Chương 31: Khởi hành
Trước khi rời đi, hầu như có thời gian rảnh rỗi, ta và Hồng Yên đều ở bên nhau. Nhớ lại phút đầu gặp mặt, ta còn muốn tránh cô nàng càng xa càng tốt, vậy mà bây giờ không nỡ lìa xa. Cô chiêu Yên căn dặn ta đủ điều, sợ ta lần đầu đi thuyền có thể dẫn huyễn vậng* liền mang cho ta thật nhiều trà gừng. Ngày đó ở bến thuyền, ta cầm tay nàng ấy, quyến luyến không thôi. Hai cô bé nước mắt ngắn dài, siết tay nhau thật chặt
– Em nhất định phải viết thư về cho ta đấy!
– Đến kinh thành rồi…em nhất định sẽ viết thư về cho chị…chị yên tâm!
Nàng Yên sụt sùi, tháo đôi vòng tay bằng ngọc thạch xuống, chia cho ta một cái, nghẹn ngào nói
– Vòng ngọc một đoi, ta gửi cho em một chiếc, sau này nhất định phải trả cho ta, phải quay về gặp ta đấy! Bằng không ta đến kinh thành đánh chết em…
Thuyền rời bến, trôi theo con nước, ta đứng trên mạn thuyền nhìn về phía đất liền, vẫn thấy một cô bé thân áo viên lĩnh đỏ rực đứng trông theo. Hồng Yên chính là người bạn, người chị đầu tiên của ta trên đời này. Là người ta có thể trêu chọc cười đùa, là người ta có thể dựa dẫm yếu đuối, là người ta có thể tin tưởng nhờ cậy. Giờ đây rời xa chốn thân thương này, không biết ngày gặp lại, lòng ta đau như ai xé. Chẳng biết nơi kinh đô phú quý tấp nập đó, có lấy một tâm hồn đồng điệu với ta không, hay chỉ toàn là mưu tính dối lừa.
*Huyễn vậng (tên gọi trong đông y): say sóng – huyễn nghĩa là hoa mắt, nhìn không rõ, tưởng thật mà không có thật, vậng nghĩa là đầu óc choáng váng như say, mắt tối sầm xây xẩm, ngã nhào
Cho đến khi quan ông ra lệnh khởi hành, ta mới nhìn thấy người chị Khánh Ngọc. Chị ta như ốm đi hẳn một vòng, trở nên mảnh mai, lả lướt. Khánh Ngọc nhìn ta một lời cũng không nói, vòng qua ta mà tiến thẳng lên tàu. Thuyền gỗ khâu, đáy mê, buồm tứ giác to lớn đồ sộ, trên thuyền có một gian lớn cho người ở gồm sáu phòng, bên dưới khoang thuyền dùng để chứa đồ đạc, của cải. Quan bà cẩn thận, những của cải có thể đổi thành tiền, đều đem đổi sang tiền giấy, giữ bên người. Người hầu nào muốn ở lại Thuận Hóa đều được trả về cho gia đình, chỉ có số ít đi theo, e rằng lên kinh chuyến này lại phải mua thêm tốp người mới.
Ta đứng trên mạn thuyền, ngắm nhìn đất trời rộng lớn, biển cả bao la. Thỉnh thoảng lại nhìn thấy một con cá ông* lớn trở mình đập nước. Bao bọc đoàn thuyền là màu xanh man mát dễ chịu của trời mây, sóng nước. Trên trời mấy con hải âu, mòng biển chao lượn thành hình mũi tên, hình cánh quạt, có con rớt lại phía sau, tạo thành một dấu chấm nhỏ. Không khí của tự do khoan khoái dễ chịu. Đám thuyền phu thấy cô gái nhỏ xinh xắn đáng yêu, không nhịn được mà cười vang. Họ kéo căng buồm lớn, tiếng dô ta hồ hởi nối tiếng hò khoan vui tai. Những người đàn ông miền biển rắn chắc, làn da rám nắng đen nhẻm, hàm răng cũng đen nốt, thoạt đầu trông khá đáng sợ, nhưng nghe họ trò chuyện lại rất chất phát thật thà. Ta đứng mạn phải họ sẽ dồn qua mạn trái, ta đứng mũi tàu họ sẽ ra phía đuôi tàu, giữ cho ta tôn nghiêm, danh tiết.
*Cá ông: cá voi, cá nhà táng
Dì Hằng từ lúc lên tàu liền quấn chặt lấy quan ông không tha, bao nhiêu tuyệt chiêu lợi hại đều tung ra cả, tiếng đàn ca ngân nga trong trẻo khắp khoang thuyền. Cha không đến, mẹ con ta cũng không buồn phiền, ngày ngày an hưởng tự do tự tại. Em Khải nói được dần rõ ràng hơn, miệng luôn hỏi cái này cái kia. Mẹ ta chỉ dạy cho nó kiến thức, còn ta chỉ dạy cho nó cách nịnh nọt lấy lòng. Ôi không phải là ta dạy hư thằng bé đâu nhé! Đây chẳng qua chỉ là chút tiểu xảo sinh tồn mà thôi. Khuôn mặt trắng trẻo bụ bẫm, má hồng phúng phính, đôi môi mọng chu chu như chuột nhỏ, lại biết nói lời lấy lòng vui tai, kì thực làm không khí vui không tả nổi. Quan ông có đến đôi lần, thằng bé dính chặt gọi cha, làm nũng mè nheo, quấn quít không rời. Ông cười ha hả vỗ về nó, khen nó thông minh lanh lợi, so với cậu Khôi ít nói ít cười, đáng yêu hơn nhiều. Ngược lại với sự hào hứng thích thú của bọn trẻ, dì Hoa bị huyễn vậng, hoa mắt chóng mặt, nôn lên nôn xuống. Bà nằm trên giường mệt nhọc, khóc không thành tiếng. Ngồi thuyền hơn một tháng mới đến được Đông Đô, lúc đó chắc bà chỉ còn là cái xác khô mất. Bởi lẽ hơn ba ngày qua, bà chẳng ăn uống được gì. Một thuyền phu biết chuyện, đứng ở đầu thuyền cười ha ha, nói lớn một một thuyền phu khác, cốt để ta nghe thấy “Này, say sóng chỉ say vài ngày thôi, qua vài ngày quen rồi liền hết, đừng sợ không ăn được cơm”. Lúc này mẹ con ta mới yên lòng.