Chương 6: Dự tiệc (Thượng)
– Dạ em chào chị hai, chị hai đến có chi dạy bảo. – Ta cuối đầu lễ chào, Huỳnh Khánh Ngọc được con hầu dìu ngồi xuống ghế, nhếch mép nhìn ta
– Học mới có mấy ngày, đã kết bè kết lũ rồi à?
Lòng ta chấn kinh một lúc, vội giả ngu giả ngốc
– Chị hai nói gì, em thực lòng không hiểu
– Còn nói không hiểu, mày kết thân với cô Yên huyện Bồng, đến chốn yến tiệc để so bì với chị em tao hử? Hạn như mày mà cũng đòi đến nơi sang trọng như thế sao?
– Xin chị đừng nói lời ác. Em tự biết thân phận mình không thích hợp đến nơi yến tiệc, nhưng đây là chị Yên thưa với mẹ, em nào dám cãi. Nếu chị không vừa ý, em sẽ đến bẩm bà nói rằng em không đi nữa. – Nói rồi ta hướng mũi chân ra cửa, định rời đi, liền bị chị ta kéo tay giật lại, giọng con nít chanh chua lanh lảnh
– Tao nói cho mày biết, mày liệu hồn thì ngoan ngoãn biết điều, so bì với tao, tao thưa mẹ tao, đuổi hai mẹ con mày ra khỏi nhà. Mày đến chốn yến tiệc, đừng có làm mất mặt tao và chị Đoan.
Mẹ của chị Yên đã mở lời, quan bà đã gật đầu cho phép ta đi. Nếu giờ lại nuốt lời, người ngoài nhìn vào sẽ cho rằng quan bà ỷ thế ức hiếp dì nhỏ, thiên vị con đẻ của mình. Hình tượng đoan chính, chuẩn mực xây dựng bấy lâu liền bị lây động. Biết tính nết của đứa con ngốc này, chắc chắn quan bà đã răng đe chị ta một trận, chị ta mới hậm hực đến đây.Ta tiễn bà chị này đi mà không khỏi mệt mỏi. Chị ta có lớn xác, nhưng chẳng thể bì với chị ruột của chị ta, chính là một kẻ điển hình “đầu nghĩ gì, miệng nói nấy”. Lòng không vui liền muốn đến mắng ta một trận. So với điệu bộ già trước tuổi của ta, chị ta mới đúng là một đứa trẻ.Đêm đến, mẹ ta chong đèn, bà cầm một lọ tinh dầu bưởi, thoa lên mái tóc của ta, miệng phát ra tiếng thở dài não nề
– Con đừng trách mẹ không có tiền đồ…mẹ đã dặn con đi học đừng quá nổi bật, vậy mà chưa đầy mấy ngày, đã có một con rồng* đến đây mời con đi dự tiệc.
– Oan quá đi, mẹ à, con thực sự sắp biến thành người vô hình trong lớp rồi, thở cũng không thở mạnh, thế mà chị ta cứ thích con. Còn nói gì mà “bình lặng như nước” – ta nói như mếu, thực sự là oan uổng quá mà.
– Mẹ chỉ sợ bà cả… – bà không nói hết câu, chỉ nhìn về phía gian nhà chính sáng đèn, trong mắt toàn là e dè, bàn tay đang chải tóc cho ta cũng dừng lại.
Lần đầu ta ra ngoài, lòng bà không khỏi lo lắng. Bà mẹ trong thiên hạ này, bà nào không như thế. Nhưng mà, sức người có hạn, dì nhỏ như bà, làm sao có thể đến được chốn yến hội mà bảo vệ, quan sát con cái của mình. Bà biết bà cả sẽ không hãm hại một đứa con thứ không hề có uy hiếp như ta, nhưng nếu ta lỡ gây họa, chắc rằng bà cũng sẽ không bảo vệ. Trăm lo, ngàn lo đều hiện rõ trên mặt mẹ ta. Thương thay cho các bà mẹ trong thiên hạ.
*ý chỉ rồng trong câu “rồng đến nhà tôm“.
Mẹ ta tuy là dì nhỏ, nhưng cha cũng từng là một thám hoa, trong nhà quy củ không hề qua loa, thêm vào đó bà Lệ dạy bảo rất nghiêm khắc. Mẹ ta căn dặn đủ điều từ đi đứng ra sao, hành lễ thế nào, chuyện gì nên nói, chuyện gì nên giữ. Đặc biệt là đứng sau hai chị, ngồi sau hai chị, ăn sau hai chị, nói sau hai chị. Có được sự dạy dỗ này, ta không sợ lúng túng trong đám tiệc, cũng không sợ làm gai mắt bà lớn. Chỉ là lần đầu tiên được dự tiệc, ta không khỏi vui mừng lẫn lo sợ.Bà cả sợ ta ăn mặc qua loa, làm mất mặt gia đình, liền cho người cấp tốc may cho ta một bộ giao lĩnh màu anh đào, bên trên có thêu vài con bướm, sinh động vô cùng. Ngoài ra còn có một cái yếm đỏ, một thắt lưng lụa, một đôi hài tơ. Tuy không đẹp bằng y áo của hai chị, nhưng đối với đứa trẻ không được yêu thích như ta, đây là bộ trang phục đẹp nhất mà ta từng mặc. Ngày ta chạm vào sự mềm mại của tơ lụa, đáy lòng dấy lên một cảm giác kì lạ. Kì thực hai mùa mưa nắng, bà lớn đều cho người mang đến đồ mới, nhưng chẳng được đẹp đẽ như thế này. Đứa bé gái nào nhìn thấy áo quần đẹp mà không vui sướng cơ chứ. Đêm ta nhận được áo quần mới, liền ôm chúng vào lòng mà chìm vào giấc ngủ.
Dì Hoa nhìn đứa con tội nghiệp của mình, bà quay đầu đi, trong mắt toàn là nước.