Chương 22: Trà ngon mời khách quý
Rất nhanh thứ nước trà bắt mắt ấy được chuyên từ chén tống sang chén quân. Rồi một bàn tay cầm chiếc chén nhỏ sóng sánh nước trà màu đỏ nâu đặt lên bàn con cạnh người đàn ông lạ mặt.
“Bẩm, mời cậu dùng trà! Cậu cả có chuyển lời khi nào học xong sẽ qua ngay phiền cậu ngồi thưởng trà chốc lát.”
Mời trà xong Thiên lui sang một bên, lúc này chàng mới có khoảng nghỉ để quan sát kĩ người đàn ông trước mặt.
Trông y vẫn còn trẻ lắm, dáng người cao ráo mặt mũi cũng anh tuấn, tựu trung lại là người có bề ngoài ưa nhìn. Có điều trang phục của y lại không bắt mắt như vậy, chỉ là áo ngũ thân sậm màu không thêu hoa văn, chất liệu cũng không phải loại gấm lụa sang quý nhưng chẳng bởi thế mà khiến y trông tầm thường. Phong thái ung dung nho nhã này dù mặc đồ dát vàng dát bạc hay áo vải rẻ tiền người ta đều không thể khinh thường, kể ra tinh mắt hơn một chút là nhìn ra ngay y là kẻ Sĩ.
Thiên không biết gì nhiều về người đàn ông trước mặt trừ cái tên Tùng cùng nơi y sống là Phú Xuân, hai điều này đều do thằng bé Khoai nhắn lại khi đến báo cho chàng biết có khách đến thăm Hạc.
Ngày thường có khách đến phủ gia nhân chia ra người mời khách vào nhà chính kẻ đi vời chủ nhân là được, có điều giờ này Hạc đang học, thằng bé Khoai lại chẳng phải gia nhân kề cận không thể tuỳ tiện đến mời cậu nên nó đành thông báo cho Thiên.
Từ tận trong đất Phú Xuân xa xôi đến đây ắt bởi một trong hai nguyên do, hoặc thăm hỏi chỉ là phụ đến nhờ vả mới là chính hoặc Tùng với Hạc không chỉ quen biết nhau mà còn cực kỳ thân thiết. Cho dù vì lý do gì cũng không thể để người này chờ lâu, Thiên nghe Khoai truyền lời xong lập tức đi tìm Hạc.
“Anh nói người đó xưng tên là Tùng?” – Hạc hỏi lại, lông mày hơi nhướn lên, đôi mắt trầm buồn mở to lộ ra sự ngạc nhiên.
“Đúng vậy, người đàn ông ấy nói rằng tên Tùng từ Phú Xuân đến đây thăm cậu.”
Thiên đáp, chàng để ý thấy nét mặt Hạc hơi thay đổi sau câu trả lời của chàng, có vẻ cậu đang quyết định điều gì đó. Rất nhanh Hạc lên tiếng.
“Anh mời anh Tùng đến nhà chính chờ ta, học xong ta sẽ qua đó ngay.” – Cậu dặn dò. – “Trà mời khách đổi sang trà Mạn Hảo đi.”
Giờ người ngạc nhiên ra mặt lại đổi thành Thiên, song chàng không hỏi nhiều, cậu sai bảo ra sao đều có cái lý của cậu. Chàng chỉ gật đầu đáp.
“Thưa, tôi đã rõ.”
“Được rồi, vậy nhờ anh.”
Hạc còn định nói thêm gì đó nhưng vừa lúc ấy có tiếng thầy Giáo thụ gọi cậu, buổi học không thể cắt ngang quá lâu Hạc lập tức quay lại gian phòng học, còn Thiên đi mời khách đến nhà chính ngồi chờ.
Theo phép tắc khách ghé thăm phủ đệ chủ nhà không thể không mời trà, nhưng mời trà gì ấy lại phụ thuộc vào thân phận của khách. Người địa vị không cao mời loại dân dã như chè tươi hoặc trà khô là được rồi. Còn trà mời người phú quý, bạn bè thân hữu sẽ được chủ nhân trong phủ đích thân lựa chọn nhằm thể hiện thành ý của chủ nhà hoặc để phù hợp với khẩu vị của khách đến chơi.
Hạc đã nói rõ mời Tùng trà Mạn Hảo chứng tỏ y không phải kiểu khách tầm thường dựa vào quen biết đến nhờ vả chuyện riêng, mà y là khách quý.
Thiên phỏng đoán như vậy cũng chính bởi thứ trà Mạn Hảo đang toả hương trước mặt.
Từng nghe Hạc kể thứ trà này xuất xứ từ tận vùng mạn ngược Hà Giang. Để làm ra trà Mạn Hảo người ta phải cất công trèo đèo lội suối tìm cây Shan Tuyết cổ thụ mọc ở những dãy núi treo leo quanh năm phủ sương, hái được búp non lẫn lá trà bánh tẻ rồi thì mang về đồ chín, đóng bánh, phơi khô rồi ủ cho đến khi bánh trà hết mùi ngái, có độ xốp như giấy bản mà vẫn lưu giữ được hương vị đặc trưng mới đem ra dùng (1). Một bánh trà Mạn Hảo vì lẽ ấy mà đắt níu lưỡi, đến chủ nhân trong phủ còn phải dùng dè sẻn, hoạ hoằn mới thấy đem ra mời khách, mà mỗi lần mời khách thì y như rằng những người đó thân phận không hề tầm thường.
“Cho ta hỏi Trúc đang ở đây phải không?” – Bỗng, Tùng lên tiếng hỏi Thiên.
Chàng ngạc nhiên ra mặt, thằng bé Khoai nói rằng y đến phủ thăm Hạc cơ mà sao y lại hỏi về Trúc? Song chàng còn chưa kịp nghĩ ngợi nhiều đã lại nghe Tùng giải thích.
“À phải rồi, Trúc chính là con gái út nhà thầy Tư nghiệp Quốc Tử Giám.” – Có thể vì sự kinh ngạc trên mặt Thiên khiến Tùng cho rằng chàng là phận tôi tớ chưa chắc đã biết tên huý nàng nên y mới nói thêm điều này.
“Bẩm cậu, đúng là cô hai hiện đang ở phủ.” – Thiên đáp, chàng ướm lời. – “Nếu cậu có việc gấp cần gặp cô hai tôi sẽ đi mời cô đến đây.”
Nghe vậy Tùng vội xua tay, y trả lời.
“Ta chỉ hỏi vậy thôi, cũng không có việc gì gấp không cần đi mời Trúc.”
Tuy Tùng nói như vậy nhưng nhìn sự bồn chồn thoáng qua trên mặt khi y nhìn ra cửa chính có thể đoán ra trong lời nói của y có chỗ không đúng sự thật.
Tỷ như y câu đầu tiên y hỏi Thiên lại không liên quan gì đến người y tới thăm mà lại là Trúc thì hẳn không đơn giản “chỉ hỏi vậy thôi”, trần đời này có kẻ nào lại rỗi hơi đến độ hỏi một người chẳng thân chẳng quen? Ngẫm lại Trúc ở Phú Xuân mà Tùng cũng vậy, chưa kể cha nàng còn làm quan lớn y có nghe danh là việc hiển nhiên hoặc có thể y biết Trúc qua Hạc thì sao.
Có điều vì lẽ gì mà Tùng lại hấp tấp hỏi thăm Trúc như vậy? Liệu có đúng chỉ vì thân phận con gái của thầy Tư nghiệp?
Khi Thiên thêm lượt nước thứ hai vào ấm cũng là lúc trước cửa nhà chính vang lên những tiếng bước chân gấp gáp.
“Anh Tùng!”
Vài tiếng thở dốc xem lẫn trong câu chào của Hạc, gò má cậu đỏ bừng, xem chừng sau khi tiễn thầy Giáo thụ về cậu đã vội vàng đội nắng chạy sang đây.
Hạc bước vào gian nhà, vái chào Tùng xong cậu lên tiếng.
“Vẫn chưa kịp chúc mừng anh nhận chức Giáo thụ em còn tính sang năm sẽ tạ lỗi đây.” – Nụ cười trên môi Hạc điểm thêm đôi chút tinh quái. – “Nhưng anh đã đến rồi thì phần tạ lỗi sang năm xem ra không cần thiết nữa nhỉ?”
Tùng cũng đứng dậy đáp lễ lại Hạc, y chẳng để bụng chuyện Hạc kịp chúc mừng hay không chỉ bật cười đáp.
“Được rồi, đem quà mừng ra đây rồi anh bỏ qua chuyện tạ lỗi cho cậu.”
Hạc ngồi xuống chiếc ghế chủ vị, đoạn chỉ vào chén trà trên bàn, cười đáp.
“Chẳng phải quà mừng đây rồi sao?”
Nghe vậy Tùng nhướn mày, miệng mấp máy toan nói gì đó nhưng cuối cùng y chỉ thở ngao ngán, nạt.
“Mời trà xong lại đi nói đó là quà chúc mừng, trần đời nào có ai tặng quà như cậu!”
Cuộc đối đáp này nói là đùa vui cũng phải, nói là khiếm nhã cũng chẳng sai. Muốn biết là đang đùa hay đang xỉa xói nhau thì phải xem hai người họ có thật sự vui không, hay là người này phải miễn cưỡng hùa theo người kia. Bởi lẽ đùa vui là khi cả hai cùng thấy vui vẻ thoải mái, chứ cái thứ đùa mà một vui một phật ý, ấy lại chẳng phải đùa.
Cơ mà trông hai người kia chẳng có vẻ gì là phải gượng ép bản thân phải hùa theo đối phương. Nụ cười có thể giả tạo nhưng ánh mắt lại chẳng biết nói dối, hoặc có thì hoạ chăng kẻ ấy diễn kịch quá giỏi.
“Để em xem anh Hạc tặng anh trà gì nào!”
Giọng nói dịu dàng theo bước chân của Trúc tiến vào nhà chính. Gương mặt nàng vốn thanh tú nay được thoa thêm lớp phấn mỏng, môi tô son tươi tắn kết hợp với bộ đồ màu lá trúc dịu mắt trông cứ như một làn gió thanh tân khiến người ta bất giác phải nhìn nhiều hơn một cái.
Trùng hợp làm sao ánh mắt Trúc và Tùng chợt giao nhau trong khoảnh khắc. Thiên mơ hồ cảm thấy chính trong cái chạm mắt ngắn ngủi ấy sắc mặt cả hai có gì đó hơi khác lạ, hoặc cũng có thể khoảng cách hơi xa khiến chàng nhìn lầm.
Trúc thản nhiên ngồi xuống chiếc ghế cạnh Tùng, ngay lập tức Thiên bước đến châm trà cho nàng.
“Màu trà này?” – Trúc nghi hoặc nhìn chén trà, đoạn cầm chén lên thử một ngụm nàng ngạc nhiên khẳng định. – “Là trà Mạn Hảo?”
“Khách quý thì đương nhiên phải mời trà ngon rồi.” – Hạc trả lời.
“Đã lâu rồi em mới lại được uống thứ trà này, nghe dân buôn trà nói không phải có tiền là mua được còn phải xem năm ấy có mẻ trà nào ủ chín tới hay không.” – Trúc mân mê chén trà trong tay, đoạn nàng nhìn sang Tùng. – “Thế này thì xem ra anh không thiệt thòi gì rồi!”
“Không thiệt không thiệt, anh còn được lời là đằng khác.” – Tùng trả lời, ánh mắt dừng lại trên gương mặt Trúc một hồi mới nhìn đi nơi khác.
Ba chén trà lặng lẽ toả hương mà chuyện trên bàn trà quanh đi quẩn lại quay về với chuyện trà.
“Em nhớ mang máng vùng đất sinh ra trà Mạn Hảo hình như từng bị tộc trưởng người Thái dâng cho nhà Thanh phải không?” – Giọng nói của Trúc là chất giọng đặc trưng của đất Phú Xuân, dịu dàng êm tai, cơ mà câu hỏi của nàng lại chẳng hề êm tai như thế.
Sắc mặt Tùng hơi đổi, đôi mày sắc bén cau lại, là sự phẫn nộ xem lẫn căm ghét.
“Ban đầu đất Hà Giang thuộc bộ Tân Hưng, một trong mười lăm bộ của nước Văn Lang. Về sau, Hà Giang nằm trong phạm vi thế lực của ba “Tộc tướng” xứ Thái. Đến thời Lê sơ đổi tên thành châu Vị Xuyên, sau đó quả thật đã xảy ra chuyện tộc trưởng người Thái dâng đất Vị Xuyên cho nhà Thanh. Mãi đến khi Chúa Trịnh Cương kiên quyết đòi nhà Thanh trả lại, một phần đất từ vùng mỏ Tụ Long đến sông Lô mới quay về nước ta.” (2)
Núi sông bị dâng cho nước khác ấy là chuyện chẳng ai cam lòng. Chẳng cam lòng bởi nỗi mất mảnh đất cắm dùi thì chỉ có nước ăn nhờ ở đậu hoặc lang bạt đầu đường xó chợ, chưa kể tứ dân đều có một cái không cam lòng riêng. Thương thì tiếc vì mất đi cái lợi của vùng đất ấy, Công thì lo làng nghề cha truyền con nối thất truyền, Nông lại lo mất mảnh đất cày thì lấy gì đổ vào miệng, còn kẻ Sĩ đau xót cho “cái hồn” của vùng đất ấy.
“Nếu năm ấy Chúa Trịnh Cương không đòi lại được vùng đất đó.” – Ngón tay trắng xanh lơ đãng miết nhẹ miệng chén khiến nước trà xao động, gương mặt hờ hững của Hạc phản bóng trong nước trà cũng vỡ thành năm bảy mảnh, lạnh lùng mà sắc bén. – “Thì đến cái nhỏ như danh trà Mạn Hảo này e cũng không giữ được.”
Thiên không biết chuyện dâng đất hay đòi lại đất mà ba người họ nói nhưng chàng hiểu vì sao Hạc nói như vậy.
Dù rằng ban đầu có là đất của ta nhưng nhập vào lãnh thổ kẻ khác thì nghiễm nhiên tất cả những gì sinh trên đất ấy cũng thành của kẻ đó. Rồi mai sau bãi bể nương dâu thời thế đổi thay thử hỏi liệu còn mấy ai nhớ được vùng đất ấy và cả “cái hồn” của nó vốn là của giang sơn nước ta chứ không phải của kẻ chiếm đất?
Núi sông lãnh thổ thiêng liêng bị xâm phạm là chuyện đau như cắt da thịt, song lại không phải chuyện có thể tuỳ ý bàn luận.
Trúc cùng Tùng đã nói sang chuyện chọn người làm quan từ Quốc Tử Giám cho đến việc sát hạch của bộ Lại. Những quãng giọng thoáng cao vút lên và tiếng cười nhỏ vui sướng hoàn toàn đối lập với phía Hạc. Cậu không tham gia vào cuộc nói chuyện ấy mà chỉ ngồi đó, lặng im nhìn Thiên châm thêm trà vào chén.
Cũng chính lúc này Thiên mới nhận ra ngón trỏ của Hạc dính một vệt mực nhỏ, hẳn là cậu vội sang đây đến mức không kịp đi rửa tay rồi.
Chàng đặt ấm trà xuống khay gỗ, khom lưng nói khẽ vào tai Hạc.
“Tay cậu dính mực để tôi lau cho cậu.”
Cho dù có là phận gia nhân thì đàn ông con trai cũng chẳng ai mang theo khăn tay trong người, Thiên cũng vậy. Chàng cau màu, chẳng còn cách nào khác chỉ đành kéo ống tay áo của bản thân lau vết mực trên tay Hạc.
Áo quần của tôi tớ đều làm từ loại vải thô, đám dân đen quanh năm cày cuốc vất vả da thịt chai sạn mặc thứ vải này đã quen chẳng thấy cộm người, nhưng ngón tay trắng xinh này quen bọc trong lụa thì khác. Vải áo thô ráp mà lau mạnh thì e tay cậu sẽ đỏ lên mất, nhưng vết mực đã khô lau nhẹ lại không sạch.
Thấy bàn tay Thiên hơi tăng thêm lực, lông mày cũng chau vào Hạc khuyên
“Không sạch thì thôi, lát về ta rửa sau.” – Ống tay áo của Thiên đã điểm thêm một vệt đen bắt mắt, Hạc hơi rụt tay. – “Coi chừng ố đấy!”
Bàn tay trắng xanh mới rụt lại một chút đã bị Thiên giữ lại, chàng chẳng nói chẳng rằng chỉ hơi cúi đầu nhìn ngón tay nằm gọn trong lòng bàn tay chàng, thấy đã sạch mực chàng mới dừng lại, nhỏ giọng đáp.
“Tay cậu sạch là được.” – Dù có cẩn thận đến đâu vải thô cọ lên da không tránh được để lại những vết ửng đỏ, Thiên vội hỏi. – “Đỏ lên mất rồi, cậu có bị đau không?”
Hạc rút tay ra khỏi bàn tay của Thiên, cậu nắm chặt tay giấu đi ngón tay đỏ ửng, lắc đầu trả lời.
“Ta không sao.”
Nghĩ lại ngày đầu tiên chàng vào phủ cũng na ná thế này, cũng cẩn trọng lau vết dơ giúp như chăm đứa trẻ da thịt non mềm. Cậu cười nhạt nhỏ giọng lẩm bẩm.
“Ta đâu phải trẻ con mà chút việc con con này cũng kêu đau?”
Sắc mặt và cả giọng nói của Hạc vẫn bình thản như vậy, nhưng không hiểu sao Thiên lại cảm thấy câu nói vừa rồi là sự tủi thân và cả tự giễu nhưng bị cậu che đi bằng sự hờ hững.
Thiên ghé sát bên tai Hạc nhỏ giọng trả lời.
“Tôi là người hầu của cậu, người hầu thì phải biết chủ nhân có đau có khó chịu không, nếu cái gì cũng không biết vậy tôi quá vô dụng rồi.”
Nghe vậy Hạc ngẩng đầu nhìn chàng, hai đôi mắt nhìn thẳng vào nhau. Một chân thành mà rạng rỡ như ánh nắng ngày hạ, một đôi mắt lặng như bầu trời ngày đông.
Hai người cứ lặng yên nhìn nhau như vậy đến khi Hạc cảm thấy đôi tai đang dần nóng lên dưới cái nhìn của đối phương. Cậu bất giác dời ánh nhìn sang phía Trúc, thấy nàng vẫn hăng say bàn luận chuyện ở Quốc Tử Giám với Tùng hoàn toàn không chú ý đến bên này mới lén thở phào.
“Không được nghĩ bản thân vô dụng, chuyện đâu phải lỗi của anh sao phải nhận phần sai về mình?” – Rồi cậu hắng giọng, ngập ngừng nói tiếp. – “Về sau có chuyện gì ta sẽ nói với anh, đừng có nghĩ lung tung nữa.”
“Vậy xin nghe theo lời cậu.”
Hạc nghe thấy câu trả lời của Thiên liền yên tâm chuyển sang trò chuyện việc nhận chức Giáo thụ với Tùng mà không biết ở phía sau Thiên vẫn luôn nhìn cậu – là ánh nhìn có phần nhẹ nhõm xen lẫn chút đắc ý.
– —
Chú thích:
(1), (2) tham khảo từ sách Văn minh trà Việt của tác giả Trịnh Quang Dũng.