Chương 22: Có những nỗi buồn không thể nói cùng ai, không biết trút vào đâu
- Trang Chủ
- Cô Gái Bạc Liêu - Trần Minh Thơ
- Chương 22: Có những nỗi buồn không thể nói cùng ai, không biết trút vào đâu
Có lẽ… yêu một người trưởng thành là cảm giác bình tâm hơn hẳn so với khi yêu những người trẻ dại. Bởi có đôi lúc cô hụt hẫng, thấy mình chẳng được quan tâm quá nhiều, nhưng luôn cảm thấy mình được bảo vệ, được an toàn trong sự chín chắn của anh.
Nên để tình yêu bền chặt đến… hết kiếp sau, lẽ dĩ nhiên cô cũng phải… ngoan ngoãn nghe theo lời anh ấy rồi!
……o0o……
Họ ngồi trên sofa cùng dính lấy nhau, mặc áo của Đường Trạch, mở một tập phim cũ, anh ngồi đó, Cố Như tựa vào anh, xung quanh xếp đầy đồ ăn cùng ăn khoai lang nướng trong ngày đông lạnh.
Củ khoai nóng bốc khói nghi ngút lăn qua lăn lại trong tay. Đường Trạch giật củ khoai nóng trong tay Cố Như, chầm chậm lột vỏ, bẻ một miếng ngọt bùi đưa vào miệng cô, anh cắn một miếng em một miếng tình cảm đút nhau ăn. Hai người lạnh đến cóng chân vẫn nhìn nhau cười, lòng tràn đầy ấm áp thân thương.
Đợi Cố Như ăn xong, Đường Trạch cẩn thận thấm nước vào khăn tay, vắt cho thật khô để lau sạch các phần không bó bột trên tay vì tránh để bột thấm nước.
– Tháng sau hội từ thiện có tổ chức buổi đấu giá, giúp đỡ người già cơ nhỡ không nơi nương tựa. Em tham gia với anh đi!
Cô ngạc nhiên quay qua nhìn anh hỏi:
– Em tham gia được hả?
– Được, chỉ cần em đem theo vật phẩm đấu giá!
– Tiền bán được sẽ đưa vào quỹ từ thiện để giúp đỡ những người già hả?
Anh gật đầu, mắt cô ấy mở to, lông mày nhướng lên và miệng khẽ mở, hứng thú cô ấy nói mình cũng muốn tham gia, nhưng phân vân không biết nên đem gì đi đấu giá, vì bản thân cô ấy không có vật phẩm nào giá trị.
Vì muốn cô ấy đến buổi đấu giá cùng mình, anh đã nói rằng đem gì cũng được, quan trọng là ở tấm lòng. Vì câu nói này, cô trở nên tự tin hơn, mỗi ngày trôi qua đều trông chờ trong sự háo hức.
……o0o……
Trung tâm trưng bày Nghệ thuật, Cố Như đang làm việc nằm ở trung tâm Thành Phố. Với diện tích 3000m2 gồm 7 tầng, trung tâm bao gồm những nhà hàng được trang trí tinh tế, địa điểm hội thảo, quán cà phê và nhiều không gian đậm chất nghệ thuật.
Cố Như phụ trách dẫn đoàn khách 30 người lên tầng 4 thưởng thức tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam và Miến Điện. Cấu trúc trung tâm trưng bày nằm nép mình trên một góc phố, ánh sáng hắt ra từ những ô cửa sổ được tô điểm thêm với tấm pano màu xanh.
Phần lớn bức tường của những căn phòng được che phủ bởi các tác phẩm nghệ thuật khiến du khách thích thú bởi không gian ấn tượng cùng sự sắp đặt mang đậm phong cách của tác giả buổi triển lãm.
Vừa lên đến phòng nhận được cuộc gọi của một chị đồng nghiệp.
– Xin lỗi em có điện thoại, mấy anh chị tự nhiên!
Cố Như đi một đoạn ra xa gần cửa sổ nghe điện thoại giữ cho không gian được yên tĩnh, để khách hàng có những trải nghiệm tốt nhất.
– Phòng trưng bày của mình mới ký hợp đồng với họa sĩ mới, anh Phú nói em xuống sảnh lấy tranh lên trưng bày.
Cố Như khó xử nhìn đoàn khách trước mặt. Không thể để họ lạc lõng trên đây được, vì nhiệm vụ của cô ấy là tư vấn, giải đáp các câu hỏi giúp khách hàng tiếp cận và nắm rõ thông tin tác phẩm.
– Giờ em bận rồi, chị nói với lễ tân một tiếng dùm em, khi nào xong em sẽ xuống lấy!
Chị ấy cũng không làm khó, vui vẻ đồng ý. Cố Như vừa cất điện thoại vào túi đã nghe tiếng “choảng” của đồ vật rơi, sau đó là tiếng hét của trẻ con, cô giật mình nhìn về phía âm thanh phát ra.
Bé gái thích bông hoa hồng cắm trên bình sứ trắng nên đã đặt tay lên bàn, nhón chân lên để rút một nhánh hoa, nhưng do chiếc bàn tròn chân Inox một trụ nên giữ thăng bằng không tốt, chiếc bàn ngã xuống đè cô bé, bình hoa rơi xuống đất vỡ tan nát hoàn toàn, không còn mảnh nào nguyên vẹn. Cố Như sửng sốt vội vàng chạy đến nhưng bố đứa trẻ đã đẩy bàn ra, đỡ dậy kịp thời.
– Trời ơi có chuyện gì vậy? Có sao không con? Đâu để ba nhìn coi có đau ở đâu không nha!
Cố Như cúi đầu lo lắng nhìn cô bé, nó bị mảnh vỡ của chiếc bình cắt vào tay chảy máu, người nhà lo lắng cuốn quýt thu hút sự chú ý của nhóm quan khách đi cùng, mọi người xúm lại giúp đỡ, khung cảnh đột nhiên trở nên hỗn loạn.
– Chết rồi, con chị bị miểng đâm vào tay rồi. Ai đó mau làm gì đi, chết con tôi rồi!
Sau khi làm vỡ lọ hoa, cô bé vô cùng hoảng sợ cứ ôm chặt lấy mẹ run rẩy nhìn Cố Như.
– Chị ơi em không cố ý, mẹ ơi… Huhuhu…
Cố Như một bên điện thoại gọi cứu viện, một bên trấn an bé gái:
– Rồi rồi, em đừng khóc! Chị đừng lo lắng em đang gọi người giúp.
5 phút sau anh Đạt từ bên ngoài cầm hộp sơ cứu chạy vào, cùng một vài đồng nghiệp khác từ phòng bên cạnh hiếu kì chạy qua xem có chuyện gì. Cố Như ngồi xuống sát khuẩn tạm thời băng bó vết thương lại cho cô bé.
Ngoài chiếc bình bị vỡ, còn có một bức tranh nổi tiếng trị giá 500 triệu của một họa sĩ Miến Điện, bức ảnh bị lực rơi tác động khiến khung kính bên ngoài vỡ, nước trong lọ hoa tràn vào khiến bức tranh bị hư hỏng nặng.
Sau khi nhìn thấy cảnh này, các đồng nghiệp khác lập tức vây quanh truy vấn tình hình:
– Chuyện gì vậy em? Sao bức tranh tan nát luôn rồi?
– Trời ơi tranh này đắt tiền lắm đó, ai làm vậy?
Cố Như đóng hộp sơ cứu lại đứng lên lo lắng nhìn bức tranh dưới sàn nói:
– Em bé này muốn lấy bông hoa trong bình, không cẩn thận làm nghiêng bàn nên vỡ.
Mẹ đứa bé nghe Cố Như nói con gái mình làm vỡ, chắc chắn phải bồi thường khoản tiền lớn, tất cả bày ra trước mắt khiến bà mẹ mất bình tĩnh, ngay lập tức phản bát:
– Cái gì mà con chị làm bể? Em có nhìn thấy không mà ở đó đặt điều vu khống?
Mấy chị nhân viên phòng trưng bày bức xúc chỉ trích:
– Không phải con chị làm bể, là cái bàn tự lật xuống, tự bể hả?
– Giờ con tôi bị thương rồi mấy người tính làm sao đây?
Chị nhân viên chỉ tay xuống bức ảnh hỏi:
– Vậy bức tranh của em bị hỏng rồi chị tính làm sao đây? Chị làm mẹ mà không biết trông chừng con mình, để nó phá phách vậy mà còn thái độ ngược lại với tụi em nữa hả?
– Lỗi sai là ở con chị, nó làm hư bức tranh này của tụi em rồi chị phải bồi thường! Nếu không tụi em sẽ gọi quản lý ra để nói chuyện với chị đó.
Người cha bức xúc vì thái độ của mấy chị nhân viên phòng trưng bày:
– Mấy người nói làm như con gái của tôi mới lần đầu thấy hoa vậy, nó chỉ tránh những khách hàng khác nên mới vô tình chạm vào cạnh bàn…
Người cha cúi người kéo chiếc bàn lại cho mọi người xem.
– Nè mọi người ở đây xem đi, bàn trưng bày chỉ có một trụ Inox thế này làm sao chắc chắn được? Lực chạm của con gái tôi không hề lớn, nhưng lại khiến cái bàn này đổ ầm ngay lập tức chứng tỏ kém độ bềnh. Đây rõ ràng là vấn đề của cửa hàng, là một cái bẫy!
Rõ ràng là đứa bé làm sai trước vậy mà bị gia đình bịa chuyện nói thành lỗi của nhân viên trưng bày, phút chốc sự việc bị chuyển theo một chiều hướng khác. Không đơn giản là ngã bàn vỡ lọ hoa hỏng bức tranh nữa, quan khách trong căn phòng dồn sự chú ý về phía Cố Như, đổ dồn trách nhiệm lên người cô ấy.
– Anh này nói đúng rồi đó, ai lại đặt ở gần cửa chính hạn hẹp, nơi đông người qua lại mà không phải bàn bốn chân chắc chắn, chỉ cần dựa nhẹ là có thể đổ.
– Bức tranh quý giá như vậy mà không có bất cứ biện pháp bảo vệ nào thì không khác gì cửa hàng đang “bẫy” khách. Nếu không phải là con bé thì rất có thể sẽ là một người khác làm vỡ bức ảnh.
– Theo tôi thấy chuyện này không phải con bé này sai đâu, là nhân viên bày trí ở đây sai thì có! Bảo quản bức tranh quan trọng lại quá “hời hợt” nên mới xảy ra tình huống như này.
– Nếu cửa hàng vẫn không thay đổi cách bài trí đồ vật có giá trị như vậy, thì chúng tôi sẽ không còn dám lui tới nữa đâu.
Vụ việc này thu hút không ít ý kiến trái chiều. Nhiều người không đồng tình với cách trưng bày của nhân viên. Đa phần đều cho rằng tai nạn này xảy ra có một phần lỗi ở phía nhân viên phòng trưng bày, vì đã không bảo quản đồ vật hợp lý.
– Với một vật phẩm trưng bày có giá trị lớn và dễ vỡ đến thế, lẽ ra nhân viên nên đặt trên một chiếc bàn kiên cố hơn hoặc treo lên tường để tránh va chạm, hoặc có những biện pháp bảo vệ an toàn hơn.
Sự việc nghiêm trọng càng lúc càng bị đẩy đi xa, hai bên không thể tự mình giải quyết được nữa nên đã gọi quản lý ra, sau khi nghe hai bên trình bày lợi thế nghiêng về phía gia đình bên kia. Tuy có xem lại camera an ninh, cũng thấy cô bé kia làm sai trước, nhưng lỗi vẫn nằm ở Cố Như, để trấn an quan khách không muốn trung tâm mang xấu nên quản lý nén cơn giận nhắm mắt bỏ qua cho gia đình kia, họ không phải bồi thường nữa.
10 phút sau quản lý tổ chức cuộc họp giao ban, gọi Cố Như vào phòng nói chuyện, tâm trạng cô nặng nề vì biết được chuyện mình sắp phải đối mặt.
Mọi người xếp thành một hàng đứng trước bàn làm việc Huỳnh Nam Phú, chuẩn bị “lên lớp”, anh ta xoay ghế lại đặt cốc trà trên tay xuống bàn. Không gian trong phòng yên tĩnh đến nổi có thể nghe được tiếng “cạch” khi đặt cốc. Mọi người đều cúi đầu đan chặt các ngón tay vào nhau căng thẳng không dám nhìn.
– Ngước đầu lên hết đi! Mấy người còn biết sợ hả?
Mọi người giật mình bởi tiếng hét lớn của sếp, ngẩng đầu lên nhưng vẫn đảo mắt tránh né không dám đối mặt.
– Chuyện hôm nay ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của trung tâm chúng ta trong mắt khách hàng, mấy người nghe cho rõ đây! Sau khi về học thuộc bản nội quy công việc cho tôi, mỗi ngày tôi sẽ đến phòng trưng bày của mỗi người để kiểm tra, nếu có bất kỳ bố cục sắp xếp không hợp lý đừng có trách tôi!
Quản lý trước giờ tính tình không được tốt, là người nóng tính, cầu toàn. Lúc nãy kiềm chế trước mặt gia đình kia đã hay lắm rồi, đến khi đứng trước cấp dưới của mình anh thả cho cơn giận dữ của mình bùng nổ.
Lúc nãy là nhắc nhở chung, Huỳnh Nam Phú chuyển ánh nhìn sang Cố Như, cái nhìn thiếu thiện cảm.
– Tôi không hiểu cô làm nhân viên trưng bày kiểu gì ngay cả logic khoa học cũng chẳng có, ai lại để cái tác phẩm quý giá như vậy ngay cửa ra vào chứ?
Ai bị mắng cũng cảm thấy rất bực, nhưng tất cả cũng vì “chén cơm manh áo” mà cam chịu số phận, tự nhủ “sếp luôn đúng”. Đó là với những người tâm tính hay dĩ hòa vi quý. Nhưng đâu phải ai cũng nghĩ được như vậy, Cố Như bị khách hàng hiểu lầm, ông chủ cũng biết sự thật nhưng vẫn cố tình không thông cảm, còn muốn mắng mỏ khiến cô nóng nảy, không giữ được bình tĩnh, tức giận, trở thành “nạn nhân” ăn miếng trả miếng.
– Nhưng mà đó là ý tưởng của anh mà?
Đồng nghiệp đứng kế bên húych tay bảo cô ấy im lặng, vì lúc sếp Phú tức giận tối kỵ nhất chính là có người trả lời lại hay sửa lời, nhưng cô ấy chẳng mấy để tâm tiếp tục nói:
– Khi mới vào công ty, anh đã yêu cầu em đặt những thứ có giá trị và bắt mắt gần cửa, để khách hàng ngay từ lần đầu tiên bước vào cửa đã có thiện cảm, thu phục lòng người, họ mới có ấn tượng mà quay lại… Tại sao giờ thành lỗi của em?
Bị Cố Như bắt bẻ, Huỳnh Nam Phú tức đến tái mét mặt mày, giọng run run:
– Được… Xem như tôi sai! Nhưng cô không thể ngu ngốc đến nổi dùng bàn trụ để trưng bày! Cô đó… Biết bức tranh đó quý giá lắm không hả? Người khách đó không bồi thường, thiệt hại đương nhiên sẽ thuộc về trung tâm rồi.
Huỳnh Nam Phú đứng lên chỉ tay lướt qua những nhân viên có mặt ở đó uy hiếp:
– Nếu sếp lớn truy cứu trách nhiệm ai gánh? Là tôi quản lý nhân viên không tốt hay nhân viên ngu ngốc không thể sắp xếp được công việc đây? Mấy người đừng để tôi trừ lương của bất cứ ai, thái độ làm việc của mấy người sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới lương tháng này đó!
“Ngu ngốc” hai chữ này mang đến cho người ta cảm giác ức chế nhất và cũng là tâm lý tự nhiên nhất của cô ấy lúc này đó là:
– Tại sao mấy ngày trước phòng trưng bày do chị Vân quản lý cũng làm điều tương tự thì không bị xử phạt, không bị mắn, còn tới khi em gặp vấn đề thì lại bị, anh thiên vị hay gì? Hay ma cũ ức hiếp ma mới?
Huỳnh Nam Phú tức giận đập bàn, trợn to mắt, chỉ thẳng vào mặt cô quát:
– Việc của cô bây giờ chính là nhận lỗi và sửa chữa chứ không phải là so đo! Tuyết Vân là người kỳ cựu ở đây, thỉnh thoảng phạm sai lầm một chút thì có sao chứ? Cô là người mới phải rèn luyện tính cẩn thận!
Đang nói tự nhiên ném sắp tài liệu trên bàn về hướng Cố Như.
– Còn nếu cảm thấy làm không được nữa thì nghỉ việc đi, đừng để một người ảnh hưởng tới tập thể!
Tâm yếu đuối lúc nào cũng mong có được sự công nhận tôn trọng, yêu thương từ mọi người, vấp phải làn sóng chỉ trích nặng nề như vậy khiến Cố Như buồn phiền, thất vọng và vô cùng nhạy cảm với những lời mang tính chất tổn thương cao từ cấp trên.
Cô ấy cũng không thể nói thêm được gì, trong lòng rất oan ức nhưng chẳng muốn nói thêm một từ nào, cô đau lòng nhưng chẳng khóc đến xé ruột xé gan mà lựa chọn khóc âm thầm.