Chương 4
Xin vui lòng
– Không nhặt lỗi/góp ý
– Không công kích tác giả/editor/nhân vật chính
– Chỉ bình luận liên quan đến nội dung truyện, KHÔNG CHẤM/HÓNG
_________________
Cảm ơn mọi người đã ủng hộ, nếu 5 acc bình luận chương này (đúng yêu cầu phía trên) thì mai mình đăng chương 5 nha 🌷
_________________
Nhậm Huyên về đến bộ Lễ, thấy Giang chủ sự ngồi ngoài ngạch cửa khóc sướt mướt bèn hỏi han ngọn nguồn. Ông ta thút thít kể lại rồi than thở:
– Hạ quan cứ tưởng tên Tô Tấn kia cùng hội cùng thuyền với mình nên mới tốt bụng lấp liếm giúp hắn, ai ngờ hắn với Liễu đại nhân lại là chỗ quen biết. Giờ thì hay rồi, hắn tỉnh bơ trốn mất dạng, bỏ mặc hạ quan trong ngõ cụt. Tự dưng đắc tội với hai ông sếp Đô Sát Viện khiến hạ quan chỉ muốn chết quách cho xong.
La thượng thư cũng về bộ Lễ chung với Nhậm Huyên, đứng khom lưng nghe Giang chủ sự khóc lóc kể lể một hồi thì chê ông ta dông dài, mắng rằng:
– Đáng đời, lão phu đã dặn các cậu phải chịu khó nói ít lạy nhiều còn gì, đúng là cái miệng hại cái thân.
Nhậm Huyên nghe xong thì thấy thắc mắc lắm, bèn hỏi:
– Liễu đại nhân và Tô Tấn quen nhau á? Sao lại thế được?
Giang chủ sự chùi nước mắt kể:
– Sao lại không ạ? Chính tai hạ quan đã nghe thấy ông nội Liễu đại nhân kia tra án giúp Tô Tấn, hỏi cống sĩ mất tích ngày nào, còn nhắc tới Yến thiếu chiêm sự nữa. Ai chẳng biết Tả đô ngự sử là vị Bồ Tát mặt sắt, nếu không phải chỗ thân thiết thì sức mấy mà cậy nhờ ông nội đó được?
Nhậm Huyên sững người.
Thế nhưng Thị lang bộ Hộ Thẩm Hề theo họ tới chơi lại cười hinh hích sau khi hóng chuyện nãy giờ. Chàng hỏi:
– Giang chủ sự này, ta nhớ ông có thằng cháu trai xấp xỉ tuổi Liễu đại nhân mà. Hình như ông gọi Liễu đại nhân là ông nội nghe không ổn lắm thì phải?
Giang chủ sự thây kệ, cãi rằng:
– Có gì mà không ổn? Ai giết được ta đều là ông nội của ta hết.
Thẩm Hề vuốt ve con công cấp ba thêu trên bộ triều phục của mình, hỏi:
– Thế còn ta thì sao hả Giang chủ sự?
– Ngài ấy à?
Giang chủ sự ngước cặp mắt đẫm lệ lên nhìn chàng đáp:
– Ngài giữ bạc nên ngài là ông tổ của ta luôn ấy chứ!
Trong lúc Thẩm Hề cười khoái chí thì Nhậm Huyên đi ra ngạch cửa, ngồi xuống cạnh Giang chủ sự, nghĩ mãi vẫn không thông.
Đô Sát Viện có quyền buộc tội đủ loại quan chức nên nếu bọn họ muốn thụ lý vụ án của Tiều Thanh sẽ rất dễ dàng. Nếu Tô Tấn quen Liễu Triêu Minh thì việc gì phải cầm tấm thiệp bí mật tới tìm mình chứ? Làm thế chẳng những bỏ gần tìm xa mà còn có cớ cho người ta bắt thóp.
Lúc hắn tới Chiêm Sự Phủ nghe ngóng tin tức, tình cờ gặp Thập Tam điện hạ mới biết Chu Nam Tiễn đã từ Tây Bắc về kinh rồi. Đành rằng xưa nay Thánh thượng luôn yêu thương chàng, không ngờ giờ còn giao quyền thống lĩnh Kim Ngô Vệ cho chàng luôn.
Nhậm Huyên không rõ Tô Tấn còn nhớ Chu Nam Tiễn không, nhưng chuyện năm ấy Thập Tam điện hạ quậy tung bộ Lại vì một viên quan Hàn lâm thì đã truyền khắp cung.
Nếu vụ án Tiều Thanh rơi vào ngõ cụt, có khi Thập Tam điện hạ lại chịu nhúng tay lo liệu cũng chưa biết chừng.
Nhậm Huyên hớn hở quay về, vốn định báo cho Tô Tấn biết tin vui này, nào ngờ Liễu Triêu Minh lại tự dưng can thiệp khiến hắn bị tạt một chậu nước lạnh, cảm thấy việc tốt mình làm có vẻ thừa thãi.
A Lễ chuẩn bị kiệu xong, tiến vào hỏi:
– Bẩm Tiểu hầu gia, giờ mình tới nha môn phủ Ứng Thiên tìm Tô tiên sinh ạ?
Nhậm Huyên xua tay nói:
– Khỏi, về phủ đi.
Lúc Tô Tấn về đến phủ nha, trời đã tối mịt.
Châu Bình đi từ sảnh chính ra, túm lấy nàng hỏi:
– Hai ngày nay không thấy bóng đệ, đệ đã đi đâu thế?
Tô Tấn thấy hắn mồ hôi nhễ nhại, áo quần nhếch nhác bèn nói:
– Đừng hỏi ta vội, huynh làm sao thế?
Châu Bình thở dài một tiếng, than rằng:
– Thôi đừng nhắc nữa, hôm nay mấy tên sĩ tử thi rớt lại tới miếu Phu Tử gây rối. Lúc ta dẫn nha sai tới dẹp loạn thì hai bên xảy ra xô xát, có mấy đứa nhân lúc hỗn loạn đẩy ta ngã xuống đất, may mà người của Ngũ thành binh mã tư tới kịp. Ta cũng vừa mới về đến nơi.
Tô Tấn lại bên bàn rót cho hắn tách trà, buông lời cằn nhằn:
– Khắp nha môn này đều biết huynh là người chất phác nên bình thường hễ có vụ nào khó nhằn đều vứt hết cho huynh đã đành, giờ càng quá quắt hơn, lại còn bắt huynh đi dẹp loạn nữa. Hạng thư sinh trói gà không chặt như huynh tới đó để giảng đạo chắc?
Châu Bình nhận tách trà, trấn an nàng:
– Lần này đám người gây rối cũng là thư sinh nên ta tới nói phải quấy cũng hợp lý mà.
Tô Tấn sực nhớ tới danh sách cống sĩ mình xem ban sáng, chợt nói:
– Nếu lần sau lại có sĩ tử gây rối thì huynh dứt khoát không được đi nữa đâu đấy, nhược bằng không thoái thác được thì hãy cáo ốm luôn đi.
Châu Bình đồng ý rồi hỏi:
– Đệ có tìm được manh mối gì về chuyện Tiều Thanh mất tích không?
Tô Tấn tự rót cho mình một tách trà, trả lời hắn:
– Chỉ được đôi chút thôi.
Châu Bình nhìn quanh rồi kéo nàng ra ngoài hiên kể:
– Hôm qua sau khi đệ đi, ta có tới nhà cống sĩ hỏi thăm lần nữa thì tình cờ chạm mặt con hầu gái của Yến thiếu chiêm sự. Nó bảo công tử nhà nó để quên con dấu ngọc ở đấy nên sai nó tới lấy về.
– Hôm qua sao?
Theo như manh mối hiện có thì đến tận sáng nay Yến Tử Ngôn mới biết chuyện con dấu ngọc của nhà họ Yến hiện đang ở nhà cống sĩ, con hầu gái kia từ đâu chui ra mà lại có tài tiên tri thế?
Châu Bình nói:
– Chẳng phải đệ đã cầm con dấu kia đi hay sao. Thế nên ta bảo nó là vì chuyện Tiều Thanh mất tích, nha môn muốn điều tra vụ án này nên đã tịch thu chứng cứ, nếu nó muốn lấy lại con dấu ngọc thì hai hôm nữa phải đến nha môn kinh sư.
Tô Tấn hỏi:
– Nó chịu không?
Châu Bình đáp:
– Nó đồng ý rồi, bảo rạng sáng ngày mốt sẽ tới lấy.
Thấy Tô Tấn im lặng không đáp lời, Châu Bình nói tiếp:
– Ta thấy hành vi của con hầu gái này rất kỳ quặc nên đã cố nhớ rõ dáng dấp của nó, tính chờ Dương đại nhân về phủ sẽ hỏi xem ông ấy có biết ấy là ai không.
Tô Tấn lắc đầu ngăn:
– Đừng, ta biết đó là ai rồi.
Yến thái phó có ba con trai và một con gái. Đại công tử lẫn Nhị công tử đều không ở kinh sư, vậy ngoài Tam công tử Yến Tử Ngôn ra thì chỉ còn một người nữa đang sống trong phủ là cô tiểu thư đã từ hôn ba lần, vẫn đang đợi gả chồng.
Con dấu ngọc của Yến thị chỉ giao cho con dòng chính giữ. Nếu cả ba vị công tử đều bận bịu thì người hôm ấy để con dấu ngọc lại nhà cống sĩ chỉ có thể là cái cô Yến đại tiểu thư Yến Tử Thê đầy tai tiếng kia thôi.
Tô Tấn không hiểu một tiểu thư cành vàng lá ngọc như Yến Tử Thê tới nhà cống sĩ tìm Tiều Thanh làm gì?
Hôm sau lúc đi làm, cả công thự đều bàn tán xôn xao về chuyện sĩ tử gây rối. Thấy Châu Bình tới, họ vội túm lấy hắn hỏi han sự tình.
Ai hỏi gì Châu Bình đều đáp hết, sau đó kết luận rằng:
– Quan chủ khảo của kỳ thi xuân là Cầu các lão – một người nổi tiếng khắp thiên hạ về phẩm chất công bằng chính trực. Vì mấy tên sĩ tử kia buồn chuyện thi rớt nên mới làm loạn, bao giờ bình tĩnh lại họ sẽ hết tức thôi. Đây chẳng phải chuyện gì to tát cả.
Lưu thôi quan cười nhạo hắn:
– Bây giờ chỉ có mỗi Thông phán đại nhân là lạc quan thế thôi, chắc do huynh không biết vì việc này mà đêm qua Đô Sát Viện đã mời Dương đại nhân tới uống trà và bàn bạc cả đêm, đến giờ ông ấy còn chưa về đấy.
Châu Bình cả kinh hỏi:
– Đô Sát Viện để mắt tới chuyện sĩ tử gây rối này à?
Lưu thôi quan đáp:
– Huynh nghĩ thi rớt là chuyện nhỏ chắc? Năm ngoái, Cao đại nhân ở Cừ Châu được vời vào cung nhậm chức, nhưng vì chỉ đỗ bảng Ất mà bị đám người trong cung nhìn bằng nửa con mắt, khiến sau đó ông ấy không chịu nổi phải từ quan về hưu luôn.
Nói xong, hắn chợt lia mắt nhìn Tô Tấn đang ngồi chép lại bản cáo trạng trong góc rồi bảo:
– Nếu huynh không tin thì cứ hỏi cậu ta khắc biết. Cậu ta đỗ bảng Giáp, năm ấy còn giật Giải Nguyên Kỷ Châu, sau được xướng danh Nhị giáp Tiến sĩ, thế mà giờ lại phải làm cấp dưới của huynh với ta thì e là cả đời này đều thấy không cam tâm.
Châu Bình xụ mặt cãi:
– Nghĩa Chử huynh nói thế là sai rồi. Bách Lý Hề đến 70 mới làm Tể tướng, Hoàng Trung phải 60 mới theo Thục giết giặc, giờ Thời Vũ hẵng còn trẻ, ai biết thành tựu ngày sau ra sao chứ.
Lưu Nghĩa Chữ buông lời bỉ bai:
– Huynh chỉ được cái văn vở. Cậu ta bị bộ Lại ghim thế thì chưa bị biếm chức là may chứ ngóng gì tới thăng tiến.
Châu Bình đang định cãi tiếp thì Tô Tấn ở bên kia đã chép cáo trạng xong.
Nàng nộp cho Lưu Nghĩa Chử rồi nghiêm túc nói:
– Đại nhân cứ đùa, hạ quan không có chí lớn, toàn sống được chăng hay chớ, ở đâu thấy yên tâm thì coi chốn ấy là nhà. Hạ quan thấy làm ở nha môn rất tốt, nếu Lưu đại nhân châm chước để thi thoảng hạ quan ra ngoài đổi gió thì càng tốt.
Lưu Nghĩa Chử nghiêng đầu hỏi nàng:
– Sao thế? Lang bạt bên ngoài hai hôm chưa đã hay sao mà lại muốn đi nữa?
Tô Tấn đáp:
– Dạ, hạ quan có chút việc riêng, sẽ về trước giờ Thân ạ.
Tuy Lưu Nghĩa Chử ăn nói bỗ bã nhưng được cái khoan dung với cấp dưới, rất hiểu cách nhắm mắt làm ngơ, vì thế nói:
– Cậu cứ việc đi, nếu bị lão giặc Tôn tóm cổ thì cấm cầu xin bản đại nhân đấy, bản đại nhân quyết sống chết mặc bay.
Tô Tấn vừa ra khỏi nha môn thì nghe tiếng Châu Bình gọi với sau lưng:
– Thời Vũ, đợi ta với.
Tô Tấn ngạc nhiên hỏi:
– Sao huynh cũng ra đây thế?
Châu Bình ngoái đầu nhìn phủ nha, thở dài than:
– Lưu Nghĩa Chử nói năng chẳng biết suy nghĩ, ta không muốn ở cùng một chỗ với hắn ta.
Rồi hỏi:
– Đệ định tới nhà cống sĩ à? Vừa hay ta cũng đang muốn đến đó.
Châu Cao Ngôn có một nguyên tắc là hễ nói chuyện với Lưu Nghĩa Chử thì luôn lánh nặng tìm nhẹ.
Ban sáng lúc nhắc tới đám sĩ tử thi rớt, tuy ngoài mặt hắn lạc quan là thế nhưng trong bụng lại lo ngay ngáy bởi hắn nhớ lúc giải tán lũ kia đã bị chúng đe rằng cứ chờ mà xem. Hắn không giấu nổi vẻ phiền muộn, dọc đường cứ tố khổ với Tô Tấn mãi.
Tô Tấn nói:
– Huynh đúng là ôm rơm rặm bụng, nha môn kinh sư có dính líu gì tới kỳ thi xuân đâu. Nếu chẳng may mọi chuyện trở nên nghiêm trọng khiến Thánh thượng trách phạt thì đã có Nội Các và bộ Lễ phía trên gánh tội rồi mà.
Châu Bình buồn bực nói:
– Theo lý là thế, nhưng ta vẫn muốn tới nhà cống sĩ xem thử. Nếu như hôm nay bộ Lễ đảm bảo đưa mấy ông nội có tên trên bảng vào cung rồi mai xướng danh và phong quan êm thấm thì ta mới thấy lòng an bình được.
Họ nói đến đó thì tới nhà cống sĩ. Võ vệ kiểm tra danh thiếp xong bèn vào bẩm báo. Chẳng bao lâu sau, Hứa Nguyên Triết hộc tốc đi ra, vừa đi vừa vội vàng hỏi thăm:
– Tô tiên sinh có tin gì của Vân Sênh huynh rồi ạ?
Hắn là cống sĩ cùng khoa với Tiều Thanh, dáng dấp nhã nhặn thanh tú, tiếc là mắc dị tật, vừa lọt lòng mẹ đã bị thọt.
Tô Tấn không đáp mà bảo:
– Tìm chỗ nào yên tĩnh nói chuyện đi.
Nàng dẫn Hứa Nguyên Triết đi vòng ra con hẻm phía sau, bấy mới hỏi:
– Nguyên Triết này, huynh thử nghĩ kỹ lại xem từ kỳ thi xuân đến giờ, Vân Sênh có giao du với người nào không?
Hứa Nguyên Triết đáp:
– Lần trước tiên sinh đã hỏi chuyện này rồi mà. Từ lúc đến kinh sư, ngoài tiên sinh thì Vân Sênh huynh chỉ qua lại với đám cống sĩ cùng khoa thôi.
Tô Tấn im lặng một lúc, lại hỏi tiếp:
– Người nào mà ta hỏi là con gái cơ, huynh ấy có qua lại với ai không?
Mặt Hứa Nguyên Triết chợt tái mét, hỏi gặng:
– Hà cớ gì tiên sinh lại hỏi thế?
Tô Tấn biết Tiều Thanh chưa từng dính dáng tới phụ nữ.
Cũng vì nguyên do đó mà khi tra ra Yến Tử Thê từ chỗ Yến Tử Ngôn, nàng càng thấy khó hiểu hơn.
Thấy Hứa Nguyên Triết ậm ừ không đáp, Tô Tấn đã đoán ra bảy tám phần bèn hỏi:
– Sao thế? Là chuyện không thể nói cho ta biết à?
Hứa Nguyên Triết thấy rất khó xử, cụp mắt đáp:
– Xin tiên sinh chớ hỏi nữa. Vân Sênh huynh đã dặn ta rằng dù huynh ấy có chết thì cũng tuyệt đối không được nói cho tiên sinh biết chuyện này.
Tô Tấn bình tĩnh nhìn hắn hỏi:
– Thế nếu huynh ấy đã chết thật rồi thì sao? Huynh cũng không muốn nói ra à?
Hứa Nguyên Triết vẫn cứ cụp mắt, vẻ mặt trông rất bất an.
– Đó chẳng phải loại con gái tốt lành gì đâu.
Chú thích của tác giả
1, Bảng Giáp: Những người đỗ Tiến sĩ.
2, Bảng Ất: Những người đỗ Cử nhân.
3, Thường thì những vị quan chỉ đỗ Cử nhân sẽ bị phân biệt đối xử, con đường thăng tiến cũng không thuận lợi.
Mặt khác, nếu ai quan tâm tới hệ thống quan chế của truyện thì có thể đọc chút kiến thức bên dưới:
Kim Ngô Vệ: Thuộc Thập Nhị Vệ, trực tiếp nghe lệnh Hoàng đế, tương đương với cấm quân.
(Truyện mô phỏng bộ máy hành chính và quân sự thời nhà Minh, bạn nào rành sử nhà Minh chắc biết là từ thời đầu nhà Minh đã có Thập Nhị Vệ, trong đó có Cẩm Y Vệ siêu nổi tiếng.)
Ngũ Thành Binh Mã Tư: Nói đơn giản là tương đương với Cục công an với Cục quản lý đô thị thủ đô nhưng trong truyện này thì thủ đô là phủ Ứng Thiên, tức Nam Kinh.
Tuy mình mô phỏng hệ thống quan chế nhà Minh nhưng truyện vẫn là hư cấu để dễ bề bung lụa viết bậy bạ, ngay cả tên triều đại cũng được đặt là triều Tùy, Tùy trong từ tùy tiện á.
Chú thích của Sườn
Hệ thống quan chế phủ Ứng Thiên (thời Minh)
– Phủ doãn: 1 người; hàm Chính tam phẩm.
– Phủ thừa: 1 người; hàm Chính tứ phẩm.
– Trị trung: 1 người; hàm Chính ngũ phẩm.
– Thiếu doãn: 1 người; hàm Chính lục phẩm.
– Thông phán: 3 người; hàm Chính lục phẩm.
– Thôi quan: 1 người; hàm Tòng lục phẩm.
– Kinh lịch: 1 người; hàm Tòng thất phẩm.
– Tri sự: 1 người; hàm Tòng bát phẩm.
– Nho học giáo dụ: 1 người; hàm Tòng cửu phẩm.
– Huấn đạo: 1 người; không có phẩm hàm.