỗi ngày. Mỗi người đều bận việc riêng của mình.
Đón năm mới xong, việc kinh doanh của phòng tranh trở nên ế ẩm. Khách hàng muốn mua tranh để tặng người khác năm ngoái đã đến mua không ít, còn những người muốn bán tranh, trước lúc Tết cũng đều bán xong cả rồi.
Cả năm mấy khi rảnh rỗi, Ôn Chủy Vũ cũng được vui vẻ nhàn hạ. Lúc đi làm, ngoại công việc thường ngày cần phải xử lý ra thì thời gian còn lại cô đều chui vào phòng vẽ để vẽ tiếp bức Hoàng Trụy Cửu Tiêu Đồ. Sau khi mở phòng tranh vào năm ngoái, cô vẫn luôn bận bịu việc ở xưởng, hầu như không có lúc rảnh. Bức tranh này để trong phòng vẽ cũng đã được ba bốn tháng chưa động đến rồi.
Cô ngắm nhìn chim Hoàng ở trong tranh, chợt nhớ tới Diệp Linh đã từng để lại một mảnh giấy nhỏ, nói rằng lông của chim Hoàng không phải là bị thiêu trụi đó chứ?
Phượng Hoàng dục hỏa, niết bàn trùng sinh.
Là loài chim bất tử.
Chim Hoàng rơi vào vực sâu không đáy của dãy Côn Luân, cuối cùng hóa thành tro khói tiêu tán mất, ngay cả hi vọng cùng cơ hội được sống lại nó cũng từ bỏ, đây phải là loại bất chấp cùng kiên quyết như thế nào?
Cô lại nhớ đến tiểu yêu tinh đã nhảy theo chim Hoàng xuống vực.
Ôn Chủy Vũ không biết tại sao tiểu yêu tinh kia lại muốn nhảy xuống.
Nhắc tới thế giới thần thoại cùng những cảnh trong mơ kia, Ôn Chủy Vũ không phân biệt được mốc thời gian tiểu yêu tinh gặp gỡ những yêu ma quỷ quái ấy. Cô không biết được sau khi gặp chim Hoàng, tiểu yêu tinh có gặp thêm những yêu quái khác hay không, nó phải chờ đợi dưới vực không đáy bao lâu? Cô cũng không rõ về sau tiểu yêu tinh có hay không rời khỏi nơi chốn đó…
Tết Nguyên Tiêu qua đi, Ôn Thời Thư quay lại thủ đô, lúc rời khỏi còn tiện thể đón Ôn Nho lão tiên sinh đi cùng.
Lão tiên sinh không có ở nhà, không còn người đợi cô về ăn cơm tối nữa, một mình Ôn Chủy Vũ cũng không có hứng thú tản bộ sau giờ cơm nên kêu Tôn Uyển đưa cơm đến xưởng vẽ. Sau khi dùng xong bữa tối, cô ở lại phòng vẽ tiếp tục vẽ tranh, thi thoảng vẽ đến lúc tối muộn thì sẽ qua đêm tại phòng tranh.
Mỗi ngày, cô đều dùng phần lớn thời gian của mình để vẽ.
Cuối tháng Giêng, Ôn Chủy Vũ đã hoàn thành xong bức Hoàng Trụy Cửu Tiêu Đồ.
Lúc cô vẽ xong đã là nửa đêm. Một bức tranh tốn nhiều thời gian để hoàn thành như thế, sau khi vẽ xong, ngược lại trong lòng lại cảm thấy trống rỗng mãi chẳng dứt ra được, không biết là vì tranh hay là vì Hoàng điểu. Cô chăm chú ngắm nhìn tác phẩm của mình một lúc lâu mới nặng nề thở ra một hơi, đi cọ rửa bút lông, chuẩn bị kết thúc công việc.
Bất chợt, cô cảm giác sau lưng hình như có gì đó lạ thường, vừa quay đầu lại thì trông thấy Diệp Linh đang ngồi im thin thít trên chiếc ghế ở gần cửa ra vào, giống như một âm hồn, cũng không biết nàng ta đã đến đây được bao lâu rồi.
Ôn Chủy Vũ bị dọa sợ cho tới mức trái ngưng mất vài nhịp, thẫn thờ nhìn Diệp Linh, thiếu chút nữa cô còn tưởng mình đã gặp ma.
Diệp Linh khẽ nhếch khóe môi, hỏi: “Chủy Vũ, như này có được xem là mất ăn mất ngủ hay không?”
Ôn Chủy Vũ đột nhiên cảm thấy, thay vì vẽ bức kế tiếp là Vô Để Thâm Uyên Đồ thì cô nên vẽ bức Diệp Linh U Hồn Đồ trước!