Chương 12
“Ê Thuyên, lại đây. Hay thật, tụi tao định kể chuyện ma đây.”
Thuyên theo tiếng Trí đi lại, cậu nhìn Chinh cũng đang ngồi trong vòng tròn. Cô bé thấy Thuyên đến thì gật đầu xem như chào hỏi còn Thuyên thì ngồi xuống chỗ trống cạnh Trí, cười cười nhìn Chinh.
“Rồi rồi, bắt đầu thôi. Tao kể trước.” Một đứa xung phong.
Theo lời kể từ bà của nó thì câu chuyện này xảy ra lúc mẹ của bà ngoại nó – bà cóc còn nhỏ.
Thuở ấy, bà với một người bạn hay đi lượm xoài ban đêm. Cây xoài đó xum xuê, nhiều trái lắm. Lượm trái chín rụng dưới gốc nếu nó không hư còn có thể bán được vài đồng để mua bánh kẹo. Đêm đó, bà nó không sao ngủ được mà cứ nằm trằn trọc mãi. Khi mê mang được một chút, bà tỉnh dậy rồi nhìn ra ngoài qua cửa sổ, trời còn tối. Bà chủ quan không nhìn đồng hồ mà vẫn ngồi dậy chuẩn bị giỏ để đựng xoài vì nghĩ rằng mình đã tỉnh đúng giờ hay đi lượm (bốn giờ sáng hơn). Vì nhà bạn bà ở xa nên thông thường hai đứa sẽ tự động đến chỗ gốc xoài mà không cần hẹn trước hay lại nhà rủ gì cả. Vậy là bà vẫn tới chỗ xoài bình thường và lượm cho đến khi có một hình bóng thoảng qua.
“Mày hả Lộ?” Bà quay lại đằng sau, tưởng là bạn mình nên lên tiếng hỏi.
Nhưng ngoài tiếng côn trùng thì chẳng có ai cả. Bà nghĩ mình ảo giác nên tiếp tục nhặt xoài, tuy nhiên sau lưng lại có tiếng động. Bà cóc nó nhìn lại, bà giật mình khi cách lưng mình năm bảy bước có một cái đèn. Bà nheo mắt để nhìn rõ có ai cầm nó không nhưng sau đèn là một khoảng tối đen như mực.
Truyện đề cử: Anh Là Ngân Hà Khó Chạm Đến
“Lộ, mày hả Lộ?” Bà dồn dập lên tiếng hỏi, dè dặt nhìn bóng đèn trước mặt.
Không ai trả lời. Sống lưng bà rợn lên, ốc cục nổi hết đầy người. Bà quay người chạy, bất chấp túi xoài đã bị bà quăng đâu mất vì sợ hãi. Nhìn lại đằng sau, cái đèn đó đuổi theo bà, nhanh lắm. Bà vừa khóc la vừa chạy một mạch về nhà. Sau đêm đó, tự dưng bà cóc nó như trở thành một con người khác. Khóc la, hay quấy phá trong nhà và nhiều hành động kỳ lạ. Những người dì dường như biết được bà đã bị ma nhập nên muốn dẫn bà vào chùa nhưng cái vong này biết được, nó khóc lóc, phá phách, một mực không muốn đi.
“Rồi sau đó, tao nghe nói mấy bà dì dụ rằng đi chợ nhưng chở thẳng vào chùa. Vừa bước lên bậc thềm cái vong xuất ra luôn nên bà cóc tao trở lại bình thường.”
Mấy đứa nghe kể xong, quay lại đằng sau nhìn gốc cây cao lớn.
“Ê tụi bây, sao tao rợn hết da gà rồi nè.”
“Ghê quá, đi tắm sông thôi! Trưa nắng tắm mát lắm.”
Tụi nó nhau nhau hùa với đứa nói rồi bỏ chạy tán loạn, đám đông chỉ còn mỗi Thuyên và Chinh.
“Chinh tin không Chinh?”
Chinh gật đầu rồi lắc đầu, đoạn nói:
“Chuyện tâm linh nên mình không biết chắc. Nhưng tôi sẽ tin.”
Thuyên cũng gật đầu, nhìn đám đông đã mất hết cậu quay sang nhìn Chinh hỏi:
“Nếu tụi nó đi hết rồi thì mình về thôi.”
Chinh nhìn trời, nắng nóng hừng hực. Cô ái ngại trả lời:
“Cứ ngồi đây cho mát mẻ. Trời nắng lắm, tôi ngại đi về.”
Thuyên ngồi xuống đồng thời lên tiếng hỏi Chinh về câu nói hôm bữa:
“Sao bữa Chinh lại tự nói mình là một đứa trẻ xui xẻo thế?”
Chinh nhìn thoáng qua Thuyên, dường như muốn nói rồi lại thôi. Cô bé hẳn đang đấu tranh tư tưởng rất nhiều vì đây có thể xem như là nỗi đau của bản thân. Nhưng rốt cuộc, Chinh thở dài và lựa chọn nói ra:
“Tôi nghe dì kể lại..”
Khi Chinh còn trong bụng mẹ, cha cô rất mong chờ cái thai này sẽ là con trai. Ông như vẽ ra một kế hoạch tương lai cho đứa con sắp tới của mình. Mẹ cô dường như là người hạnh phúc nhất thế gian khi cô chưa ra đời tại thời điểm đó. Nhưng rồi, Chinh là con gái. Mọi thứ vỡ nát như chiếc ly thủy tinh cha cô đập tan tành trong ngày cô từ viện về vậy. Cha mẹ cãi nhau nhiều hơn, đỉnh điểm khi mẹ phát hiện cha có người tình. Con trai quan trọng với ông như vậy sao?
Khi Chinh được năm tuổi, ông dẫn người tình về vì người này sinh được con trai. Mẹ chịu không nổi vậy là bỏ nhà đi, dẫn theo người chị, bỏ Chinh lại nơi này. Cha không thương, mẹ không yêu may mắn thay Chinh vẫn còn người dì ruột. Kể từ đó, Chinh rất ghét trở thành người yếu đuối, vì yếu đuối nên khi cha đánh mẹ, cô cùng chị chỉ có thể ôm nhau ngồi trong góc khóc thút thít, vì yếu đuối nên mẹ không đem theo Chinh mà để cô lại cho người cha tệ bạc với lý do cô là đứa trẻ xui xẻo, khiến gia đình hạnh phúc tan nát. Chinh tự hỏi, bản thân chính là nguồn gốc của mọi thứ hay sao? Vậy sinh cô ra làm chi? Chinh bắt đầu ghét bọn con trai hay tỏ vẻ, cô cạnh tranh với chúng từ mọi thứ để chứng tỏ rằng mình mạnh mẽ hơn con trai nhiều, để cha cô thấy được. Có lần, bọn nó trêu chọc cô bị mẹ bỏ phải sống cùng dì ghẻ. Cô đã tức giận và lao vào đánh nhau với thằng đó nhưng khi cha biết chuyện, ông ta lấy cây đánh Chinh những lần đỏ, đánh mạnh lắm, ba ngày sau mới phai bớt vết bầm.
“Mày là con gái, phải ở trong nhà. Tối ngày đi chơi không phụ dì trông em trai của mày à? Con gái mà bày đặt đánh nhau với con trai. Còn ra thể thống gì? Từ nay mà mày còn chơi chung với bọn nó thì coi chừng tao. Tao đánh gãy chân mày.”
Đó là những lời Chinh thường xuyên phải nghe khi ở căn nhà không thuộc về cô.
Lần đầu thấy Thuyên, Chinh như thấy được bản sao của chính mình năm đó nên cô đã không thể kiềm chế bản thân mà buông ra lời khắc nghiệt như vậy. Thật ra, Chinh chỉ muốn chạy trốn khỏi những ký ức tồi tệ của mấy năm trước thôi.
“Ông thật may mắn.” Chinh nhìn Thuyên nói thế.
“Vì sao?” Thuyên thắc mắc hỏi lại.
“Vì ông có nhiều người thương yêu.”
Thuyên lắc đầu, cậu nhìn Chinh với ánh mắt đầy ngưỡng mộ.
“Nhưng bù lại Chinh thật mạnh mẽ, hơn hẳn bọn con trai rồi đó. Chinh cũng có dì thương yêu mà nên hãy vui lên, và chứng tỏ cho cha Chinh rằng con gái thì sao chứ? Con gái thật ra rất giỏi đó!”