Chương 137 - Oan Ức.
Quản đền và thợ may đi từng nhà hỏi, và chẳng thấy Đú Cần ở đâu cả. Thế nhưng có một điều khá kỳ lạ, những đứa trẻ làng này tự nhiên rủ nhau đi đâu cả mà chẳng còn đứa nào trong làng. Trần Viện lúc này chợt lo lắng, suy nghĩ gì đó mà quay sang nói.
– ” có chuyện gì đó không đúng, có lẽ nào bọn trẻ trong làng bị ai đó dụ đi bắt cóc mất rồi không?”
Vừa nghe xong những lời viễn vông như vậy, quản đền lườm Trần Viện với ánh mắt khinh thường. Trần Viện sượng sùng ấp úng, ngập ngừng hỏi.
– ” tôi… đã nói gì đó sai sao?”
Quản đền thu ánh mắt khinh thường kia, cảm thấy người thợ may này cũng không phải loại xấu xa gì mà chỉ là một kẻ đáng thương. Quản đền thở dài một tiếng.
– ” ta biết bọn chúng ở đâu rồi, ta sẽ dẫn ông đi đến đó”
Nói xong chẳng để Trần Viện kịp phản ứng mà đi thẳng. Trần Viện ngơ ngác, không hiểu lời nói và phản ứng đó của quản đền là có ý gì. Vẻ mặt đần thối ra, ông thợ may vội vàng chạy theo bóng người ấy. Hai người đi ra một quán ăn đầu làng, nơi nổi tiếng bởi các món ăn vặt cho trẻ em như chè và bánh cùng nhiều món ngon khác.
Quán hôm nay đông nghịt người, không hiểu thế nào mà trẻ con cả làng đều đang tập trung ở đây tự do ăn uống, gọi món thoải mái.
– ” Đú Cần đại ca, đệ muốn ăn thêm một ly chè”
Tiếng một đứa trẻ nói lớn. Trần Đú Cần đứng giữa bọn trẻ, hất hàm nói một tiếng ” được” rất oai phong. Nó đứng dậy chống nạnh, một chân đặt lên ghế mà chỉ tay một lượt ưỡn ngực oai phong.
– ” tụi bây ăn uống gì cứ việc kêu, hôm nay đại ca đây bao hết, không có gì phải sợ”
Dứt lời, tiếng vỗ tay rầm rộ vang lên. Lũ trẻ được bảo đảm thì lại càng ăn mạnh, tấm tắc khen ngợi.
– ” Trần Đú Cần đại ca thật là rộng rãi, hôm nay bao cả làng ăn uống, xứ này không ai anh hùng bằng đại ca “
– ” đúng vậy, đã anh hùng còn đại gia. Trần Đú Cần chính là đại gia thứ thiệt “
Trần Đú Cần nghe nịnh hót thì sung sướng lắm, trong cơn mê liền nổi máu anh hùng, tựa như vị tướng đứng giữa ba quân mà hô vang.
– ” hôm nay không no say không về. Tiền bạc đại ca đây không thiếu, mọi chuyện ông bà già tao lo hết “
Tiếng vỗ tay lại ầm ĩ vang lên. Trần Đú Cần đang chìm đắm trong hào quang rực rỡ đâu biết ở bên ngoài quán có hai người đang tròn mắt nhìn mình.
Quản đền đã từng quản lý nhiều đứa trẻ nên ông ta hiểu tâm lý của trẻ con. Bọn trẻ trộm tiền thì chỉ có đi ăn vặt thôi chứ còn làm gì nữa? Thế nên ông ta dẫn Trần Viện tới nơi này. Mặc dù hiểu tâm lý trẻ con và kinh qua nhiều đứa trẻ, thế nhưng khi thấy độ chịu chơi của Đú Cần khi mời cả làng ăn uống thế này khiến ông ta không khỏi kinh ngạc . Quản đền bĩu môi liếc nhìn Trần Viện đứng bên cạnh với ánh mắt vừa tội nghiệp vừa coi thường, như muốn xem ông ta sẽ làm gì trong tình huống này. Trần Viện nhìn con trai mình như vậy, chứng kiến nó mời tất cả đứa trẻ trong làng ăn uống thoải mái trong khi gia đình còn chẳng dám ăn ngon khiến ông xót lắm. Cái gì mà “ông bà già tao lo hết” chứ? Trần gia có phải giàu có gì đâu. Không giữ được cảm xúc, ông quát lên.
– ” CẦN NHI, CON ĐANG LÀM CÁI GÌ VẬY HẢ…”
Tiếng quát của người thợ may khiến cho cả quán im bặt , tất cả hướng ánh mắt về phía tiếng quát và nhìn thấy một người đàn ông tội nghiệp với khuôn mặt đau khổ. Trần Đú Cần nhìn thấy cha mình và người quản đền đứng đó thì nhanh chóng hiểu vấn đề, khuôn mặt tự nhiên tái mét sợ hãi. Rất nhanh, hai người đàn ông liền một mạch bước vào trong tiếp cận đứa trẻ mới lúc nãy còn là “anh hùng” ấy. Trần Viện nhăn nhó nhìn con mình mà hỏi như muốn khóc.
– ” cha vất vả đi may thuê cho người ta kiếm từng đồng bạc. Mẹ con dù bị cột sống đi đứng khó khăn cũng ráng lết thân đi buôn bán kiếm thêm ít đồng. Tất cả cũng chỉ vừa đủ lo cho gia đình ta no ấm, lo cho con manh áo đẹp. Vậy con không biết thương cha mẹ lại đi hoang phí thế này. NÓI, tiền đâu mà con bao cả làng ăn uống như vậy? Hả”
Đú Cần ngập ngừng đôi chút, nhưng dường như đã chuẩn bị sẵn mà nhanh chóng nói.
– ” là… là con lượm được. Con lượm được một túi tiền ai đó đánh rơi, tất cả mọi người ở đây đều có thể làm chứng cho con “
Lời nói ra hướng về những đứa trẻ đang ăn uống, chính là cầu viện chúng làm chứng cho mình. Thế nhưng lời nói vừa dứt, tất cả những đứa trẻ ấy không nói không rằng lẳng lặng đứng dậy dắt nhau đi cả, thoáng chốc đã không còn ai ở lại khiến quán trở nên trống vắng. Nhân chứng đi hết rồi, không một ai ở lại làm chứng cả. Trần Đú Cần mặt tái càng tái hơn, chực chờ muốn khóc. Quản đền lúc này để ý tới cái túi bên cạnh thằng bé, ông ta liền bước tới túm lấy cái túi đặt lên bàn và mở ra, bên trong toàn là tiền xu và tiền hào. Quản đền hừ một tiếng.
– ” tiền này rõ ràng là tiền của đền thờ Thạch Thần, thằng bé này rõ ràng là ăn cắp tiền trong đền. To gan thật, dám lừa cha lừa mẹ, lừa cả ta và lừa cả thánh”
Sở dĩ quản đền dễ dàng nhận ra vì đây toàn là tiền lẻ, chỉ có xu và hào mà không có tiền đồng nào. Đó là do những người tới cầu khấn thường cúng đền bằng tiền lẻ, ít khi nào có người cúng tiền mệnh giá cao. Đú Cần mặc dù trong hoàn cảnh này vẫn một mực phủ nhận, quay sang nhìn cha mà lắc đầu lia lịa.
– ” cha ơi, con không có ăn cắp. Tiền này thực sự là con lượm được, thực sự là lượm được đó cha ơi”
Nói xong òa khóc nức nở, tựa như bị một nỗi oan thấu trời xanh vậy. Trần Viện thấy con khóc vậy thì thương lắm, quay sang quản đền mà ngập ngừng.
– ” chắc là có sự hiểu lầm gì đó rồi. Tôi nghĩ là có ai đó lẻn vào trộm tiền trong đền rồi làm rớt đâu đó, Cần nhi vô tình lượm được và…”
Giờ phút này mà thợ may vẫn bênh con. Quản đền bật cười, ánh mắt khinh thường mà nói.
– ” được, nếu đã có kẻ trộm vào đền thì để ta lên trấn báo quan, cần gì dài dòng?”
Trần Viện nghe đến hai chữ ” báo quan” thì giật mình. Trần Đú Cần chỉ là đứa trẻ không hiểu chuyện, không biết “báo quan” là gì. Ở cái đất giao chỉ này thì chỉ có duy nhất trấn nhỏ nhất là trấn Đào Hoa mới có quan người Kinh, còn lại toàn bộ là người Hán. Bọn Hán tộc xem mạng người Giao Chỉ như cỏ rác, không một chút thương xót. Việc điều tra vụ án với bọn Hán tộc này rất đơn giản, chỉ việc theo đúng quy trình. Đầu tiên bắt kẻ tình nghi, sau đó tra tấn cho kẻ đó phải nhận tội, quy trình chỉ có thế. Việc điều tra này khiến bọn chúng có thể phá án chỉ trong một ngày, nhanh gọn lẹ. Rất nhiều người bị bắt oan, chịu ngục tù oan. Cũng có nhiều người bị bắt vào mà không biết mình bị tội gì, cũng chẳng hiểu có chuyện gì xảy ra. Khi bị cai ngục tra tấn bắt khai, nhưng họ có biết gì đâu mà khai? Thế là bị xếp vào loại cứng đầu, bị tra tấn đến chết, vụ án sẽ khép lại với kết luận “hung thủ sợ tội tự sát trong ngục” , thế là xong. Trần Viện nghĩ đến chuyện đó thì hoảng sợ, vội cúi đầu van xin.
– ” quản đền đại nhân, xin ngài giơ cao đánh khẽ mà đừng báo quan. Không phải số tiền đã được thu hồi rồi sao, cũng đâu có thiệt hại gì nhiều. Mất mát tổn thất bao nhiêu tôi xin bồi thường lại, xin ngài đừng báo quan”
Nói xong chắp tay vái một cái. Nhìn đôi bàn tay run run của thợ may mà quản đền cũng có chút xao động, xem ra số tiền bị tiêu mất chưa đến một nửa nên cũng còn cứu vãn được. Chỉ là lúc này chủ quán bất ngờ lao vút tới , hai tay chụp lấy túi tiền nói lớn.
– ” các ông làm gì thì làm, trả tiền cho tôi trước đã rồi đi đâu thì đi “
Trần Viện và Quản đền thoáng nhìn nhau. Bọn họ nhìn quanh bãi chiến trường mà nghịch tử của thợ may vừa mới chinh chiến cùng thuộc hạ của mình mà ngao ngán. Sau khi tính tiền cho chủ quán xong thì số tiền vơi đi chỉ còn một chút, quản đền nhìn thợ may mà ngao ngán.
– ” ta biết ông không giàu có gì, vợ ông lại có bệnh trong người nên việc lo thuốc cho vợ đã khiến ông không có tiền tích cóp. Ta còn nhớ ông vẫn đang thiếu tiền ta lúc vay mượn mua thuốc cho vợ, vậy bây giờ ông lấy gì trả cho ta?”
Trần Viện mặt nhăn nhó, khuôn mặt méo mó như sắp khóc mà cúi đầu thi lễ.
– ” tại hạ sẽ tìm cách xoay sở, nhất định sẽ trả đủ cho ngài, xin ngài cho ta một cơ hội “
Quản đền không phải người sắt đá gì, cũng cảm thấy thương cảm, nhưng ông ta cũng có cái khó của riêng mình. Ông ta vỗ vào túi tiền đã bị xẹp lép mà nói.
– ” chắc ông cũng biết rồi. Hai tuần nữa là đến ngày giỗ của Thạch Thần, số tiền này chính là dùng để làm đại lễ cho đền. Ông bảo đền cho ta, nhưng ta biết ông có vợ bệnh con nhỏ phải lo, trong hai tuần đó có kịp kiếm tiền trả cho ta hay không đây?”
Trần Viện thương con, chỉ cần con mình được bình yên thì chuyện gì ông cũng chịu, ông cúi đầu thi lễ cam đoan.
– ” dù có vay mượn bà con hàng xóm hay phải làm gì đi nữa thì tại hạ cũng nhất định sẽ trả trước kỳ hạn cho ngài, xin ngài yên tâm “
Quản đền nhăn mặt. Vay mượn ư? Cái đất Giao Chỉ này thì ai có dư tiền cho ông ta mượn đây? Nếu mượn thì chỉ có vay nặng lãi của bọn người Hán, mà những người vay như vậy thì đều bị tan của nát nhà, gán vợ đợ con cho bọn chúng làm nô lệ. Nghĩ đến việc đau lòng đó khiến quản đền không nỡ, ông ta thở dài nói.
– ” thôi thì ta cũng không ép buộc ông nữa. Như vậy đi, số cờ xí ta từng nói giao cho ông và một thợ may nữa nhận làm đó chắc ông còn nhớ, bây giờ ta giao hết cho ông. Cho đến ngày lễ mà ông làm xong số cờ ấy thì chuyện hôm nay ta bỏ qua, ông thấy thế nào?”
Trần Viện mừng rỡ. Ông nhớ lại số lượng cờ vải phải may đó có hơi nhiều nhưng không phải là không thể may kịp. Lại nói tiền công may vẫn thấp hơn số tiền thằng con ông phá rất nhiều, quản đền xử lý như vậy là quá nhân từ rồi. Trần Viện vội cúi đầu nhận việc ngay lập tức.
– ” tạ ơn ngài đã mở đường, tại hạ sẽ thuận theo ý của ngài mà làm việc, nhất định sẽ hoàn thành đúng kỳ hạn mà ngài đã giao”
Quản đền thở dài, lại liếc nhìn thằng bé “oan ức” kia mà cảm thấy phẫn nộ. Ông ta hừ một tiếng rồi đi thẳng, xem ra phía trước còn rất nhiều việc phải làm.