Chương 135 - Đứa Trẻ Làm Lễ Tiết
Làng Thạch Thần là ngôi làng được vinh dự mang tên vị anh hùng thời chưa mất nước, tướng quân Cao Lỗ. Nhưng ai đã đặt tên cho ngôi làng, vị vua nào đó chăng? Thật ra thì ở ngôi làng này có một đền thờ vị anh hùng Cao Lỗ, vì thế người ta gọi làng này là làng Thạch Thần cho dễ nhớ. Và cứ thế qua nhiều thế hệ, cái tên Thạch Thần đã gắn liền với làng đến nỗi chẳng còn ai nhớ cái tên khởi nguyên của làng nữa.
Thời gian thấm thoát trôi qua, Thu nhi giờ đã là bé gái 12 tuổi, còn em trai Đú Cần đã lên mười. Trần Thị Thu lúc 8 tuổi đã vừa trông em vừa làm việc nhà phụ giúp cha mẹ, 12 tuổi đã làm hết mọi công việc trong nhà. Ngược lại với Thu nhi, Trần Đú Cần lên mười vẫn là một đứa trẻ chẳng biết làm bất cứ việc gì. Khác với Thu nhi khi phải làm toàn bộ việc nhà cho cha mẹ rảnh rỗi, Trần Đú Cần chạy nhảy lêu lỏng khắp xóm làng, chẳng biết phụ giúp cha mẹ một việc gì. Khi hàng xóm có vài điều so sánh giữa hai chị em, phu phụ Trần gia đều có những lời bào chữa như ” đứa bé mới có mười tuổi, đã biết gì đâu? Thu nhi là chị, lớn tuổi hơn, việc phụ giúp cha mẹ là điều tất nhiên…” Và cứ thế, đứa trẻ kia sẽ mãi không thể trưởng thành. Thứ duy nhất Thu nhi được giảm là việc trông em, khi mà em trai không mấy khi ở nhà cả. Chỉ khi đến giờ cơm và đến lúc chiều tối mới thấy nó đi chơi về. Thu nhi chưa một lần tị nạnh, với em thì những việc này như một điều tất nhiên ở cái xã hội trọng nam khinh nữ.
Một buổi chiều đã xong, quét dọn nhà cửa, thổi lửa nấu cơm, hoàn thành xong công việc của mình Thu nhi lại đứng ngóng trông đứa em trai và người cha của mình trở về. Trần Viện hôm nay về trễ , sau khi đi giao hàng thì có lẽ ông đã đi đâu đó. Lúc bữa cơm dọn ra, mọi người đông đủ, ông lúc này mở lời nói một điều đặc biệt.
– ” Cần nhi, con cũng đã mười tuổi rồi, đủ tuổi để bắt đầu học cách làm việc, không thể cứ lêu lỏng mãi được”
Thu nhi tròn xoe mắt ngạc nhiên, em không tin được cha mình lại có thể nói như vậy. Đối với người khác thì điều này bình thường, nhưng đối với gia đình này thì đây thật sự rất bất bình thường. Khi mà Thu nhi còn đang ngơ ngác, mẹ em đang cầm bát cơm lập tức đặt mạnh xuống bàn một cái “cộp” , khuôn mặt của bà trông rất tức giận mà phản đối.
– ” không, tôi không đồng ý. Con mình mới có mười tuổi thôi, chỉ mới mười tuổi mà ông đã bắt nó làm việc rồi sao? Ông không thương con à?”
Trần Viện đang cầm bát cơm, thấy vợ phản ứng dữ dội thì nhẹ nhàng đặt bát cơm xuống mà nói.
– ” tôi biết con mình còn nhỏ, nhưng cơ hội không đến hai lần. Đền thờ Thạch Thần hiện đang cần một đứa trẻ để phục vụ nghi lễ. Đứa trẻ cũ đã lớn nên không làm lễ tiết được nữa, vì vậy đền đang cần người thay thế. Nếu bây giờ không để Cần nhi vào vị trí này thì sẽ không còn cơ hội nào nữa đâu “
Người vợ nghe vậy thì bắt đầu dao động. Thu nhi thì không hiểu chuyện cho lắm, tại sao làm lễ tiết cho đền lại là một cơ hội chứ? Trần Viện lúc này mới nói thêm.
– ” bà đâu phải không biết chứ? Đi làm lễ tiết cho đền là một vinh dự. Đứa trẻ làm lễ trong đó ngoài việc được ăn ngon thì còn được học chữ, sau này với con chữ của mình thì nó hoàn toàn có thể bán chữ để kiếm sống một cách thoải mái rồi, không cần phải lam lũ như tôi với bà nữa “
Người vợ khẽ mím môi, bà biết đây thực sự là cơ hội hiếm có. Giao Chỉ thời bắc thuộc, suốt ngàn năm kẻ thù phương bắc luôn muốn đồng hóa dân ta. Dân tộc dốt là dân tộc chết, người Hán không cho dân ta đi học, lại đốt hết sử sách ghi chép về cội nguồn với mưu đồ ép dân ta quên đi nguồn cội. Thế nhưng dòng máu Lạc Hồng vẫn cuộn chảy, Kinh tộc vẫn truyền miệng nhau về lịch sử cha ông. Những người biết chữ sẽ âm thầm dạy chữ cho con cháu. Không được mở lớp dạy học thì dạy chui, dạy lậu. Vậy nên dù cho bị cấm đoán thì số người Việt biết chữ không thể tận diệt, dù rằng còn rất ít. Đền Thạch Thần là một nơi như thế, người quản lý đền là người biết chữ, và những đứa trẻ đến làm lễ tiết trong đền sẽ được dạy chữ trong bí mật. Người mù chữ chiếm đa số, và khi họ cần đến những việc như viết đơn kiện tụng, viết câu đối ngày tết, hay viết sớ làm giỗ tổ tiên… họ vẫn phải cần con chữ. Thông thường thì họ sẽ tìm đến người Hán để mua, nhưng nếu có Kinh tộc nào đó biết chữ thì người Việt có xu hướng cậy nhờ đồng tộc hơn là người Hán. Nếu Trần Đú Cần biết chữ, nó hoàn toàn có thể bán chữ mà sống, tuy rằng không giàu có nhưng cuộc sống thảnh thơi là điều hiển nhiên nếu nó không hoang phí. Trần Viện thở dài một tiếng nói tiếp.
– ” ở trong làng này không phải chỉ có con mình là lên mười tuổi đâu. Tôi đã rất vất vả để cầu xin người quản lý nhận con của mình, dùng mối quan hệ và danh dự để cam đoan mới được người quản lý đồng ý. Cơ hội này không thể bỏ lỡ, nếu không nhanh quyết định thì những đứa trẻ khác sẽ vào làm mất vị trí này đó”
Có vẻ như lời nói của ông ta đã thuyết phục được vợ mình. Cơ hội như vậy không có nhiều, người vợ quay sang nhìn con trai mà dịu dàng nói.
– ” Cần nhi, con cũng nên tập làm việc đi . Công việc này cũng không có gì nặng nhọc cả, những đứa trẻ khác đều có thể làm được một cách dễ dàng thì không lý gì con không làm được cả”
Trần Đú Cần trước giờ được cưng chiều hết mực. Nó chỉ có chơi bời, chưa từng muốn làm việc bao giờ . Nghe cha mẹ nói vậy thì lắc đầu lập tức, chỉ sang chị mình mà nói.
– ” con không muốn đi đến đó đâu. Nếu cha mẹ muốn thì nói Thu tỷ đi thay, việc gì phải bắt con đi”
Sự tị nạnh đến từ đứa trẻ lười nhác. Vợ chồng họ Trần liền khuyên nhủ. Người mẹ dịu dàng nói.
– ” Cần nhi. Con có biết rằng vào được trong đền làm lễ tiết là một vinh dự đứa trẻ nào cũng muốn không? Chúng ta là để dành vinh dự này cho con”
Đứa trẻ mười tuổi thì biết gì về vinh dự của cái đền? Nó có hiểu gì đâu. Ông bố liền nói vào.
– ” Cần nhi, con phải hiểu rằng tỷ con là nữ tử, sau này sẽ gả cho người ta. Con là con trai nối dõi tông đường, sau này cửa tiệm may sẽ do con kế thừa. Vào trong đền con sẽ được học chữ, điều mà không phải đứa trẻ nào cũng may mắn được học đâu. Việc tốt này không thể để cho chị con mà nhất định phải là cho con”
Đú Cần chẳng thèm quan tâm, nó trước giờ đều được cưng chiều hết sức nên chẳng mấy khi nghe lời. Phu phụ họ Trần bắt đầu cảm thấy lo lắng, bỏ qua cơ hội này thì rất tiếc mà nếu con họ nhất định không chịu đi thì họ có lẽ cũng đành chiều theo ý con mình. Thu nhi thấy vẻ mặt khó xử của cha mẹ, em muốn làm cha mẹ vui nên cũng muốn thuyết phục em trai mình. Thu nhi là người trông nom em trai từ bé, có lẽ em là người hiểu tính nó nhất. Thu nhi suy nghĩ một chút rồi quay sang em trai mà mỉm cười.
– ” đệ đệ, đệ có thích ăn bánh không?”
Đú Cần vừa nghe tới bánh thì mặt chuyển sang mừng rỡ, sung sướng hỏi.
– ” tỷ có bánh sao? Cho đệ ăn với”
Thu nhi thấy em mình hứng thú như vậy, biết cá đã mắc câu, lúc này mới nói.
– ” tỷ thì không có bánh, nhưng nghe nói trong đền thờ Thạch Thần có. Ngày nào người ta cũng mang rất nhiều bánh trái ra cúng, đến cuối ngày sẽ phát cho lũ trẻ làm lễ tiết bên trong ăn uống thoải mái đó . Vừa nhiều loại bánh trái khác nhau, mà số lượng lại nhiều . Ăn no luôn “
Trần Đú Cần mắt sáng rỡ. Được ăn bánh trái nhiều loại mà còn ăn no, với một đứa trẻ thì đó là điều tuyệt vời. Thu nhi nhìn sắc mặt ấy thì tủm tỉm cười thầm, lại tung tuyệt chiêu cuối.
– ” không chỉ có bánh trái hàng ngày. Nghe nói mỗi ngày rằm và mùng một hàng tháng đều có trứng và thịt cúng thần, và đương nhiên cúng xong thì cũng sẽ do người trong miếu sử dụng”
Trần Đú Cần nghe đến trứng và thịt thì ứa nước miếng, quay phắt sang hỏi.
– ” tỷ… nói thật chứ?”
Người Việt sống tập trung vùng đồng bằng sông Hồng cùng nền văn minh lúa nước, mà nơi nào có nước thì có cá. Với người Việt thủa ấy thì con cá là món ăn bình dân (trừ những người sống ở vùng núi) còn thịt là món ăn xa xỉ. Ngày xưa thủa tối tăm bắc thuộc, chăn nuôi hiệu suất kém. Thịt là món ăn xa xỉ mà trứng còn xa xỉ hơn. Được ăn trứng và thịt là điều mà chỉ những người giàu có mới được thưởng thức thường xuyên, người thường thì chỉ khi lễ tết hay ngày dỗ mới có . Trần Đú Cần nghe một tháng được ăn hai lần thì trong lòng thuận lắm. Thu nhi lúc này tủm tỉm cười nói.
– ” đương nhiên là thật. Chuyện này cả làng ta ai cũng biết, nếu đệ không tin thì cứ đi hỏi thử. Nhưng mà nếu đi hỏi rồi mới quyết định thì sợ rằng không kịp nữa, những đứa trẻ khác sẽ vào nhận việc ấy và ăn luôn những thứ thức ăn ngon lành đó. Đệ sẽ không có cơ hội khác nữa đâu”
Lời nói đánh trúng tim đen, nói ra đúng trọng điểm. Một đứa trẻ thì trong đầu nó chỉ nghĩ đến ăn ngon là chính. Trần Đú Cần sợ bị mất phần hưởng lợi, vô thức bật đứng dậy mà nói.
– ” cha, mẹ… Con muốn đi làm lễ tiết trong đền thờ Thạch Thần. Con sẽ đi “
Phu phụ họ Trần nghe vậy thì mừng rỡ vô cùng, cảm thấy vui vẻ mà gật đầu lập tức.
– ” được, được… Vậy ngày mai con dậy sớm, ăn mặc đẹp, chúng ta sẽ đưa con đến đền thờ Thạch Thần để nhận việc “
Trần Đú Cần “dạ” một tiếng rõ to. Phu phụ họ Trần nhìn nhau gật đầu cười hạnh phúc. Thu nhi nhìn thấy cha mẹ vui như vậy thì trong lòng cũng rất vui, cảm giác hạnh phúc ấm cúng trong gia đình nhỏ. Với Thu nhi, lòng hiếu thảo của em đã khiến em trở nên cao thượng. Và em cũng chính là món quà mà thượng đế ban tặng cho gia đình này.