Chương 3
Xin vui lòng
– Không nhặt lỗi/góp ý
– Không công kích tác giả/editor/nhân vật chính
– Chỉ bình luận liên quan đến nội dung truyện, KHÔNG CHẤM/HÓNG
_________________
Cảm ơn mọi người đã ủng hộ, nếu 5 acc bình luận chương này (đúng yêu cầu phía trên) thì mai mình đăng chương 4 nha 😘
_________________
Hôm nay mặt trời không chói chang là mấy, nằm chơ vơ phía cuối chân trời, thi thoảng gió lại nổi lên, mây giăng mỗi lúc một dày.
Tô Tấn khum tay lên che trước trán, đoán chừng sắp mưa to. Khốn nỗi Chính Ngọ Môn hoành tráng thế mà chẳng có nổi một chỗ trú mưa.
Nàng túm gọn tay áo lại, đang định kiếm xó nào ngồi xuống thì nghe thấy tiếng người gọi sau lưng:
– Tô tiên sinh.
Người tới là A Lễ tiểu ca – gã hầu của Nhậm Huyên.
Hắn nói:
– Sáng nay Hầu gia và tiên sinh đi vội quá, quên đem theo danh sách cống sĩ nên ta mang tới đây. Ta nghĩ thể nào trời cũng đổ mưa nên cầm cả dù của tiên sinh đến luôn.
Đoạn, hắn đưa chiếc dù giấy trong tay cho Tô Tấn rồi nhìn quanh một vòng, than rằng:
– Quả nhiên ta đoán trúng phóc, dạo cuối xuân thời tiết thất thường ghê.
Tô Tấn nói cảm ơn, thấy một góc cuốn sổ ló ra khỏi ngực hắn thì tò mò hỏi:
– Ta nhớ giấy tờ của bộ Lễ thường khắc họa tiết mây xanh ngọc cơ mà, sao cuốn này trông khác thế?
A Lễ đáp:
– À, đây là danh sách cống sĩ La Thượng thư dặn làm riêng, ngài ấy bảo Liễu đại nhân bên Đô Sát Viện cần, tuy chỉ là bản báo cáo phi chính thức nhưng lại chi tiết hơn cả bản của bộ Lễ đấy.
Sau đó, hắn móc bản báo cáo ra đưa cho Tô Tấn xem rồi nói:
– Cũng không có gì bí mật cả, chẳng qua ông sếp sòng bên Đô Sát Viện lo đến là nhiều, ngay cả mười tám đời tổ tiên của thư sinh nghèo mà cũng đòi truy rõ ngọn nguồn. Theo ý ta thì chẳng việc gì phải quan tâm mấy thứ ấy, người ta học giỏi là được quá rồi mà?
Tô Tấn lật xem sơ sơ. A Lễ không nói dối, danh sách này trông y như cuốn gia phả liệt kê tường tận gốc gác mười tám đời tổ tiên nhà người ta.
A Lễ trông mặt Tô Tấn đăm đăm bèn sáp tới hỏi:
– Tô tiên sinh, ngài xem xong danh sách này có phát hiện một chuyện rất lạ không?
Tô Tấn hỏi:
– Gì cơ?
A Lễ nhìn quanh bốn phía vì sợ có người đi ngang nghe được:
– Hầu như toàn bộ cống sĩ khoa thi này đều là người phương Nam. Tiểu hầu gia đang lo không biết số người thi đỗ ở hai miền Nam Bắc chênh lệch nhiều thế liệu có dẫn đến phiền phức gì không!
Không kể những cống sĩ đỗ đợt thi này, chỉ tính riêng kỳ thi xuân trước thì hầu hết số sĩ tử được các nơi cử đi thi đều là người phương Nam. Mà sau kỳ thi xuân, trong số 89 cống sĩ được yết bảng chỉ có 7 người quê ở đất Bắc. Điều này khiến các sĩ tử phương Bắc bị rớt sinh lòng bất mãn, kéo nhau đến nhà cống sĩ quậy mấy bận làm Châu Bình phải dẫn nha sai tới đó trấn an và thuyết phục họ giải tán.
Tô Tấn lánh nặng tìm nhẹ đáp:
– Tiểu hầu gia lo bóng lo gió thôi. Đất Giang Nam lắm nhân tài nên họ cử nhiều sĩ tử giỏi giang đi thi cũng bình thường mà.
Hai người đang đứng dưới mái hiên nói chuyện thì nghe tiếng sấm dậy vang trời ở đằng xa, rồi giọt mưa to cỡ hạt đậu bắt đầu trút xuống khiến mặt đất bên dưới mái hiên ẩm ướt ngay.
A Lễ vừa bung dù, vừa bảo Tô Tấn:
– Mưa to vậy mà đứng dưới mái hiên hẹp thế này chắc ướt hết, hay là tiên sinh theo ta tới bộ Lễ trú đi, dù sao Tiểu hầu gia ra đây không thấy ngài cũng sẽ tới bộ Lễ thôi.
Tô Tấn cũng nghĩ vậy, bèn bung dù cùng hắn tới bộ Lễ.
Hôm nay là thi Đình nên người bên bộ Lễ đã đến điện Phụng Thiên hết, chỉ có một gã chủ sự ở lại trực ban.
Gã chủ sự này họ Giang, đang nằm ngủ gà ngủ gật trên bàn làm việc. Nghe tiếng xì xầm ngoài hành lang xen lẫn tiếng mưa, gã ló đầu ra xem, nhận ra ai tới bèn đi ra đón và hỏi:
– Ngọn gió nào thổi A Lễ tiểu ca tới đây thế?
Sau đó cầm dù của A Lễ gác sang một bên cho ráo, rồi mời hắn vào trong:
– Huynh tới đưa giấy tờ thay Hầu gia à?
– Vâng, sáng nay Tiểu hầu gia đi gấp quá, để quên danh sách cống sĩ mà Đô Sát Viện cần ở nhà nên ta mang tới đây.
A Lễ chìa tay mời Tô Tấn vào trong.
Bấy giờ Giang chủ sự mới để ý tới Tô Tấn, thấy nàng mặc đồ mộc mạc song lại đứng tỉnh bơ ở đó thì chợt rối rắm không biết lai lịch người này thế nào, bèn khiêm tốn hỏi thăm:
– Vị này là?
Tô Tấn trình danh thiếp và vái chào gã.
A Lễ nói:
– Tô tiên sinh đi chung với ta.
Giang chủ sự mở danh thiếp ra xem, thấy nàng chỉ là một Tri sự tòng bát phẩm tép riu của phủ Ứng Thiên thì dửng dưng bảo:
– Ừ, thế cùng vào trong đi.
Ba người chưa kịp ngồi xuống thì Liễu đại nhân của Đô Sát Viện đã tới, theo sau còn có cả sếp phó của Đô Sát Viện là Phó đô ngự sử Triệu đại nhân – Triệu Diễn.
Giang chủ sự giật nảy mình vì kinh ngạc, cơn buồn ngủ tự dưng biến đâu mất. Gã lập tức mời hai vị khách quý ngồi xuống ghế, dâng trà lên, rồi cung kính thưa:
– Bẩm, trà Long Đoàn Nhi mà Thánh thượng ban thưởng hồi mười ngày đầu tháng đã hết rồi, giờ ti chức chỉ còn chút Ngân Ti mới hãm sáng nay, mong hai vị đại nhân dùng tạm cho.
Triệu Diễn cười nói:
– Thế thì khéo quá thể, bên chỗ bọn ta vẫn còn nguyên bánh trà Long Đoàn Nhi, nếu bộ Lễ thích uống thì hôm nào ngươi sang Đô Sát Viện cầm về đi.
Giang chủ sự sợ thót cả tim, rối rít từ chối:
– Không dám, không dám ạ.
Triệu Diễn lại nói:
– Ta với Liễu đại nhân phải ra ngoài cung một chuyến, đoán chừng danh sách cống sĩ hôm trước nhờ bộ Lễ chỉnh lý chắc xong rồi bèn sang đây lấy.
– Vâng ạ.
Giang chủ sự khom người đáp:
– Thượng thư đại nhân và Tiểu hầu gia có nhắc đến chuyện này. Hôm qua hạ quan đã chỉnh lý danh sách xong xuôi, Tiểu hầu gia còn đích thân mang về phủ rà soát lại. Ngài ấy bận lo việc bên điện Phụng Thiên nên đã cố ý dặn A Lễ tiểu ca đem tới.
Nói xong, gã cười tủm tỉm nhìn A Lễ, chờ hắn đưa danh sách cho mình báo cáo kết quả công tác.
A Lễ thầm than xúi quẩy, ban nãy lúc tán gẫu với Tô Tấn, hắn đã đưa danh sách cho nàng xem, giờ vẫn chưa lấy lại.
Tiểu hầu gia từng không ít lần than thở với hắn về thủ đoạn đanh thép của Đô Sát Viện, nếu giờ mà bị bắt tại trận việc cho người khác xem giấy tờ của bộ Lễ thì dù hắn bị đánh chết là hẵng còn nhẹ.
Mồ hôi trán A Lễ túa ào ào, hai đầu gối mềm nhũn ra. Lúc hắn sắp sửa thụp xuống đất thì Tô Tấn đã nộp báo cáo lên và bẩm:
– Mời Liễu đại nhân và Triệu đại nhân xem qua.
A Lễ nhắm tịt mắt lại, thầm nghĩ mình tiêu đời rồi.
Cả sảnh lặng ngắt như tờ.
Liễu Triêu Minh hỏi lạnh tanh:
– Sao ngươi lại cầm giấy tờ của bộ Lễ hả?
Tô Tấn chưa kịp đáp thì Giang chủ sự đã cướp lời:
– Cậu này là đại sứ mới tới bên Cục in ấn của bộ Lễ, vừa nhận việc hai hôm trước. Cậu ta chỉ là quan tép riu không có phẩm trật nên đại nhân không biết cũng dễ hiểu.
Gã nghĩ thay vì ngồi chờ chết, chi bằng thử bịa đặt lấp liếm, biết đâu lại có đường sống. Nhưng gã đâu biết rằng chỉ trong vòng hai ngày ngắn ngủi, Tô Tấn và Liễu Triêu Minh đã chạm mặt nhau hai lần, một lần ở Đại Lý Tự, nàng là Tri sự tòng bát phẩm phủ Ứng Thiên, một lần ở Chính Ngọ Môn, nàng là người hầu của Hầu phủ.
Liễu Triêu Minh hỏi nhẹ tênh:
– Thế ra đây là đại sứ của bộ Lễ à?
Tô Tấn chỉ biết câm nín. Nàng vốn định nói A Lễ sợ danh sách bị ướt mưa nên mới nhờ nàng giữ hộ, nào ngờ Giang chủ sự lại là tên nhát cáy, vừa nghe Liễu Triêu Minh hỏi là quýnh hết lên.
Tự dưng ép nàng vào thế không trâu bắt chó đi cày, buộc phải nhận cái chức đại sứ kia.
Liễu Triêu Minh cầm danh sách, lật xem sơ rồi hỏi:
– Nếu ngươi đã là người của bộ Lễ thì chắc cũng góp chút công chỉnh lý bản danh sách này. Những người nào do ngươi soạn thế?
Vừa rồi Tô Tấn không xem kỹ, chỉ liếc sơ mấy tờ đầu.
Nàng bèn đáp:
– Bẩm đại nhân, hạ quan soạn vài người đầu ạ.
Liễu Triêu Minh nói:
– Bản quan lười xem, ngươi đọc lại cho ta nghe đi.
Tô Tấn đành phải tuân lệnh.
Giang chủ sự cứ ngỡ mình chết chắc rồi nên lưng còng hẳn xuống như củ sâm già. Nhưng càng nghe Tô Tấn đọc, ông ta càng choáng váng, rồi từ từ duỗi thẳng lưng, trợn mắt há miệng nhìn nàng.
Nàng đọc vanh vách hết họ tên, quê quán, là con thứ mấy trong nhà, tổ tiên buôn bán hay làm quan, quá trình thăng chức giáng chức và thuyên chuyển điều động ra sao mà không có chút sai sót nào, như thể danh sách này thực sự do nàng biên soạn vậy.
Liễu Triêu Minh nghe một thôi một hồi mới ngắt lời nàng:
– Đủ rồi.
Đoạn, chàng nhìn Tô Tấn chằm chặp, thủng thẳng phán:
– Ngươi đúng là có tài xem qua là nhớ.
Giang chủ sự thấy chàng tính rời khỏi đó mới dám giơ tay áo lên lau mồ hôi.
Liễu Triêu Minh ra tới ngạch cửa thì dừng, chợt hỏi một câu không đầu không đuôi:
– Người bạn thân của ngươi bị mất tích vào ngày nào?
Tô Tấn giật mình, sau đó khom lưng vái chào, đáp rằng:
– Bẩm đại nhân, là vào năm ngày trước, tức ngày mồng Chín tháng Ba ạ.
Liễu Triêu Minh ừ nhẹ một tiếng rồi nói:
– Ngày mồng Chín tháng Ba, Yến Tử Ngôn dự buổi chầu sáng xong là tới thẳng Đông cung rồi ở đó đến tối muộn mới về, làm gì có thời gian tới nhà cống sĩ chứ?
Nói cách khác, kẻ hôm đó cầm con dấu ngọc của nhà họ Yến tới tìm Tiều Thanh không phải là Yến tam công tử.
Thật ra ban sáng sau khi chặn Yến Tử Ngôn lại hỏi thì Tô Tấn đã ngờ ngợ chuyện này, có điều nàng không ngờ người giúp mình chứng thực suy đoán lại là Liễu Triêu Minh.
Tô Tấn đâm trù trừ, chẳng hiểu Liễu Triêu Minh có ý gì, rồi lại đắn đo không biết nên nói cảm ơn một kẻ khó lường như thế kiểu gì mới đủ trang trọng và chân thành.
Bên kia, Liễu Triêu Minh đã bước một chân qua ngạch cửa, hờ hững gọi:
– Tô Tấn.
Tô Tấn sửng sốt dạ một tiếng.
Liễu Triêu Minh lạnh lùng hỏi:
– Sao còn ăn vạ ở đó không đi? Tính đợi bản quan ra lệnh cho Ngự sử đuổi cổ ngươi khỏi cung hay sao?
Chỉ có một con đường duy nhất ra khỏi cung, Liễu Triêu Minh và Triệu Diễn đi trước, Tô Tấn lóc cóc theo sau, cách họ một khoảng không gần không xa.
Cơn mưa rào đã tạnh, chiếc chuông gió treo trên chòi gác ở Thừa Thiên Môn bị rỉ sắt nên gió lùa qua chỉ nghe tậm tịt. Triệu Diễn tiện thể nhìn ra sau một cái, cố ý hỏi khẽ:
– Đấy là Tô Tấn à?
Liễu Triêu Minh ừ một tiếng.
Triệu Diễn lắc đầu cảm thán:
– Thật đáng tiếc quá! Năm xưa lão Ngự sử đọc bài luận Thanh Bạch Sao của Tô Tấn xong đã tấm tắc khen chữ nào chữ nấy của cậu ta đều quý như châu ngọc. Bài luận ấy châm biếm thời cuộc và bàn cách cai trị thiên hạ của quan lại xuất sắc đến độ không ai bì nổi. Những tưởng nếu Hàn lâm chê cậu ta thì Đô Sát Viện mình hốt luôn là quá đẹp, nào ngờ lúc huynh và ta đánh xe đi rước người lại chậm chân hơn lũ khốn chuyên hủy hoại nhân tài bên bộ Lại một bước.
Liễu Triêu Minh nói:
– Thuận buồm xuôi gió mãi chưa chắc đã tốt, khổ tận cam lai mới dễ nên người.
Triệu Diễn cười than:
– Ta ngờ rằng lão Ngự sử đề cử nhân tài cho nhiều bên lắm, dù huynh với ta chậm mất một bước nhưng có người cũng không nỡ thấy cậu ta bị mai một tài năng đấy.
Họ đang nói dở thì ra đến Thừa Thiên Môn. Viên tiểu lại của Đô Sát Viện đã đỗ xe ngựa chờ sẵn ngoài cổng, Tô Tấn rảo bước tiến lên gọi:
– Liễu đại nhân.
Rồi dùng cả hai tay nâng chiếc dù lên cao ngang tầm mắt, trịnh trọng nói:
– Hạ quan xin cảm ơn đại nhân đã cho mượn dù ạ.
Liễu Triêu Minh nhìn nàng một cái, rồi dõi mắt về phía chân trời, thấy tuy mưa đã tạnh nhưng mây vẫn chưa tan, bèn đáp nhẹ tênh:
– Không cần trả đâu.
Lúc yên vị trên xe ngựa, Liễu Triêu Minh nhớ lại lời Triệu Diễn mới nói bèn hỏi:
– Ý huynh là từng có người tới Hàn lâm xin Tô Tấn à?
Triệu Diễn đáp:
– Cũng mãi sau này ta mới nghe Tiền Tam Nhi kể là sau khi Tô Tấn bị đuổi tới huyện Tùng Sơn, Thập Tam điện hạ từng tra hỏi tung tích của cậu ta. Sau khi biết cậu ta gặp phải chuyện gì, y thậm chí còn tới bộ Lại làm ầm lên, khiến con gấu mèo Tăng Hữu Lượng sợ tới nỗi tưởng mình phạm lỗi lầm gì nghiêm trọng đến suýt mất chức, may mà về sau Chu Thập Tam tòng quân tới Tây Bắc nên chuyện này mới lắng xuống.
Liễu Triêu Minh vừa nghe hắn kể, vừa vén rèm lên xem. Chàng thấy Tô Tấn đứng yên tại chỗ rất lâu, đến khi thấy xe ngựa chạy thẳng một mạch mới cắp dù ra sau lưng, rời khỏi đó bằng đường tắt.
– Thập Tam điện hạ?
Liễu Triêu Minh buông rèm xuống, thoáng nhíu mày hỏi:
– Chu Nam Tiễn ấy à?