Hồi Đáo Lê Triều - Dạ Du - Chương 10: Đối Sách
– Ta và Nguyễn Đại Nhân cùng phu nhân sẽ ra đình hóng mát trước, xin nhờ nhị tiểu thư đến thư phòng báo với Lê Hạo chúng ta chờ ở đó! Đợi khi ai nấy có mặt sẽ cùng nhau thắp đèn.
Thu Hằng hiểu Ngô phu nhân muốn tạo cơ hội để nàng tiếp xúc với Lê Hạo nhiều hơn nên vui vẻ nhận lời ngay:
– Dạ phu nhân! Tiểu nữ và Lê công tử sẽ nhanh chóng ra đình hóng mát!
Nói xong nàng cáo lui, đi đến thư phòng của Lê Hạo.
Lúc này tại đình hóng mát, Lê Hạo cùng với Lê Tuấn và Thu Đào đang ngồi ngắm trăng uống trà. Thu Đào cứ chốc chốc lại trộm nhìn Lê Hạo. Tính ra từ lúc gặp chàng, Thu Đào chưa bao giờ mở lời bắt chuyện, phần cũng do đã biết được thân phận của chàng, Thu Đào cứ cảm thấy Lê Hạo cao cao tại thượng, rất đáng để kính nể chứ không đơn giản chỉ là yêu thích như trước kia. Lê Hạo cũng cảm nhận được ánh mắt trộm nhìn của Thu Đào, nhưng chàng có điều không hiểu là trông nàng có vẻ dè dặt với mình, khác hẳn với Thu Đào ngông nghênh trước kia.
Cuối cùng không thể kiềm nén được nữa, Thu Đào ngập ngừng nói:
– Lê Hạo công tử, ta có thể hỏi chàng một câu được không?
– Tất nhiên là được! Nàng có việc gì cứ tự nhiên hỏi!
– Quyển sách lúc nãy của chàng, trong đó có vẽ một đóa hoa đào.. Chẳng hay, là ai đã vẽ nó?
Lê Tuấn ngồi kế bên nghe xong phì cười:
– Ta còn tưởng nàng đọc được thơ hay xin thỉnh giáo, ai ngờ là nàng quan tâm đến một hình vẽ!
Thu Đào không ngại nói thẳng:
– Ta làm gì biết đọc chữ của các người mà thơ với thẩn!
Lê Tuấn bày tỏ thắc mắc:
– Nàng thật lạ lùng, biết nói tiếng Hán nhưng lại không biết đọc chữ! Ta cũng chẳng hiểu nàng đã học tiếng Hán bằng cách nào!
Lê Hạo cũng ngạc nhiên hỏi:
– Nàng biết nói tiếng Hán từ bao giờ?
– Thì từ lúc đi học!
Thu Đào định nói là “từ lúc đi học năm thứ ba đại học” thì nhớ ra điều mình nói đối với những người thời đại này thật hoang đường. Cũng may Lê Tuấn nói tiếp thay nàng:
– Từ lúc nàng tỉnh lại sau khi hôn mê vài ngày à?
Lê Hạo nhíu mày suy nghĩ, rồi bế tắc không hiểu Thu Đào đã học tiếng Hán từ khi nào:
– Ta cùng nàng theo học Ngô Tư Nghiệp từ bé, chưa bao giờ thấy nàng biết nói tiếng Hán cả!
Thu Đào chỉ còn cách thở dài phân trần:
– Xem như ta đại nạn không chết nên trời ban phúc không thầy tự thông đi!
Hai chàng trai nhìn nàng đầy nghi hoặc. Thu Đào bị ánh mắt của hai vị công tử thế gia nhìn chằm chằm nên không khỏi e thẹn, liền tự giải vây cho bản thân:
– Chính ta cũng không biết nữa! Hai người mặc kệ ta làm sao biết chữ Hán đi mà, khi nào nhớ ra ra hứa sẽ tự nguyện kể cho hai người nghe được không?
Rồi sợ vuột mất cơ hội tìm hiểu về hình vẽ hoa đào, Thu Đào nhắc lại câu hỏi với Lê Hạo:
– Lê Hạo công tử, chàng có thể cho ta biết là ai đã vẽ đóa hoa đó không?
Lê Hạo nhìn nàng vài giây, rồi nói:
– Chính là nàng đã vẽ nó!
Thu Đào mắt tròn mắt dẹt nhìn Lê Hạo, cả Lê Tuấn cũng thấy sự việc thú vị, tay cầm tách trà, mắt nhìn Lê Hạo như chờ đợi lời giải thích tiếp theo.
Không để hai người sốt ruột thêm, Lê Hạo chậm rãi kể:
– Lúc trước nàng cũng nghịch ngợm lắm, có một lần ta được Ngô Tư Nghiệp tặng quyển Lý Bạch Thi Tập (*) nên nàng so bì, đòi phải có một quyển. Sách do Ngô Tư Nghiệp tặng nên ta không nỡ cho đi, vậy là nàng vẽ đóa hoa đào vào trang cuối cùng, nhắc ta rằng đọc xong đến trang cuối phải lập tức cho nàng mượn.
Nghe xong Lê Tuấn phì cười:
– Thì ra dù cho có mất đi ký ức thì bản tính ngang ngạnh cũng không thay đổi được!
Riêng Thu Đào thì câu chuyện này xem như đã làm đứt đoạn manh mối tìm chiếc giá nến. Nàng thất vọng thầm nghĩ:
– Thì ra là Thu Đào trước kia vẽ, mình biết đi đâu tìm cô Thu Đào tiểu thư đó đây?
Lê Tuấn thấy mình cố tình trêu ghẹo nhưng nàng không phản ứng gì chỉ ngồi ngây ra, bèn đưa bàn tay lên quơ qua quơ lại trước mắt Thu Đào gọi:
– Nè! Nàng đang nghĩ gì vậy? Bị ta khiêu khích cũng không thèm phản công à?
Thu Đào trong lòng chỉ cho Lê Tuấn là một thị vệ bình thường, không hề có cảm giác kính trọng như đối với Lê Hạo, bèn chụp lấy tay Lê Tuấn bẻ ngược ra sau:
– Ta không thèm phản công, chỉ chờ cơ hội bẻ tay chàng!
Lê Tuấn la oai oái:
– Nè, làm gì có nữ nhân nào thô lỗ như nàng, dám tuỳ tiện đụng vào người nam nhi!
Thu Đào buông tay chàng ra, không quên “đe dọa” thêm:
– Ở nơi ta sống thì như vậy quá bình thường!
Lê Tuấn xuýt xoa ôm lấy cổ tay:
– Tiên nữ chỗ nàng ai cũng thô lỗ vậy sao? Đáng sợ thật đó!
Lê Hạo từ nãy giờ vẫn thắc mắc vì sao Thu Đào lại quan tâm đến hình vẽ đó, phải chăng nàng đã nhớ ra điều gì? Đóa hoa đó đúng là của Thu Đào vẽ trước kia, nhưng câu chuyện đã bị chàng thay đổi đi để tránh nhắc lại tình cảm của mình và Thu Đào trước mặt Lê Tuấn. Tuy vậy, Thu Đào nghe xong có vẻ rất tin vào câu chuyện chàng bịa ra, vì vậy Lê Hạo cảm thấy rất thắc mắc về tâm tư của nàng, chàng hỏi:
– Vì sao nàng lại để tâm đến đóa hoa đào như vậy?
Thu Đào hết cách giải thích chỉ đành bịa chuyện cho vui:
– À! Ta thấy chàng vẽ rất đẹp, nhưng đóa hoa đó lại rất đơn giản nguệch ngoạc nên thắc mắc thôi!
Lê Tuấn vẫn chưa bỏ cuộc và tiếp tục “đâm chọt”:
– Vẽ khó coi như vậy, quả nhiên chính là tác phẩm của nàng!
Thu Đào ấm ức phản pháo:
– Ta cũng rất khéo tay đấy! Mấy hôm nay đã tự tay làm rất nhiều lồng đèn ngôi sao để thắp sáng khắp phủ đệ trong đêm Trung Thu, có muốn mở rộng tầm nhìn không?
Lê Tuấn và Lê Hạo đồng thanh:
– Đèn ngôi sao?
* * *
Ở hậu viện phủ đệ Điện Tiền Chỉ Huy Sứ. Thu Đào khoanh tay trước ngực, hất mặt lên thật cao tự hào về tác phẩm của mình. Hai chàng trai nhìn cảnh tượng lung linh trước mắt mà không khỏi tán thưởng liên hồi. Lê Tuấn bất giác buộc miệng:
– Nếu trong cung cũng treo nhiều đèn ngôi sao này chắc chắn thái hậu rất thích!
Thu Đào nghe xong liền hỏi:
– Chàng cũng thường xuyên canh gác tẩm điện của thái hậu à!
Lê Tuấn biết mình lỡ lời nên lấp liếm:
– À! Tất nhiên, ta là cận vệ của Hoàng Thượng nên rất hay gặp gỡ thái hậu, bà chắc chắn sẽ thích ý tưởng này của nàng!
Xuân Mai từ nãy đến giờ vẫn còn đang thắp nốt những chiếc đèn treo ở phía đình hóng mát, xong liền chạy đến đứng cạnh Thu Đào hân hoan nói thêm vào:
– Lần này chắc chắn tiểu thư sẽ được ông thưởng!
Thu Đào nhìn khắp một lượt rồi nhận ra mật độ treo đèn thưa thớt hơn lúc sáng, liền hỏi Xuân Mai:
– Sao ta cảm thấy lồng đèn treo hơi ít, lúc sáng nhiều hơn đúng không?
Xuân Mai thưa:
– Là do nhị tiểu thư nói treo nhiều sẽ rối mắt, bảo chúng nô tì tháo xuống bớt, số còn thừa được để ở nhà kho.
Thu Đào thấy hợp lý nên gật gù:
– À! Ta hiểu rồi.
Lúc này nghĩ tới việc được cha thưởng, nhớ đến Nguyễn Đức Trung thì Thu Đào giật thót nhận ra mình đã vì nóng lòng khoe khoang những chiếc lồng đèn mà tự ý bỏ về trước, không thèm báo với cha mẹ. Nàng liền bảo Xuân Mai cùng vài gia nhân lập tức đến Huy Văn Tự báo tin.
– Chết rồi, lần này thế nào ta cũng bị cha mẹ giáo huấn ít nhất ba ngày! – Thu Đào than thở.
Lê Tuấn nghe đến đây liền nghĩ ra cách giúp nàng thoát tội, chàng nói với Xuân Mai:
– Ngươi hãy nói với Nguyễn đại nhân rằng do Lê Tuấn ta hiếu kỳ nên đã buộc đại tiểu thư đưa ta về phủ trước! Tiểu thư nhà ngươi chắc chắn không bị trách mắng!
Thấy lý do Lê Tuấn đưa ra quá sức hợp lý, Thu Đào mừng rỡ reo lên:
– Đúng! Đúng! Đúng! Cũng do chàng chê ta vụn về, làm ta nhất thời bị khích tướng nên suy nghĩ không kỹ! Chàng giải vây giúp ta là đúng!
Lê Tuấn hóm hỉnh chấp tay hành đại lễ thưa với Thu Đào:
– Đúng thưa đại tiểu thư! Tất cả là do ta hết!
Thu Đào khoanh tay hất hàm ra oai.
– Ta rộng lượng tha tội cho chàng đấy!
Lê Hạo nhìn Lê Tuấn gật đầu cười hiểu ý. Xuân Mai tuân lệnh đi ngay đến Huy Văn Tự.
Xong đâu đấy, Lê Tuấn hỏi Thu Đào:
– Nàng còn chiếc lồng đèn nào không? Có thể cho ta vài chiếc mang về treo ở phủ nhà được chứ!
Thu Đào vỗ ngực ra vẻ hào phóng:
– Tất nhiên là còn!
Nói xong thì bảo hai chàng trai đứng chờ, một mình nàng đi đến phía nhà kho ở hậu viện cách đó khoảng mươi mét để lấy những chiếc đèn còn sót lại.
Thu Đào vừa đi được một lúc, Lê Hạo trong lúc chờ đợi đã mở lời nhắc nhở Lê Tuấn:
– Tam ca! Việc thân chinh đi dẹp loạn đảng Bí Cai huynh tuyệt đối đừng bao giờ nhận lời, đánh giặc rất nguy hiểm, và trận đánh này chỉ là việc nhỏ, không nhất thiết phải thân chinh!
Lê Tuấn vỗ vai em trai nói:
– Thật ra đại ca nói cũng có lý, biết đâu vì ta thân chinh mà quân giặc biết sợ đầu hàng, như vậy bá tánh sẽ tránh được nạn can qua, quân sĩ cũng vì vậy mà không phải hi sinh tính mạng!
Lê Hạo nóng lòng ngăn cản thêm:
– Tam ca! Lòng người đa đoan, anh phải luôn đề phòng. Tính mạng quân sĩ bá tánh tuy là quan trọng, nhưng long thể càng quan trọng hơn! Xuất chinh đánh giặc nguy hiểm trùng trùng, lỡ có kẻ gian âm mưu hành thích, huynh sẽ rơi vào vòng vây của chúng ngay!
Lê Tuấn được nhắc nhở mới suy nghĩ đến vấn đề này, nhưng chàng vốn lòng dạ không nhiều mưu mô nên trước nay chưa từng đề phòng ai. Chàng hỏi Lê Hạo:
– Tứ đệ lo lắng ta bị hành thích đoạt vị?
Lê Hạo thấy Lê Tuấn đã hiểu ý nên rất vui mừng:
– Tam ca anh minh! Thù trong giặc ngoài, anh đừng nên quá xem trọng tình thân thủ túc, xưa nay đấu tranh đoạt vị thường do bỏ trưởng lập thứ, huynh đang rơi vào tình cảnh ấy, khó tránh kẻ gian ôm lòng oán hận mà ủ mưu.
Lê Tuấn thấy trước nay Lạng Sơn Vương luôn tỏ ra cung kính, chưa bao giờ để lộ ý đồ gì khả nghi nên được chàng hoàn toàn tin tưởng. Hôm nay được Lê Hạo nhắc nhở, Lê Tuấn cũng cảm thấy đề phòng là điều cần thiết, bèn hỏi thêm:
– Đệ nghĩ ta nên làm thế nào?
Bản thân Lê Hạo hiện giờ cũng đang rơi vào tình thế khó xử, cũng đang vò đầu bứt tai nghĩ cách làm sao ngoài mặt thì nghe theo Nghi Dân để tự bảo toàn bản thân, nhưng bên trong lại có thể giúp đỡ được Lê Tuấn.
Lê Hạo chưa biết phải trả lời Lê Tuấn thế nào thì Thu Đào hai tay cầm bốn chiếc lồng đèn tung tăng chạy đến:
– Nhị vị Lê công tử! Đèn đến rồi đây!
Câu chuyện giữa hai chàng trai tạm thời bỏ ngõ.
Thu Đào cầm một chiếc đèn lên hớn hở nói:
– Để ta thắp thử một chiếc xem có đẹp không!
– Ta giúp nàng!
Lê Tuấn đưa tay đỡ lấy chiếc đèn. Thu Đào cầm con cúi rơm thổi cho bắt lửa, thắp sáng ngọn nến nhỏ rồi cẩn thận cho vào bên trong lồng đèn. Cả ba cùng nhau ngắm chiếc đèn mỗi lúc một sáng lên theo sức cháy của ngọn nến. Lê Hạo nảy ra ý tưởng mới:
– Trong đêm tối cũng có thể dùng đèn này để soi đường đi, vừa sáng vừa đẹp! Ta cũng muốn mang một chiếc về cho mẫu thân!
Thu Đào liền vui vẻ đồng ý:
– Đúng rồi, ta tặng cho hai chàng mỗi người hai chiếc nhé!
– Vậy ta không khách sáo!
Lê Hạo vui vẻ nhận quà. Chàng thấy Thu Đào của hiện tại cũng rất giống với Thu Đào của trước kia, rất hồn nhiên hoạt bát. Bên cạnh nàng chàng luôn cảm thấy tâm hồn thư thái, bao toan tính tranh đoạt tạm thời không còn bủa vây trong tâm trí.
Ngọn nến trong lồng đèn cháy mỗi lúc một to, Thu Đào sợ sẽ cháy mất đèn nên ghé sát mặt lại xem, định cho tay vào ngắt bớt tim nến thì bất thình lình ngọn lựa phụt lên cao rồi nuốt trọn cả chiếc đèn, lửa táp hẳn vào mặt Thu Đào khiến nàng giật mình kêu lên:
– Á!
Lê Tuấn nhìn thấy nguy hiểm nhanh như cắt ném luôn chiếc đèn xuống đất rồi kêu lên:
– Cẩn thận!
Chàng kéo Thu Đào vào lòng, cởi áo khoát ngoài dập lửa. Nhưng không may ngọn nến cứ như gặp đúng vật bắt lửa, cháy luôn cả ống tay áo của Lê Tuấn. Lê Hạo cũng lao vào đá chiếc đèn văng ra xa, và cũng dùng áo khoát ngoài dập lửa giúp Lê Tuấn.
Cuối cùng ngọn lửa cũng bị dập tắt, Lê Tuấn vội vàng dùng hai bàn tay nhẹ nhàng nâng mặt Thu Đào lên xem có thương tích gì không. Chàng cẩn thận nhìn vào gương mặt nàng một lượt, hơi thở phà vào mặt làm những sợi tóc mai của Thu Đào hết bay lên rồi đáp xuống trên trán. Thu Đào từ từ mở mắt ra, thời gian như ngưng đọng trong khoảnh khắc hai đôi mắt nhìn vào nhau. Mãi một lúc Thu Đào mới như bừng tỉnh lại và ý thức được khoảng cách khá gần gũi giữa mình và Lê Tuấn nên vội đẩy chàng ra. Lê Tuấn cũng hiểu ý nên hỏi trớ đi để chữa thẹn cho nàng:
– Nàng không sao chứ!
Thu Đào ngượng ngùng đáp:
– Ta không sao!
Lê Hạo lúc này đã phát hiện ra lông mày và một mảng tóc ở thái dương bên trái của Thu Đào đã bị cháy xém, da cũng đỏ ửng lên vì bị lửa táp. Chàng đưa tay chỉ vào và nói:
– Còn nói không sao à? Trán bị bỏng đỏ ửng hết lên rồi đây!
Lê Tuấn sốt ruột lần nữa không ngần ngại kéo Thu Đào lại gần để xem cho kỹ. Chàng đưa ngón tay lên xoa nhẹ nhàng lên vết bỏng rồi thở dài xác nhận:
– Đúng là mặt nàng đã bị bỏng rồi!
Thu Đào lúc này cũng đã cảm giác được một chút nóng rát nên đưa tay sờ thử:
– Á! Rát quá!
Lê Tuấn vì quá lo lắng nên lại lỡ miệng:
– Đừng lo, trong cung có rất nhiều thuốc tốt, ngày mai ta lập tức sai Đào Biểu mang đến cho nàng!
Thu Đào nghe xong cảm thấy Lê Tuấn bốc phét quá nên tranh thủ cạnh khoé:
– Một tên thị vệ mà dám định lấy thuốc của hoàng cung mang ra ngoài, chàng nghĩ bản thân mình có mấy cái đầu cho Hoàng Thượng chém mà ngông cuồng như vậy!
Lê Hạo chen vào cứu nguy cho anh trai:
– Biểu huynh tuy là thị vệ nhưng phụ thân là trọng thần của triều đình, hơn nữa lại theo hầu Hoàng Thượng từ nhỏ, lời nói cũng có thể sai khiến được các vị công công Nội Phủ Giám đấy!
Thu Đào nhìn Lê Tuấn nghi hoặc nhưng chàng đã đáp lại với khẩu khí chắc nịch nên nàng mới tạm tin:
– Đúng vậy! Ngày mai ta mang thuốc đến cho nàng!
Lê Hạo nhìn gương mặt bị cháy xém của Thu Đào thì vừa thương lại vừa buồn cười, chàng nhớ đến việc lúc trước nàng đốt trầm hương nhưng không cẩn thận làm cháy lan ra màn cửa và giá sách, hại chàng bị cháy rụi mất quyển “Lý Bạch Thi Tập”. Sau đó để chuộc lỗi, Thu Đào đã đích thân chép lại tập thơ đó tặng cho chàng, cuối trang còn không quên vẽ đóa hoa đào biểu thị cho tên của mình, như nhắc chàng mỗi lần đọc đều phải nhớ đến nàng.
Lê Hạo bất giác buông lời bông đùa:
– Hễ nàng đụng đến lửa thì không cháy nhà cũng cháy xém cả tóc tai mặt mũi, ai mà dám giao trọng trách cho nàng thì quả thật dũng cảm vô cùng!
Thu Đào vẫn không chịu thua, vẫn huênh hoang ra vẻ anh hùng:
– Nếu sợ ta làm hỏng việc, thì cứ để chính ta chịu trách nhiệm là được, ta sợ phạt tự khắc sẽ cẩn thận lại thôi!
Thu Đào nói xong thì đứng dậy đi đến chiếc lồng đèn đã bị cháy rụi, nàng nhặt lên xem và thắc mắc:
– Sao lại dễ bắt lửa quá vậy? Những chiếc khác đang treo vẫn bình thường đó thôi!
Thu Đào đang lay hoay tìm hiểu nguyên nhân vụ “tai nạn” của mình, thì trong lúc đó, đầu óc tài năng của Lê Hạo đã nhờ vào câu nói vô tình “chính ta chịu trách nhiệm” của nàng mà nghĩ ra một đối sách vẹn toàn. Đôi mắt chàng sáng lên nhìn Lê Tuấn phấn khởi:
– Biểu huynh! Xem ra nếu như sợ nàng làm sai, thì cứ bắt chính nàng chịu trách nhiệm là được!
Lê Tuấn nghe xong hiểu ngay, chàng gật đầu mỉm cười hài lòng:
– Tứ đệ nói đúng, cứ bắt nàng chịu trách nhiệm sẽ tự khắc biết cân nhắc!
Thu Đào nghe hai người nói cái gì mà “bắt nàng chịu trách nhiệm” nên cảm thấy chột dạ, mặt đần ra hỏi:
– Gì chứ! Ta phải chịu trách nhiệm gì?
* * * Hết chương 10 —-
Chú thích:
1. (*) Lý Bạch: Là một trong những nhà thơ theo chủ nghĩa lãng mạn nổi tiếng nhất thời Thịnh Đường của Trung Hoa.