Chương 13: Giao thừa
“Năm nay không còn dịch nữa mọi người đến đông quá trời.” – Lan ngó nghiêng xung quanh.
“Không khí vui hơn hẳn.” – Thảo tiếp lời.
“Còn ba phút nữa thôi.” – Bình hưng phấn nhìn đồng hồ điện thoại.
Dường như không chỉ bốn người hồi hộp chờ đợi mà mọi người xung quanh cũng vậy, ai nấy cũng đều xem thời gian và cùng đếm ngược.
Thảo để ý Hoàng đứng cách hơi xa, chắc do cậu đang mải ngắm bầu trời đầy sao trên kia.
“Đứng vào đây đi.” – Cô vừa nói vừa kéo tay cậu dịch gần vào mình.
Do hơi lơ đễnh nên lúc bị kéo Hoàng có hơi vấp. Cậu đứng sát sau lưng cô gái, ngại ngùng nhìn xuống bàn tay đang nắm của cả hai.
“Úi, đừng nhúc nhích.” -Thảo ra hiệu.
Theo phản xạ của câu nói, Hoàng thẳng lưng, đứng nghiêm, đôi mắt nhìn theo từng chuyển động của đối phương. Thảo tiến gần hơn, kiễng chân, lấy ngón út nhẹ nhàng khều trên gương mặt của Hoàng, thích thú cười. Cô gái sẽ chẳng bao giờ biết rằng trái tim thổn thức của người trước mặt đang đập liên hồi vì những hành động vô tư của cô, bàn tay dấu trong túi áo đổ đầy mồ hôi, run rẩy không ngừng vì lúng túng.
“Ước đi, ước đi, lông mi của cậu rụng này, hiệu nghiệm lắm đấy.” – Thảo giục giã.
Hoàng xòe tay ra, đón lấy sợi lông mi nhỏ và nhắm mắt lại, suy nghĩ về điều ước của mình.
Khi cậu mở mắt vừa hay pháo hoa bắt đầu bắn. Như những đóa hoa lúc nở lúc tàn, pháo hoa “nở tung” rực rỡ giữa trời đen với đủ loại hình thù và màu sắc của riêng nó, bừng sáng đẹp đẽ rồi dần lụi tắt. Nhưng sắc xanh sắc đỏ của nó trong một khoảnh khắc đã trở thành ánh sao đêm cùng tụ lại, chiếu sáng xuống nhân gian – những người đang ngắm nhìn vẻ đẹp của nó.
“Chúc mừng năm mới.” – Hoàng thổi bay lông mi vừa ước, nhìn ngắm thật kĩ đường nét ẩn hiện trong màn đêm của đối phương, chỉ khi có ánh sáng của pháo hoa mới có thể nhìn rõ.
“Hú hú, năm mới đến rồi.” – Bình vừa nói vừa nhẩy cẫng lên.
“Chúc cho chúng ta năm mới thuận lợi, bình an.” – Lan dưng dưng nói.
Bình ngó qua, cảm nhận được cô bạn đang xúc động, có lẽ không khí quây quần, đầm ấm đã ảnh hương tới cô nên cậu quyết định chơi lớn: “Thật vui khi năm nay được ngắm pháo hoa cùng các cậu. Năm sau chúng ta, những người đã lớn thêm một tuổi, trưởng thành hơn một chút, sẽ tiếp tục đứng ở vị trí này và cùng nhau đón năm mới nhé?” – Bình hét thật to.
“Nhất trí, hứa nhé?” – Thảo hưởng ứng.
“Không thất hẹn.” – Là giọng Hoàng.
Còn Lan chưa lên tiếng, cả ba nhìn cô cổ vũ và thực sự không để mọi người thất vọng: “Nếu ai thất hứa sẽ phải làm trâu làm ngựa ~ Năm mới vui vẻ ~~~”
***
Tin nhắn tới.
“Chúc cậu năm mới thật nhiều sức khỏe, tiền vào như nước tiền ra từ từ và cùng nhau hợp tác lâu dài nha.” – Thảo Hương.
“Lúc nãy mải chơi quá, quên không chúc cậu một câu, hê hê.” – Thảo Hương.
“Không sao, năm mới xin được vía chăm chỉ của cậu.” – Trần Huy Hoàng.
“Nhả vía, nhả vía.” – Thảo Hương
“Sao nghe câu này quen quen nhỉ?” – Thảo Hương.
“Hửm? Chắc cậu nhớ nhầm thôi.” – Trần Huy Hoàng.
“Có thể lắm. À, nãy cậu ước gì thế? Bật mí xíu đi.” – Thảo Hương.
“Thế là mất linh đấy.” – Trần Huy Hoàng.
“Một tí thôi.” – Thảo Hương.
“Mình ước cho năm sau.” – Trần Huy Hoàng.
“À ~ Chắc là giống như mình đang nghĩ.” – Thảo Hương.
“Gì vậy?” – Trần Huy Hoàng.
“Nói ra mất linh đấy, hahahahaha.” – Thảo Hương.
“Quen nhỉ? Cậu trả đũa mình hử?” – Trần Huy Hoàng.
“Mình nói sự thật, hehe.” – Thảo Hương.
“Đi ngủ thôi ha? Muộn quá rồi. Chúc cậu ngủ ngon, bái bai.” – Thảo Hương.
“Ngủ ngon, bai.” – Trần Huy Hoàng.
***
Tết đến thì vui đấy, nhưng cái gì cũng có “kiếp nạn” của nó.
Chắc hẳn đã có một số người phải nghe câu “con nhà em thế này”, “con nhà em thế kia” từ miệng của phụ huynh khác rồi nhỉ? Đâu phải chỉ ngày thường mới khoe, những dịp đặc biệt thế này là “nước” để “cá bơi” đấy.
“Bác lì xì cho ** này, năm mới học giỏi nhé.”
“Cháu cảm ơn.” – Hoàng nhận lấy bao lì xì bằng hai tay thể hiện phép lịch sự.
“Năm nay học hành thế nào?” – Người phụ nữ hỏi, có vẻ rất tò mò.
“Cũng ổn ạ.” – Hoàng tiếp lời.
“Cố gắng lên nhé, không biết gì cứ hỏi anh nhà bác, anh ấy thì cái gì cũng năng nổ từ hoạt động bên ngoài đến học hành. Mặc dù đầu vào không đỗ chuyên nhưng mà anh nhà bác chăm học lắm, năm ngoái thi đỗ ngành mình mong muốn nên cũng phấn khởi.” – Người phụ nữ xuýt xoa nói.
“Đấy, nói đến lại nhớ, nay mồng một rồi mà nó vẫn bận công việc đi từ sáng sớm, có năng lực là bận bịu lắm.” – Chẳng để ai trả lời người phụ nữ nói chen vào.
“À, nhóc này năm nay đỗ trường nào ấy nhỉ? Hình như cũng không vào chuyên được đúng không? “
“Cũng may là ông trời thương nên cháu đỗ chuyên Toán. Chắc do không hay ra ngoài nói về thành tích của mình nên không ai biết. Học kì này có nhiều thử thách hơn ở cấp hai nên cháu ít đi chơi, bù lại nhận được vị trí top 2 toàn khối. Có lẽ cháu cần tham gia hoạt động ngoài trời nhiều hơn, cháu sẽ nhờ những người sành sỏi hướng dẫn, chẳng hạn như anh nhà bác.” – Hoàng bình tĩnh đáp trả.
Có một số học sinh thực sự giỏi như trong lời bố mẹ, nhưng có một số lại không được như thế. Đó sẽ chỉ là “ảo ảnh” do con cái tạo ra để thỏa mãn lòng hư vinh và áp đặt của bố mẹ. Bên ngoài kia, con cái họ làm gì, học tập ra sao, đối nhân xử thế như nào họ chưa thể nhìn thấy hết được.
***
Điều nhức nhối chưa dừng lại ở đó, “kiếp nạn” dành cho mấy đứa thích chơi trội đã tới.
“Minh vào lấy cho mẹ mấy cái cốc để tiếp khách.”
“Có liền, có liền ạ.”
Trưởng ban của chúng ta, ở trường oai oai bao nhiêu thì về nhà chỉ có thể làm tôm tép cho bố cho mẹ.
“Mời các bác, mời bố mẹ ạ.” – Minh nhanh tay rót nước vào từng cốc vừa được sắp ra.
“Ây chà, mới không gặp bao lâu mà thằng nhóc này trông phổng phao quá nhể?” – Một người đàn ông trung niên trêu chọc.
“Thế mới ra dáng trụ cột chứ ạ.” – Minh hùa theo.
“Bọn trẻ thời nay thích nhuộm tóc nhỉ? Đứa nào cũng đầu xanh đầu đỏ, không biết học hành gì không?” – Có người trong số đó lên tiếng, giọng nói có chút khinh khỉnh.
Tết mà, ai chẳng muốn mình đẹp để trông rạng rỡ hơn, “lột xác ” hơn đúng với ý nghĩa của “năm mới” – cái gì cũng mới. Vì vậy, thanh niên lựa chọn trang phục, đầu tóc sặc sỡ một chút cũng chẳng có gì lạ.
“Cháu thấy dạo này cháu lười quá, xin phép mọi người cháu lên tầng ôn bài để sau tết thi học sinh giỏi cấp quốc gia đây ạ.” – Trước mặt cười nói thân thiện, ngoảnh mặt cái Minh bĩu môi dè bỉu: “Cha mẹ người ta không phản đối mà có quyền gì ý kiến?”
Đấy, có kha khá “thẩm phán” không cần giấy phép đã ra đời.
***
Nghỉ tết là nhàn hơn bao nhiêu? Cũng có chỗ đúng, nhưng đâu phải tất cả. Bởi có quá nhiều bát, quá nhiều đĩa, quá nhiều cốc, quá nhiều chén… vân vân và mây mây thứ cần phải rửa!!!
Ba ngày tết thì ngày nào cũng sắp một mâm cơm đầy để cúng bái gia tiên, buổi trưa ăn không hết là còn thừa đến tối hoặc đến tận ngày mai nên hôm nào cũng nhiều dụng cụ để rửa.
“Này, rửa cái nồi hầm xương đi nhé.” – Mẹ Lan bưng từ trên bếp cái nồi to đùng để vào bồn rửa bát.
“Ôiii, khi nào mới rửa xong đống bát đĩa này chứ?!!”
Lan cau có, cứ đang rửa là lại bưng thêm dụng cụ tới, có lúc chỉ còn cái thìa là xong thì tự nhiên lòi đâu ra thứ nữa để rửa.