Chương 16: Tự quân chi xuất hĩ (Từ thuở chàng ra đi)
- Trang Chủ
- Đời Có Phan An - Liễu Ức Chi
- Chương 16: Tự quân chi xuất hĩ (Từ thuở chàng ra đi)
Biên tập: Mày là bố tao
Mấy ngày gần đây, Dương phủ bắt đầu tích trữ rau. Sau khi được thu hoạch, rau tươi sẽ được phơi trong sân, treo gió rồi cất giữ.
Từ trên gác mái nhìn xuống, gia nô đang bận rộn. Họ đang phơi khô rau củ.
Dương thị xem vải vóc ở trên gác lửng, còn Dương Dung Cơ tắm nắng ở bên cạnh bà.
Dương thị đột nhiên nói: “Đã gần nửa năm rồi, nên đưa Dương Nhứ về nhà một chuyến. Dạo này, mẫu thân của con bé là Trương nương tử luôn lải nhải bên tai ta, nói là hay mơ thấy a Nhứ”.
Ban đầu Dương Dung Cơ tưởng là Trương nương tử của cửa hàng son phấn, sau đó mới vỡ lẽ, đây là Trương nương tử – thiếp của phụ thân.
Ấn tượng của nàng với Dương Nhứ dừng lại lần gặp mặt không mấy vui vẻ vào mùa xuân, cũng không biết hiện tại nàng ta như thế nào.
Vì thế, nàng đáp: “Vậy mẫu thân cứ phái người đi ạ”.
Dương thị rút một cuộn vải, đưa cho Dương Dung Cơ: “Dung nhi, con mang cái này đến phường may, bảo họ may y phục theo kích cỡ của Dương Nhứ”.
“Dạ.”
Y nhi và Dương Dung Cơ đi đến phường may, thuận đường ghé vào cửa hàng son phấn. Trương nương tử hớn hở nói vừa mát trời, cửa hàng đã bán đắt như tôm tươi, bà ấy còn nhân tiện làm thêm son để bán. Chỉ trong vòng vài ngày đã thu về hàng trăm lượng bạc.
Dương Dung Cơ nói: “Vừa nãy, lúc đi ngang qua nhà Trương thợ mộc, tôi phát hiện hắn đang đốt rất nhiều gỗ vụn. Chi bằng chúng ta mua lại đống phế liệu đó rồi nhờ hắn làm những hộp gỗ tinh xảo, đặt son môi, phấn má và bột kẻ chân mày vào trong đó để bán, lại để thêm một cây trâm cũng được làm từ gỗ vụn. Hiện giờ đang là mùa hoa mộc, vậy chúng ta khắc đóa hoa mộc nhỏ xinh lên cây trâm”.
Lần đầu tiên Trương nương tử được nghe cách thức mới lạ như vậy, vội vàng đồng ý, sai người đi làm.
Ra đến chợ, một đoàn xe ngựa lướt qua trước mặt, vó ngựa kêu lộc cộc, vết bánh xe hằn lên con đường lát đá xanh.
Cạnh đó có một con ngựa phi nước đại, người đưa thư đã trở lại.
Dương Dung Cơ vui vẻ nói: “Y nhi, chúng ta đi dịch trạm xem thử, có lẽ thư của phụ thân về đến nơi rồi”.
Quả thật có thư của Dương Triệu, Dương Dung Cơ cẩn thận để vào vạt áo, vội vàng đi về nhà.
Chiếc xe vừa gặp ở trên đường dừng lại trước cổng Dương phủ, Dương Dung Cơ dừng chân.
Một đôi tay vươn ra từ màn xe, nhẹ nhàng vén rèm lên.
Là Dương Nhứ đương độ xuân thì.
Chẳng phải mẫu thân vừa cho người kêu Dương Nhứ về nhà sao, không thể về nhanh vậy được.
Nàng cẩn thận tiến lên, thấy Dương Nhứ được đỡ xuống xe ngựa, dáng người gầy yếu đi về phía Dương phủ.
Dương Dung Cơ trông thấy xa phu trở về xe ngựa, chuẩn bị rời khỏi Dương phủ.
Nàng đi lên hỏi: “Xin hỏi xa phu đến từ phương nào?”.
Xa phu trả lời: “Tôi đến từ Vương gia ở Chu Sơn”.
“Cớ sao vậy?”
“Vương Nhiệm Hộ của Vương gia ra đi vì bệnh tật, tôi đưa cô nương trở về nhà theo ý của bà chủ.”
Xa phu giải thích xong liền rời đi, tiếng bánh xe như đang đè nặng lên trái tim Dương Dung Cơ.
Tới chủ viện, Dương Nhứ quỳ trên mặt đất bi thương kể chuyện, tuy đã lạc cả giọng nhưng nước mắt không rơi lấy một giọt.
Bấy giờ Dương Dung Cơ mới phát hiện ra nàng ta mặc y phục sắc trắng, cài đóa hoa trắng trên tóc.
Dương thị ngồi trên giường, thở dài, hỏi nàng ta: “Vì sao ở nhà còn chưa nhận được tin tức mà họ đã đưa con về Dương phủ?”.
Dương Nhứ đáp: “Con đã gửi thư cho dịch trạm. Có thể do người đưa thư gặp phải chiến sự nên bị trì hoãn, vì vậy, con đã về đến nhà nhưng bức thư còn chưa đến nơi”.
Nàng ta bỗng ôm mặt, đau xót: “Nhiệm Hộ đối xử với con rất tốt. Tuy con là đũa mốc chòi mâm son, chàng lại chưa từng khinh thường con. Giờ đây chàng đi trước, con lại không thể làm được gì, chỉ có thể trơ mắt nhìn chàng bị Vương gia xóa tên khỏi gia phả, không thể vào từ đường”.
Dương thị đỡ nàng ta dậy: “Mẫu thân con còn chưa biết, con sửa soạn rồi ăn uống nghỉ ngơi đi, hẵng đi gặp mẫu thân con”.
“Tạ ơn phu nhân.”
Dương Nhứ bước tới cửa thì đụng phải Dương Dung Cơ, nàng ta chẳng nói chẳng rằng đi ra khỏi viện.
Dương thị đứng ngây người trước cửa sổ, Dương Dung Cơ lại gần, hỏi: “Mẫu thân, phu quân của Dương Nhứ làm sao vậy ạ? Tại sao Vương gia phải đưa Dương Nhứ đưa về nhà?”.
Dương thị lui lại mấy bước, bám tay vào bàn, trả lời: “Vì Nhiệm Hộ dìu dắt con cháu nhà nghèo. Bản thân hắn vốn tài cao học rộng, có tài kinh bang tế thế, con cháu nhà nghèo kia cũng là người tài ba, được thăng quan tiến chức, do đó làm phật lòng tầng lớp quý tộc. Bọn họ cảm thấy quyền lợi của mình bị đe dọa nên âm thầm tạo áp lực khiến Vương gia ở Chu Sơn trục xuất Nhiệm Hộ khỏi gia môn. Con cháu nhà nghèo kia thấy thế liền tự vẫn bằng ngũ thạch tán, Nhiệm Hộ bi ai đến cùng cực, hộc máu rồi ngất đi, mấy ngày sau cũng không qua khỏi… Vương gia tức khắc sai người đưa Dương Nhứ về nhà”.
Không có quan lớn xuất thân hàn gia, không có quan nhỏ xuất thân thế gia. Rốt cuộc Dương Dung Cơ cũng hiểu đây không phải là một câu nói suông. Vì quyền lợi của bản thân, thế gia sẵn sàng bạc bẽo đến vậy.
“Nhiệm Hộ là một chàng trai tốt. Dương Nhứ không phải đứa tốt tính, đôi khi ngay cả phụ thân con còn không chịu được, vậy mà Nhiệm Hộ có thể luôn bao dung con bé, đáng tiếc…”
Dương Dung Cơ lặng người đi một lúc, sau đó mang thư của phụ thân ra, Dương thị cuối cùng cũng không còn nhíu mày nữa.
“Dung nhi, con dặn phòng bếp mang canh cho Dương Nhứ, con bé đã khóc quá nhiều, chỉ sợ không có tâm trạng để ăn uống.”
“Vâng.”
Đầu bếp nữ không chuẩn bị món canh, Dương Dung Cơ thấy có vô số cây đông quỳ mọc quanh phòng bếp.
Trong “Thập ngũ tòng quân chinh” có câu “hái đông quỳ làm canh”.
Quỳ ở đây không phải hoa hướng dương (nhật quỳ) hay đậu bắp (thu quỳ), mà là loại rau dền xanh lá tròn, thân dài.
Dương Dung Cơ hái rất nhiều, sau đó rửa sạch sẽ, nấu thành canh.
Xong xuôi, nàng chợt nghĩ, không biết phụ thân đang chinh chiến có được ăn rau đông quỳ không.
Dương Nhứ về nơi mà nàng ta từng ở thời con gái, nô tỳ từng hầu hạ nàng ta cũng về Dương phủ theo.
Vừa đến cổng viện, Y nhi đã ngăn cản Dương Dung Cơ, tự mình bê canh, đi đằng sau Dương Dung Cơ.
Chắc nàng ấy lo Dương Nhứ hoạnh họe.
Dương Dung Cơ nhẹ nhàng nói: “Y nhi, để ta tự vào”.
Y nhi nhíu mày, nhưng vẫn nghe lời nàng.
Dương Nhứ ngồi thất thần trước cửa sổ, trong viện nàng ta có một cây ngô đồng, hiện giờ cành cây đã trơ trụi.
Đề thơ của Phan An chính là… một cây thu.
Nàng bước vào, nô tỳ Dương Nhứ thấy là Dương Dung Cơ thì hơi bối rối, Dương Dung Cơ mỉm cười, đặt khay lên bàn.
Bấy giờ Dương Nhứ mới hoàn hồn.
Dương Dung Cơ không nói gì, lặng lẽ lui ra.
Dương Nhứ đi đến bên bàn, cầm muỗng múc canh, nước mắt nhỏ vào bát canh.
Dương Triệu chưa bao giờ nhắc đến tình hình chiến sự trong thư, luôn nói bản thân vẫn khỏe.
Vương Nhiệm Hộ chẳng qua là vật hi sinh trong cuộc chiến giữa các thế lực, dù sao đó vẫn là sự ra đi vì cuộc đấu tranh chính trị.
Dương thị đi đi lại lại trước cửa sổ, định bụng chờ Dương Triệu trở về sẽ bảo ông tìm cơ hội để từ quan. Hiện giờ hai luồng thế lực cũ và mới phức tạp đan xen, phỏng chừng tân đế sẽ lên ngôi trong hai năm tới.
Quan trường như chiến trường.
Sau khi quyết định, tinh thần của Dương thị thả lỏng hơn hẳn, bắt đầu viết thư. Đầu tiên là kể chuyện lớn, chuyện nhỏ trong nhà, đến khi viết đến tên của Dương Nhứ, bà lại gạch đi, tạm thời cứ che giấu chuyện này đã.
Từ ngày Dương Nhứ về phủ, dường như nàng ta trưởng thành hơn trước rất nhiều. Sau khoảng thời gian bi sầu, hiện giờ nàng ta đã có thể cười đùa với Trương nương tử, thậm chí nàng ta còn cho Dương Dung Cơ không ít món đồ nhỏ đến từ Chu Sơn. Dương Nhứ hùng hổ của xưa kia đã biến mất chỉ sau một đêm.
Dương Dung Cơ nhận được đề thơ thứ sáu của Phan An.
Tự quân chi xuất hĩ.
Là một câu thơ của Từ Cán.
Tự quân chi xuất hĩ, minh kính ám bất trị.
Tư quân như lưu thuỷ, vô hữu cùng dĩ thì.*
*Trích từ tuyển tập thơ “Thất tư” của Từ Cán được viết vào cuối thời Đông Hán. Câu thơ “Tự quân chi xuất hĩ” (Từ thuở chàng ra đi) trở thành câu mở đầu cũng như tiêu đề của rất nhiều bài thơ sau này.
Cái người này rõ láu cá, ra đề như vậy, khác nào bảo nàng viết thơ tình.
Má Dương Dung Cơ hơi ửng hồng, đẩy cửa sổ ra.
Trước cửa sổ, “lười trang điểm” đã bung nở, đóa hoa đang dần lụi tàn.
Trương nương tử cho người làm tráp theo yêu cầu, đặt phấn má, son môi, bột kẻ chân mày cùng với trâm gỗ vào trong.
Hộp gỗ tinh xảo thu hút sự chú ý của các cô nương, do đó son phấn trở nên vô cùng đắt hàng.
Trương nương tử nổi tiếng có tay nghề cao, rất nhiều người đến vì danh tiếng của bà ấy. Trong khoảng thời gian này, cửa hàng kiếm được khoản tiền không nhỏ.
Dương Dung Cơ lặng lẽ tích cóp số tiền này. Một khi có tiền, nàng có thể làm được rất nhiều điều mà mình muốn.
Đi ăn canh rau nhút cá chẽm Trung, xem mỹ nhân đạp ca ở vùng Ngô với Chu Uyển Nhi…
Đầu tháng mười, nàng đến lầu Minh Nguyệt thì thấy Tống Huy đang múa trên trống.
Thời nhà Hán có Phi Yến múa rất đẹp, đặc biệt là múa trên trống, thời nay có Tống Huy cũng không kém cạnh.
Nhưng lầu Minh Nguyệt lại không quá đông người, thậm chí nàng chẳng trông thấy ai. Dương Dung Cơ đi vào tửu lâu đối diện lầu Minh Nguyệt, rốt cuộc cũng thấy được một vị công tử ở phía bên kia. Nàng nhớ đối phương là vị công tử ngồi dưới tàn cây liễu ngày ấy.
Dương Dung Cơ không biết va, Y nhi lại nhận ra.
Y nhi nói: “Đó là lang quân Hạ Hầu gia, nhà hắn nhiều đời làm công khanh. Hắn là bạn bè lâu năm của Phan lang, tục xưng hai người họ là ‘Song bích’…”.
“Tên hắn là gì?”
“Công tử Trạm, Hạ Hầu Trạm.”
“Y nhi, lần trước ngươi có thấy vị lang quân này ngồi nghe Tống Huy thổi sáo dưới cây liễu không?”
“Nô tỳ không nhớ rõ, có điều từ trước đến nay Hạ Hầu lang quân luôn lạnh lùng, không biết ở đây một mình làm gì…”
“Còn có thể làm gì nữa, hắn đang ngắm mỹ nhân nhảy múa đó thôi.”
Tác giả có lời muốn nói:
*múa trên trống