Chương 15: Đi chơi trăng
Biên tập: Mày là bố tao
Vùng Ngô có tập tục nữ tử đi chơi trăng vào đêm Trung thu.
Dương thị là người gốc Ngô, bà phổ biến tập tục này tới Dương gia.
Hoa mộc tỏa hương, người người nhà nhà đều chuẩn bị đồ ăn ngon, Dương thị dặn dò Y nhi chải chuốt cho Dương Dung Cơ để buổi tối đi vái trăng, cầu “đẹp như Hằng Nga, mặt tựa trăng rằm”.
Mùa thu vô cùng bận rộn, phải thu hoạch kê, đào hầm trữ rau củ quả, tích củi, chỉ có lúc hoàng hôn buông xuống mới có thể hưởng thụ những giờ phút nhàn hạ. Hôm nay, mọi người nô nức đi tế trăng và vái trăng, đón mừng Tết Trung thu. Khác với hôm Thất tịch, nam nữ kết đôi đi dạo, hiện giờ chinh phu còn chưa trở về nên đường sá vắng người hơn.
Trăng lên, sương lạnh, nếu như trước đây sữa bò đều được đặt vào giếng để làm mát thì hiện giờ đều được ủ ấm.
Có rất nhiều nữ nhi tụ tập trước quán hàng rong, họ cười nói gọi sữa bò.
Đoàn người ngồi xuống, chỉ còn lại một chiếc ghế trống, Dương Dung Cơ gọi Y nhi: “Y nhi, mau, chúng ta qua đó ngồi, đi lại nãy giờ khát khô cả cổ!”.
Y nhi cầm phô mai chạy tới.
Dương Dung Cơ còn chưa kịp lại gần thì đã có người nẫng tay trên, ngồi lên chiếc ghế trống đó.
Có vẻ đối phương cũng đã đi một quãng đường dài, thở hồng hộc, quay lưng về phía Dương Dung Cơ.
Y nhi thở dài, định tìm quán khác để nghỉ chân.
Trong quán sữa bò, những nữ tử vốn đang vui vẻ chuyện trò bỗng ngưng bặt, đánh giá nữ tử vừa ngồi xuống.
Một lát sau có người đứng lên, phủi ống tay áo, chỉnh lại trâm cài, thong thả bỏ đi, vài người nhanh chóng theo sau.
Nữ tử bàn bên có hơi tò mò, nhìn quanh quất, rồi cũng đứng dậy rời đi, có lẽ bản thân nàng ấy cũng không biết tại sao mình lại làm vậy.
Y nhi đờ đẫn nhìn nữ tử ngồi đó, thấy hơi thương hại.
Vừa nhìn trâm cài và quần áo của nữ tử cầm đầu là biết nàng ấy xuất thân thế gia, còn nữ tử vừa ngồi xuống lại mặc trang phục bình dân.
Chắc hẳn cô ấy bị ghét bỏ.
Dương Dung Cơ nhìn đám người mới tản ra, cảm thấy hơi khó hiểu, lát sau mới biết ngọn nguồn.
Nàng kéo Y nhi ngồi xuống, dù sao đang thừa rất nhiều chỗ trống.
Sữa bò sôi lăn tăn, chủ quán đang vớt váng sữa trên bề mặt.
Dương Dung Cơ vừa hay ngồi đối diện nữ tử đó, tầm mắt hai người chạm vào nhau. Tuy đôi bên đều biết nhau, nhưng nhất thời đều quên mất đối phương là ai, vì thế cả hai cùng bật cười.
Dương Dung Cơ khoanh tay, nói: “Ta là Dương gia Dung Cơ, còn cô?”.
“Tôi là ca nhi Tống Huy, nhưng thực ra tôi không hát mà chỉ thổi sáo thôi.”
Lục Châu từng nói cô có một đệ tử thổi sáo rất cừ, hình như cũng tên Tống Huy. Nữ tử trước mặt trông rất quen mắt, hẳn là nữ nhi rụt rè ngày ấy ở vườn Kim Cốc và là ca kĩ thổi sáo ở cầu Thất Lí.
Vì thế Dương Dung Cơ bảo: “Ta đã từng thấy cô hai lần, cũng từng nghe tiếng sáo của cô, thật sự rất êm tai”.
Tống Huy rất vui vẻ, cũng hơi ngượng ngùng.
Cô ấy hỏi: “Cô đi ngắm trăng sao?”.
Dương Dung Cơ đáp: “Ta đi chơi trăng”.
Tống Huy ngạc nhiên: “Đi chơi trăng?”.
Dương Dung Cơ giải thích: “Ta phải đi hết ba cây cầu là cầu Thất Lí, cầu Minh Nguyệt ở đằng trước cùng với cầu Chức Nữ phía bên kia”.
“Đi ba cây cầu làm gì?”
“Tập tục ở quê mẫu thân ta, để cầu nguyện đó.”
Tống Huy hiểu ra.
Cô ấy nói: “Tôi cũng thử xem sao”.
Dương Dung Cơ bảo: “Ta định cầu ‘đẹp như Hằng Nga, mặt tựa trăng rằm’, còn cô, có thể nói cho ta nghe không?”.
Tống Huy gật đầu, hai tay ôm má, nhìn vầng trăng trên đầu.
Thực ra ánh trăng tối nay không quá đẹp, không sáng như gương, còn hay bị mây che khuất.
Cô ấy cười: “Tôi mong mình sẽ gặp được lang quân như ý, nếu chàng đối xử tốt với tôi, tôi sẽ đáp lại gấp bội”.
Trò chuyện với Tống Huy một lát, sau đó Dương Dung Cơ đi dạo phố.
Y nhi đi mua kim chỉ, hộp đựng linh tinh, nàng ấy muốn làm giày và áo lót cho Dương Dung Cơ. Cả vải và kim chỉ đều cần được chọn lựa kĩ càng, nàng ấy lo Dương Dung Cơ cảm thấy chán nên bảo nàng ngồi đợi dưới tàn cây bên cầu Minh Nguyệt, đến khi nàng ấy mua đồ xong thì hai người họ đi đến cầu Chức Nữ, sau đó đi về phủ.
Dương Dung Cơ chờ dưới tàn cây, bỗng có người ngồi bên cạnh.
Người đó nói: “Ta đã đợi muội được một lúc lâu, muội cứ tíu tít mãi ở đằng kia, rốt cuộc cũng đi tới nơi đây”.
Dương Dung Cơ cúi đầu đáp: “Ta không biết huynh đợi ta lâu như vậy”.
Phan An cười nói: “Đùa thôi, ta đang ngắm trăng, vô tình nhìn thấy muội nên lại gần”.
Dương Dung Cơ quay sang nhìn chàng, chàng vẫn đang mỉm cười.
Trước đây, chàng luôn căng tràn nhiệt huyết tuổi trẻ.
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, Dương Dung Cơ thấy được nỗi cô đơn trong mắt chàng.
Phan An đột nhiên nhìn nàng.
Dương Dung Cơ trợn tròn mắt, nhịp tim tức khắc tăng tốc.
Cặp mắt kia không còn sự đơn côi nữa, mắt cong nhẹ, sáng rực như mặt hồ lấp lánh ánh sáng.
Phan An hơi nghiêng người, nâng tay lên, Dương Dung Cơ siết chặt y phục.
Phan An nhặt chiếc lá rụng trên đầu nàng.
Là lá cây bạch quả.
Dương Dung Cơ không dám cử động.
Phan An ngồi thẳng dậy, nhìn dáng vẻ căng thẳng của nàng, đôi mắt như thể đang mỉm cười.
Chàng nói: “Ngày mai ta phải đi đến nơi khác, mấy tháng sau mới về”.
Dương Dung Cơ lẳng lặng nghe, lông mi run rẩy.
Chàng tiếp tục nói: “Ban ngày luôn bận rộn, chỉ có buổi tối mới có thời gian rảnh rỗi”.
Để giả bộ tình cờ gặp được muội.
Chàng đứng lên, vỗ áo, tiện thể lau tay, sau đó, chàng đưa tay về phía Dương Dung Cơ.
“Vậy Dung nhi có nguyện ý dẫn ta đi dạo một vòng, coi như… lời tạm biệt không?”
Trông có vẻ như hỏi bâng quơ, nhưng lòng bàn tay chàng đã rịn mồ hôi.
Gió thu lướt qua, lòng bàn tay hơi lạnh.
Dương Dung Cơ đặt tay lên bàn tay chàng, chàng nắm lấy, lại không dám dùng sức.
Sự ấm áp lan tỏa trong lòng.
Y nhi ra khỏi cửa hàng, vừa giương mắt nhìn thì thấy cảnh Phan An vươn tay. Dương Dung Cơ không ngẩng đầu nên không rõ, nhưng Y nhi lại nhìn thấy vẻ mặt hồi hộp, tay kia vô thức nắm chặt ống tay áo của chàng.
Nàng ấy cười ra tiếng.
Nhìn từ xa, Phan An gầy hơn hẳn trước kia, sau khi chuyện “mới thấy bụi đã vái chào”, hẳn là chàng đã phải chịu vô số sự công kích bằng lời lẽ.
Mỗi người đều có sự bất đắc dĩ của riêng mình.
Dương Dung Cơ cầm tay chàng, Phan An liền thả lỏng ống tay áo còn lại.
Bọn họ đi lên cầu Minh Nguyệt, bên kia cầu có vũ nữ người Hồ cơ nhảy múa.
Phan An bị họ thu hút ánh nhìn, Dương Dung Cơ ấn đầu chàng xuống, chàng khom lưng đi theo nàng rẽ đám đông.
Y nhi mới đi đến cầu Minh Nguyệt, Dương Dung Cơ và Phan An đã tới cầu Chức Nữ. Dưới cầu Chức Nữ có du thuyền, gần đó có mấy đứa trẻ duỗi tay xin đồ ăn, chủ thuyền cười ha ha, thật sự đưa quả kiên và bánh ngọt.
Đứa trẻ không với tới, Dương Dung Cơ kéo Phan An, chỉ vào bánh. Vì thế Phan An thò người ra, nhẹ nhàng cầm lấy bánh ngọt, đám trẻ con ngơ ngác nhìn tay chàng.
Dương Dung Cơ chia cho chúng rất nhiều, nhưng chúng không chịu, ầm ĩ đòi bò lên người Phan An.
Dương Dung Cơ nhét bánh vào miệng Phan An, hô to: “Chạy mau!”.
To đến mức Y nhi đứng đằng xa cũng nghe thấy.
Vì thế hai người bắt đầu chạy, đám trẻ cũng không vừa, đuổi theo.
Phan An nâng cao khay, không ngừng quay đầu lại nhìn. Mỗi khi có đứa sắp đuổi kịp chàng, chàng liền chạy nhanh hơn, mỗi lúc cách chúng hơi xa, chàng lại chạy chậm lại.
Dương Dung Cơ cầm bánh trêu chúng: “Cho đệ này!”.
Đứa trẻ chụp lấy, Dương Dung Cơ bỗng đổi ý, đút bánh cho Phan An rồi kéo chàng chạy.
Không biết là ai sơ sẩy đá ngã nữ tử bán hoa.
Thấy tình hình không ổn, đứa trẻ rút lui, hai người họ ngây ngốc nhìn nhau.
Nữ tử bán hoa chống nạnh nhìn họ, hai người lúng túng như gà mắc tóc.
Y nhi thấy thế, định tiến lên xử lý.
Bán hoa nữ bỗng nở nụ cười, nói ai cũng có lúc sơ ý, phẩy tay để họ rời đi.
Dương Dung Cơ mua một ít hoa, ngồi đan vòng hoa trên lan can cây cầu, kêu Phan An cúi đầu xuống.
Vì thế bỗng xuất hiện một vị lang quân tuấn tú đội vòng hoa hòa vào dòng người.
Hai người đi hết cầu Chức Nữ, lại rẽ sang hướng khác, lập tức hòa lẫn vào đám đông.
Y nhi cứ nhìn theo họ mãi, vừa cười vừa lầm bầm: “Hóa ra là Phan lang cố ý”.
Sáng sớm hôm sau Phan An khởi hành, chàng sẽ đi công tác ở địa phương.
Tuy chuyện “mới thấy bụi đã vái chào” giữ được chức quan, nhưng vẫn không tránh được sự trách phạt.
Tiểu đồng đứng chờ trước cửa, Phan An bái biệt mẫu thân, đặt hành lý lên xe ngựa.
Chàng vén màn xe, dặn đi dặn lại tiểu đồng: “Đã nhớ hết những gì ta dặn chưa?”.
Tiểu đồng chắp tay: “Đã nhớ kĩ thưa công tử”.
“Vậy thì tốt.”
Xa phu vung roi, bánh xe chuyển động, bóng xe ngựa xa dần.
Mười sáu tháng tám, Phan An phụng mệnh xuôi Nam ba tháng.
Đi chơi đã đời, gặp phải gió lạnh, hôm sau Dương Dung Cơ bị cảm lạnh, Y nhi nấu canh gừng cho nàng. Uống xong, Dương Dung Cơ lại nằm mê man trên giường.
Y nhi ngồi trước bàn may giày thêu, cô nương nhà nàng ấy không quen đi guốc gỗ, trước khi đông về, nàng ấy phải nhanh chóng làm xong mấy đôi giày mềm.
Có nô tỳ gõ cửa, Y nhi chạy ra mở, giơ ngón tay trước miệng, “suỵt”.
Nô tỳ ra vẻ thần bí: “Y nhi cô nương, bên ngoài có nam tử tìm cô, nói là bạn cũ của cô”.
Y nhi: “…”.
Nếu nàng ấy nhớ không nhầm thì không có người nào có thân phận đó.
Nàng ấy đi ra cổng Dương phủ, ở đó có một nam tử ăn mặc như tiểu đồng đang đứng.
Y nhi thực sự không biết người mình.
Tiểu đồng cười: “Cô nương, đây là món đồ do thẩm nương của cô nhờ ta gửi cho cô, sau này, cứ cách năm ngày, ta lại mang đồ cho cô một lần”.
Y nhi chẳng hiểu gì cả, nàng ấy nghi ngờ nhận lấy, tiểu đồng chắp tay rời đi.
Y nhi ngồi trên bậc thang trước cổng mở bao đựng đồ, đầu tiên là một hộp bột kẻ chân mày.
Bên dưới có một cái giỏ tre, Y nhi mở ra, bên trong là một câu thơ được đề trên tờ giấy trắng, bên cạnh có con cừu non bằng rơm.
Y nhi nhớ rằng hồi trước Dương Dung Cơ than thở là trình độ sáng tác thơ của bản thân không được cao, phụ thân lại ra chiến trường, nàng lo kĩ năng làm thơ bị giảm sút.
Hôm qua, trên đường về nhà, nàng thuận miệng nói chuyện này, lúc ấy, Phan lang đang ở bên cạnh nàng.
Vì thế Y nhi ngộ ra.
Đại phấn… Đại.*
*”Đại phấn” (黛粉) là hộp bột kẻ chân mày, “đại” (代) là thay ai đó, 黛 và 代 đồng âm “dài”.
Nghĩa là Y nhi nhận hộ đồ.
Nàng ấy ngạc nhiên không thôi, Y nhi đứng lên, đi vào phủ.
Quả nhiên có người hỏi: “Y nhi tỷ tỷ, tỷ đi lấy là cái gì thế?”.
Y nhi thản nhiên quơ cái bao: “Thẩm nương nhà tỷ gửi đồ cho tỷ, sau này cứ cách năm ngày lại nhờ người đưa cho tỷ một lần”.
Những người nghe thấy đều ghen tị: “Thẩm nương nhà cô tốt thật đấy!”.
Y nhi mỉm cười, gật đầu: “Đúng vậy”.
*cây kê