Chương 27: Văn hóa đọc
Các thầy cô giáo cầm trên tay bản kế hoạch vừa in còn “nóng hôi hổi” để phổ biến kĩ hơn đến học sinh trong lớp.
“Cuộc thi ‘Văn hóa đọc tuổi trẻ’ được tổ chức thường niên hai năm một lần tại tỉnh T, thời gian dự kiến vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm 20xx. Đối tượng dự thi là thầy cô và học sinh cấp THPT. Thể lệ cuộc thi: khuyến khích các thí sinh tham gia sáng tạo viết lách, hoặc làm bài luận giới thiệu về một cuốn sách bất kì, hoặc làm bài luận về các chủ đề đa dạng, từ một đến hai chủ đề. Cuộc thi không giới hạn phạm vi, không giới hạn đề tài nhưng phải đảm bảo tính trung thực, không sao chép để cho thấy khả năng sáng tạo cũng như kiến thức xã hội mà bản thân tiếp thu. Bài viết đảm bảo về mặt ngôn ngữ đúng thuần phong mỹ tục, giữ gìn được sự trong sáng của tiếng việt, sạch sẽ và trình bày logic.” – Giáo viên chủ nhiệm lớp Thảo đang giải thích sơ qua cuộc thi sắp tới.
“Cô ơi, tức là em có thể sáng tạo một câu chuyện hoàn toàn mới để nộp lên ban tổ chức ạ?” – Một học sinh thắc mắc.
“Đúng rồi, nhưng mà là truyện ngắn nhé. Vì cuộc thi này nhằm nâng cao trải nghiệm, thu hút người trẻ tham gia văn hóa đọc bổ ích nên nhiệm vụ của những thí sinh tự nguyện tham gia là cho thấy tầm quan trọng của sách. Để chứng minh được điều ấy, thí sinh phải cho người ngoài nhận thấy sách mang lại kiến thức gì? Ý nghĩa gì? Kĩ năng gì trong thực tế? Do đó, ban tổ chức không giới hạn bất cứ đề tài nào để thí sinh thỏa sức sáng tạo dưới hai hình thức là: truyện ngắn hoặc luận văn. Bài viết hay có thể được đăng lên báo đó nhé.”
Các học sinh bên dưới bắt đầu bàn tán xôn xao, bầu không khí nhộn nhịp hơn hẳn, mỗi người đều có ý tưởng riêng cho bản thân.
“À, mỗi trường THPT trong tỉnh sẽ có hai bài viết được mang đi dự thi nên trường chúng ta sẽ cho thi đấu giữa các lớp với nhau, không phân biệt các khối lớp lớn nhỏ để chọn lọc kĩ lưỡng. Nên từ hôm nay lớp mình chia nhóm làm nhé, ai tự nguyện thì tham gia, làm xong đưa cô duyệt cho, mắc ở đâu cứ liên hệ với cô.” – Giáo viên bổ sung. Truyện Đoản Văn
“Này, làm không?” – Linh thủ thỉ với hai đứa cùng bàn.
“Làm, lần đầu tham gia biết đâu lại được chọn.” – Thoa nhất trí.
“Được đấy, rủ thêm không?” – Thảo ngó quanh.
“Tao nghĩ bàn mình thôi, ba đứa ba cái đầu để chọn đề tài chung, nhiều quá dễ gây tranh cãi vì không vừa ý nhau.” – Linh cho ý kiến.
“Tao cũng thấy thế ấy, cô cũng bảo chia mấy nhóm liền chứ không hạn chế. ” – Thoa nương theo.
“Chiều nay luôn không?” – Thảo hào hứng hỏi.
“Luôn chứ.”
“Chốt.”
Thế là một bàn ba người lập thành một đội tham gia cuộc thi.
…
Các cụ có câu “Nói trước bước không qua” quả thật không sai tí nào. Kế hoặc chiều nay đã hoàn toàn “đổ vỡ” vì hai lí do sau: lịch học thêm của Thoa thay đổi đột ngột vào ngày hôm nay và tan học Linh phải về nhà luôn để phụ mẹ bởi nhà cô hôm nay có việc. Thảo cũng đành ngậm ngùi tạm biệt hai bạn và chuyển lịch sang ngày mai. Nhưng cô gái không về nhà luôn mà quyết định ngồi lại lớp lên ý tưởng.
Thảo mở điện thoại để tìm kiếm các gợi ý khác nhau, cô muốn viết gì đó để đánh đúng tâm lý của người chấm, những người đã trải đời có vốn sống phong phú, họ sẽ bị thu hút bởi cái gì? Cô bắt đầu liệt kê ra các chủ đề khác nhau vào tờ giấy, từ văn hóa truyền thống đến các vấn đề mang tính thời sự.
Viết được một lúc, thấy trường im ắng hơn hẳn, có lẽ mọi người ra về gần hết rồi nên Thảo cũng cất vở vào cặp và đứng dậy. Định bụng sẽ về thẳng nhà nhưng thấy hơi đói nên Thảo đổi ý sẽ ăn gì đó lót dạ rồi về sau cũng được.
Cô gái vừa đi vừa hát, rất thong thả hưởng thụ thời tiết dễ chịu ngày hôm nay. Từ xa nhìn thấy biển quán to oạch thì cười toe toét, thiết nghĩ cái bụng sắp được no rồi. Thảo vặn ga để xe đi nhanh hơn một chút nhưng chính hành động ấy đã hại cô một vía.
Miệng ngân nga bài hát, đầu lắc lư theo điệu nhạc nhưng ngay sau đó tiếng hét chói tai vang lên chèn vào giọng hát ngọt ngào: ” Đừng có chạy lại đây!!!”. Dù đã ghì phanh nhưng không thể kịp nữa, chiếc xe do bẻ đầu để tránh nên mất lái sượt qua người chú chó đang lao tới, cua một vòng nhỏ và ngay lập tức đổ xuống tạo ra chấn động lớn.
Chú chó vẫn bình an vô sự nhưng người thì không. Một chân của Thảo đã bị chiếc xe đè lên, lưng và đầu đập xuống đất, may sao có mũ bảo hiểm đã bảo vệ không thì gay go rồi. Những người quanh đó vội vàng chạy tới để giúp đỡ và xua con chó đứng xa ra. Do bị choáng bởi cú va đập và sự sợ hãi bất ngờ ập tới nên người Thảo mềm nhũn mặc cho ai lôi thì lôi, kéo thì kéo.
Chủ nhân của chú chó cũng chạy tới, chen vào đám đông xem xét, hoảng hốt lên tiếng: “Thảo!”