Chương 37: Kinh thành Thăng Long
- Trang Chủ
- Gả Cho Nam Nhân Bệnh Lại Là Phúc Của Ta - Lạc Ngôn
- Chương 37: Kinh thành Thăng Long
Đêm trên biển, trăng tròn vành vạnh cùng hàng vạn ngôi sao nhỏ phát ra ánh sáng mờ ảo. Ta ngồi trên mũi thuyền, dõi mắt về phía xa xăm lòng chi mong có thể nhìn thấy thuyền phủ Huỳnh. Cũng chỉ là cô bé mấy tuổi, lần đầu rời xa gia đình vô cùng sợ hãi. Mẹ của ta chắc chắn đang đau khổ vô cùng, sức khỏe bà vốn đã không tốt nay nghe tin ta không may rơi xuống biển, chắc chắn sẽ sinh bệnh héo úa. Ta tự mình hỏi, đêm đó rốt cuộc là ai rắp tâm hãm hại, là Phạm Diệu Hằng đó hay sao. Là dì ta ôm hận sau trận thầy giả thầy thật kia, nên mới muốn giết chết ta. Đang miên man trong suy nghĩ, bỗng có một tầng lông ấm áp phủ qua người. Ta ngước nhìn thiếu niên trước mặt đang khoác cho ta chiếc áo Hồ cừu màu bạc quý giá.
– Đêm lạnh, em không nên ở đây lâu – Hắn nói xong liền quay gót rời đi
– Ta rất nhớ mẹ ta…ta cũng rất sợ… – Ta vùi mặt vào lớp lông hồ ly nhàn nhạt mùi trầm hương ấm áp, vai khẽ run lên
Tiếng bước chân của người kia nhỏ dần rồi dừng hẳn. Hắn tiến về phía ta, thở dài một hơi, nhẹ nhàng an ủi
– Đừng buồn, còn sống quay về chính là tốt nhất!
– Ta rất sợ…ta không biết bơi…toàn thân ta bị nhấn chìm trong nước…nước biển tràn vào mắt, vào miệng, vào mũi ta…rất lạnh…rất khó thở – Ta gục đầu vào gối, lớp áo cừu phủ lên khắp người, toàn thân run rẩy, ta cũng chỉ là một cô bé – Ta kêu cứu nhưng chẳng ai nghe thấy…ta cứ nghĩ mình sẽ chết…
Trần Thành chần chừ một lúc rồi đưa tay về phía Khánh Mai, qua một lớp lông dày ấm hắn nhẹ nhàng xoa xoa tấm lưng bé nhỏ. Hắn không giỏi an ủi người khác, chỉ lặng im bên cạnh nàng suốt một đêm, dùng sự kề cận mà vỗ về nàng. Hắn không phải là kẻ ngu ngốc, hắn hiểu những gì nàng nói, kì thực hắn và nàng không phải là cùng một loại người trong xã hội. Đối với những người ở tầng lớp dưới như nàng, sự quan tâm của hắn chính là uy hiếp. Hắn hiểu không nên lại gần nàng nhưng hắn không nhịn được, nhìn thấy nàng liền muốn nói vài câu, trêu nàng giận dữ, dỗ nàng tươi cười. Thế là hắn dứt khoác nhốt mình trong phòng, đợi thêm mười mấy ngày về đến Thăng Long liền cho người đưa nàng về phủ. Cuối cùng hắn cũng không làm được. Trần Thành đứng trên khoang thuyền, nhìn thấy cô bé ngày nào xinh xắn mập mạp nay khép nép ốm yếu ngồi trên mũi thuyền. Ánh trăng nhàn nhàn soi rọi gương mặt nhỏ nhắn của nàng làm cho đôi mắt đọng nước long lanh như thủy tinh lấp lánh. Nàng không xinh đẹp như những công chúa, tiểu thư hắn từng gặp nhưng lẫn giữa đám đông chỉ nhìn bóng lưng nàng hắn cũng có thể nhận ra. Nhìn thấy sự cô tịch của nàng hắn không nhịn được mà khoác cho nàng tấm áo.
Lênh đênh thêm mười mấy ngày, cuối cùng vào một ngày cuối đông, thuyền của Uy Dũng Quốc công cũng về tới kinh thành. Thuyền đi dọc bờ sông Hồng tiến vào thành Thăng Long. Ta nhịn không được những âm thanh nhộn nhịp, tấp nập ùa vào tai, cứ cố gắng nhìn ra phía ngoài từ lỗ nhỏ trên cánh cửa. Họ Trần trông thấy dáng vẻ đứng ngồi không yên của ta liền bật cười sau đó căn dặn Hoài Nhi chuẩn bị cho ta y phục hầu gái, kín đáo theo hắn ra ngoài khoang thuyền.
Hai bên bờ sông hồng là những cánh đồng cỏ lau dài bất tận. Sáng sớm, những tia nắng lấp lánh phản chiếu trên những bông lau trắng muốt tạo nên khung cảnh nên thơ vô cùng. Sông Hồng trải dài xuyên suốt lộ Đông Đô, nước sông nhiều phù sa, tạo nên màu phớt hồng đục đục. Hơi sương sớm se se lạnh, Trần Thành khoang khoái trong lòng, đứng ở mũi thuyền ngâm một khúc thơ
“Hồng giang nhất đái thủy như nê
Than thủy huyền lương dũng hạ đê
Khứ lộ bằng phong tam nhật viễn
Quy châu nhật ảnh vị hàm tê”
Dịch thơ:
“Sông Hồng dài một dải
Nước đục tựa bùn pha
Thác trên cao đổ xuống
Dốc đứng như mái nhà
Kéo buồm lên đón gió
Đi mất ba ngày xa
Thuyền về thuận dòng nước
Ngâm hết bài thơ hay, hắn nghiên đầu nhìn ta, gương mặt lộ nét tự mãn. Ta gật đầu mỉm cười với hắn nhưng hắn không hài lòng, vẫn dùng ánh mắt mong chờ nhìn ta, ta đành phải khen một câu “học cao hiểu rộng”, hắn vui vẻ phe phẩy quạt giấy tiếp tục ngắm cảnh.
Đi thêm hơn nữa ngày đường, chúng ta chạm đến kinh đô Thăng Long. Vua Lý Thái Tổ của triều đại trước thấy được điểm mạnh của nơi này liền ra chiếu dời đô. Trong chiếu ông có viết đây là nơi tụ hội quan yếu của bốn phương có vùng mặt đất rộng mà bằng phẳng, muôn vật tươi tốt và phồn thịnh, ta thấy quả không sai. Kinh đô thắng cảnh phồn hoa, người xe ra vào tấp nập. Bố cục thành rất nghiêm chỉnh, những bức tường thành cao lớn, uốn lượn theo thế đất, kiến trúc hùng vĩ độc đáo. Thành có ba phần ngoại, trung, nội được phân chia cho dân chúng, quan lại và vương tôn quý tộc. Khắp đường phố nhộn nhịp tấp nập, tiếng các ông chủ sạp hàng hô rao, tiếng cười nói vui vẻ từ mấy tửu lâu. Xen trong đó là tiếng reo hò xem tạp kĩ, mải võ bán thuốc, tiếng í ới của sân khấu hát kịch hát tuồng. Những ngôi nhà giàu có phú quý, mái ngói đỏ tươi, sơn son thếp vàng làm thiếu nữ thôn quê không khỏi kinh ngạc. Ta ngồi trong xe ngựa của phủ Quốc công, ngắm phố phường tấp nập, miệng không khỏi xuýt xoa “đúng là nơi mà vua chúa ngự”. Chúng ta đi ngang qua một kĩ viện, ngoài tiếng nam nữ cười đùa còn vang lên tiếng cãi nhau chí chóe. Ta vén rèm cửa nhìn, Trần Thành gõ vào thành xe cộc cộc ba tiếng, phu xe liền dừng lại. Bên ngoài một tên đàn ông mặc áo lụa vàng đang vung roi quất ngựa đánh vào một người phụ nữ lớn tuổi đang quỳ dưới đường, ôm đứa bé gái trong lòng, luôn mồm mắng chửi. Họ Trần ra hiệu cho một tên thị vệ, hắn đi một lát liền quay lại, khom người báo
– Bẩm công tử, tên nọ là con trai của một phú thương, hắn muốn nạp cháu gái bà lão về làm vợ lẽ, bà ấy không chịu, hắn liền như thế
Ta khẽ nhíu mày, dưới chân thiên tử lại có kẻ xằng bậy thế này sao. Trần Thành quay sang nhìn ta, khẽ mỉm cười, gương mặt tuấn tú dưới ánh sáng mờ nhạt càng làm hắn mị hoặc.
– Có muốn ra tay không?