Hồi Đáo Lê Triều - Dạ Du - Chương 28: Nhỏ Máu Nhận Thân 1
– Ngươi làm tốt lắm! Nhưng tuyệt đối không được để ai biết việc Nguyễn Đức Trung có liên quan đến lần cuớp ngục năm xưa, Trẫm tự sẽ có tính toán! Tiếp tục đi điều tra cho Trẫm xem vị thái y nào kết luận phụ hoàng bị hạ độc mà băng hà? Mang hết sổ sách ghi chép về đây cho Trẫm!
– Mạt tướng tuân chỉ!
Lý Lăng hành lễ với Lê Tuấn xong bèn cúi đầu giữ nguyên tư thế đi lùi ba bước rồi định quay lưng lại lui ra theo đúng quy tắc. Chưa kịp xoay người bước ra cửa, vành tai của Lý Lăng bỗng giật giật lên khi nghe tiếng bước chân rón rén của ai đó ở hành lang bên trái ngoài cửa điện thờ. Nhanh như cắt, Lý Lăng gọi lớn:
– Ai?
Rồi hắn phóng nhanh ra như bay, tay tuốt kiếm chĩa thẳng về phía trước sẵn sàng tư thế xiên thủng ngực kẻ nào dám nghe lén việc cơ mật của triều đình. Lê Tuấn cũng vừa hay bắt được động tĩnh bên ngoài, chàng chạy hai ba bước chân rồi giẫm mạnh xuống đất lấy đà phi thân trờ tới sóng đôi với Lý Lăng. Thanh kiếm sáng bóng trong tay Lý Lăng phản chiếu lên ngang mặt Lê Tuấn khiến chàng khẽ nheo mắt cho đỡ chói. Bóng dáng một nữ nhi tay cầm lồng đèn đi ngang hành lang dần hiện ra, nàng ta bị tiếng vù vù của lưỡi kiếm chẻ gió lao đến làm giật mình nhìn về phía Lê Tuấn và Lý Lăng đang bổ nhào tới. Gương mặt Thu Đào đang tròn mắt há mồm vì kinh khiếp đập vào mắt Lê Tuấn, chàng hốt hoảng dùng hết sức bình sinh phi thân thêm một bước đón đầu Lý Lăng, xoay người đứng chắn ngang trước mặt Thu Đào, một tay tung quyền gạt phăng lưỡi kiếm sang một bên và kêu lên:
– Dừng tay!
Lý Lăng thấy vua bỗng nhiên lao ra ngăn cản cũng lập tức thu kiếm tránh đi, nhưng sự việc diễn ra nhanh chóng trong cái chớp mắt, mũi kiếm đã sượt qua vai áo Lê Tuấn làm rách một mảng to. Cả người Thu Đào lọt thỏm sau thân hình cao lớn của chàng, nếu chỉ nhìn cái bóng in dưới đất thôi thì còn tưởng là chỉ có một mình Lê Tuấn đang đứng.
Lý Lăng vội quỳ xuống thưa:
– Mạt tướng bất cẩn mạo phạm, Hoàng Thượng tha tội!
Lê Tuấn khoát tay ra hiệu miễn lễ:
– Không sao! Ngươi chỉ làm đúng nhiệm vụ thôi!
Lý Lăng hành lễ tạ ơn rồi đứng lên tra kiếm vào vỏ, đoạn tò mò khẽ nghiêng đầu sang một bên muốn nhìn kỹ xem là kẻ nào nhưng Lê Tuấn đã đưa tay lên dùng ống tay áo che kín Thu Đào phía sau lưng lại và nói:
– Không cần lo, là một ngự tiền cung nữ Trẫm gọi đến có việc thôi! Ngươi cứ trở về trước đi, ở đây Trẫm sẽ thu xếp!
– Mạt tướng cáo lui! – Lý Lăng cúi đầu vái chào.
Vốn là trưởng nữ của Nguyễn Đức Trung, Thu Đào xuất hiện vào lúc này quả thật không thích hợp chút nào. Ngộ nhỡ Nguyễn Đức Trung bị điều tra ra có liên quan đến vụ án cướp ngục năm xưa, mà Thu Đào lại bị Lý Lăng nhận ra lúc này thì làm sao nàng có thể thoát khỏi tội gián điệp cố tình thăm dò tin tức. Đấu đá nơi tiền triều và hậu cung xưa nay luôn đẫm máu, đôi khi thân bất do kỹ kể cả là vua cũng khó lòng bảo vệ nàng cho được. Đợi bóng dáng Lý Lăng khuất sau lần cửa lớn, Lê Tuấn mới thu cánh tay che chắn của mình lại, rồivì quá lo lắng sinh tức giận, chàng nhíu mày nhìn Thu Đào nghiêm giọng quở trách:
– Sao nàng lại ở đây giờ này? Có biết suýt chút là mất mạng không?
Lần đầu tiên thấy Lê Tuấn mặt nhăn mày nó trách mắng mình, trong khi nàng chạy ra đi cũng chính là lo lắng cho tâm trạng của hắn, Thu Đào có chút ấm ức, giọng hờn dỗi nói:
– Là do ta ham chơi đi lạc được chưa? Có gì đâu mà nghiêm trọng vậy! Suốt ngày đi đâu cũng kè kè cung nữ thái giám dẫn đường nên ta chưa từng tự mình đi, làm sao mà nhớ hết được! Trời lại tối thế này, ta trót đi nhầm!
Lê Tuấn nhìn về phía Thừa Càn Cung một lượt, rồi nhận ra từ Diên Ninh Cung đến Thừa Càn Cung của chàng có một ngã rẽ chếch về phía Đông, cách trang hoàng đèn lồng và hoa cỏ tương tự như nhau, ai không rõ đường đi chắc chắn sẽ bị nhầm lẫn mà đi đến Thái Miếu này. Chàng dịu giọng lại, ân cần dặn dò:
– Sau này không được đi lung tung một mình nữa, nếu không may đi nhầm vào cấm địa của hoàng cung Trẫm cũng sẽ không bảo vệ nỗi nàng!
– Hiểu rồi! – Thu Đào đáp cộc lốc.
Tuy miệng thì trách phạt, nhưng khi nhận ra Thu Đào đang đêm ra khỏi cung một mình cũng là vì mình, Lê Tuấn thoáng cảm động trong lòng, không muốn làm nàng tổn thương dù là một chút nên lại hỏi như vỗ về:
– Nàng đang đến Thừa Càn Cung tìm Trẫm?
Chưa hết ấm ức, Thu Đào nguýt Lê Tuấn một cái rõ dài, dùng tay đẩy chàng một cái rõ mạnh:
– Xê ra! Ai đi tìm chàng chứ?
– Còn chối? Vậy nàng đi đâu giờ này?
Lê Tuấn mỉm cười lỳ lợm tiến sát lại gần, vuốt tay lên tóc Thu Đào mà hỏi giọng trêu ghẹo. Thu Đào giận dỗi gạt tay chàng ra, một lần nữa tránh ra xa ba bước chân rồi hỏi ngược lại:
– Vậy tại sao chàng lại ở đây, lỡ ta đến Thừa Càn Cung không gặp thì lại bắt ta phải đợi..
Thu Đào biết mình lỡ miệng thừa nhận đang đi tìm chàng, nàng đỏ mặt bỏ lửng câu nói, lấm lét nhìn chiếc lồng đèn trên tay vờ xoay xoay cán cầm cho đỡ ngượng.
Chút ngọt ngào của tình yêu đầu đời làm Lê Tuấn tạm thời quên đi muộn phiền, chàng nhìn bóng dáng bé nhỏ trong trang phục trắng tinh khiết ẩn hiện dưới ánh trăng mà lòng bồi hồi xao xuyến. Bất chấp sự kháng cự giả vờ của Thu Đào, sau ba lần bảy lượt vùng vằng chàng cũng nắm được bàn tay xinh xắn rồi dắt nàng bước ra khỏi Thái Miếu, hướng về Thừa Càn Cung vừa đi vừa nói:
– To gan! Ai cho phép nàng dám hỏi ngược lại Trẫm! Trả lời mau, nàng tìm Trẫm có việc gì?
Thu Đào bước đi bên cạnh khẽ ngẩng đầu lên nhìn, gương mặt Lê Tuấn đang lướt chầm chậm dưới ánh trăng vàng óng, mi thanh mục tú của chàng che mất một khoảng trời trên cao. Ở vị trí này, Thu Đào thấy mặt trăng và mặt của chàng to gần bằng nhau, sáng đẹp như nhau, đều dịu dàng thơ mộng như nhau cả!
Không nghe thấy Thu Đào trả lời mình, Lê Tuấn dừng bước hướng ánh mắt xuống thấp một chút nhìn nàng mắng yêu rằng:
– Nàng quả thật to gan, chưa từng có ai dám im lặng trước câu hỏi của Trẫm đâu đấy!
Thu Đào phút chốc nhận ra mình mãi lo ngắm nhìn diện mạo anh tuấn của chàng mà quên khuấy đi việc cần làm, nhưng lại không thể nói rằng “ai bảo chàng đẹp trai quá làm gì!”, chỉ đành nhìn nơi khác để lãng tránh ánh mắt trong như nước hồ thu ấy mà chữa thẹn:
– Ta chỉ là..
Chưa kịp nói hết câu Thu Đào đã bị Lê Tuấn đưa tay búng lên trán một cái rõ đau, rồi chàng nửa hâm dọa nửa dặn dò mà rằng:
– Còn nữa, sau này khi nói chuyện với Trẫm phải xưng là “thần thiếp” hoặc là “thiếp”, rõ chưa?
Thu Đào xoa xoa tay lên trán phồng má lên giọng chống đối:
– Vì sao? Vì cung quy như thế à?
Lê Tuấn bật cười trước sự ngây ngô của Thu Đào, đoạn chàng nheo nheo mắt rồi im lặng cúi đầu xuống áp sát vào mặt nàng, gần đến nỗi hai vầng trán suýt chút nữa là chạm nhau, hạ giọng nói như thì thầm vào tai:
– Làm gì có cô nương nào xưng hô với tình lang kiểu như nàng? Nghe thật là chói tai!
– Ai thèm chàng là tình lang chứ?
Thu Đào đỏ mặt rụt tay lại rồi bước nhanh lên phía trước bỏ mặc Lê Tuấn đứng sau lưng hả hê cười ha ha.
Trêu ghẹo Thu Đào thõa thích rồi, Lê Tuấn vẫn không quên hỏi lại:
– Sao? Nàng có việc gì cần nói với Trẫm à?
Nhớ ra mục đích chính đi tìm chàng, Thu Đào bước chân chậm lại, ngập ngừng một lúc rồi bày ra nét mặt nghiêm túc nói:
– Chàng có nghe qua cách nhỏ máu nhận thân để xác định quan hệ huyết thống chưa? Ta có đọc trong y học cổ nhưng chưa từng thấy áp dụng bao giờ!
Lê Tuấn ánh mắt sáng lên lộ rõ sự ngạc nhiên trước kiến thức của Thu Đào, chàng gật đầu đáp:
– Nàng quả thật hiểu biết không ít! Trẫm cũng có từng đọc được trong một cổ thư của người phương Bắc, thời nhà Tống..
– Có phải chàng đã xem qua Tẩy Oan Tạp Lục của Tống Từ (*) thời nhà Tống? – Thu Đào mừng rỡ cướp lời vì ít ra nàng đã xác định được phương pháp này không phải hoàn toàn vô căn cứ.
Một lần nữa Lê Tuấn gật gù xác nhận rồi buộc miệng khen:
– Đúng là Tẩy Oan Tạp Lục! Đại tiểu thư của ta, nàng quả thật như lời đồn đại của các môn sinh trong Quốc Tử Giám, Trẫm khá khen cho một nữ nhi lại đọc nhiều danh thư (*) như nàng!
Thu Đào chép miệng ngẩng mặt lên trời mà than:
– Không phải do ta tài giỏi, mà do thời phong kiến các người đâu có tạo điều kiện cho nữ nhi học hành, ở thời đại của ta người đứng đầu một quốc gia là phụ nữ cũng là việc thường!
– Nàng nói sao? Thời đại nào? Ngoài Võ Hậu (*) nhà Đường ra Trẫm quả thật chưa được nghe ở quốc thổ nào lại do nữ nhi nắm quyền! – Lê Tuấn vừa tò mò vừa thích thú hỏi.
Biết không thể giải thích quá rõ về việc mình là một người hiện đại, mang tư tưởng văn hóa của sáu trăm sau mà nói với người thời đại này quả thật sẽ bị cho là kẻ điên, Thu Đào chỉ lấp liếm cho qua chuyện:
– Là do ta đọc sách nhiều mà biết thôi, dần dần ta sẽ kể cho chàng nghe hết! Còn bây giờ tạm thời bỏ qua việc ấy đi, ta hỏi chàng chuyện quan trọng hơn, cách nhỏ máu nhận thân này có nhiều người biết đến không?
Lê Tuấn suy nghĩ vài giây rồi khẽ lắc đầu:
– Trẫm nghĩ là không nhiều người biết, chỉ những ai có tìm hiểu văn hóa của người phương Bắc hoặc có đọc y thư cổ giống nàng thì may ra!
Im lặng một lúc lâu, cả hai đều theo đuổi ý nghĩ riêng trong lòng mình. Đoạn Lê Tuấn như nhớ ra một việc quan trọng, chàng buồn bã nói:
– Nhưng phụ hoàng đã không còn tại thế, dù nhỏ máu nhận thân có thể tin cậy thì cũng không thực hiện được nữa rồi!
Bị nói trúng điểm bế tắc nên Thu Đào không trả lời, chỉ lặng lẽ bước đi bên cạnh, âm thầm chia sẻ nỗi muộn phiền cùng chàng!
Đêm về khuya, ngã ba rẽ về Diên Ninh Cung đã ở ngay trước mặt. Lê Tuấn dịu dàng kéo lại áo khoát che kính ngực cho Thu Đào rồi ngõ lời đưa nàng hồi cung. Hai người chưa kịp quay gót thì đã thấy một nhóm người bốn năm người từ phía Thừa Càn Cung cầm lồng đèn đi tới. Lê Tuấn nhận ra dáng đi của Đào Biểu nên mỉm cười nói với Thu Đào:
– Là Đào Biểu! Ông ta chắc là đi tìm Trẫm về bắt ngủ sớm! Đào Biểu còn phiền phức hơn cả mẫu hậu đấy!
Thu Đào che miệng cười khúc khích, chưa kịp khép miệng lại thì giọng đặc trưng cao vút của một vị thái giám đã cất lên:
– Hoàng Thượng! Bình Nguyên Vương đang chờ Người ở đại sảnh, mong Hoàng Thượng mau bãi giá hồi cung!
Nghe đến tên Bình Nguyên Vương, trong phút chốc Thu Đào nảy ra một ý tưởng tuyệt vời giúp Lê Tuấn chứng minh huyết thống hoàng tộc. Chỉ có điều cần thời gian và công sức để thử nghiệm nhiều lần, mà ba ngày sau phải có câu trả lời cho thừa tướng Lê Thụ như đã hứa, Thu Đào lập tức xin tự mình hồi cung để thực hiện kế hoạch ngay.
Không muốn để nàng một mình đi giữa đêm khuya, Lê Tuấn căn dặn Đào Biểu phải đích thân tiễn Thu Đào tận cửa tẩm điện mới được quay về. Tạm biệt xong, chàng đứng lại nhìn theo cho đến khi bóng nàng khuất hẳn mới chịu dời bước trở về.
* * *
Vừa thấy Lê Tuấn bước vào đại sảnh Thừa Càn Cung, Lê Hạo đang đi đi lại lại chờ đợi liền mừng rỡ bước đến vái chào:
– Hoàng Thượng đã về! Thần đệ chờ đến sốt ruột!
Lê Tuấn mỉm cười đưa tay lên đỡ lấy Lê Hạo:
– Tứ đệ miễn lễ!
Đoạn chàng khoát tay ra hiệu cho tất cả cung nữ thái giám lui ra hết. Khi chắc chắn không còn ai trong phòng, Lê Tuấn mới vào vào thẳng vấn đề:
– Chắc đệ cũng biết việc sáng nay trên tiền triều rồi! Giữa đêm đến tìm Trẫm thế này có phải đã nghĩ ra cách gì rồi không?
Lê Hạo khẽ lắc đầu tự trách:
– Thần đệ vô năng, chưa nghĩ ra được cách gì để giúp Hoàng Thượng rửa sạch hiềm nghi cả. Nhưng trước mắt đệ đã lệnh cho Đinh Liệt mang hai vạn quân về trấn giữ hoàng thành, phòng có kẻ mượn cớ dấy binh tạo phản! Sử sách đã chi chép, không hiếm các bậc đế vương bị ám sát đoạt ngôi chỉ vì những lý do như thế này, Hoàng Thượng không thể không đề phòng.
Lê Tuấn nghe qua nỗi lo lắng của người huynh đệ thân thiết xong thì ánh mắt cũng khẽ động ra chiều nghĩ ngợi. Thật ra không cần đợi Lê Hạo phải nhắc nhở, Lê Tuấn sớm đã có dự tính cho vời Nguyễn Đức Trung cùng Nguyễn Xí vào cung để bí mật bố trí binh lực hộ giá. Nhưng vừa hay Lý Lăng lại mang tin báo về rằng Nguyễn Đức Trung có khả năng cao là tâm phúc của Nguyễn Trãi năm xưa, Lê Tuấn mới chột dạ không dám tin tưởng tuyệt đối mà giao quyền canh giữ hoàng thành. Hiện chỉ còn mỗi Nguyễn Xí là có thể tin tưởng được, nhưng muốn có được lòng trung thành của ông ta thì tất nhiên phải nạp tú nữ Nguyễn Ngọc Tú – con gái của Nguyễn Xí làm phi tần chính thức rồi sủng ái nàng ta như một thê tử hẳn hoi mới được. Bên là quốc sự và hoàng vị, bên là tình cảm đầu đời chàng hết mực trân quý, Lê Tuấn quả thật khó xử muôn phần. Thêm vào đó là chính bản thân chàng cũng nghi ngại về thân thế của mình nên chưa dám công khai phản biện nửa lời. Chàng chấp một tay sau lưng bước vài bước hướng ra cửa, nhìn lên mảnh trăng treo lơ lửng một lúc rồi thở dài:
– Tứ đệ! Nếu Trẫm quả thật không phải là..
Lê Hạo không đợi cho Lê Tuấn nói hết câu đã chen ngang vào, giọng khuyên giải động viên:
– Sao có thể như vậy được! Xin Hoàng Thượng đừng suy nghĩ lung tung!
Đoạn Lê Hạo bước đến cạnh bên người huynh trưởng chàng hết lòng kính mến, đặt một tay lên vai Lê Tuấn rồi đổi lại cách xưng hô thân mật khi chỉ có hai người mà tiếp:
– Tam ca! Huynh khí độ bất phàm, tài năng xuất chúng, huynh chắc chắn là con cháu của Thái Tổ! Chuyện năm xưa chắc chắn có ẩn tình, ta cứ điều tra kỹ lưỡng, huynh tuyệt đối đừng trúng kế kẻ thù, tự mình nghi ngờ chính mình!
Lê Tuấn cảm động quay lại nhìn, khẽ nở một nụ cười hiền lành rồi dùng bàn tay áp lên vai, bao trùm lên mu bàn tay của Lê Hạo mà nói giọng cảm kích:
– Đa tạ tứ đệ! Hiện giờ chỉ có đệ và nàng mới cho Trẫm được chút ấm áp. Ngai vàng.. là nơi lạnh lẽo nhất trên đời này!
Lê Hạo nghe đến “nàng” thì ánh mắt khẽ động, miệng gượng gạo nở một nụ cười rồi lặng lẽ đứng bên cạnh Lê Tuấn cùng nhau ngắm trăng. Phải! Lê Hạo cũng hiểu ngai vàng chính là nơi lạnh lẽo và cô độc nhất thế gian này. Mà cần chi leo đến ngai vàng, ngay cả một thân vương như chàng cũng phải vì đại cục, vì đạo nghĩa quân thần huynh đệ mà buông tay chấp nhận nhường tình yêu cho người khác đấy thôi! Cuộc đời vương giả cao sang, có tất cả trong tay nhưng lại chẳng có thứ mình muốn, thì liệu có hạnh phúc hay không?
Để xua đi bầu không khí nặng nề, Lê Hạo lấy trong ống tay áo ra cây sáo vẫn thường mang theo bên mình, chàng đặt lên môi thổi một khúc nhạc tươi vui để tạm thời giải tỏa nỗi sầu cho Lê Tuấn. Thanh âm trong trẻo réo rắt vang lên giữa đêm trường tĩnh mịch, giai điệu lúc trầm lúc bỗng làm ai nghe thấy cũng phải nhắm nghiền mắt lại mà thưởng thức. Lê Tuấn thả hồn theo tiếng sáo, chàng lắng nghe lòng mình thật kỹ càng rồi tự hỏi:
– Ta đang sợ hãi điều gì? Sợ mất ngôi vua hay sợ mình không phải là con cháu hoàng tộc mà trước nay ta vẫn thấy tự hào?
Hai chàng thiếu niên đứng sóng đôi bên khung cửa, mỗi người mang trong lòng một khúc mắc riêng tư nhưng rốt cuộc cũng là nửa chí lớn chưa thõa, nửa vương vấn mỹ nhân, cả hai đều mắc kẹt giữa hai ý nghĩ rằng nên sống cho bản thân mình hay phải vì muôn dân thiên hạ.
* * *
Mặt trời chưa ló dạng nhưng ánh sáng mờ mờ đã len lõi khắp các ngõ ngách Diên Ninh Cung. Sương đêm dày đặc chưa kịp tan, mặt đất đón vài giọt nắng đầu ngày chưa kịp ấm. Trong cái giá rét giữa trời đông sớm, Thu Đào tay cầm một ấm đun nước bằng đồng to cẩn thận hứng từng giọt sương đọng trên những chiếc lá xanh mướt, vì chỉ có những giọt nước tinh khiết này mới khiến Thu Đào yên tâm tin tưởng vào kết quả thí nghiệm mà nàng sắp thực hiện. Từng giọt, từng giọt rơi vào ấm vang lên những tiếng “toong toong” trong suốt vui tai, kiên nhẫn nghiêng từng chiếc lá mà hứng suốt buổi sáng, cuối cùng cũng thu thập được non nửa ấm nước. Thu Đào còn cẩn thận vạch từng gốc hoa cây cảnh khắp hoa viên để tìm một loại thảo dược có tác dụng làm đông máu – cây nhọ nồi (*). Hoa viên của hoàng cung được các nghệ nhân chăm chút mỗi ngày quả thật không có lấy một ngọn cỏ dại, đâu đâu cũng được cắt tỉa gọn gàng sạch sẽ đến nỗi chỉ nhìn sơ qua cũng đã thấy hết dưới gốc cây có những gì, chẳng cần phí công tìm kiếm chi hết. Thu Đào vẫn kiên nhẫn đi khắp nơi trong hoa viên, đầu cúi thấp nhìn chầm chầm xuống mặt đất chẳng bỏ sót chỗ nào. Đang mãi mê tìm kiếm thì tiếng gọi của Xuân Mai cất lên làm Thu Đào quay đầu nhìn lên:
– Đại tiểu thư, nhị tiểu thư cùng nhị vị tú nữ đến diện kiến!
– Nhị vị tú nữ? – Thu Đào ngơ ngác hỏi lại để xác minh ngoài Thu Hằng còn có quý nhân nào đến tìm mình trong lúc đang bận rộn thế này.
– Là Kim Ngọc tiểu thư và Ngọc Tú tiểu thư. Ngọc Tú tiểu thư chính là trưởng nữ của tướng quân Nguyễn Xí, người được thái Hậu chọn tấn phong tam gia Tiệp Dư!
Xuân Mai rành rọt “bẩm tấu thân thế” của Ngọc Tú trước sự ngạc nhiên của Thu Đào, chẳng biết cô bé nào vì sao lại nắm bắt tin tức nhanh đến thế. Nói xong, Xuân Mai còn bước đến bên chủ nhân thì thầm vào tai giọng nghiêm nghị:
– Đại tiểu thư! Ngọc Tú tiểu thư là người được Thái Hậu chọn, sau này chắc chắn là “tình địch” của cô, cô tuyệt đối phải cẩn thận!
Thu Đào phì cười vì thái độ “ghen” giúp chủ Xuân Mai, nàng véo vào má cô tỳ nữ thân cận mắng yêu:
– “Tình địch” cái gì chứ? Trẻ ranh lắm chuyện!
Xuân Mai lo ngại trước vẻ thờ ơ của Thu Đào đối với sự xuất hiện của Ngọc Tú, nàng ta nhăn nhó:
– Sao đại tiểu thư có thể không quan tâm đến người sẽ chia sớt tình yêu của Hoàng Thượng như vậy?
Thu Đào không trả lời mà chỉ cười trừ tự nhủ:
– Chàng yêu ta chắc chắn tự tìm đến ta, cần chi phải tranh giành từng chút ân sủng hời hợt nhỏ nhoi kia chứ!
Hơn nữa tâm trí Thu Đào bây giờ chỉ mong mau chóng tìm được cây nhọ nồi để thực hiện thí nghiệm, thật sự chẳng còn hơi sức đâu mà để ý đến một vị cô nương chưa từng gặp mặt!
Thu Hằng đến thật đúng lúc, nếu nàng ta không đến thì có lẽ Thu Đào cũng sẽ đi Quảng Hằng Các một chuyến để tìm muội muội thỉnh giáo. Vì thế, vừa bươc vào sảnh điện, Thu Đào chỉ kịp hành lễ sơ sài ra mắt hai vị tú nữ cùng vai vế rồi sà ngay đến kéo Thu Hằng ra một góc hỏi thì thầm như sợ ai nghe thấy:
– Thu Hằng, ta có việc rất cấp bách..
Rồi nhận ra sự thất lễ của mình trước Kim Ngọc và Ngọc Tú, Thu Đào quay lại chữa thẹn:
– Nhị vị tiểu thư, Thu Đào có chút việc hệ trọng xin thất lễ một chút!
Nói xong liền tiếp tục kéo Thu Hằng ra hẳn thềm cửa mà hỏi:
– Thu Hằng, muội đọc nhiều sách vở, có biết qua một loại thảo dược trông giống như hoa cúc, giã nát ra sẽ có nước màu đen, thường hay dùng làm thuốc cầm máu chữa vết thương..
Thu Hằng quả không phụ lòng tỷ tỷ, nghe đến câu “giã ra có nước màu đen” là đã nghĩ ra ngay, nàng ta đáp nhanh gọn:
– Là hạ liên thảo!
– À! Hạ liên thảo? Tỷ muốn có hạ liên thảo phải đi đâu tìm bây giờ? – Thu Đào reo lên thích thú khi nghe được cái tên rất chi là kiêu kỳ của cây nhọ nồi.
Nghe xong câu trả lời từ Thu Hằng, Thu Đào vui đến mức nhảy cẩn lên. Nàng cảm ơn muội muội rồi vội vàng bảo cung nữ mang điểm tâm trà nước ra thiết đãi ba vị cô nương, không quên dặn dò Xuân Mai thay nàng tiếp khách. Đoạn Thu Đào hướng về Kim Ngọc và Ngọc Tú cáo lỗi vì trót có việc riêng không thể tiếp chuyện, cũng chưa kịp nghe hết câu đáp lễ của hai người họ mà đã phi nhanh ra cửa.
Nhìn theo bóng lưng Thu Đào, Ngọc Tú cố giấu sự bực tức tự nhủ:
– Quả nhiên ỷ được sủng mà kiêu ngạo xem thường ta! Tốt xấu gì bổn tiểu thư cũng là con gái nhị phẩm đại quan, hạ mình đến chào hỏi ngươi trước, ngươi lại không biết điều như thế! Thật quá đáng!
Đại sảnh Diên Ninh cung chỉ còn lại ba vị cô nương ngượng ngùng ngồi lại với mấy đĩa điểm tâm do tỳ nữ của Thu Đào mang ra, ai nấy đều mắt tròn mắt dẹt trước cách tiếp khách lạ lùng này. Kim Ngọc vốn có quen biết trước và từng chịu ơn Thu Đào nên nàng không có lòng trách cứ, chỉ lặng lặng cầm tách trà lên hớp một ngụm rồi bắt chuyện xua tan bầu không khí nặng nề:
– Thu Hằng tiểu thư, hay là nàng kể cho chúng ta nghe về Bình Nguyên Vương lúc còn ở Huy Văn Tự đi, nghe nói Hoàng Thượng rất thân thiết với Bình Nguyên Vương đúng không?
Chủ nhà bỏ đi, khách đến tự nói chuyện cùng nhau giải khuây, e là trên đời chỉ có mỗi Thu Đào mới làm ra được chuyện nực cười như thế này!
* * *
Theo chỉ dẫn của các cung nữ thái giám gặp trên suốt đường đi, Thu Đào rốt cuộc cũng đến được thái y viện xa xôi, lối đi lại lòng vòng, nếu là một đường thẳng thì có lẽ nàng đã đi bộ cả dặm đường chứ chẳng đùa. Đứng trước cánh cổng lớn cắn ngón tay suy nghĩ một lúc lâu, Thu Đào quyết định dùng danh nghĩa cung nữ Diên Ninh Cung đến xin thuốc chữa chứng nóng trong người, chảy máu cam cho chủ nhân. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, hôm nay vừa hay Thu Đào không mặc chế phục của tú nữ ra ngoài nên chẳng ai mảy may nghi ngờ thân phận của nàng cả, hơn nữa căn bệnh nàng nói quả thật cũng phổ biến vào mùa đông tiết trời tuy giá rét nhưng hanh khô, Thu Đào thuận lợi bốc được hẳn mười thang thuốc có chứa hạ liên thảo. Ôm mười thang thuốc trong lòng, Thu Đào vừa đi vừa khấp khởi mừng thầm:
– Chỉ cần máu của chàng và máu của Lê Hạo hòa vào nhau là được!
* * * Hết chương 28 —-
Chú thích:
1. Tẩy Oan Tạp Lục (*): Tên một quyển sách cổ do ông tổ ngành pháp y Tống Từ, đời nhà Tống (Trung Quốc) ghi chép lại.
2. Danh thư (*): Những quyển sách nổi tiếng.
3. Võ Hậu: Chỉ Võ Tắc Thiên nhà Đường, Trung Quốc.
4. Hạ Liên Thảo: Hay còn gọi là cây nhọ nồi, miền Nam Việt Nam còn gọi là cây cỏ mực, một vị thuốc tính hàn, tác dụng cầm máu giải độc.