Chương 2: Chuyện xưa của Dương Vũ
Hai tháng mẹ nằm viện, mà cơ thể ngày một gầy yếu, mỗi lần hít thở hết sức khó khăn. Thấy mẹ nằm đó, cậu không thể giúp gì, chỉ cố ngăn dòng nước mắt, kể cho mẹ những câu chuyện ở trường. Ba có qua thăm đôi, ba lần nhưng không hề ở lại qua đêm trong phòng bệnh. Ông bà nội, ngoại đã có tuổi, thi thoảng qua thăm, mà lần nào bà ngoại cậu cũng khóc, quanh đôi mắt nhăn nheo hằn dấu thời gian, bà chứng kiến cô con gái út của mình dần lìa xa nhân thế.
Mọi chăm sóc y tế, vệ sinh của mẹ đều được quan tâm chu đáo, ông nội thuê người chăm sóc riêng 24/24h cho mẹ. Thời gian mẹ nằm viện, cậu đặc biệt ấn tượng với dì y tá không biết tên cùng tầm tuổi mẹ, luôn tay luôn chân thoăn thoắt với đống máy móc thiết bị quanh mẹ, mà miệng thì không ngừng nói, những lúc cậu đi học không có ở đây, dì y tá chuyện trò với mẹ sẽ khiến mẹ bớt buồn, điều đó khiến cậu cảm thấy rất biết ơn.
Những năm tháng tuổi thơ, chỉ có mẹ là quan tâm, lo lắng cậu nhất, ba mẹ thường xuyên cãi vã, thậm trí cậu còn biết họ chia phòng, ba thường lấy cớ công việc bận để không về nhà. Mẹ luôn cười với cậu nhưng trong đôi mắt ấy, cậu cảm nhận được mẹ không hạnh phúc. Trong trái tim non nớt của cậu khi ấy cũng đã nhận ra cái người ta cần nhất trong cuộc sống không phải là tiền mà tình cảm gia đình, tình yêu thương con người mới là đáng quý, đáng trân trọng.
Nhìn cảnh hai mẹ con chuyện trò tình cảm trong phòng bệnh, dì y tá tươi cười: “Giá mà hai con cải quý nhà cô được một phần như con thì có phải cô bớt sầu không, đi làm ca về đã muộn, mà hai đứa không ngừng chí chóe đến đinh tai nhức óc, nhất định chờ mẹ về mới ngủ.” Trong câu trách yêu của dì y tá, hai mẹ con cậu đều hiểu ra được tình cảm tốt đẹp của mẹ con họ. Cậu chàng thì ngây ra một lúc mới giác ngộ được câu nói của dì “cải quý”… “
Quỷ cái” thì ra dì có hai cô con gái.
Ba người chuyện trò một lúc thì dì y tá tiếp túc làm việc tại phòng bệnh khác nên phải dời đi. Cậu lại nắm tay mẹ, nhìn mẹ thật lâu rồi ánh mắt sáng bừng lên như nghĩ ra chuyện gì. “Mẹ, mẹ, bức tranh vẽ chủ đề bảo vệ môi trường của con được nhà trường chọn đi thi thành phố đó mẹ, con không còn giữ bản gốc vì đang được mang đi trưng bày, chiều con mang máy ảnh con đã chụp lại tranh trước khi nộp tranh cho mẹ xem nhé.” Mẹ cậu nhìn cậu con trai yêu quý, ánh mắt toát lên sự tự hào: “Ngày bé mẹ đã thấy con có năng khiếu vẽ, hãy cố gắng sống với đam mê của con, mẹ tin tương lai con trai mẹ nhất định sẽ thành công, chàng trai cồng vồng của mẹ.” Cậu xà vào lòng mẹ, hai mẹ con quyến luyến chia tay rồi cậu chào mẹ để về học ca chiều.
Truyện đề cử: Chiến Thần Thánh Y/Huyền Thoại Thánh Y
Năm giờ chiều, như lời hẹn với mẹ, cậu đeo ba lô sách vở cùng chiếc máy ảnh Canon kỹ thuật số đời mới nhất thời đó – được ông nội mua tặng dịp sinh nhật, phi thật nhanh lên taxi đến viện. Đường đi lối lại cậu đã quá quen, thậm trí còn biết đường đi tắt để đến phòng mẹ nhanh hơn. Qua đoạn khuôn viên bệnh viện, cách đó không xa là căn-tin, phía bên ngoài tường rào bệnh viện có thể quan sát thấy mấy chú công nhân đang làm đường, máy công trình kêu uỵch uỵch đến đinh tai, cậu tiếp tục đi cất bước đi nhanh hơn.
Bất chợt cậu nghe thấy tiếng kêu “Meo, Meo” yếu ớt mà khẩn thiết đâu đó. Cậu dừng bước chân, cố loại ra khỏi đầu mớ tạp âm xung quanh để lắng nghe. Sau một hồi đi qua đi lại, cậu phát hiện dưới lỗ cống cách mặt đất tầm gần 1m có chú mèo con đang kêu. Qua miếng vỡ góc cống và phần lỗ cống có thể quan sát được, chú ta đang ướt nhẹp toàn thân, không ngừng run lẩy bẩy, dơ bàn chân trước bé xíu lên phía trước mà không thể nào thoát ra khỏi cống.
Tình hình này có vẻ mắc kẹt khá lâu, bộ lông không rõ mầu chỉ thấy bết bệt phủ màu xám tro của nước cống, chắc chắn cũng sẽ bốc mùi không dễ ngửi. Cậu nhìn đôi bàn tay gầy của mình biết không thể bật nắp công lên được, thế là cậu kêu lên: “Có ai không giúp cháu với.” Căn-tin không xa, một số người đã nghe tiếng cậu nên chạy lại. Cậu nói rõ sự tình. Một chú thanh niên nhanh nhẹn phi ra tường rào gần đó, gọi mấy chú công nhân làm đường, mượn xà beng.
Với sự hợp sức của ba người lớn nắp cống đã được cậy lên thành công. Nhưng nhìn đến mèo con dưới cống ai cũng ái ngại, chú ta bé tầm hai nắm tay người lớn lại đang bốc mùi, ai sẽ xuống cứu chú ta đây. Dương Vũ không ngần ngại xung phong. “Chú ơi, chú giữ chắc chân cháu, cháu cúi xuống cống nhấc mèo lên.” Thế là đã thành công cứu chú mèo.
Chú ta vẫn run lẩy bẩy vì rét. Dương Vũ mở cặp, lấy áo đồng phục thể dục cuốn lấy thân hình bé nhỏ của chú ta rồi ôm vào lòng. Thoát khỏi cống hôi hám, lại được ôm ấp, mèo con ngước đôi mắt màu hổ phách lên nhìn cậu, kêu những tiếng “Meo, Meo” rồi dụi đầu vào áo cậu như cảm ơn ân nhân của nó.
Đậy nắp cống, trả xà beng xong xuôi đâu đấy, cậu mới nhớ mèo trong viện có khi là mèo hoang, rồi ai sẽ chăm sóc cho nó đây. Cậu hướng ánh mắt mình nhìn mọi người xung quanh khi ấy. Như hiểu được suy nghĩ của cậu, bà cụ bán hàng căn-tin gần đó tiến tới, ân cần nói: “Con để cho bà chăm sóc nó, căn – tin ban đêm có chuột rình rập, bà nuôi em nó lớn giúp bà trông quán luôn.” Cậu cảm kích nhìn bà, sự đôn hậu, gần gũi toát ra từ bà khiến cậu rất yên tâm, không nề hà trao mèo con cho bà cụ. Bà cụ đón lấy mèo con quay trở lại căn-tin, vừa ôm vừa cưng nựng. Vẫn thấp thoáng tiếng Meo Meo, nhưng chắc chắn rằng cuộc đời mèo con từ nay sẽ có bàn tay chăm sóc, yêu thương.
Cứu mèo con xong, cậu mới nhớ phải nhanh chóng lên phòng mẹ thôi. Mà đôi tay lấm lem hết rồi. Cậu phi vào nhà vệ sinh gần đó, dùng xà phòng trà kỹ hai tay. Soi gương nhìn lại cậu chàng đẹp trai trong đó cậu cười ngây ngô tự đắc, nay mình đã làm được việc tốt, nhất định mẹ sẽ rất vui.
Ra khỏi nhà vệ sinh với tâm trạng đầy hào hứng, cậu bấm thang máy lên tầng có phòng mẹ. Đôi chân quen lối rảo bước thật nhanh nơi có mẹ là nơi ấm áp hạnh phúc nhất với cậu. Đón chờ cậu lúc này là tấm chăn trắng đã phủ qua mặt mẹ, tiếng khóc của bà nội, bà ngoại, ánh mắt u sầu, âm trầm của hai ông. Mẹ nằm đó, lạnh lẽo quá. Cậu hiểu ra mình đã đến muộn rồi, mẹ không còn bên cậu nữa. Cậu gào lên thảm thiết: “Mẹ, mẹ sao mẹ không chờ con.”
Nước mắt không ngừng tuôn rơi, tim đau như cắt. Tiếng khóc của cậu vang ra hành lang, khiến ai cũng không khỏi thương cảm cho cậu bé vừa mất mẹ. Ông nội nhìn cậu nói: “Ông đã bảo tài xế qua đón mà không thấy cháu ở trường, mẹ cháu vừa đi cách đây 5 phút đồng hồ.” Cậu không còn nghe thấy gì nữa, quanh tai ù ù, nước mắt, nước mũi lấm lem, chẳng điều gì có thể xoa dịu nỗi đau của cậu lúc này. Cậu tự đấm ngực tự trách “Mẹ à, giá mà con đến với mẹ sớm hơn.” Dì y tá lúc này cũng có mặt và đến bên an ủi cậu: “Mạnh mẽ lên chàng trai, mẹ con rất tự hào về con, ở trên cao ấy mẹ sẽ dõi theo con. Mẹ đã hết đau đớn rồi, hãy vì mẹ mà sống tốt hơn con nhé.”
Từ đó về sau, cậu luôn nhắc nhở bản thân 05 phút đồng hồ cũng vô cùng quý giá, hãy trân trọng thời gian khi ở bên người thân yêu của mình. Cậu không hề hối hận về việc cứu mèo con, cậu biết chắc chắn rằng mẹ sẽ rất vui vì mình làm việc tốt. Điều khiến cậu hối hận đó là không tận dụng hết thời gian, cậu có thể cứu mèo con nhanh hơn, vào phòng vệ sinh nhanh hơn để về bên mẹ những giây cuối đời.
Sau khi mẹ mất, cậu tiếp tục theo học trong nước, đến năm 18 tuổi sang Úc du học và ở Úc đến 25 tuổi thì về nước. Hai ba con cũng đã nói chuyện, chia sẻ nhiều hơn, cậu không còn gay gắt với ba như trước, cậu hiểu rằng tình thân gia đình không gì sánh được, thay vì trách ba không quan tâm mẹ, hãy cố gắng thấu hiểu nỗi lòng riêng của ba. Ba không hề đi bước nữa mà nuôi cậu ăn học đó thôi, chẳng phải với ba cậu cũng là niềm hạnh phúc, tự hào của ông sao.
Những năm đầu khởi nghiệp, có dịp công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ cậu đã đến thương hiệu thủy tinh nổi tiếng nhất ở đó – Pasabahce để đặt riêng chiếc đồng hồ cát. Việc pha màu, chọn tỷ lệ cát do chính tay cậu thử nghiệm hàng chục lần đến khi ưng ý nhất. Cậu ngắm nhìn nó mỗi ngày, để nhắc nhở bản thân về những chuyện đã trải qua, để nhớ về mẹ – người cậu yêu nhất trong cuộc đời.