Chương 27
Ta vẫn còn thương nhớ, mà người đã thờ ơ [27]
…
Chàng nghiêm nghị hỏi ta:
– Tình cảm không còn được như xưa nữa, rồi sao?
Ta khóc nức nở. Chàng gằn giọng hỏi lại:
– Rồi sao?
Ta không biết phải trả lời như nào cả. Chàng quát:
– Trẫm đang hỏi ngươi đó! Rồi sao?
– Bẩm… Hoàng… thượng… rồi… rồi…
Giọng ta bị khàn, rất khó nghe. Chàng hỏi ta:
– Có ai ép ngươi viết thư không?
Ta lấy hết dũng khí để bẩm báo:
– Bẩm Hoàng thượng, không ai ép buộc dân nữ cả, dân nữ… nghĩ gì… thì… thì… viết… nấy… thôi.
Chàng mỉa mai ta:
– Hay cho câu nghĩ gì thì viết nấy! Vậy viết gì thì đọc nấy đi, còn chần chừ gì nữa?
– Bẩm… Hoàng thượng… dân nữ…
– Sao? Có cần trẫm đọc giúp ngươi không?
– Dân… nữ… không dám…
Hoàng thượng giật lấy bức thư trên tay ta, chậm rãi đay nghiến từng từ:
– Ta ở đây đã có người thương. Đứa trẻ của chúng ta sẽ chào đời sớm thôi.
Giọng chàng dường như hơi khác lạ. Chàng khựng lại, một lát sau mới đọc tiếp:
– Nếu ngươi thật lòng thương ta, ta mong ngươi buông bỏ đoạn tình cảm xưa cũ.
Đọc đến đây, chàng cười khẩy hỏi ta:
– Tứ cô nương dặn dò cẩn thận như vậy, phải chăng là sợ trẫm không quên được ngươi, giở trò xằng bậy làm phiền đến hạnh phúc mới của ngươi? Ngươi đánh giá bản thân mình cao vậy sao?
– Dân nữ không dám.
– Ngươi có cái gì mà không dám? Thành hôn với trẫm chưa được bao lâu đã tằng tịu với nam nhân khác, đàn bà mấy ai được trơ trẽn như ngươi?
– Dân nữ hổ thẹn.
– Hổ thẹn mà còn dám vác mặt tới đây sao?
– Bẩm Hoàng thượng, chuyện của Ngân Hạnh, dân nữ không thể làm ngơ. Dân nữ mạo muội xin Hoàng thượng tha cho nàng một con đường sống.
– Chuyện của Ngân Hạnh không thể làm ngơ nhưng lại có thể nhằm đúng lúc trẫm đang dưỡng thương để gửi trả ngọc bội kèm theo cả thư tuyệt tình, đủ thấy trong lòng ngươi, trẫm rẻ rúng như nào!
Hoàng thượng vô thức nhìn đôi ngọc bội hình rồng phượng đang đặt ngay ngắn trên chiếc bàn gần đó. Ta cũng theo ánh mắt chàng nhìn ngắm đôi ngọc bội xinh đẹp kia. Nhớ thương gói ghém trong trái tim ta, uất hận giày vò trái tim chàng. Năm xưa, tại sơn trang này, chàng là phu quân của ta, ta là phu nhân của chàng. Những tưởng phu thê đồng lòng, cả đời gắn bó. Nào ngờ đâu, chỉ qua vài mùa mưa, đôi ta đã ly biệt. Ta hận bản thân mình không thể ở bên chàng khi chàng gặp nguy nan. Vết thương ở ngực trái của chàng ra sao rồi? Ta thèm lắm được hỏi thăm chàng, nhưng ta không biết phải lấy tư cách gì để hỏi nữa. Ta chỉ có thể nói:
– Bẩm Hoàng thượng, dân nữ có tội, mong Hoàng thượng trách phạt.
Hoàng thượng không buồn nhìn ta, chàng quẳng xuống sàn nhà một chiếc trâm phượng hoàng. Cách đây mấy trăm năm, ta nghe kể ở trấn Sơn Nam có chú tiều phu nọ cưới phải một người vợ rất lăng nhăng. Chú tiều phu bèn lấy trâm cài tóc rạch vào lòng bàn tay vợ một đường nhỏ, người vợ từ đó trở đi cứ hễ nhìn vào vết rạch liền thấy sợ hãi, không dám phạm lỗi nữa. Ta tưởng chiếc trâm phượng hoàng chính là hình phạt của mình nên đã dùng nó rạch vào lòng bàn tay phải. Ta sẽ không bao giờ quên ta chính là người viết bức thư làm tổn thương chàng. Ta nên trả giá cho sự ngờ nghệch của mình. Ta mím môi, không cho phép bản thân mình kêu than, chỉ im lặng chịu phạt. Hoàng thượng thờ ơ bảo ta:
– Chiếc trâm đó vốn dĩ là định tặng cho ngươi.
Ta cẩn trọng nói:
– Dân nữ tự thấy mình không xứng.
Chàng lạnh lùng hỏi ta:
– Đó là lý do ngươi chúc trẫm tìm được người mới xứng đáng hơn ngươi sao?
Ta không thể mường tượng ra được sự phẫn uất của chàng khi đọc lời chúc khốn khiếp đó. Ta rất muốn nói vài câu an ủi chàng. Tiếc rằng, ta ngẫm mãi mà chẳng nghĩ ra mình nên nói gì cả. Môi ta khô khốc. Chân ta run lẩy bẩy. Ta đã cố gắng kiên cường, nhưng ta đứng cũng không vững nữa rồi. Ta ngã khuỵu xuống sàn nhà. Chàng giật mình quay sang nhìn ta, thấy cả bàn tay ta nhuốm máu đỏ thẫm, chàng như bị thất kinh. Chàng hốt hoảng lao tới bên ta, tay chàng siết chặt lấy tay ta, mục đích là để ngăn máu tiếp tục chảy. Ánh mắt chàng vô cùng dữ tợn, chàng giận tưởng chừng muốn ăn tươi nuốt sống ta. Ta thều thào hỏi chàng:
– Dân nữ… đã chịu phạt… Hoàng thượng… vẫn… vẫn… không vui… sao?
Chàng lớn giọng chất vấn ta:
– Ai bắt nàng chịu phạt?
Ta hoang mang cực độ, chẳng lẽ ta đã hiểu nhầm ý chàng ư? Một giọt nước rơi từ đuôi mắt chàng xuống gò má ta. Lồng ngực ta nghẹn ứ, ta cảm thấy không ổn, liền cố gắng nói:
– Tình cờ… được gặp lại… Hoàng thượng… là phúc phận… của dân nữ. Dân nữ… biết… Hoàng thượng… hận… dân nữ… Hoàng thượng… phạt như nào… dân nữ… cũng chịu… chỉ xin… Hoàng thượng… tha cho Ngân Hạnh… A Ngũ… còn nhỏ… nếu Ngân Hạnh… có mệnh hệ gì… thì… tội nghiệp… hắn…
Hoàng thượng chiều theo ý ta ra lệnh:
– Người đâu! Truyền chỉ của trẫm, tha tội chết cho Ngân Hạnh, phạt ả đi lưu đày ở vùng biên giới phía Nam ba năm.
Ta thở phào nhẹ nhõm. Mi mắt ta nặng trĩu, mọi thứ xung quanh cứ mờ ảo dần.
– Tứ Tứ!
– Tứ Tứ! Nhìn trẫm! Tứ Tứ!
Hình như Hoàng thượng vừa gọi ta. Hoàng thượng gọi ta là Tứ Tứ ư? Không thể nào! Chàng căm hận ta đến thế cơ mà! Chắc ta mệt quá nên hoang tưởng thôi. Ta thấy toàn thân mình nhẹ bẫng, như thể đang được ai đó bế lên.
– Người đâu! Truyền ngự y!
– Bẩm Hoàng thượng, ngự y đã tới.
– Bẩm Hoàng thượng, chỉ là vết thương nhỏ ở trong lòng bàn tay thôi, không đáng ngại.
– Máu đã nhuốm đỏ cả tay nàng rồi mà ngươi còn nói không đáng ngại thì như nào mới là đáng ngại?
– Hoàng thượng bớt giận, có lẽ ý của ngự y là vết thương không nguy hại tới tính mạng của Tứ cô nương.
– Dạ, bẩm Hoàng thượng đúng là như vậy ạ.
– Bẩm Hoàng thượng, người nghỉ ngơi một chút đi, để Ngọc Ý băng bó vết thương cho Tứ cô nương!
– Việc của trẫm chưa đến lượt ngươi an bài.
– Nô tài biết tội, mong Hoàng thượng bớt giận.
Ta nghe thấy giọng nói của nhiều người. Có người nổi cơn tam bành. Có rất nhiều người khác sợ sệt. Hình như Hoàng thượng là người băng bó vết thương cho ta. Chàng ghé tai ta, rầu rĩ tâm sự:
– Chẳng có gì là tình cờ cả. Hoa mẫu đơn độc lạ từ khắp nơi được đưa về bán ven hồ Ưu Tư, là do trẫm sắp xếp. Trẫm đợi nàng ngần ấy năm, uất hận ngần ấy năm, chỉ mong ngày tái ngộ, được nghe nàng nói một câu thương nhớ… thế nhưng… nàng lại cương quyết thờ ơ.
– Tứ Tứ! Nói chuyện với trẫm.
– Tứ Tứ! Đừng như vậy.
– Tứ Tứ! Trẫm mệt rồi. Trẫm đã chờ đợi, trẫm đã cho nàng rất nhiều cơ hội, trẫm thậm chí còn đích thân về trấn Sơn Nam. Tiếc rằng, trẫm bao dung bao nhiêu, kiên nhẫn bao nhiêu, rốt cuộc vẫn chỉ là kẻ thua cuộc. Có lẽ nàng đã cạn tình thật rồi… vậy nàng… đừng trách trẫm tàn độc.
Ta không biết Hoàng thượng có ý gì, cũng không rõ chàng định làm gì. Ta rơi vào cơn mộng mị. Khi tỉnh táo trở lại, ta chợt phát hiện ra mình đang bị nhốt ở một nơi rất lạ, xung quanh có nhiều thị vệ canh gác. Bọn họ đều có võ công cao cường, ta tìm đủ mọi cách mà không sao trốn đi được. Ta uất ức gào lên:
– Lũ khốn khiếp! Thả ta ra!
Có một tên thị vệ nghiêm mặt bảo ta:
– Tứ cô nương bớt giận, chưa có lệnh của Hoàng thượng, ngươi không được phép rời cung.
– Cung? Ta đang ở trong cung sao? Không được! Không thể được! Ta không thể sống trong cung! Ta không thể ở một nơi quá xa con trai của mình được!
Ta không rõ Hoàng thượng đã tới đây từ lúc nào. Chàng cao giọng mỉa mai ta:
– Ngươi không thể xa con trai của mình hay là không thể xa Bách Tâm? Tình cảm của các ngươi thật đáng ngưỡng mộ! Rõ ràng đã phân ly rồi nhưng vẫn quan tâm tới nhau gớm! Hắn nghe được tin ngươi bị bắt vào cung liền tức tốc phi ngựa tới kinh thành, hiện đang đứng trước cửa thành, to gan tuyên bố rằng nếu như chiều tối ngày hôm nay, trẫm không thả ngươi thì ba mươi vạn quân của hắn sẵn sàng công thành.
Ta nghe chuyện mà rùng cả mình. Sư phụ bị điên rồi. Người không biết đội quân Uy Vũ hiện tại đã hùng mạnh như nào ư? Ba mươi vạn quân của người sao có thể đấu được với một trăm vạn quân của Hoàng thượng? Hoàng thượng thản nhiên nói:
– Bách Tâm trước giờ suy nghĩ thấu đáo, hành sự cẩn trọng. Chẳng ngờ, gặp phải chuyện liên quan tới an nguy của ngươi, trong phút chốc liền hồ đồ. Trẫm có nên mở cổng thành cho tên phản tặc đó xông vào bên trong rồi bắt sống hắn không? Hay là trẫm nên đứng bên trên cổng thành bắn một mũi tên xuyên qua tim hắn rồi sai người đem chính mũi tên đó về phủ Thường Tín, tiêu diệt luôn thứ nghiệt chủng do ngươi sinh ra?
Ta rét run cả người. Ta dám khẳng định Hoàng thượng đã cho người phao tin ta bị bắt vào cung, hiện đang gặp nguy hiểm, dụ sư phụ ta cắn câu. Hoàng thượng rất được lòng dân chúng, chưa kể chàng còn nắm binh quyền trong tay khiến văn võ bá quan đều nể sợ, chàng lấy mạng một kẻ phản tặc cũng chẳng ai dám can ngăn. Ta hoảng sợ van lạy chàng:
– Hoàng thượng khai ân. Sư phụ bởi vì quá lo lắng cho dân nữ nên nhất thời hồ đồ thôi chứ người không bao giờ có dã tâm muốn tạo phản đâu. Hoàng thượng muốn gì dân nữ cũng có thể đáp ứng… chỉ mong người tha cho sư phụ và con trai của dân nữ…
Hoàng thượng ra điều kiện:
– Chỉ cần ngươi nguyện ý ở lại trong cung, đồng thời đích thân nói với Bách Tâm rằng ngươi ham vinh hoa phú quý, muốn trở thành phi tần của trẫm, trẫm sẽ giữ lại mạng của hắn và thứ nghiệt chủng kia!
– Dân… nữ…
– Sao? Trẫm chỉ mới bắt Bách Tâm chịu đựng một phần cảm giác của trẫm, ngươi đã không nỡ rồi ư? Xem ra trẫm phải lấy đầu của hắn để tự xoa dịu mình thôi.
Ta không còn cách nào khác ngoài làm theo lệnh của Hoàng thượng. Khoảnh khắc đứng trên cổng thành, trông thấy bóng dáng thân thuộc của sư phụ ở bên dưới, biết người vì ta mà lao tâm khổ tứ, ta đau lòng khủng khiếp. Ta sợ sư phụ phát giác ra điều bất ổn nên đã không nói giống hoàn toàn như Hoàng thượng yêu cầu. Ta đã thêm vào lời nói của mình một phần sự thật:
– Sư phụ! Vô Tư ngày đêm đều thương nhớ Hoàng thượng, vĩnh viễn không thể quên được chàng, chỉ có vào cung rồi trở thành phi tần của chàng mới làm Vô Tư hạnh phúc. Nếu sư phụ thật lòng thương Vô Tư, mong người đừng cản trở con nữa.
– Vô Tư! Ngươi có biết thâm cung là chốn như nào không? Ngươi thực sự muốn chôn vùi tuổi xuân của mình ở trong cung cấm sao? Ngươi nỡ bỏ quê hương, bỏ ta, bỏ đứa trẻ do ngươi sinh ra ư?
Tim ta đau thắt. Ta không nỡ rời xa Sơn Nam yêu dấu, ta không muốn ở một nơi mà chẳng biết đến khi nào ta mới có thể về thăm những người ta thương. Nhưng ta còn sự lựa chọn khác sao? Sư phụ đã chọc điên Hoàng thượng rồi, ta đâu thể làm trái ý chàng? Ta cố gắng nở nụ cười vô liêm sỉ như một con khốn rồi mặt dày tuyên bố:
– Chỉ cần có được chàng, những thứ khác đối với Vô Tư đều không quan trọng.
Sư phụ uất ức nhìn ta. Người chua xót cảm thán:
– Thật không ngờ đây lại chính là đứa trẻ năm xưa ta dày công nuôi nấng! Vô Tư! Ngươi khiến ta quá thất vọng! Tất cả những gì ta có thể làm, ta đều đã làm. Sau này, tương lai của ngươi như nào, ta sẽ không can dự nữa, tất thảy đều tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của ngươi. Bi thương hay khổ đau thì tự ngươi gánh chịu. Có lẽ phải trải qua gian khó ngươi mới hiểu được lòng ta. Sư phụ đối với ngươi đến ngày hôm nay cũng đã là hết nước hết cái rồi, không còn gì tiếc nuối nữa!
Sư phụ buồn bã rời đi. Ta nẫu nề nhìn theo bóng dáng khuất dần của người. Sư phụ! Người mau về đi! Uy Vũ chắc đang đợi người đó! Sư phụ đi đâu, hắn cũng mong chờ. Chẳng bù cho ta, hắn chưa từng ngóng trông. Ta tủi thân nhiều, nhưng ta không dám oán trách hắn, bởi lỗi là của ta. Lần đầu làm mẹ, ta đã quá ngây thơ khi tưởng rằng chỉ cần mình thường xuyên chơi đùa cùng con trai thì hắn sẽ thương mình nhất. Thật sai lầm! Tụi con nít chỉ thích theo những người luôn ở bên quan tâm chăm sóc tụi nó, tạo cho tụi nó cảm giác an toàn thôi. Thực ra chuyện gì cũng vậy, phải khổ công thì mới hái được quả ngọt. Sư phụ đối với ai cũng tận tâm, sư phụ an thì cuộc sống của mọi người trong phủ cũng êm ấm theo. Còn cái loại ngu ngơ như ta thì sống sao chẳng được. Nước mắt ta chảy ra giàn giụa. Hoàng thượng cao giọng hỏi ta:
– Tứ cô nương ngày đêm đều thương nhớ trẫm, vĩnh viễn không thể quên được trẫm sao? Lại còn chỉ cần có được trẫm, những thứ khác đều không quan trọng nữa chứ. Tài năng lươn lẹo của Tứ cô nương quả thực có một không hai, khiến cho trẫm phải nể phục!
Chính Hoàng thượng đã ép buộc ta phải theo ý chàng, giờ lại để ý mấy lời nói đó làm gì? Ta giận dữ hỏi chàng:
– Sư phụ của dân nữ đã đau lòng đúng như mong muốn của Hoàng thượng rồi, tại sao người vẫn chưa hài lòng?
Hoàng thượng siết chặt lên bả vai ta, cáu kỉnh hỏi:
– Ngươi vì bảo vệ hắn mà chấp nhận chịu thiệt về mình. Ngươi đối với hắn tình sâu như biển, thử hỏi trẫm hài lòng kiểu gì đây?
Ta khẽ thở dài. Người đó vẫn vậy, cho dù là Tứ Hoàng tử hay là Hoàng thượng thì cái tính độc chiếm vẫn cứ ngang ngược như thế. Ta thật hi vọng chuyện sư phụ lừa ta viết thư gửi chàng sẽ được chôn vùi mãi mãi, bởi nếu chẳng may chàng phát hiện ra bị sư phụ chơi khăm, ta e rằng mình có mười cái miệng cũng không xin xỏ được cho sư phụ. Ta hạ giọng xoa dịu chàng:
– Hoàng thượng bớt giận. Tình cảm của dân nữ và sư phụ có sâu đậm cỡ nào thì cũng là chuyện của quá khứ. Chẳng phải dân nữ đã đồng ý ở lại trong cung, trở thành phi tần của Hoàng thượng rồi hay sao?
Hoàng thượng cười vang. Chàng hỏi ta:
– Ngươi nằm mơ hả? Trẫm đã khi nào tuyên bố muốn ngươi trở thành phi tần?
Ta ngây người. Hoàng thượng hoá ra chỉ muốn chọc điên sư phụ ta thôi chứ chàng chưa từng muốn nối lại tình xưa với ta. Chàng nhàn nhạt bảo:
– Thứ đàn bà nhân cách thấp hèn như ngươi, được làm cung nữ đã là quá tốt rồi.
Tim ta tê buốt. Ta lí nhí cảm tạ chàng:
– Dân nữ tạ ơn Hoàng thượng đã an bài.
Hoàng thượng hắng giọng ra lệnh:
– Ngọc Trí! Bắt đầu từ hôm nay, ả sẽ làm việc ở ban Thuỷ Hương, mỗi ngày ả đều phải chẻ xong mười thúng củi mới được nghỉ ngơi.
Ngọc Trí rối rít bảo Hoàng thượng:
– Bẩm Hoàng thượng, tay phải của Tứ cô nương đang bị thương… chẻ củi… hình như là hơi quá sức…
Hoàng thượng thản nhiên bảo:
– Ả thấy quá sức thì ả tự ý kiến, ả cũng có mồm mà, không đến lượt ngươi xin xỏ thay.
Ngọc Trí ghé tai ta nói thầm:
– Hoàng thượng chẳng qua là vừa ăn tí giấm chua nên trong lòng hậm hực tí thôi, chứ người rất dễ mềm lòng, cô nương nếu như biết khôn khéo lựa lời thì đâu sẽ có đó.