Chương 56 - Ngày du lịch thứ ba
Khăn trải giường trong khách sạn bị uốn nếp tầng tầng lớp lớp, tôi như cô công chúa Hạt Đậu không thể chịu được ngay cả nếp nhăn nhỏ nhất, nằm chợp mắt trong chốc lát rồi lại ngồi dậy trải phẳng khăn giường, dọn dẹp chỉnh tề. Tôi đứng tại chỗ, mồ hôi nóng toát ra đầm đìa, vò mái đầu loạn xạ, một sự thôi thúc khó hiểu trào dâng trong lòng.
Lời Cam Linh nói để lại viên hạt giống thần kỳ trong lòng tôi, giờ phút này đã nảy mầm nhú lên, nối thẳng ra phía chân trời. Tôi muốn bám vào thân cây đậu, bò lên khám phá đất nước người khổng lồ, ngắm nhìn thế giới mới. Căn phòng nhỏ chật chội trong khách sạn bị máy lạnh hà hơi càng lúc càng thu hẹp đi, hai vách tường trước và sau ép sát lại vào nhau tựa như hai mảnh giấy.
Đồ đạc của tôi vốn chẳng mấy nhiều nhặn, tôi chỉ cần thu xếp một lát rồi nghiên cứu giờ khởi hành, mua vé và bắt đầu gọi xe, vác ba lô xuống lễ tân trả phòng. Trong đêm khuya tĩnh lặng, tôi phải tốn tới mười phút mới đặt được xe trên ứng dụng, lúc lên xe thì điền mẫu thông tin người liên hệ khẩn cấp.
Cam Linh gửi tin nhắn: Gọi cho tôi đi.
Có một biện pháp tự vệ khi bắt taxi trong đêm là nên nói chuyện điện thoại với người thân, như vậy cho dù gặp được bọn xấu cũng có thể có cơ hội thoát nạn, thứ nhất là người thân nắm được tình hình và hướng đi, thứ hai là kẻ bắt cóc cũng sẽ thận trọng cảnh giác hơn.
Cam Linh lưu số cô ấy trong điện thoại tôi, đáng tin tựa như chị đại giang hồ với câu dặn dò có chuyện thì tìm cô ấy. Thần kinh cô ấy quá mẫn cảm, cứ cảm thấy thế nào tôi cũng sẽ xảy ra chuyện gì đó, đồng nghiệp nam và bạn của đồng nghiệp nam đều rắp tâm bất lương, tất cả những người gặp được trên đường đều mang lòng dạ ác ý, và tài xế taxi thì nung nấu ý định xấu xa. Khương Tiểu Hồi giống như đứa nhỏ bị ném vào cái nồi lẩu thập cẩm khổng lồ của xã hội, khiến Cam Linh phải thường xuyên nhấc nắp nồi nhìn xem tôi đã chín được bao nhiêu phần (1).
Trong điện thoại Cam Linh nói vẩn vơ với tôi mấy câu.
Cam Linh: “Em phải về huyện Năng à? Bắt chuyến lúc bốn giờ hơn đúng không, vậy xuống taxi là em phải chạy nhanh ra ga đó.”
Tôi nhìn thời gian, đúng là sắp đến giờ thật.
“Tôi biết rồi.”
Qua lớp kính chiếu hậu, tài xế không ngẩng đầu lên mà chỉ chăm chú nhìn về phía trước, chiếc xe lướt băng băng qua những con đường trống trải trong đêm đen, phóng thẳng tới ga tàu hỏa. Tôi nhìn đồng hồ, xách ba lô đeo lên vai, tai nghe tiếng nói ngắt quãng của Cam Linh: “Chạy đi.”
Chạy đi. Tôi chẳng nghĩ điều gì cả, xông thẳng vào nhà ga. Không bao nhiêu người đi xe ban đêm, và bởi vì tình hình dịch bệnh nên lượng người nằm ngủ ở sân ga cũng giảm bớt. Đến lúc tôi hoàn tất thủ tục, lên tàu xong thì mới đột ngột nhận thấy cảm giác chân thật kì lạ khi bò trên cây đậu thần, cảnh vật bốn phía liên tục lùi lại dưới ánh đèn tù mù rã rời trong đêm; trên xe có rất nhiều người đang say giấc, đèn trong khoang tàu chỉ bật một nửa, cho cảm giác nhá nhem tranh tối tranh sáng như trong khách sạn.
Bỗng chốc tôi nhận ra rằng mình vừa quyết định trong cơn bốc đồng – nghe lời Cam Linh nói xong thì bỏ ngang bốn ngày còn lại của chuyến đi chơi với Lý Dũng Toàn và trốn về huyện Năng sao? Chỉ vì một hành động kinh khủng của Lưu Minh trước mặt tôi – theo cách nhìn của tôi thì thật là tục tĩu – mà tôi phải đối mặt với sự mâu thuẫn và bất hòa với cậu giáo viên làm chung ở trường Ánh Sáng sao?
Tôi đã nuốt phải thứ chất kích thích gì vậy? Tôi đã lên cơn động kinh nào thế?
Mắt tôi ráo hoảnh, không hề buồn ngủ gì mà cứ nhấp nhổm tựa vào ghế như đang bị lửa đốt. Tôi xoa mặt mình, hy vọng rằng đây chỉ là một giấc mộng, mà tôi chân thật còn đang nằm ở khách sạn, vì lẽ ngủ không ngon mà lạc vào giấc mơ lạ kì này…
Bởi thế tôi cứ ngơ ngơ ngác ngác, nửa mơ nửa tỉnh, không rõ bản thân đã khoác ba lô xuống xe, theo đám đông ra khỏi ga tàu thế nào, rồi trình mã xanh lá và vé xe qua kiểm soát ra làm sao, vừa bước khỏi trạm thì một đàn người ùa đến, vồ vập hỏi tôi có gọi xe chưa, có muốn gọi xe không. Lúc này đã là sáu giờ hơn, làn gió sớm lùa qua đầu tôi, mùi bánh quẩy từ hàng điểm tâm ở ga tàu xồng xộc chui vào lỗ mũi.
Cam Linh xuyên qua đám tài xế đang chèo kéo khách, tiếp nhận ba lô trên đầu vai tôi.
Thoắt cái tôi tỉnh táo lại: “Chị tới đón em à?”
“Đi thôi.”
Cam Linh nắm tay tôi dẫn ra khỏi đám đông, rẽ qua mấy con hẻm trên đường phố, tới được con phố gần chỗ Cam Linh ở, lại rẽ thêm một ngả nữa là chúng tôi đã đến nhà Cam Linh.
Cam Linh lôi chìa khóa ra, vai nhô lên, tựa người vào cửa tra chìa vào lỗ khóa, đôi môi mím thật chặt. Chiếc chìa run lên lạch cạch, chị ấy nhướng mày nhìn tôi, tôi đứng thẳng người dậy. Chìa khóa xoay tròn hai vòng, Cam Linh dùng thân mình đẩy cửa ra, nghiêng người để tôi đi vào.
Đèn trong phòng còn sáng, Cam Linh lại mở khóa lần nữa, cái ba lô tôi đung đưa trên vai đang chậm rãi tuột xuống, Cam Linh duỗi tay kéo nó lên.
Chạm mặt với bức ảnh chụp trên tường khiến tôi nhắm mắt trong phút ngắn ngủi, vịn tường tránh đi.
Cái ba lô to béo được đặt bừa trên đầu giường, dựa vào cái chăn được Cam Linh xếp rất ngay ngắn.
Tôi vẫn luôn thinh lặng, mãi tiêu hóa hành động thần kỳ của bản thân; Cam Linh cũng không nói câu nào, rút cái điện thoại trong tay tôi, ngắt cú điện thoại với chính chị ấy, lượng pin đã gần hết sạch.
Cam Linh đang chiên sandwich; dù thế nào đi nữa thì khả năng mua được bánh mì ở cửa hàng tạp hóa lúc hơn nửa đêm nghe cứ như chuyện không tưởng. Tôi dí sát vào gương xoa mặt, thừa nhận cơn mơ này đang là thật, vuốt vuốt mái tóc ngắn. Trong miệng còn vương hương vị buổi đêm, tôi mơ màng tự giác đi lấy bàn chải của mình đánh răng rửa mặt. Quơ quào vệ sinh cá nhân xong, Cam Linh đưa ly sữa ấm sang, đặt cái khăn lông trong tay lên đầu tủ làm tấm lót bàn ăn rồi bày cái đĩa chứa những lát bánh mì chiên lên trên.
“Muốn ăn trứng ốp la không?” Cam Linh hỏi.
Tôi lắc đầu, nhúng những lát bánh mì xốp giòn bên ngoài, mềm mại bên trong vào sữa rồi máy móc nhai nuốt.
Cam Linh nghiêng người ngồi bên mép giường, hai chân duỗi thẳng, ngón tay chậm rãi kéo lớp vải trên quần cho thẳng với đường may; tóc chị ấy lòa xòa trên vai như là được thợ cắt tỉ mỉ chăm chút, trong sự hỗn loạn lại có những đường cong đẹp mắt; người thì mím môi chuyên chú nắm lớp vải quần. Tôi tựa người vào tủ, uống ly sữa trước mặt Cam Linh, giống như tên cao bồi ngả ngớn bưng ly rượu thưởng thức cô gái đẹp; khung cảnh xung quanh mông lung như giấc mộng mờ ảo chập chờn. Có thế nào thì tôi cũng không rõ tại sao mình lại chạy về huyện Năng chỉ với một câu nói, triệt để mặc kệ Lý Dũng Toàn thế này.
Điều quan trọng nhất là Cam Linh đã đáp ứng yêu cầu ngang ngược mà tôi đã khẩn cấp rút về, chiên bánh mì và hâm sữa nóng — tôi chỉ là bỗng dưng, bỗng dưng muốn ăn mà thôi, và tôi còn không phải là kiểu người đam mê ăn uống nữa.
Hình như Cam Linh nhận thấy tôi đang nhìn chị ấy, hít một hơi, không ngẩng đầu lên mà chỉ hỏi: “Ăn no chưa?”
“Ừm.”
“Súc miệng rồi ngủ đi.” Cam Linh đứng lên, cũng không nhìn tôi, cúi mặt nhìn giờ trên điện thoại và thu dọn ly đĩa.
Vấn đề là ở chỗ này — vì cớ gì mà tôi lại quay về huyện Năng, rồi bằng cách nào đó đến được nhà Cam Linh, há miệng ăn bánh mì chị ấy chiên, và giờ thì tôi với Cam Linh đều đồng tình rằng tôi sẽ ngủ lại nơi này? Thậm chí Cam Linh đã đặt ba lô tôi trên đầu tủ, trải chăn và chỉnh tăng độ ấm trong phòng.
Tôi ngồi ở mép giường, cơn buồn ngủ vì thức trắng đêm ấn tôi xuống giường, mà cái cảm giác quen thuộc khó hiểu trong lòng cũng là đồng phạm, mỗi tên đầu sỏ nhấn mỗi bên vai của tôi, khiến tôi ngả lên gối đầu Cam Linh — nhưng có một nỗi sợ hãi khó lòng giải thích bò lên người, tôi cứng đờ tại chỗ, hệt như con lật đật lúc la lúc lắc một chút rồi ngồi thẳng dậy, hoảng hốt vươn tay với lấy cái ba lô.
Dưới ánh mắt kinh ngạc của Cam Linh, tôi vội vàng giải thích: “A, em, đi về nhà ngủ.”
Tôi đứng cách Cam Linh một khoảng rộng bằng hai người, Cam Linh tựa vào cửa quay đầu lại, sững ra trong chốc lát; tôi cũng thấy hành động của mình sao mà đột ngột thật. Cam Linh xoa gáy, mệt mỏi ngẫm nghĩ một phen, đoạn tránh sang bên cạnh: “Em đi đi.”
Trong chớp mắt, tôi có thể cảm giác được sự mất mát trong lòng, chị ấy nhọc công lo lắng cho tôi cả đêm, vậy mà tôi lại không cảm kích trân trọng thế này.
Nhưng mà Cam Linh vẫn cứ bình tĩnh, chỉ là hơi nghiêng mặt, không hiểu tại sao tôi lại còn do dự, rốt cuộc là có muốn bước ra cửa hay không.
Tôi không kháng cự việc ngủ ở nơi này, cũng không phải là tôi ghét Cam Linh.
Chỉ là có nỗi sợ hãi kỳ lạ vô cớ hiện lên trong tôi, như thể khi tôi nằm xuống là cả thế giới sẽ cùng đổ ập chín mươi độ đảo điên như bản thân, trút xuống mảnh đại dương mênh mông nhấn chìm tôi, định mệnh xa lạ vớt tôi lên con thuyền chưa từng quen biết giữa những đợt sóng trào cuồn cuộn.
Phút giây đó khiến tôi như muốn chắp cánh thoát khỏi không gian này nhanh thật nhanh.
Tôi ôm ba lô lừng khừng đi tới cửa, Cam Linh uể oải dụi mắt.
Tôi chợt đè nén cơn khủng hoảng trong lòng như nuốt trộng miếng bánh mì thật lớn, đối mặt với Cam Linh, người đã tất bật xuôi ngược vì tôi cả đêm, không lý nào tôi có thể chạy đi vô cớ như thế được.
Có một cây cầu vắt ngang từ huyện ra thành phố, bên này là Cam Linh, bên kia là Lý Dũng Toàn và Lưu Minh; tôi đã làm nổ tung trụ cầu bên kia, cây cầu sụp đi phân nửa, nếu rời khỏi nơi này thì tôi sẽ lại biến thành kẻ cô độc một mình.
Thậm chí tôi biết rằng mình phá hủy đầu cầu bên kia là để đến được phía này, dẫu có thế nào chăng nữa thì tôi không thể bước ra cánh cửa này như vậy được.
Cam Linh nhìn ra sự chần chờ của tôi, thoảng cười: “Em muốn ở lại đây thì ở, muốn đi thì đi đi.”
Tôi băn khoăn không yên, đứng lì tại chỗ như đang ra quyết định ở ngã tư đường. Cam Linh khoanh tay bổ sung thêm: “Đừng có nghĩ cho tôi.”
Cam Linh nói thế này lại khiến tôi hạ được quyết tâm, buông ba lô ngồi lên giường, cúi đầu cởi dây giày, ném mình lên chiếc giường đơn của chị ấy, lăn trọn một vòng và quấn chăn quanh người.
Nào ngờ Cam Linh bước tới đây chọc vào người tôi: “Em làm gì vậy? Muốn đi thì đi đi.”
Tôi làm bộ như mình ngủ rồi, cơn buồn ngủ ban tối tràn tới. Tôi nhắm mắt, thêm một lần rơi vào cơn nửa mơ nửa tỉnh, cả thân mình chia làm hai nửa, tai nghe Cam Linh nói chuyện mà như đang xuất hồn thẩn thơ.
“Em có thể bỏ mặc cái cậu đồng nghiệp nam kia trở về là rất tốt. Con người ai cũng cần phải đặt bản thân mình lên trên hết. Nếu xảy ra chuyện gì, hoặc là có chỗ nào không thoải mái thì em cứ hành động theo nguyên tắc miễn sao lòng mình vui là được. Cho nên nếu em muốn đi thì đi nhanh lên, đừng có ở chỗ này vờ vịt để ý đến cảm xúc của tôi.”
Hồn tôi đã thoát xác lang thang, nghe lời khuyên bảo của Cam Linh xong thì lại thành thật kiên định quay về thân thể, ngủ thiếp đi mà không hề lo nghĩ vẩn vơ nữa.
Tôi đứng dậy không phải vì muốn rời đi, mà là vì tôi bị bủa vây bởi một thứ cảm giác xa lạ, thúc ép tôi phải hành động trong cơn hoảng loạn.
Cam Linh lại nhẹ nhàng đẩy tôi, xác nhận tôi đã ngủ mơ mơ màng màng,
Tôi còn sót lại một chút ý thức, nỗi sợ hãi xa lạ kia là một cái bóng chồng (2); lúc nó vồ lấy tôi, tôi kéo tay Cam Linh trong cơn mông lung, túm về ngực mình theo bản năng.
Cam Linh loạng choạng đổ tới khi bị tôi kéo lại, chống khuỷu tay nhìn tôi.
Bóng ma của nỗi sợ hãi dần dần trốn đi, lẩn vào trong tiềm thức, không rõ lần tấn công tiếp theo sẽ diễn ra vào lúc nào.
Bàn tay người nọ thô ráp mà ấm áp, vết chai trên những đốt ngón tay tựa như những phím đàn mộc mạc thuở ban sơ.
Tôi vô thức hơi nâng ngón tay, chầm chậm đàn một giai điệu từ bài “Ân phúc kỳ diệu” trên mu bàn tay người nọ (3).
Cam Linh nắm tay tôi, giấu vào chăn.
Tôi khép mắt, cảm thấy có một ánh mắt lặng yên nhìn về phía mình hồi lâu. Trước khi tôi đắm chìm vào cơn mê, Cam Linh thì thầm gọi tên tôi.
“Khương Tiểu Hồi.”
Hình như tôi đã đáp lại, nhưng tôi không nhớ rõ.
—
Chú thích:
(1) Nồi lẩu thập cẩm (熔炉 – Melting Pot): trong ngữ cảnh xã hội Mỹ đề cập đến sự trộn lẫn của những giá trị bản địa và giá trị ngoại lai, định hình nên danh tính và văn hóa của một xã hội.
Ngoài ra còn có một khái niệm khác là Salad Bowl, thể hiện ý tưởng rằng những người nước ngoài tới Mỹ có thể hòa nhập vào nền văn hóa Mỹ, nhưng vẫn giữ được những bản sắc và tinh hoa trong văn hóa của họ. Thay vì “tan chảy” hoàn toàn vào văn hóa Mỹ, họ giữ lại và thể hiện những giá trị, tập tục, và đặc điểm độc đáo của văn hóa gốc của họ.
Ed: Theo mình cảm nhận thì từ “nồi lẩu thập cẩm” trong tiểu thuyết bên Trung lại có nghĩa hơi khác, như phép ẩn dụ xã hội tựa như một nồi lẩu với nhiều giá trị tốt xấu lẫn lộn, và con người ai cũng sẽ phải rèn mình trong nồi lẩu ấy.
(2) Bóng chồng (重影): từ này mình không chắc lắm, có vẻ là hiện tượng “nhìn một hóa hai”: trong cơn mê Tiểu Hồi thấy hai cái bóng chồng lên nhau thành một.
Trong y học, hiện tượng nhìn thấy hình ảnh kép này được gọi là Song thị (Diplopia/ Double vision). Triệu chứng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân: trong ngắn hạn thì có thể do uống quá nhiều rượu, hoặc quá mệt mỏi,… Còn trong dài hạn thì triệu chứng này có thể bắt nguồn từ các bất thường ở giác mạc, tật ở mắt, tổn thương dây thần kinh hoặc não, đột quỵ,…
(3) Ân phúc kỳ diệu (Amazing Grace): là một trong những bài thánh ca phổ biến nhất của Công Giáo, nói lên lòng cảm kích phép màu, sự cứu rỗi mà người ấy nhận được, và từ đó bắt đầu cuộc tái sinh chính mình.
Ở sân ga:
Sói Quyến Rũ: Chị tới đón em nè.
Thỏ Mắc Câu:
Tui: Ờm…
Trong một chiều không gian khác:
Khương Tử Nha: Ông nhìn đi, con cháu đằng dâu của tui học được chiêu câu cá không lưỡi rồi, sao ông không dạy được gì cho bé Thỏ nhà tui hết vậy?
Gandalf: Tui dạy con bé cái khác rồi, chứ ông muốn tui dạy nó múa kiếm múa gậy gì hả? Sức có đấu lại vợ nó không?
Khương Tử Nha: Ồ, món gì vậy?
Gandalf: Cứ chờ là biết nha ông ;)
>
ID Heo Tú Tú — 28/07/2022:
Còn tui thì…
Đứng sai chiến tuyến rồi hở? Tui cứ tưởng là công nhỏ tuổi hơn chớ? Ai nói công thấp bé yếu đuối hơn thì không phải là công dị?
>> ID Tôi đến thăm một ngôi sao — 03/08/2022:
Kiểu như chị Cam thì hơn sếp Đoàn một chút… nói thế nào ta… tình thương bảo bọc của mẹ à?
Chú thích:
Đoàn Mạn Dung và Tiền Thiên Hồng là hai nữ chính trong bộ “Quan hệ phi điển hình” của tác giả Ngưu Nhĩ Nhĩ, tú bà lạnh lùng khó đoán x nữ công nhân ngây thơ, bốc đồng thẳng tính, age gap 12 tuổi. Vâng, nghe thì hấp dẫn đấy, nhưng mà lướt comment có vẻ ngược tàn canh nên mình chưa dám đụng thêm :”